Wednesday, May 8, 2024
spot_img
Home Blog Page 28

Hạt giống nảy mầm | Lễ Chúa Thăng Thiên

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Lc 24,46-53

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này có hai phần :

1. Những lời căn dặn cuối cùng của Đức Giêsu (cc 46-49) :

– Sự cần thiết của Thập giá : đã có chép từ lâu trong Sách Thánh rằng Đấng Cứu Thế phải qua chịu nạn rồi mới tới phục sinh.

– Môn đệ Chúa phải rao giảng và làm chứng về việc Ngài chết và sống lại.

– Đức Giêsu sẽ ban Thánh Linh cho môn đệ.

2. Đức Giêsu lên trời (cc 50-53) : Luca đã dùng cách viết của loài người để tạm diễn tả việc Đức Giêsu siêu thăng. Ngài siêu thăng không có nghĩa là Ngài rời bỏ một nơi (trái đất) để đến một nơi khác (trời), mà là : 

– Ngài thay đổi tình trạng : không còn ở tình trạng loài người hèn hạ nữa, mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa.

– Ngài cũng thay đổi cách hiện diện : từ nay Ngài không thường xuyên hiện diện giữa chúng ta bằng thân xác hữu hình của Ngài nữa, nhưng vẫn hiện diện một cách vô hình dù chúng ta không thấy.

B. … nảy mầm.

1. Cho đến phút cuối cùng lúc Đức Giêsu sắp về trời mà các môn đệ vẫn còn chưa hiểu câu chuyện đời Ngài. Bởi đó, trước khi ra đi, Ngài đã giải thích lần nữa một cách tóm tắt : đó là một cuộc đời thập giá. Nói cách khác, sở dĩ Ngài bỏ trời cao để xuống thế là để chịu chết trên thập giá ; và hôm nay Ngài trở về trời được cũng là nhờ Ngài đã hoàn thành sứ mạng thập giá.

Đời Chúa là kiểu mẫu cho đời con. Đau khổ của đời con là thập giá, nhưng vinh dự của đời con cũng chính là Thập giá.

2. Nhưng có lẽ lúc ở Bêtania hôm ấy, các môn đệ cũng vẫn chưa hiểu. Vì vậy Đức Giêsu bảo các ông trở về Giêrusalem, ở lại trong thành chờ đến khi Ngài gởi Chúa Thánh Thần đến với các ông. Đến khi đó, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông hiểu hết.

Lạy Chúa, con vẫn chưa hiểu mầu nhiệm đời Chúa, và vẫn chưa hiểu về những thập giá của đời con. Xin ban Thánh Thần cho con. 

3. Thánh Luca muốn chúng ta xác tín rằng ngày nay Đức Giêsu phục sinh đã thay đổi cách hiện diện nhưng vẫn luôn hiện diện. Nói cách khác, tuy chúng ta không nhìn thấy Ngài nhưng thực sự Ngài hằng ở bên cạnh chúng ta.

Nhiều khi chúng ta buồn rầu ảo não bởi vì nghĩ rằng Chúa đã vắng mặt, Chúa không còn ở bên cạnh mình nữa đang lúc mình gặp khó khăn, Chúa bỏ rơi mình rồi… ! 

Xin cho con xác tín điều Thánh Luca tha thiết nói với con trong bài Tin Mừng này, bởi vì có xác tín như thế thì con mới có thể lúc nào cũng “lòng đầy hoan hỉ” như các môn đệ xưa.

4. Người hấp hối than thở với cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Kitô đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)

5. Có lời Kinh Thánh chép “Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. (Lc 24,46)

Lapeaux là một chính trị gia và là nhân viên của Hội đồng Hành chánh quốc gia Pháp (1745-1799). Ông rất ghét đạo Công giáo nên đứng ra lập một đạo mới dựa vào triết lý và khoa học. Nhưng chẳng ai theo. Ông bực tức và đi hỏi một bạn đồng nghiệp : “Tại sao đạo của tôi vừa là công trình của triết lý và khoa học, vừa có những người rất giỏi truyền bá mà vẫn thất bại, trong khi Công giáo chỉ nhờ mấy anh chài lưới ít học mà lại thành công ?”. Người ấy trả lời : “Nếu anh muốn thiên hạ theo đạo của anh, hãy để người ta đóng đinh anh vào ngày thứ sáu, rồi sáng chúa nhật hãy cố sống lại xem”.

Lạy Chúa, Chúa đã sống lại để minh chứng đạo của Ngài là đạo thật. Xin cho con biết yêu mến đạo Chúa và hân hoan loan báo Tin Mừng Phục sinh cho mọi người. (Hosanna)

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 7 | Mùa Phục sinh | Năm C

SUY NIỆM LỜI CHÚA

TUẦN VII PHỤC SINH – NĂM C

CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN

LỜI CHÚA: Lc 24, 46-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”.

Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.  

SUY NIỆM:

Đức tin phải được minh chứng bằng những hành động cụ thể. Những hành động đó trước hết là việc sống đạo cho chính bản thân mình, sau nữa còn phải cho người khác thấy được động lực cho đời sống của tôi. Đó cũng chính là điều căn bản của Lời Chúa hôm nay: “Các con là nhân chứng những sự việc ấy”.

Sống bác ái là phương thế hiệu quả nhất để làm chứng về Đức Giêsu, vì Ngài đến thế gian này cũng chỉ vì tình yêu. Và thánh Gioan cũng đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Do đó, mọi nổ lực của Kitô hữu phải là mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn để yêu mến nhiều hơn, vì Ngài đã yêu và yêu đến cùng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết thực hiện lời Chúa dạy để trở thành chứng nhân choc ho Chúa bằng một đời sống bác ái yêu thương với mọi người và mọi việc.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Ga 16, 29-33

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

SUY NIỆM:

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng theo Chúa không phải là đi trên con đường nhung lụa, nhưng đi trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi trên con đường thập giá, thì những môn đệ của Ngài cũng phải vác thập giá mỗi ngày mà theo.

