Saturday, April 27, 2024
spot_img
Home Blog Page 29

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 6: Cain và Aben

Chương 4 của sách Sáng thế là tường thuật Cain và Aben. Do hậu quả tội lỗi của Ađam và Evà, Cain đã giết Aben, em ruột của mình. Thiên Chúa đã thấy tất cả những gì Cain đã làm và những đau khổ Aben phải chịu. Câu chuyện này diễn tả tự lan tràn của tội lỗi cả chiều rộng lẫn chiều sâu; sự lây lan của tội lỗi trong thế gian và tầm mức của tội này càng nặng hề hơn.

Bước 1: Làm Dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
chúng con cám ơn Chúa,
vì qua câu chuyện của Cain,
chúng con rút ra được nhiều bài học cho mình.
Về viêc phải biết tỉnh thức trước cám dỗ
và trách nhiệm của mình với anh chị em đồng loại.

Xin cho chúng con luôn biết sống tiết độ và tỉnh thức
để có thể vượt qua mọi cạm bẫy của ác thần,
mà sống trong sữ dẫn dắt của Thánh Linh.
Và xin Chúa cũng cho chúng con luôn biết quan tâm
đến những khổ đau của anh chị em đồng loại,
để chúng con có thể san sẻ với họ những gánh nặng của cuộc đời. Amen.

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 6

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 5: Con người sa ngã

Chương 3 của sách Sáng thế là tường thuật Con người sa ngã. Khởi đầu từ việc con rắn cám dỗ người nữ và người nữ sa ngã; sau khi người nữ phạm tội, người nam cũng sa ngã. Hai người đã chịu sự phán xử của Thiên Chúa và chấp nhận hình phạt. Con người và vạn vật được tạo dựng tốt đẹp, nhưng họ đã đánh mất sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

Bước 1: Làm Dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
là con cháu của nguyên tổ Ađam và Evà,
chúng con thấy mình cũng dễ chiều theo những cám dỗ ngon ngọt của ma quỷ,
mà sống ngược lại với lời dạy của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống khiêm tốn, tiết độ và tỉnh thức,
để chúng con luôn mạnh mẽ vượt thắng mọi cơn cám dỗ
và giữ tấm lòng chung thủy sắt son với Ngài. Amen.

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 5

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

Hạt giống nảy mầm | Tuần 2 |Mùa Phục sinh

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Ga 20,19-31

A. Hạt giống…

Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau :

1. Chúa Giêsu nâng đức tin của các môn đệ lên một bậc : từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài” ; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài…) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29 : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”).

2. Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

B. … nảy mầm.

1. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau :

– Em có bằng lòng lấy anh không  ?

– Bằng lòng.

– Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp ”kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế  ?

– Vì em yêu anh !

Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. (Góp nhặt) 

2. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. (Góp nhặt) 

3. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

“Xoảng…!” Cái bình vỡ. “Hư quá ! Mẹ đã bảo rồi”. Không phải một lần nhưng nhiều lần xảy ra như thế. Mặc dù đã được mẹ báo trước, nhưng tôi vẫn cứ muốn thử xem sao.

Lớn lên, tôi hiểu biết nhiều hơn nhưng cũng đa nghi hơn. Cái gì hơi khác thường là tôi đòi phải có bằng chứng rõ ràng. Với một công thức mới chưa được chứng minh, tôi không tài nào nhớ được. Và đôi khi, trong những giây phút trao lòng, tôi cũng đã hỏi : “Không biết có Chúa thật không ?”.

Cuộc sống càng phát triển, dường như con người chỉ muốn tin vào những cái có thể cân, đo, đong, đếm được mà thôi. 

Nhưng thước đo nào đủ cho chiều cao thập tự. Cán cân nào đủ đo tình yêu của Người.

Lạy Chúa, xin cho con biết vững tin vào tình yêu cứu độ. (Epphata) 

4. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : Chúc anh em được bình an”. (Ga 20,19)

Vị bề trên bất chợt hỏi nhà truyền giáo : “Nếu dân vùng này chửi rủa, ném đá con, con nghĩ sao ?”. Ông thưa : “Con nghĩ họ tốt lành và thân thiện, vì họ không dùng vũ khí sắc bén để hại con”. Ngài lại hỏi tiếp : “Nếu họ giết con, con nghĩ sao ?” Nhà truyền giáo thưa : “Con vẫn nghĩ họ tốt lành, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hư nát này”.

