Tuesday, May 7, 2024
spot_img
Home Blog Page 24

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ|Bài 4: Những hoạt động tại Giêrusalem – Phần 2

Chương này được chia làm 2 phần

1. Phêrô chữa một người què (3,1-10): Anh què từ khi lọt lòng mẹ ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp của Đền Thờ đã được Phêrô chữa lành nhờ Danh Đức Giêsu Kitô. Phép lạ này không chỉ mang đến hiệu quả cho anh què mà còn làm nhiều người tin nhận Chúa.

2. Phêrô giảng cho dân chúng (3,11-26): Chứng kiến anh què được chữa lành, dân chúng rất đỗi kinh ngạc, tôn vinh Thiên Chúa và họ chạy đến với Phêrô và Gioan để xem tại hành lang Salômôn. Nhân cơ hội này, Phêrô giảng về Chúa Giêsu Kitô cho họ. Nội dung của bài giảng giống như bài giảng đầu tiên ngày lễ Ngũ Tuần.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 3: Những hoạt động tại Giêrusalem – Phần 1

Chương này được chia làm 3 phần:

1. Lễ Ngũ Tuần (2,1-13): Lễ Ngũ Tuần là một trong ba lễ lớn của người Do thái (lễ Lều, lễ Vượt Qua), được cử hành vào ngày thứ năm mươi sau lễ Vượt Qua. Đây là lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa ban Lề Luật và thiết lập Giao Ứớc với dân Israel tại núi Xinai. Chính trong lễ này, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ. Vì vậy, lễ Hiện Xuống là lễ Ngũ Tuần mới.

2. Bài giảng của Phêrô (2,14-41): Phêrô là người rao giảng nhưng với tư cách là người đứng đầu và là đại diện cho các Tông Đồ. Nội dung rao giảng của ông trở thành bài giáo lý căn bản của giáo lý Kitô giáo: Đức Giêsu là Đấng Kitô. Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Ai tin vào Người và chịu phép rửa thì được cứu độ. Sau bài giảng đó, 3000 người đã trở lại.

3. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên (2,42-47): Đây là một trong những bảng tóm lược sinh hoạt của Hội thánh sơ khai được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ. Cộng đoàn tín hữu thể hiện một cộng đoàn lý tưởng sống theo Tin mừng. Đó là một cộng đoàn phụng vụ, bác ái và truyền giáo.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 2: Những sự kiện trước Chúa Thánh Thần hiện xuống

Chương này được chia làm 3 phần:

1. Lời tựa (1,1-5): Giống như quyển Tin mừng thứ ba, Luca mở đầu sách Tông Đồ Công Vụ bằng một lời tựa theo cách viết của các nhà văn Hy lạp thời bấy giờ. Ông đề tặng sách cho Thêôphilô, một nhân vật có địa vị trong xã hội đã được biết về Tin mừng. Trong lời tựa này, Luca tóm lược lại nội dung quyển Tin mừng mà ông gọi là “quyển thứ nhất” để sau đó ông trình bày tiếp tục nội dung của “quyển thứ hai”, sách Tông Đồ Công Vụ.

2. Chúa Giêsu thăng thiên (1,6-14): Đây là một sự kiện quan trọng, kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu tại trần gian và bước vào vinh quang với Chúa Cha. Vì khi Chúa Giêsu ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.

3. Chọn Mátthia (1,15-26): Phêrô đề nghị chọn người thay thế Giuđa dựa theo hai tiêu chuẩn: người ấy đã từng ở với Chúa Giêsu và là chứng nhân sự phục sinh của Người. Hai người được đề cử là Giuse và Mátthia. Sau khi cầu nguyện và rút thăm, Mátthia đã trúng thăm. Ông được kể vào số 12 môn đệ của Đức Giêsu.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời Ngài đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ là làm chứng cho Ngài.

Xin cho chúng con biết can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Để mọi người được nhận biết và trở thành môn đệ của Ngài. Amen

Hạt giống nảy mầm | Tuần 19 | Mùa Thường niên

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Lc 12,32-48

A. Hạt giống…

Từ chìa khóa của đoạn Tin Mừng này là “Tỉnh thức”. Đức Giêsu dùng 2 dụ ngôn để minh họa bài học tỉnh thức :

1. Dụ ngôn người đầy tớ : Tỉnh thức như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở Do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc), và “thắp đèn cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy. 

– Tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói “để đợi chủ về”. Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến ; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người ; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.

2. Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48) : dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca hay dùng danh từ “quản lý” để chỉ những kẻ lãnh đạo (x.16,1.3.8). Người lãnh đạo được Thiên Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa Quang lâm. Khi đó người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống li bì) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chức vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung thành trong nhiệm vụ được giao. 

B. … nảy mầm.

1. 1Pr 1,13-16 : Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức : “đừng chiều theo những đam mê… sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.

2. “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài… Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. “Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

4. Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca : “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ”. 

5. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn cho sẵn”. (Lc 12,35)

Nghe ai đó quảng cáo “Nấm tróc ăn ngon lắm”, bạn tôi liền trổ tài đầu bếp. Trong ngày sinh nhật của nó, nó làm nấm rồi chế biến thức ăn rất ngon. Trước khi nhập tiệc, nó tuyên bố : sẽ đãi chúng tôi một món ăn lạ, nhưng hãy an tâm vì nó đã cho con chó ăn thử rồi. Tiệc sinh nhật sắp kết thúc, trong lúc mọi người đang vui vẻ, đứa em của bạn tôi chạy về vừa nói vừa thở : “Chị Duyên ơi, con chó nó chết rồi”. Không ai bảo ai, chúng tôi chạy tán loạn, ai cũng muốn đi bằng phương tiện nào đó đến bệnh viện nhanh nhất. Ngay lúc đó, người ta kéo xác con chó mới bị đụng xe về, mọi người thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát chết.

Tôi thầm nghĩ : Cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ hơn, lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.

Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp hơn. (Hosanna) 

6. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau : có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay. 

7. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói : “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên”. (Drinkwater)

8. “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (Lc 12,40)

Cơn mưa chiều 28-7 đã làm cho cây me cổ thụ trước nhà số 100A đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 tróc gốc ngã đè ba xe gắn máy. Em Hà Chí Thanh, 17 tuổi, học sinh, nhà ở số 444/20 đường Cách Mạng Tháng 8 quận 3, đi xe Kawasaki Neo Max chết ngay tại chỗ. Bảy người khác bị thương phải chở đi cấp cứu. Theo kỹ sư Phạm Thanh Sơn, phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh thành phố, cây me trên đã được tỉa cành, ngọn khống chế chiều cao và… đã có giấy phép đốn hạ vào ngày 29-7-96. Trước tình trạng cây cổ thụ ngã hàng loạt trong mùa mưa có gió mạnh này, ông Sơn cho biết công ty sẽ huy động toàn lực lượng nhanh chóng đốn hạ khoảng 80 cây cổ thụ đã có giấy phép xin đốn bỏ. Em Thanh đâu có ngờ, chiều hôm ấy mình là nạn nhân. Ông Sơn đâu có ngờ, cây đổ trước một ngày có giấy phép đốn hạ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có thể lên đường với Chúa, khi Người đi ngang qua đời con và cất tiếng gọi mời. (Hosanna) 

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 1: Dẫn nhập tổng quát

Bài học hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về sách Công vụ Tông đồ.
Nội dung chính gồm có các phần sau đây: 

-Thứ nhất: Về tác giả. 

-Thứ hai: Về độc giả và thời gian biên soạn. 

-Thứ ba: Về mục đích của quyển Công vụ Tông đồ. 

-Thứ tư: Tóm lượt những nội dung tổng quát của toàn bộ quyển Công vụ Tông đồ. 

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 18 | Mùa Thường niên | Năm C

0

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN – C

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Lc 12, 13-21

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.    

SUY NIỆM:

Sứ điệp lời Chúa hôm nay là chính lời dạy của Chúa Giêsu: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Làm việc để có của nuôi thân, để góp phần cho làm cho xã hội nên giàu đẹp là đang làm cho vinh quang Thiên Chúa được tỏa rạng.