Điều đó giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình: Cứ tìm kiếm những sung sướng, những hưởng thụ cho bản thân; mỗi khi gặp vất vả một chút thì kêu than; mỗi khi gặp trái ngang trong đời thì bấn loạn lên…

Nếu chúng ta ý thức được con đường mình phải đi và đi trong Chúa thì chúng ta sẽ được bình an. Đôi khi chúng ta cũng vác thập giá, cũng chịu đựng những gian nan, những khó khăn, thử thách nhưng không được bình an, vì nơi thập giá đó không có Chúa Giêsu, trong gian nan thử thách đó không có tình yêu của Chúa. Những lúc đó, quả thật chúng ta đang tự sức mình vũng vẫy giữa đầm lầy, đang cố bơi giữa đại dương mênh mông, đang cô độc giữa dòng đời tấp nập.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được theo Chúa là phải vác thập giá mỗi ngày; nhất là cho con biết cần đến Chúa để luôn chạy đến với Chúa, vì nếu không có Chúa con không làm gì được.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 17, 1-11a

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

“Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

“Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”.

SUY NIỆM:

Đoạn Tin Mừng hôm nay là lời cầu nguyện cho chính Chúa và các môn đệ của Chúa.

Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tôn vinh Ngài. Tôn vinh Ngài có nghĩa là làm cho người ta biết về Ngài nhiều hơn. Biết về Chúa Giêsu đây không phải là nhằm vinh danh Ngài, nhưng như là một người “con yêu dấu” của Chúa Cha, một người đã thi hành ý Cha, đã hoàn thành những việc Chúa Cha giao phó. Để qua việc được Cha tôn vinh, Chúa Giêsu càng làm vinh danh Chúa Cha. Vì một khi người ta biết rõ về Chúa Giêsu, thì người ta sẽ càng biết rõ về Chúa Cha hơn: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga14,9).

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài điều gì? “Xin gìn giữ họ trong Danh Cha”(Ga17,11b). Danh của Chúa được người ta biết đến chính là tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì vậy Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho các môn đệ luôn nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và luôn biết sống tình yêu thương trong cuộc đời. Ngài cũng xin cho họ tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là cho các môn đệ tránh yêu theo kiểu cách của thế gian.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn chu toàn thánh ý của Chúa như Chúa Giêsu : tất cả mọi sự đều quy hướng về Cha. Và cũng xin cho con biết luôn nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi biến cố, để con thể hiện tình yêu đó trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 17, 11b-19

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

SUY NIỆM :

Điều mà Chúa quan tâm cho các môn đệ là cho họ được hiệp nhất với nhau và từ đó hiệp thông với Chúa. Hay nói một cách ngắn gọn hơn là cho họ biết sống tình yêu thương với Chúa, với anh chị em của mình: “Lạy Cha, xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga17,11b).

Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải là những con người của tình yêu. Tình yêu nơi gia đình, nơi lối xóm, nơi công sở, trong Giáo xứ… Để nhờ tình yêu đó các môn đệ của Chúa có thể hiệp nhất với những người mà họ gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

Vì vậy các môn đệ phải tránh mọi mối bất hòa chia rẽ xảy ra trong gia đình, trong khu xóm, nơi làm việc, ngoài xã hội và nhất là trong Giáo xứ. Không có điều gì phản chứng về Chúa cho bằng sự chia rẻ trong cộng đoàn, trong họ đạo. Tôi thuộc về phe cha này, tôi thuộc về phe cha kia; tôi trong hội đoàn này nên tôi không liên hệ gì đến hội đoàn kia mà tôi còn tìm cách cho hội đoàn kia tan rã… Đó là những cách thức nguy hiểm trong đời sống đạo của những môn đệ Chúa.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, từ lời Chúa hôm nay cho con nhìn lại cách sống của con. Chúa đã yêu thương và luôn thao thức cho cuộc sống của con, vậy mà con nhiều khi vô tình lãng quên hoặc có lúc cố tình quên lãng tình yêu đó để mất đi sự hiệp thông với nhau.Xin cho con biết yêu nhiều hơn.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Ga 17, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

SUY NIỆM :

Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo Hội, là tất cả những người nhờ nghe lời rao giảng của các Tông Đồ mà tin vào Ngài. Qua lời cầu nguyện này chúng ta thấy được Chúa luôn luôn ở bên cạnh Giáo Hội, và Giáo Hội muốn là dân của Chúa thì cũng phải đi theo con đường của Chúa.

Ở với Chúa, đi theo con đường của Chúa, cứ nghĩ đó chỉ là con đường thập giá, nhưng không chỉ có thế, mà ở với Chúa, theo con đường của Chúa còn có cả vinh quang nữa: “Để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga17,24).

Chính vì vậy điệp khúc đau khổ – vinh quang luôn vang lên trong lòng Giáo Hội. Bản thân Kitô hữu cũng có những lúc được thành công, thất bại.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con thấy đó là con đường mà Giáo Hội và chính bản thân con phải đi. Con đường đó không phải chỉ có thập giá, nhưng cũng có vinh quang để con nếm trải trước vinh quang trong Nước Chúa, để con không chán nản mà bỏ cuộc, để con không thất vọng mà buông xuôi. Trong mọi sự “Can đảm lên vì, vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga16,33).

THỨ SÁU:

LỜI CHÚA: Ga 21, 15-19

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

SUY NIỆM:

Khác hẳn với một Phêrô nông nỗi, bốc đồng, nóng tính… hôm nay ông như trầm hẵn xuống thể hiện một con người nội tâm sâu sắc, một con người vừa trãi qua một biến cố làm thay đổi lòng người.

Ba lần Chúa hỏi về lòng mến của ông dành cho Chúa, dường như Chúa muốn cho ông có dịp chuộc lại lỗi lầm vì ba lần chối Chúa. Mỗi lần cường độ của câu hỏi mạnh hơn thể hiện một sự dứt khoát: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga21,15).

Đó là một bài trắc nghiệm để Chúa có thể trao trách nhiệm cho Phêrô. Muốn lãnh trách nhiệm thì phải có lòng mến. Vì Chúa muốn Phêrô thay mặt Ngài để lãnh đạo dân Chúa nên lòng mến của ông càng phải mạnh mẽ, vững vàng và nhiều hơn ngừơi khác.