Nhà truyền giáo rất thanh thản và bình an. Ông phó thác mọi sự cho Chúa như Đức Giêsu trên thập giá đã phó thác mọi sự cho Cha. Ông tin rằng tình yêu thì mạnh hơn thù hận, sự thật thì mạnh hơn gian dối. Và thập giá đối với ông là lời mời gọi “Can đảm lên, vì Ta đã thắng thế gian”.

Lạy Chúa, xin cho con bình an của Chúa. (Hosanna) 

5. “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái… Chúa Giêsu hiện ra nói với các ông “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. (Ga 20,19.21)

Con đã say mê tiếng gọi lên đường theo bước chân nhẹ nhàng thanh thoát của người mục tử có tấm lòng hiền lành và khiêm nhượng. Nhưng thú vui tràn khắp đường đời, những đam mê lại dâng lên trong lòng con. Thật mệt mỏi vì cứ phải trăn trở kiếm tìm. Thật phiêu lưu khi chọn ý Chúa… Đôi khi con bằng lòng với hạnh phúc của mình, thì lòng vẫn không yên, vẫn nghe thôi thúc tiếng gọi lên đường… “Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…”

Lạy Chúa, xin cho con trung tín với Chúa Thánh Thần trong con, để con mãi lên đường với Chúa. (Hosanna) 

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 2 | Mùa Phục sinh | Năm C

0

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II PHỤC SINH NĂM C

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM:

Hiệp hành là cùng đi với nhau trên một con đường, chia sẻ với nhau mọi hoàn cảnh của cuộc sống, hiệp thông với nhau trong cùng một ý hướng…

Lúc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần thứ nhất, không có sự hiện diện của Tôma. Có thể ông buồn nên muốn tìm đến nơi nào đó cho khuây khỏa, cũng có khi ông đang sắp xếp cho ý định rời xa nhóm 12 vì không còn động lực nào để tồn tại… Tôma đã không hiệp hành với nhóm 12.

Lần thứ hai hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ, có Tôma. Ông đã quay lại hiệp hành với anh em mình. Trong sự hiệp hành này ông được tự do bày tỏ ý kiến, và Chúa Giêsu cũng thoải mái để lắng nghe ông, đáp ứng những đòi hỏi của ông vì thấy nó cần thiết.

Sự hiệp hành là cùng đi với nhau dù có buồn chán, thất vọng, dù có những ý kiến trái chiều… nhưng quan trọng là biết lắng nghe nhau, ngồi lại với nhau để bàn bạc về mục đích chính yếu.

Chúa Giêsu Phục Sinh chính là lý tưởng cho sự hiệp hành của Giáo hội.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, những lúc cô đơn, thất vọng, chán chường… xin cho con đừng rời xa gia đình, Giáo hội, những người thân yêu… nhưng biết chia sẻ với nhau để cùng nhau tiến bước.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. 

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo. 

SUY NIỆM:

Tin mừng Phục Sinh là sự thúc bách lên đường để loan báo một giá trị quý giá, cao đẹp, vượt lên trên mọi giá trị trần gian này.

Chính vì thế, người sống theo Tin mừng không bao giờ quy hướng về mình để sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình… nhưng họ luôn luôn quan tâm, hướng về người khác, sống vì người khác theo gương của Đấng Phục Sinh : “Yêu đến cùng”.

Người môn đệ không mệt mỏi, chán nản trước những khó khăn của công cuộc loan báo Tin Mừng, vì họ đã từng sống những giờ phút khổ nạn cùng với Đức Kitô và sau đó họ đã cảm nếm được hạnh phúc cùng với Đấng Phục Sinh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết thực hiện sứ mạng mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó là “đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng”. Chúng con không thể đi khắp thế gian theo nghĩa đen, nhưng trong nghĩa bóng, chúng con có thể đi khắp thế gian bằng một tâm hồn rộng mở và luôn thao thức để mở rộng Nước Chúa.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 3, 7-15

“Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”. 

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

SUY NIỆM:

Không phải vì chiều theo sở thích hay giới hạn của con người mà Chúa Giêsu hạ thấp những giá trị Chân-Thiện-Mỹ, đổi lại Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, sống với con người, như con người để nâng con người đến những giá trị cao cả ở trên trời.