Nhưng nếu mục đích sống của con người là để tích cóp, dự trữ thì sẽ dẫn đến nhiều sai lầm. Vì lo nghĩ đến việc tích cóp nên người ta sẽ làm bằng mọi cách để sở hữu, kể cả những sự sai trái. Vì lo nghĩ đến dự trữ cho bản thân nên người ta sẽ không quan tâm đến việc chia sẻ…

Và sai lầm lớn nhất mà con người ít nghĩ đến là họ không biết rằng Thiên Chúa làm chủ thời gian, nên sự sống của chúng ta sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào, nên việc dự trữ, tích cóp của chúng ta sẽ chẳng có ích lợi gì.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng tất cả những gì Chúa ban, hầu mưu ích cho bản thân chẳng những ở đời này, mà còn phải đạt được hạnh phúc ở đời sau nữa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mt 14, 13-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

SUY NIỆM

“Thiên Chúa là Tình Yêu”, vì vậy tự nơi Ngài là một sự quan tâm, lo lắng cho người khác để họ được “sống và sống dồi dào”. Thế nên khi đến với Chúa con người luôn tìm được sự an tâm vì biết rằng mình được yêu thương.

Sự quan tâm về vật chất là bước thấp nhất trong tình yêu, nhưng là khởi điểm cho hành trình phục vụ. Hanh phúc mà Chúa Giêsu mang đến không phải chỉ để thỏa mãn về nhu cầu vật chất, nhu cầu thân xác; nhưng hạnh phúc đó là được sống trong tình yêu của Ngài, chính tình yêu đó sẽ cho ta tất cả.

Khi đến với Chúa, con người không chỉ được hạnh phúc cho riêng mình, mà còn được mời gọi để kiếm tìm hạnh phúc cho người khác khi biết cộng tác với Chúa để san sẻ tình yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nơi Chúa có tất cả mọi sự. Vì vậy thay vì mệt nhọc tìm kiếm đủ điều trong cuộc sống, xin cho con biết chọn lựa ưu tiên tìm Chúa trong mọi sự, để trong mọi sự con nhận ra Chúa luôn yêu thương mình.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 14, 22-36

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!” 

Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.

SUY NIỆM:

Thầy Giêsu không muốn cho các môn đệ của mình sống trong vinh quang ảo, vinh quang xuất phát từ việc được “ăn bánh no nê”, nên sau phép lạ hóa bánh ra nhiều “lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.”

Chính Ngài cũng giữ mình khỏi những vinh quang ảo, nên sau phép lạ đó, Ngài đã “lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình”. Một mình để tâm hồn lắng đọng, để nhận rõ sứ mạng của mình là gì.

Ngay sau khi thấy dấu lạ bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu, Ngài để các môn đệ trãi qua thử thách, khi sóng gió cuộc đời nổi lên. Tuy nhiên, Ngài không để họ chìm trong sợ hãi, mà Ngài đã đến can thiệp, để một lần nữa họ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa.

Đời người Kitô hữu không phải lúc nào cũng gặp những chuyện thuận lợi, dễ chịu, nhưng cũng có lúc họ gặp sóng gió. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là họ có nhận ra Thiên Chúa luôn bên cạnh mình hay không.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm vinh quang ảo, nhưng biết tìm để thực thi ý Chúa trong cuộc đời. Vì dù có như thế nào đi chăng nữa, có Chúa là có tất cả.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

SUY NIỆM

Hình ảnh người đàn bà ngoại giáo, bà bị người Do Thái xếp vào hạng ô uế. “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon. Thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra” (Mt 15, 21-22). Matthêu viết rất rõ ràng, người đàn bà này ở “miền ấy đi ra”. Có nghĩa là bà ta đã mạnh dạn ra khỏi lãnh thổ dân ngoại để đến với Chúa.

Sau khi van xin Chúa đến cứu đứa con gái của mình bị quỷ ám, chẳng những Chúa không cho mà còn nói một điều như thể xúc phạm đến bà ta: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Tưởng đâu bà sẽ tự ái mà bỏ cuộc, nhưng bà vẫn kiên trì và viện vào tính bao quát của ơn cứu độ: “chó con cũng được ănnhững mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Chúa đã phải “đầu hàng” trước lòng tin mạnh mẽ của người đàn bà này. Nói như vậy không phải Chúa miễn cưỡng làm phép lạ cho con gái bà ta được khỏi bệnh, nhưng đó là một sự vui mừng, một sự bất ngờ vì có người đón nhận ơn cứu độ của Chúa một cách xứng đáng như vậy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào sẽ được như vậy” (Mt15,28).