Hình dung ra sự ngượng ngùng của Phêrô khi ngồi đối diện với Thầy mình hôm nay, vì ông nhớ lại cách đây không lâu mình đã chối thầy mình. Ông mang mặc cảm của một con người phản bội. Và có lẽ khi nghe Chúa hỏi “Simon, con có yêu mến Thầy không” (Ga21,15) thì thế nào cũng có những anh em xầm xì với nhau về quá khứ của Phêrô.

Cho đến khi cảm xúc bùng vỡ, Phêrô nhìn Chúa một cách chân thành, tha thiết, và hình như có giọt lệ chực trào trong khóe mắt. Ông gật đầu và thốt lên trong sự nghẹn ngào, lời nói đứt quãng đối lập với những lời chối Chúa mạnh mẽ: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga21,20).

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết dù có những lúc phản bội, nhưng con vẫn một lòng yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ và dìu dắt con đi trong yêu thương của Ngài.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 21, 20-25

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

SUY NIỆM:

Từ đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta những cảm nghiệm sau đây:

1/ Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa và đáp trả lại tình yêu thương đó bằng những hành động cụ thể. 

2/ Chính cách sống yêu thương của chúng ta sẽ là lời làm chứng về Chúa một cách đắc lực nhất. chúng ta không cần rao giảng những mầu nhiệm cao siêu về Chúa, nhưng chỉ cần minh chứng về một Thiên Chúa yêu thương qua cuộc sống của mình.

3/ Những cảm nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương không thể giữ lại cho riêng cõi lòng chúng ta, mà còn phải được san sẻ cho nhiều người bằng nhiều cách, tùy theo khả năng mọi người.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sống tình yêu đó một cách cụ thể trong cuộc sống của con.

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 13: Abraham và ba vị khách

Bài học này gồm hai câu chuyện: (St 18,1-33)

Câu chuyện 1: Thiên Chúa hiện ra với Abraham tại Mamrê: Một ngày nọ, có ba vị khách đặc biệt đến thăm gia đình Abraham và ông tiếp đón trọng hậu theo luật hiếu khách. Đáp lại sự chân tình của Abraham, sứ thần tiên báo rằng bà Xara sẽ sinh con trai: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó, bà Xara vợ ông sẽ có một con trai”.

Câu chuyện 2: Abraham cầu xin cho thành Xôđôma: Thiên Chúa cho Abraham biết rằng Người sẽ tiêu diệt thành Xôđôma và Gomôra vị tội lỗi của chúng qúa nặng nề. Abraham đã cầu xin cho Xôđôma; vì thành này, ông chẳng những van xin mà ông còn mặc cả với Thiên Chúa nữa.

Bước 1: Làm dấu Thánh giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa, trong bài học hôm nay,
Abraham mặc cả với Chúa để cầu xin cho thành Xôđôma.
Nhưng ông để Thiên Chúa quyết định.

Xin cho chúng con biết rằng
lời cầu thay nguyện giúp rất đẹp lòng Thiên Chúa,
nhất là cầu nguyện cho những người tội lỗi.
Và xin mở rộng con tim của chúng con,
để chúng con luôn nhớ đến bao người đau khổ bất hạnh trong lời cầu nguyện của mình.

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 13

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 6 | Mùa Phục sinh | Năm C

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI PHỤC SINH – C

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 14, 23-29

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu là ánh sáng dẫn đường cho các môn đệ và những ai tin vào Ngài để tìm về quê hương thật là Nước Trời. Ánh sáng đó được cụ thể qua Lời của Ngài: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy”.

Vì thế đời sống Kitô hữu là nổ lực hằng ngày để “nghe” được tiếng Chúa, và hơn thế nữa là để giữ lời của Chúa.

Chúa nói với con người cụ thể qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo hội, qua các biến cố của  cuộc sống và nhất là qua tiếng lương tâm ngay chính.

Do đó bận tâm của Kitô hữu là tiếp xúc với Lời Chúa, với lời của hội thánh, với cái nhìn linh thánh trong các biến cố, các sự kiện xảy ra hằng ngày.

Khi chúng ta chuyên chăm giữ lời Chúa bằng những cách thế kể trên thì chúng ta sẽ không bị xao xuyến, sợ hãi bởi những sự dữ xảy ra với mình, vì chắc chắn những ai thao thức để giữ lời Chúa thì họ sẽ được bình an.

CẦU NGUYỆN:

“Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi”.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Ga 15, 26 _ 16, 4

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.    

SUY NIỆM:

Muốn làm chứng cho Đức Kitô, các môn đệ của Ngài phải có 3 yếu tố sau đây: Trước hết, họ phải là những người “Ở với Đức Kitô”. Kế đến, người ta đòi hỏi người làm chứng phải có niềm tin. Sau cùng, lời chứng đó phải được bày tỏ ra.

Làm chứng cho Chúa Giêsu là đặc ân và bổn phận của mỗi Kitô hữu. Tuy nhiên để có thể trở thành chứng nhân, chúng ta phải có kinh nghiệm về Chúa, nghĩa là phải “ở với Chúa”. Vì vậy Kitô hữu phải có những giây phút cầu nguyện riêng tư với Chúa; phải biết đọc, học hỏi và suy niệm lời Chúa; phải có sự hiệp thông với Chúa trong bí tích Thánh Thể… Có biết Chúa, có gặp Chúa, có ở với Chúa chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa.

Kế đến, sự hiệp thông của chúng ta với Chúa phải xuất phát từ niềm tin. Vì nếu không có sự tin tưởng vào Chúa thì việc gặp gỡ của chúng ta với Chúa chỉ đơn giản là xã giao bình thường, hoặc nhiều khi còn là cuộc đối đầu với kẻ thù.

Sau cùng, chúng ta phải nói lên, phải thể hiện ra bên ngoài hạnh phúc được biết Chúa, được sống trong Giáo hội Chúa, được làm con Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, sứ mạng của chúng con là làm chứng nhân cho Chúa. Khi chúng con làm chứng cho Chúa, chúng con được làm việc cùng với Chúa Thánh Thần, vì Chúa thánh Thần cũng sẽ làm cho nhiều người biết Chúa. Xin cho chúng con ý thức sứ mạng cao cả, thần thiêng của mình để chúng con tìm nhiều thời gian hơn gặp gỡ Chúa; tin tưởng vào ơn cứu độ Chúa ban; và mạnh dạn thông truyền niềm vui đó cho mọi người xung quanh. 