Vì lẽ đó, con người đừng để mình bị ràng buộc bởi những suy luận tự nhiên của trí khôn, hoặc đòi hỏi những hợp lý của khoa học… mà điều quan trọng nhất là tin vào quyền năng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, sức tự nhiên con không thể hiểu những mầu nhiệm cao siêu của Chúa, nhưng con luôn khao khát những giá trị cao cả chứ không phải những giá trị tầm thường. Vì thế xin Chúa ban thêm niềm tin cho con.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 3, 16-21

“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã nói lên mục đích của việc nhập thể, là để cứu chứ không để phạt. Ngài mặc khải cho ta biết sự thật về Thiên Chúa Cha “Thiên Chúa đã yêu thế gian”.

Tin vào Chúa Giêsu là biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và sẽ được Ngài cứu độ. Vì lẽ đó con người đừng chán nản, thất vọng, mặc cảm về những bất toàn của mình, vì biết rằng Thiên Chúa muốn cứu chứ không phải muốn phạt.

Trong niềm tin tưởng, hy vọng, con người sẽ cố vươn lên như sen giữa bùn. Niềm hy vọng đó càng được củng cố vì Chúa Giêsu đã sống lại.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết hướng về ánh sáng và bước đi theo ánh sáng để đẩy lùi những tối tăm, mê muội ra khỏi cuộc đời con; mà tối tăm, mê muội nguy hiểm nhất chính là không biết mình sẽ đi đâu, về đâu.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Ga 3, 31-36

“Đức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài”.

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.    

SUY NIỆM:

Gioan cho thấy mối tương quan giữa Cha với Con: “Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”, và ngược lại “Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời”, được trao ban từ Cha.

Mối tương quan này hệ tại ở lòng tin, vì có ai thấy Thiên Chúa là Đấng từ trên cao? Nhưng chúng ta có Đấng từ trên cao vâng lời Cha hạ cố xuống làm người, đó là Đức Giêsu Kitô.

Mặc dù không biết Chúa Cha, nhưng nhìn thấy những gì Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô thực hiện, chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ.

“Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu”. Đức Giêsu đã làm tất cả vì bạn hữu của mình, kể cả mạng sống của Ngài. Do đó tin vào Ngài là xác quyết đúng đắn nhất của con người.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, giữa những chọn lựa căn bản của cuộc sống, của niềm tin, của sự dấn thân, xin cho con luôn tự hào vì mình đã chọn bước đi trên con đường Giêsu.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu không bỏ rơi những kẻ tin tưởng, bước đi theo Ngài, đó là sự thật được thể hiện trong trang Tin mừng hôm nay.

Sự hấp dẫn của một con người mang tên Giêsu đã khiến cho hàng ngàn người sẵn sàng từ bỏ mọi sự để bước đi theo Ngài. Đó cũng là sự đánh đổi, vì khi bước đi theo Ngài, họ sẽ mất nhiều thứ và phải trả giá cho nhiều điều, mà điều thực tế nhất chính là miếng ăn, giá trị vật chất.

Tưởng rằng Thầy Giêsu chỉ lo giảng dạy những thứ cao siêu, nhưng không, Ngài còn quan tâm đến những chuyện rất nhỏ, cụ thể là ưu tư căn bản của con người: đói bụng. Đâu ai nói với Ngài, nhưng trái tim mục tử cho Ngài biết họ đang cần điều đó.

Ngài không chỉ quan tâm, nhưng còn dạy cho các môn đệ của Ngài cũng phải biết quan tâm đến người khác khi đặt câu hỏi cho họ: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”.

Từ thao thức đó, các môn đệ đã tìm kiếm khắp nơi, và cuối cùng có được một manh mối hết sức nhỏ bé: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.” Và từ khả năng nhỏ nhoi đó, Chúa Giêsu đã làm thành điều vĩ đại: cho hơn năm ngàn người ăn.

Sứ điệp được rút ra là cứ làm hết sức mình, phần còn lại Chúa sẽ lo.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết cầu nguyện để có được trái tim giống Chúa, luôn thao thức và quan tâm để lo lắng cho người khác. Xin cho con cũng đừng bận tâm quá mức về khả năng của mình, vì thực ra mọi sự là do Chúa, nhưng Chúa cần con cộng tác hết mình.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 6, 16-21

“Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển”.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới. 

SUY NIỆM:

Các môn đệ gặp khó khăn khi trời tối mà không có Chúa Giêsu. Lúc đó cuồng phong nổi lên làm cho thuyền của họ chao đảo, và họ sợ nguy cơ sẽ lật úp chiếc thuyền.

Chúa Giêsu đi trên mặt biển, dấu chỉ Ngài trấn áp sự dữ, nhờ vậy cuồng phong đã lặng im. Có Chúa Giêsu thì các môn đệ sẽ không còn hoảng sợ, vì thuyền đã cập bến.

Thời đời của mỗi chúng ta cũng sẽ có những lúc đi trong đêm tối khi không có Chúa Giêsu. Nguy hiểm, sợ hãi, lo âu… là chuyện đương nhiên.

Những ai biết để cho Chúa bước vào con thuyền cuộc đời mình, thì họ sẽ được bình an. Đó là điều chắc chắn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, “khi con hoang mang ngàn nỗi lo toan, xin cho con thêm tình mến yêu Ngài không hề phôi phai”, vì con biết chắc Chúa sẽ dẫn con đến bến bờ bình an.

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 4: Tường thuật thứ hai về tạo dựng

Trong Tường thuật tạo dựng thứ hai (St 2,4-25), tác giả sắp sếp trật tự ngược với tường thuật tạo dựng thứ nhất. Thiên Chúa dựng nên con người trước, và Người đặt con người vào trong vườn Êđen và trao cho con người trách nhiệm trông coi vườn này. Sau đó, Người dựng nên muôn vật rồi trao vào tay con người. Sau cùng, Người dựng nên người nữ là trợ tá tương xứng của người nam. Qua đó, độc giả hiểu hơn về Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, về vạn vật và con người, là tạo vật của Người.

Bước 1: Làm Dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
Vì yêu thương mà Chúa đã cho chúng con
từ bụi đất được trở thành người,
được mang hình ảnh của Chúa,
Nhờ đó, chúng con được cùng cộng tác với Chúa
trong việc phát triển công trình tạo dựng của Ngài.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết yêu quý thiên nhiên
và biết siêng năng làm việc
để góp phần làm cho thế giới Chúa dựng nên mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Câu hỏi ôn tập

Câu hỏi ôn tập | Sách Sáng thế | Bài 4

Hãy cùng nhau ôn lại bài học một chút bạn nhé!

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 3: Tường thuật thứ nhất về tạo dựng

Trong Tường thuật tạo dựng thứ nhất (St 1,1-2,3), Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật trong vòng 6 ngày, và con người được dựng nên sau cùng; ngày thứ Bảy, Người nghỉ ngơi. Tường thuật này được trình bày theo khuôn mẫu một bài giáo lý nhằm giúp người đọc dễ hiểu. Qua đó, độc giả hiểu hơn về Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, về vạn vật và con người, là tạo vật của Người.

Bước 1: Làm Dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
Chúa là Thiên Chúa toàn năng,
vì yêu thương
Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật
và đã dựng nên loài người chúng con giống hình ảnh của Ngài.
Chúng con xin hết lòng ngợi khen, tôn vinh, và cảm tạ Chúa.

Xin cho chúng con luôn sống xứng đáng với Chúa
vì chúng con mang hình ảnh Ngài.
Và cho chúng con biết biết góp phần cộng tác với Ngài
để gìn giữ và phát triển công trình Ngài đã tạo dựng
vì yêu thương chúng con. Amen.

[Bài viết] Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?

Sau khi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Người hiện ra không phải chỉ trong một ngày, nhưng trong nhiều ngày, trong quãng thời gian giữa cuộc Phục sinh và Thăng thiên của Người. Vậy Người đã hiện ra chính xác là bao nhiêu lần?

Xét về mặt câu chữ mà nói, chúng ta không được biết về tất cả những lần Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trong thời gian 40 ngày này. Thánh sử Gioan đã có lời giải thích cho việc, tại sao các trình thuật Tin mừng không phải là bản tường thuật lịch sử đầy đủ: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này” (Ga 20,30). Dầu vậy, các sách Tin mừng cũng ghi lại một số lần hiện ra. Đức Giêsu đã hiện ra 10 lần cả thảy với các môn đệ sau khi Người phục sinh.

(1) Với bà Maria Mácđala: Đức Giê-su gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,16-17).

(2) Với các bà khác (có lẽ là bà Maria Clêôpát, và bà Maria, thân mẫu ông Giacôbê và ông Gioan): Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,8-10).

(3) Với hai môn đệ trên đường Emmaus: Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,13-43).

(4) Với ông Phêrô (Lần đầu): “Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn” (Lc 24,34).

(5) Với các môn đệ (không có ông Tôma): Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36).

(6) Với các môn đệ (có mặt ông Tôma): Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,26-29)

(7) Với bảy môn đệ: Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau (Ga 21,1-2).

(8) Với năm ngàn môn đệ: Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ (1 Cr 15,6).

(9) Với ông Giacôbê và các tông đồ: Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ(1 Cr 15,7).