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 16, 5b-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.

SUY NIỆM:

Đấng Bảo Trợ chính là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Ở đây Gioan dùng từ Elegchein để chỉ hoạt động của Ngài. Động từ Elegchein được dùng trong pháp luật để chỉ công việc thẩm vấn một nhân chứng, một bị cáo hay một người đối lập trong tranh luận.

Nó có nghĩa là một cuộc điều tra, cật vấn cho đến khi người đó chấp nhận điều mà họ cố tình chối bỏ, hoặc trốn tránh từ trước tới giờ, hay một sự thật mà họ chưa được biết. Trong việc thẩm vấn này, nó buộc một người nhìn nhận tội lỗi cũng như nhược điểm của mình, đồng thời nhìn nhận những điều tốt nơi người khác. Nói ngắn gọn lại, Chúa Thánh Thần sẽ “Elegchein”, tức là trách cứ và thuyết phục con người.

Nói tóm lại,với hành động “Elegchein”, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta không thể yên vì những tội của mình. Nhưng Ngài cũng sẽ tác động để chúng ta biết đón nhận những điều tốt mà Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, khi trong lương tâm con áy náy về một điều gì đó, xin cho con biết dừng lại ngay để suy xét vì đó là sự “trách cứ” của Chúa Thánh Thần. Khi con cảm thấy chán chường với những thú vui tội lỗi, khi con nhận ra tội lỗi của con làm Chúa phải đau đớn trên thập giá, xin cho con biết quay về với Chúa, vì đó là sự “Thuyết phục” của Chúa Thánh Thần về sự công chính. Và khi con biết chắc mình sẽ bị phán xét về tất cả hành động của mình, xin cho con biết sống tốt hơn, vì đó là sự soi sáng của Chúa Thánh Thần về sự phán xét. Xin cho con biết sống theo tác động của Chúa Thánh Thần.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.   

SUY NIỆM:

Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần là “Thần Chân Lý”, nghĩa là Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự nhận biết Thiên Chúa ngày càng rõ ràng hơn.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời, tại sao Ngài không nói hết với con người? Muốn truyền đạt điều gì, người thầy phải khởi đi từ những điều căn bản, nhưng phải dễ hiểu. Và cũng tùy thuộc vào mỗi học trò, có người tiếp thu nhanh, có người chậm; có người nói bóng gió là hiểu liền, nhưng có người phải rõ ràng; có người nói chung thì hiểu tất cả, nhưng có người phải nói riêng từng điều một…

Sự mặc khải của Thiên Chúa trong mỗi cuộc đời chúng ta cũng theo định luật tiệm tiến như vậy. Sẽ có người cảm thấy mình chưa biết Chúa nhiều lắm, nhưng có người cảm thấy Chúa luôn luôn ở bên mình. Sẽ có người đủ sức mạnh để vượt qua những cám dỗ, những thử thách vì họ thấy Chúa đang ở phía trước, nhưng sẽ có người dễ dàng sa chước cám dỗ vì họ chưa nhìn ra phía trước là gì…

Điều quan trọng là chúng ta hãy luôn luôn đặt mình dưới ngọn gió của Thánh Thần, để Ngài “muốn thổi đâu thì thổi”. Chúng ta luôn tin tưởng, vững tâm bước đi trên con đường của Thánh Thần. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ bẻ cho thẳng lại đường cong của cuộc đời chúng ta, “Ngài có thể vẽ đường thẳng trên nhưng đường cong”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, sức lực và khả năng của con có hạn, nhưng Chúa vẫn yêu thương và ban ơn trợ giúp tùy theo sự đón nhận của con. Chúa sẽ từ từ đưa con vào con đường tình yêu, con đường kết hiệp với Chúa. Xin cho con đừng bao giờ cứng đầu, cứng cổ, khép mình lại, nhưng xin cho con dù như thế nào cũng biết mở lòng để Chúa Thánh Thần tác động và dẫn con đến gần Chúa hơn.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Ga 16, 16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: ‘Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’, và ‘Vì Thầy về cùng Cha’, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” 

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.     

SUY NIỆM:

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về khoảng thời gian giao thời giữa hiện tại và tương lai mà Ngài gọi là “ít lâu nữa”. Người Do Thái quan niệm thời hiện tại là thời xấu xa. Còn thời tương lai là thời tốt đẹp, thời của Chúa. Nhưng để bước vào thời tương lai đó người ta phải trải qua “ngày của Chúa”, là một ngày thật khủng khiếp, tất cả mọi sự sẽ sụp đổ để thay thế bằng một thế giới mới.

Quan niệm đó được diễn tả bằng hình ảnh người mẹ phải trải qua cơn đau đớn khủng khiếp để sinh ra đứa con. Khi đứa con ra đời là niềm hạnh phúc cho người mẹ, khiến bà không còn nhớ gì đến cơn đau mình vừa trải qua.

Chúa Giêsu đã phác họa bức tranh của đời sống đức tin cho các môn đệ. Trước hết Ngài cảnh báo họ: “Anh em sẽ than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Nghĩa là người môn đệ Chúa sẽ phải gặp gian nan thử thách, nhưng họ đừng để mình gục ngã. Đó chỉ là “ngày khủng khiếp”, là “cơn đau đẻ” của người mẹ trước khi họ bước vào hạnh phúc viên mãn, trước khi họ có được niềm vui từ đứa con mới sinh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, có những lúc con buồn rầu, thất vọng, muốn bỏ cuộc, muốn sống một cuộc sống như lục bình trôi… Bây giờ con khám phá ra, những lúc đó con tưởng rằng mình đơn độc một mình; những lúc đó mình chỉ nhìn thấy hiện tại mà không nhìn thấy tương lai. Xin cho con biết rằng Chúa đã ở bên con, đang ở bên con để cùng đồng hành với con, dẫn con về nơi mà con sẽ mãi mãi ở bên Chúa. Chúa là nguồn vui, là động lực để con bước đi.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Ga 16, 20-23a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.   