(10) Trước lúc Thăng Thiên: Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,50-53).

Philip Kosloski
Chuyển dịch: Nhóm Mai Khôi
https://aleteia.org

Hạt giống nảy mầm | Chúa Nhật Phục sinh

PHỤC SINH
(Lễ ban ngày)

Ga 20,1-9

A. Hạt giống…

Bằng cách viết rất súc tích với những ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong những chi tiết được chọn lựa rất kỹ, Thánh Gioan muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này : Maria Mađalêna, Phêrô và “người môn đệ kia” (tức tông đồ Gioan).

– Khi ấy là “sáng sớm khi trời còn tối” : họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng.

– “Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” : “địa chỉ” của Chúa Giêsu là một điều được Tin Mừng Gioan lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” (1,38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi “Thầy ở đâu ?” lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết “địa chỉ” của Ngài.

– Cả 3 nhân vật trong chuyện này đều “chạy” : Mađalêna chạy tìm Simon Phêrô, ông này cùng với Gioan “cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn”. Họ “chạy” để làm chi ? Để tìm đến “địa chỉ” Chúa Giêsu. Đây là cuộc hành trình của đức tin.

– Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Nhưng chỉ một mình “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên “đã thấy và đã tin”. Gioan đã tìm được “địa chỉ” của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ đến “địa chỉ” này (“Thầy về cùng Cha Thầy” : xem Ga 7,33-34; 8,21; 13,33) nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu : Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa. 

B. … nảy mầm.

1. Khi mọi sự quanh ta hầu như tối đen và chỉ có một tia sáng hy vọng còn le lói, thì ta làm gì : đứng đó mà than khóc, hay nhanh chân chạy tới nguồn ánh sáng ?

2. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối : nhiều người không có đức tin, không hy vọng, không yêu thương. Thế nhưng không hẳn tối đen hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của hy vọng và của yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới.

3. Đoạn Tin Mừng này đã được cải biến thành một vở tuồng do một nhóm học sinh công giáo trình diễn. Vở tuồng như sau : 

– Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác : “Chúa Giêsu đâu rồi ? Ai đã đem Chúa Giêsu đi đâu rồi ?”. Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “Tôi không có ! Tôi không biết !”. Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Ngài.

– Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng : “Đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giêsu đang ở với mẹ tôi ở nhà tôi đấy. Mỗi khi tôi giúp mẹ một tay thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giêsu hiện lên trong nụ cười của mẹ”.

– Từ một góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng : “Chúa Giêsu đang ở trong Nhà thờ đấy. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi được nghe Ngài nói trong Tin Mừng và được ấp ủ Ngài trong lòng lúc rước lễ”.

– Từ góc thứ ba, học sinh thứ ba tiếp lời : “Chúa Giêsu ở trong lớp học. Mỗi khi tôi giúp chỉ bài cho một bạn chưa hiểu là tôi gặp Ngài”.

– Phía dưới sân khấu, nhiều khán giả dần dần cũng bị cuốn hút, mỗi người chỉ ra địa chỉ của Chúa Giêsu phục sinh mà họ khám phá được…. (Trích báo Our Family, Lent 1997, Canada).

4. Trước vành móng ngựa, bị can đã tự thú tất cả tội lỗi của mình. Cuộc sống đã không cho phép anh dìm mình mãi trong tội lỗi nữa. Ôi, cũng không thể dửng dưng với cuộc sống còn đầy những ganh ghét và đố kỵ của mình. Chẳng lẽ khi cùng đường bí lối tôi mới dám đối diện với sự thật của chính mình, mới chỗi dậy mà về cùng Cha sao ?

Tôi như người ngủ mê cần chỗi dậy để được thấy vinh quang phục sinh của Người.

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa vinh quang Chúa trên chúng con. (Epphata) 

5. “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối…” (Ga 20,1)

Tôi rời nhà sau cùng, tay cầm bó hoa mới hái trong nhà xứ. Trời vẫn còn mờ tối. Bên kia đường, cạnh thúng bắp luộc đang bốc khói, cô bé đang bó gối chờ khách hàng đầu tiên.

– Này em. Chúa phục sinh gởi cho em cái này.

Tôi chìa bó hoa ra trước.

Ngạc nhiên giây lát, cô bé mỉm cười :

– Hoa đẹp quá, đổi lại anh trái bắp được không ?

Ấn bó hoa vào tay cô bé, tôi vội vã bước đi.

Trời bắt đầu rạng sáng, sáng lên trên khuôn mặt của cô bé, và sáng lên con đường tôi đi.