SUY NIỆM:

Trước hết sự vui mừng của người môn đệ Chúa Giêsu sẽ không ai lấy mất được. Bởi vì niềm vui này không lệ thuộc vào niềm vui của thế gian. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả trong những lúc đau khổ, người ta vẫn có được niềm vui và hạnh phúc. Trong bối cảnh đất nước chúng ta, những người lớn tuổi đều có chung một kinh nghiệm: “Thời buổi khó khăn vậy mà vui hơn bây giờ. Đó là một giai đoạn sống vô cùng hạnh phúc”. Bởi vì đơn giản niềm vui của người Kitô hữu không lệ thuộc vào những thứ hời hợt ở bên ngoài, mà niềm vui của người Kitô hữu lệ thuộc vào biến cố Chúa đã Phục Sinh. Đâu ai có thể làm cho Chúa chết nữa, vì vậy niềm vui của chúng ta sẽ là vĩnh viễn.

Kế đến, niềm vui của chúng ta là một niềm vui trọn vẹn. Trong tất cả mọi niềm vui, hạnh phúc ở trần gian này luôn có một cái gì đó khiến nó không trọn vẹn. Ở bên cạnh người yêu chúng ta hạnh phúc, nhưng sợ sẽ mất người yêu. Giàu có làm cho chúng ta vui, hạnh phúc, nhưng luôn sợ găp thất bại trong làm ăn, sợ mất tiền… Còn niềm vui của người Kitô hữu là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, là được sống với Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm niềm vui đích thực là niềm vui ơn cứu độ mà Chúa đã đổ máu ra để chuộc lấy cho chúng con. Xin cho con luôn ở bên Chúa để niềm vui của con sẽ không bị ai lấy mất.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 16, 23b-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Đã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em, nhân danh Thầy” (Ga 16, 23b). Đây là kết quả tất yếu trong mối liên hệ cha con giữa Thiên Chúa và con người. Khi con người đã thật sự biết Chúa là Cha yêu thương, họ sẽ đến với Ngài trong tất cả mọi cảnh huống của cuộc đời, họ sẽ trình bày với Ngài bất cứ điều gì. Tại sao vậy? Vì họ biết Cha luôn yêu thương mình. Cũng như đứa bé biết cha nó rất vui khi gặp nó, nên nó sẽ đến nói đủ thứ chuyện với cha, nhiều khi chỉ là những chuyện đâu đâu, vì điều chính yếu không phải là nội dung câu chuyện, mà là được ở bên cha nó, được nói cho cha nó nghe.

Chúa Giêsu muốn chúng ta có mối liên hệ với Chúa Cha như vậy, có thể nói với Ngài bất cứ chuyện gì. Nhiều khi chúng ta phân vân không biết Cha có cho mình điều này không? Cứ trình bày, cứ nói. Giả dụ Ngài nói không là vì Ngài có tình yêu và hiểu biết hơn chúng ta. Chúng ta nói với Chúa tất cả, nhưng sau cùng vẫn luôn luôn là: “Một theo ý Cha”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con lòng khao khát có Chúa bên cạnh mình, để tìm mọi dịp, mọi cách, mọi cơ hội được gần gũi với Chúa. Gần Chúa đơn giản chỉ để con hạnh phúc, và lúc đó chắc chắn Chúa cũng rất vui.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 6 |Mùa Phục sinh

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

Ga 14,23-29

A. Hạt giống…

Có thể coi đoạn Tin Mừng này là một bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi : Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc tới cả 3 ngôi Thiên Chúa : “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ…. Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Như thế, giáo lý cơ bản về Ba Ngôi là :

– Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người. 

– Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền.

– Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con.

Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi :

– Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy.

– Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó.

– Kết quả : Ba Ngôi sẽ “yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.

B. … nảy mầm.

1. Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều tận tình yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.

2. Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì như thế ta tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, ta được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta.

3. Hai cha con thỏa thuận : ông sẽ mua cho cậu một xe hơi nếu cậu cạo râu, cắt mái tóc dài và đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Xe mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu.

Khi ông đe dọa, cậu nói : “Con đang đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu”.

Ông bố nói : “Đúng, Ngài đã để râu và tóc, nhưng Ngài còn luôn thi hành ý Cha”. (Góp nhặt) 

4. Trong cuốn sách The living stone có một câu chuyện như sau : Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị Thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (“Mỗi ngày một tin vui”).

5. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Mỗi lần, bạn ấy xin ba mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo : “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tùy ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng thật hợp lý hợp tình : “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.

Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành Lời Chúa để luôn được hiệp thông với Người. (Epphata) 

6. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23)

Hôm chúng tôi chia tay, tôi đã khóc rất nhiều. Qua màn nước mắt, tôi thấy anh cũng vội lau những giọt lệ mà anh gọi là bụi khói. Anh vẫn cương quyết và bản lĩnh như ngày nào.

Anh nói : “Không phải ba mẹ không chấp nhận em, không phải anh không còn yêu em ; anh sẽ đợi, nếu…

“Nhưng điều kiện của anh khó quá. Tôi ngắt lời.

“Không !” Anh nghiêm giọng, “tại vì em không muốn hy sinh thôi…”

Vâng, tôi đã không muốn hy sinh, hy sinh tự do, sở thích, thú vui phù phiếm của tôi. Vâng, tôi đã không yêu anh như tôi tưởng !

Lạy Chúa, tình yêu đòi hỏi những biểu hiện đích thực của sự hy sinh, đôi khi chỉ cần giữ lời… Chúa ơi, xin giúp con yêu Ngài, yêu tha nhân, để được phục sinh trong tình yêu của Thiên Chúa. (Hosanna) 

7. “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. (Ga 14,27)

Cho tôi xin hai chữ “bình an”.

Với tôi và đa số người trẻ, bình an là : không bị ai làm phiền, muốn đi đâu và làm gì tùy ý, có tiền tiêu xài thỏa thích… Nhưng đó có phải là bình an đích thực không ?

Bình an mà Đức Giêsu đem lại là bình an trong tâm hồn. Bình an đó chỉ có được khi tôi chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là ích kỷ và phóng túng để vươn tới thiên đàng của công bằng và yêu thương.