Lạy Chúa, xin ánh sáng của niềm vui phục sinh luôn tỏa sáng trên mọi khuôn mặt và trên đường chúng con đi. (Hosanna) 

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 2: Dẫn nhập sách Sáng thế

Dẫn nhập sách Sáng thế này trình bày cho chúng ta nguồn gốc tên gọi, bố cục và nội dung của sách Sáng thế. Cuốn sách này gồm 50 chương, được chia ra làm 4 phần: bắt đầu từ việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và nhân loại, đến câu chuyện ông Abraham, câu chuyện ông Ixaác và ông Giacóp, và sau cùng là câu chuyện thật cảm động về ông Giuse và các anh em bên Ai Cập.

Hạt giống nảy mầm | Tuần Thánh

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Lc 19,28-40

A. Hạt giống…

Trong đoạn này, Luca gói ghém 3 ý tưởng chính :

1. Đức Giêsu đích thân thu xếp cuộc vào thành Giêrusalem, Ngài căn dặn các môn đệ từng chi tiết nhỏ như đi vào làng, tìm gặp một con lừa đã cột sẵn ở một chỗ, cách trả lời với người chủ lừa v.v. Điều này chứng tỏ Ngài coi việc vào thành là quan trọng.

2. Quan trọng thế nào ? Vì qua cuộc vào thành lần này, Ngài sẽ tỏ cho mọi người biết Ngài là vua. Ý nghĩa này thể hiện qua các chi tiết đám rước long trọng (lưng lừa và con đường được lót áo, dân chúng tung hô, lời hoan hô “Chúc tụng Đức Vua”) v.v.

3. Thế nhưng một số người thuộc nhóm Pharisêu vẫn không công nhận vương quyền Ngài và còn đề nghị Ngài quở trách các môn đệ đã tung hô Ngài. Nhưng Đức Giêsu đáp “Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”, nghĩa là dù một số người không công nhận Ngài là vua thì thực chất Ngài cũng vẫn là vua.

B. … nảy mầm.

1. Theo Tin Mừng Luca, tất cả mọi việc làm của Đức Giêsu đều hướng về việc tiến vào Giêrusalem hôm nay. Vào thành này, Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Nhưng bởi vì đó là sứ mạng của Ngài nên Ngài không ngại và còn vui mừng khi việc này sắp được thực hiện. Ngài quan tâm đến nỗi đích thân thu xếp từng chi tiết nhỏ.

Ước gì chúng ta cũng không bao giờ quên sứ mạng của mình và làm mọi việc để cho sứ mạng ấy được hoàn thành, cho dù hoàn thành bằng cái giá là những đau thương khổ sở.

2. Đức Giêsu là vua, nhưng không giống những ông vua trần thế thích chiến tranh, ưa thống trị, mà là một vị vua khiêm tốn và hiền lành cỡi trên lưng một con lừa nhỏ.

Đức Giêsu là vua đang “cai trị” chúng ta, không bằng uy quyền và kỷ luật sắt, mà bằng tình thương. Lẽ ra chúng ta phải vì thế mà kính mến Ngài, nhưng chúng ta lại vì thế mà coi thường Ngài !

3. Bắt đầu Tuần Thánh, Giáo Hội trình bày Đức Giêsu là vua. Chúng ta phải luôn nhớ điều căn bản này khi theo dõi những diễn biến trong cuộc chịu nạn của Ngài : dù Ngài bị bắt, bị đánh đòn, bị nhục mạ và bị giết chết, Ngài vẫn là vua và mãi mãi là vua. Bởi vì một vị vua đích thực phải là người yêu thương chăm lo cho dân mình, cho dù phải hy sinh bất cứ điều gì.

4. Một ông vua nọ muốn nhìn thấy Chúa. Ông đe dọa tất cả các Linh mục và các nhà thông thái là nếu không chỉ cho ông thấy Chúa, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Trong lúc các vị suy nghĩ tìm cách, thì một người chăn cừu dẫn vua đến bãi cỏ, chỉ lên mặt trời và nói : “Hãy chăm chú nhìn”. Vua cố gắng cách cực khổ rồi gục đầu xuống và hét lên : “Ngươi muốn cho Ta mù phải không ?” 

– Tâu bệ hạ, mặt trời chỉ là một tạo vật của Chúa, một hình ảnh mờ nhạt của Người. Nếu ngài không thể nhìn vào mặt trời, làm sao ngài có thể nhìn vào Chúa. (Góp nhặt).