Lạy Chúa, con muốn được tự do và bình an của Chúa (Hosanna). 

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 12: Lời hứa và giao ước của Thiên Chúa

Bài học này gồm có ba câu chuyện: (St 15,1-18,15)

Câu chuyện 1: Thiên Chúa lặp lại lời hứa và thiết lập giao ước với Abraham: Trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Abraham, Thiên Chúa lặp lại hai trong ba lời hứa mà Người đã hứa với ông. Thứ nhất là lời hứa về một dòng dõi đông đúc, thứ hai về đất đai làm cơ nghiệp. Sau đó, Người thiết lập giao ước với ông.

Câu chuyện 2: Ismael chào đời: Bà Xarai vợ ông Abraham đề nghị ông ăn ở với người hầu của bà là Haga, để có con nối dõi. Sau khi Haga mang thai, và sinh cho Abraham một người con trai. Ông đặt tên con trẻ là Ismael. Câu chuyện 3: Thiên Chúa lặp lại lời giao ước: Khi Ismael được 13 tuổi, lúc ấy Abraham được 99 tuổi và bà Xarai vẫn son sẻ. Thiên Chúa đã lập lại lời hứa rằng: dòng dõi ông sẽ đông đảo, và Thiên Chúa sẽ ban đất Canaan làm gia nghiệp. Sau đó Thiên Chúa đổi tên ông từ Abram thành Abraham; và vợ ông Xarai thành Xara. Người xác định rõ: dòng dõi của ông nối tiếp từ đứa con do Xarai sinh ra. Đó là Ixaác. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Thiên Chúa chỉ dẫn cho Abraham về việc cắt bì.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa, Abraham cũng là con người bình thường như mọi người, có vui buồn, lo sợ… Nhưng điều đặc biệt là ông luôn nhìn lên Chúa, luôn tin tưởng vào Chúa, nhất là tin vào lời Chúa hứa xem ra khó thực hiện nơi ông.

Xin cho chúng con cũng noi gương ông Abraham, hết lòng tin tưởng, cậy trông vào tình yêu và những lời Chúa hứa. Amen.

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 12

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 11: Abraham và Menkixêđê

Chương 14 sách Sáng thế kể lại rằng: sau khi chia tay, Lót đến cư ngụ tại thành Sôđôma. Vì cuộc viễn chinh của các vua, vua của Sôđôma thất trận; Lót bị bắt và bị cướp sạch tài sản. Abraham đem người đến cứu viện, đánh bại các vua và giải thoát Lót. Trở về Sôđôma, Abraham được vua Sôđôma và Menkixêđê vua thành Salem đón tiếp. Ngài vừa là vua vừa là tư tế. Menkixêđê chúc phúc cho Abraham; còn Abraham dâng một phần mười chiến lợi phẩm cho ngài.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Kinh Thánh

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
Ông Abraham đã không nhận quà từ vua Xôđôma
nhưng lại dâng lễ vật cho Menkixêđê, người của Chúa,
bởi vì ông nhận biết chiến thắng của ông đến từ Thiên Chúa.

Xin cho chúng con biết noi gương ông Abraham,
biết tránh xa mọi lợi lộc thấp hèn của trần gian
và luôn giành cho Chúa những điều tốt đẹp nhất. Amen.

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 11

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

[Bài viết] Ba lễ quan trọng của người Do Thái

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Người Do Thái có ba lễ quan trọng: lễ Vượt qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Trong ba dịp lễ này, họ thường hành hương về Giêrusalem.

  1. Lễ Vượt Qua (Pesah): Lễ này tưởng niệm lại biến Chúa tổ tiên người Do Thái đã được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ này thường được tổ chức vào mùa xuân. Vào dịp lễ này, các tín đồ thường hành hương về Đền Thánh Giêrusalem. Đức Giêsu đã bị giết vào khoảng thời gian tổ chức lễ Vượt Qua. Theo Tin mừng của Mátthêu, Máccô và Luca, Đức Giêsu bị giết chết vào đúng ngày lễ Vượt Qua. Còn Gioan nói rằng: Ngài chết vào ngày áp lễ Vượt Qua. Xét về mặt lịch sử, có lẽ những gì Gioan nói thuyết phục hơn vì khó có thể tin rằng trong chính ngày lễ mà người ta lại bắt Đức Giêsu và giết Ngài. Đức Giêsu đã chết vào khoảng năm 30 AD.
  2. Lễ Ngũ Tuần (Shavout): Lễ này được cử hành bảy tuần sau ngày lễ Vượt Qua. Đây là lễ của ngày thu hoạch đầu tiên. Người ta mang của đầu mùa lên dâng cho Thiên Chúa để cảm ơn Người đã ban cho họ có đất đai và có sản phẩm tiêu dùng. Lễ này thường được cử hành vào khoảng tháng 6. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa được Luca nói đến trong sách Công vụ Tông đồ đã xảy ra vào ngày này.
  3. Lễ Lều (Sukkot): Lễ này thường được cử hành vào mùa thu. Người ta tưởng nhớ lại khoảng thời gian sống trong sa mạc, trước khi vào Đất Hứa. Trong hành trình sa mạc, người Israel phải trú ngụ trong các lều tạm. Ban đêm, họ đốt lửa, quy tụ bên nhau. Giờ đây, họ cũng kỷ niệm lại những gì cha ông họ đã trải qua năm xưa bằng một lễ hội vui mừng ca hát bên đống lửa.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 5 |Mùa Phục sinh

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Ga 13,31-33a.34-35

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý :

1. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn Chúa Cha.

2. Trước lúc bước vào con đường thập giá, Đức Giêsu trối lại cho các môn đệ điều răn mới của Ngài : “Chúng con hãy yêu thương nhau… Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con có lòng yêu thương nhau”.

B. … nảy mầm.

1. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.

2. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau” : Yêu thương nhau là điều răn của Chúa. Chúng ta yêu thương nhau là tâm huyết của Chúa. Như thế, khi chúng ta không yêu thương nhau thì không phải là chúng ta chỉ lỗi phạm đến nhau mà là xúc phạm đến chính Chúa, xúc phạm đến điều quan trọng nhất trong Đạo Chúa.

3. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau” : Tại sao người ta không tin vào Giáo Hội ? Tại sao người ta không đánh giá cao cộng đoàn của chúng ta ? Đức Giêsu đã trả lời trước từ lâu rồi : tại vì chúng ta không yêu thương nhau.

4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông : 

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. 

Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo : “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích : “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài”. 

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế. 

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở  lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà giáng sinh”) 

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 5 | Mùa Phục sinh | Năm C

CHÚA NHẬT

Tin Mừng: Ga 13,31-33a.34-35

Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”.

SUY NIỆM:

Như người thầy truyền bí quyết cho học trò, Thầy Giêsu cũng trăn trở với tất cả nỗi lòng để truyền lại cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Tình yêu là căn cốt của đời sống đạo, vì đó chính là Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tin Chúa là biết yêu.

Mức độ tình yêu Thầy Giêsu truyền lại không phải là cảm xúc tự nhiên của con tim để chỉ yêu những người yêu mình hoặc yêu những người dễ yêu, nhưng là: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy là yêu tất cả, yêu đến cùng. Khó đấy! Nhưng đấy mới là tình yêu thực sự.

Tình yêu chính là phương thế để Loan báo Tin mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”. Vì vậy, Kitô không cần làm gì khác ngoài việc trau giồi và sống tình yêu thực sự trong cuộc đời của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, dù con có như thế nào Chúa cũng vẫn yêu con, thì xin cho con cũng bắt chước Chúa để yêu vô vị lợi, yêu hết mình, yêu như Thầy đã yêu.

THỨ HAI

TIN MỪNG: Ga 14, 21-26

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

SUY NIỆM

“Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Điều nhận thấy rõ ràng nhất nơi môn đệ của Đức Giêsu là biết sống theo lời của Ngài. Lời đó được cụ thể hóa trong cung cách sống tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và yêu thương phục vụ mọi người, vì tất cả những lời Thánh Kinh đều là mặc khải cho nhân loại về Thiên Chúa, và cách sống để được trở nên con Thiên Chúa.

Một đời sống không nao núng trước sự dữ, không lo âu sợ hãi trước hiểm nguy, không chồn chân lui bước trước nghịch cảnh… Điều đó là kết quả của một niềm tin: Đức Giêsu đã Phục Sinh.

Một đời sống quan tâm phục vụ mọi người trong tính cách và ơn ban mà Chúa đã dành riêng cho mỗi người để mưu cầu hạnh phúc cho người khác… là kết quả của việc được Thánh Thần thôi thúc để trở nên giống Đức Giêsu.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con đừng nói yêu mến Chúa trên môi miệng, nhưng xin cho con biết sống điều con tin, và dạy người khác điều con xác quyết.

THỨ BA

TIN MỪNG: Ga14, 27-31 a

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

SUY NIỆM

“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”

Bình an của Đấng Phục Sinh khác với bình an của thế gian. Thế gian tìm kiếm bình an là không gặp sóng gió, không gặp những bất trắc, cầu sao được vậy, muốn gì được nấy… Còn bình an của Đấng Phục Sinh phải trãi qua thập giá. Bình an đó là một niềm cậy trông vững vàng dù đang gặp bất cứ điều gì trong cuộc sống, với một niềm xác tín: Chúa đã phục sinh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến bình an của Chúa bằng những hoa quả của mầu nhiệm Phục sinh là các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Bí tích Thánh Thể, để con được bình an thực sự trong tâm hồn.

THỨ TƯ

TIN MỪNG: Ga15,1-8

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

SUY NIỆM

Chúa nói thật rõ ràng: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga15,5). Điều này cho con biết rằng cuộc đời con là của Chúa, là thuộc về Chúa. Cây có thể không có cành, nhưng cành không thể thiếu cây. Cây vẫn sống, vẫn sừng sững vươn lên khi bị người ta chặt hết cành, nhưng cành nào bị người ta chặt khỏi thân cây đều phải khô héo và chết đi.

Chúa còn nói: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi” (Ga15,2). Chúa muốn con chẳng những thuộc về Chúa, mà còn phải thể hiện những hoa quả cụ thể của việc thuộc về Chúa nữa.

Chẳng những gắn bó với thân cây, mà cành cây còn phải trổ sinh hoa trái. Con thuộc về Chúa, nhưng hương thơm đời sống đạo đức của con còn phải được tỏa lan nữa. Con được tình yêu Chúa nuôi dưỡng mà con chỉ hưởng thụ những gì con đang có chứ không biết để cho tình yêu đó thấm nhập vào mình và lan tỏa ra những người xung quanh.

Những gì con đang có, trách nhiệm của con là phải san sẻ với mọi người. Chúa cho con khả năng suy tư, hoa trái suy tư chính là sự chia sẻ. Chúa cho con được bình an trong Chúa, hoa trái của bình an là niềm vui, sự thanh thản, dễ chịu cho những người con gặp gỡ. Chúa cho con khả năng phục vụ, hoa trái của phục vụ là nâng đỡ người khác. Chúa cho con đầy đủ về vật chất, hoa trái của vật chất là biết cho đi…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, ngày hôm nay con sẽ ý thức hai điều đó. Thứ nhất: con thuộc về Chúa. Thứ hai: đời sống của con là hoa trái do việc sống với Chúa và cho mọi người.

THỨ NĂM

TIN MỪNG: Ga15,9-11

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay trước hết cho con biết một sự thật rằng: Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và con người: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga15,9) ; “Anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy” (Ga15,10).

Sự thật thứ hai là Thiên Chúa không phải là Đấng nói bằng miệng, mà là Đấng hành động cụ thể nơi Đức Kitô.

Và cuối cùng, muốn ở lại trong tình thương của Chúa như cành nho nối liền với thân nho, thì con phải giữ lời Đức Kitô.

Từ ba sự thật đó cho con những hành động cụ thể sau đây:

Trước hết tin nhận Đức Kitô bằng cách đi theo con đường Ngài chỉ vẽ.

Và thứ hai, thực ra đi theo con đường của Đức Kitô không phải là hành trình đơn độc vì chính Đức Kitô đã nêu gương trước điều đó và đang sống với con. Con sống với Đức Kitô giống như Đức Kitô sống với Chúa Cha. Con giữ lời Đức Kitô cũng giống như Đức Kitô giữ lời Chúa Cha.

Và cuối cùng để thể hiện niềm tin vào Đức Kitô, con phải giữ lời Ngài, khi giữ lời Ngài là biểu lộ tình yêu mến của con với Ngài. Đối với con, việc tin và yêu chỉ là một. Tin là yêu và yêu là tin.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì đã thể hiện tình yêu một cách cụ thể nơi Đức Kitô, để từ nay con không cảm thấy đơn độc trên đường đời, mà con có đức Kitô luôn đồng hành.Trong cuộc sống của con, con hứa sẽ giữ lời Đức Kitô đã dạy vì con tin tưởng nơi Ngài. Tuy nhiên lạy Chúa, xin thêm sức cho con vì có những lúc con không cảm nhận được tình yêu của Chúa. Vì thế con sẽ không nghe lời Ngài mà nghe theo những cám dỗ trần gian. Những lúc đó, không phải Chúa không yêu con, mà vì tình của con đã không nhắm đúng đối tượng. Xin giúp con luôn định hướng cuộc đời mình cho đúng đắn. Amen.

THỨ SÁU

TIN MỪNG: Ga15,12-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.

SUY NIỆM

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv118,105). Những lời của Chúa nói hôm nay còn đặc biệt hơn nữa, vì được nói trong bối cảnh của người ra đi. Vì vậy lời Chúa hôm nay được xem như một lời trăn trối, “lời người ra đi”. Lời trăn trối, lời của một người trước lúc ra đi thì hết sức chân thành, là cái gì tận đáy lòng họ muốn truyền đạt cho những người ở lại, là tâm huyết cả đời muốn để lại cho thế hệ mai sau. Lạy Chúa, con xin cúi đầu lắng nghe lời Chúa dạy.

Khởi đầu và kết thúc những lời trăn trối hôm nay, điều duy nhất Chúa muốn gửi đến các môn đệ là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga15,12); “Điều Thầy truyền dạy các con là hãy yêu thương nhau” (Ga15,17). Vì vậy “yêu thương nhau” là sứ điệp lời Chúa muốn gởi đến cho con hôm nay.

Yêu thương là điều rất quen thuộc với bản thân con. Quen thuộc vì con được nghe nhắc tới nhắc lui hoài. Quen thuộc vì con biết đây là điều căn bản trong đạo Chúa. Quen thuộc vì con vẫn thường xuyên dạy người khác điều đó… Nhưng thử hỏi, con đã sống giới răn yêu thương này như thế nào? Hơn nữa yêu thương đây là điều răn mới chứ không phải yêu thương theo luật cũ, theo lối tự nhiên, theo cảm tính của con người; yêu thương mà Chúa muốn dạy con là sự yêu thương Chúa đã làm gương trước: quan tâm đến người nghèo, người tội lỗi, người bệnh tật… những con người ít được quan tâm.  Hành động yêu thương đó được thể hiện cụ thể qua việc quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và nhất là cái chết thảm thương trên thập giá.

Lạy Chúa, nhìn lại việc yêu thương của con, thực sự con có yêu thương, nhưng chỉ là một thứ tình cảm vị kỷ, quy hướng về bản thân mình. Con yêu thương những người dễ mến, yêu thương những người đem đến lợi ích cho con, yêu thương những người cho con cảm giác an toàn… Còn đối với những người nghèo, những người tội lỗi, những người bệnh tật, những người bị bỏ rơi, loại trừ… thử hỏi tình yêu của con dành cho họ đến mức nào? Như vậy nói thẳng ra con chưa yêu Chúa vì con chưa làm theo những lời Chúa dạy. Chúa đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì  sẽ giữ lời Thầy” (Ga14,15).

CẦU NGUYỆN:

Lay Chúa, ngày hôm nay Chúa dạy con sống yêu thương, nhưng không phải yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, hay yêu thương theo cảm tính của con, nhưng yêu thương bằng những hành động cụ thể dành cho mọi người, nhất là những người nghèo, người tội lỗi và người bệnh tật, những người ít được người khác quan tâm. Nếu con không thể giúp đỡ họ điều gì, thì ít ra con cũng có cái nhìn tôn trọng họ vì sự tôn trọng cũng là hành động yêu thương.

THỨ BẢY

TIN MỪNG: Ga15,18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM

Bài Phúc Âm hôm nay cho con biết theo Chúa là con phải chấp nhận những khó khăn, những thử thách, những đau thương trong cuộc đời, hay nói cách khác là “vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa”. 

Thập giá mỗi ngày chính là cách sống đối nghịch lại với thế gian. Con hiểu thế gian là thế lực chống lại Thiên Chúa chứ không phải cuộc đời con đang sống. Cuộc đời là con đường để con đi về với Chúa. Thế gian là những tảng đá cản lối con đi, nhưng có khi là những bông hoa đẹp khiến con mãi mê ngắm nhìn mà quên đường về. Thế gian là gai nhọn khiến bàn chân con đau nhức mà không đủ sức bước đi, nhưng cũng có khi là thảm đỏ trãi lấp lối về, để con tưởng rằng thảm đỏ là thiên đàng tại thế. Thế gian là thung lũng khiến con hụt chân không còn bước đi, nhưng cũng có khi là mặc cảm tự ti khiến con khép mình lại. Thế gian là núi cao che khuất thiên đàng, nhưng cũng có khi là mặc cảm tự tôn khiến con tưởng rằng mình là tất cả…

CẦU NGUYỆN:

Xin cho con “lòng ái mộ những sự cao siêu trên trời”, để con tuy sống giữa thế gian này nhưng không thuộc về thế gian này. Muốn thế, con phải vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Thập giá là những đau khổ, những khó khăn, những thử thách trong cuộc đời, nhưng cũng có khi là những thứ làm cho con thích thú, làm cho con thoải mái, dễ chịu. Vì vậy con xin thêm cho con sự khôn ngoan, ơn mạnh mẽ để phân biệt những gì phù hợp với Chúa, và mạnh dạn chọn lựa thi hành điều Chúa muốn. Amen.