Nhìn lại bản thân con, con cũng là “dân ngoại” được Chúa yêu thương ban ơn cứu độ. Nhưng đòi hỏi con phải biết “ra khỏi” bóng đêm tội lỗi, ra khỏi những sự bất chính của con người con mới có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người phụ nữ hôm nay đã mạnh dan ra khỏi ranh giới của mình để đón gặp Chúa, thì con cũng hãy biết bắt chước bà để “ra khỏi” con người cũ của con.

Bà là người ngoại giáo nhưng rất am hiểu Thánh Kinh, chính nhờ Thánh Kinh mà bà đã biết được chương trình cứu độ của Chúa. Con đã xem Thánh Kinh như kim chỉ nam cho cuộc đời của mình chưa? 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, chính lòng tin của người đàn bà xứ Canaan đã cứu con gái của bà. Lòng tin đó được soi sáng nhờ bà biết yêu mến Thánh Kinh.Xin cho con biết năng đọc, học hỏi, lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của mình, để nhờ đó, con biết sống theo thánh ý của Chúa luôn luôn. Amen.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mt 16, 13-23

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

SUY NIỆM

Những câu trả lời của các môn đệ về câu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?” là lập trường của quần chúng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14), là cách nói của tự nhiên. 

Chúa muốn các ông có cái nhìn siêu nhiên để nói về Ngài. Phêrô đã đại diện cho anh em mình để nói lên: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa cho Phêrô biết sở dĩ ông nói được điều đó là nhờ Thiên Chúa Cha.

Với lời Chúa ngày hôm nay chúng ta thấy được những điều tốt đẹp là do ân ban của Thiên Chúa, để chúng ta tránh thói kiêu ngạo, và nhất là để con người tỉnh táo đề phòng trước những âm mưu của ma quỷ. Điều quan trọng là chúng ta ý thức mình là môn đệ của Chúa, mình đi theo Chúa chứ không phải là thầy của Chúa, không phải bắt Chúa làm theo ý mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con biết lời tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa trong cuộc đời chúng con là một sự đánh đổi bằng chính đời sống theo Thần Khí của mình; và đó là con đường thập giá của Đức Kitô. Xin cho chúng con mạnh dạn để bước theo chân Chúa mỗi ngày.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 16, 24-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theoThầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.

SUY NIỆM

Chúa đã quyết liệt từ chối con đường Phêrô vạch ra cho Chúa, và khẳng định con đường mà Chúa và những ai muốn làm môn đệ Ngài phải theo là con đường thập giá.

Tiếp sau đó Chúa đưa ra sự lựa chọn giữa hai mạng sống mà mới đọc qua con không hiểu gì cả. Nào là “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy , thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25). Mạng sống Chúa muốn nói đến ở đây có hai nghĩa: tự nhiên, tạm thời; và siêu nhiên, vĩnh cửu. Những ai đi tìm mạng sống tự nhiên thì sẽ mất mạng sống siêu nhiên. Ngược lại, những ai liều mất mạng sống tự nhiên vì Chúa thì sẽ được mạng sống siêu nhiên.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy đường Chúa đi là con đường thập giá. Chúa là Thầy mà còn đi trên con đường thập giá, thì đương nhiên các môn đệ của Ngài cũng phải đi trên con đường đó. Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, là con đường duy nhất để theo Chúa. 

Thập giá ở đây Chúa nói rõ ràng: “thập giá mình mỗi ngày” chứ không phải thập giá người khác và một lần cho cả đời. Vì vậy, từng ngày sống phải là từng giây phút vác thập giá liên lỉ theo Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con xin hát lên bài ca “Từng Ngày Theo Chúa” của Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên như một lời cầu nguyện: “Từng ngày qua đời con vui dấn thân,  trong tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi, sống cho Ngài vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con. Có nhiều phen sức con đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả, để chẳng có gì còn lại ở trong con”. 

THỨ BẢY – CHÚA HIỂN DUNG

LỜI CHÚA: Lc 9, 28b-36

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện.Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

SUY NIỆM

Khi gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi. Thực sự ra biến đổi ở đây không phải giống như một phép màu hoặc ảo thuật, nhưng là tình trạng con người được lột trần, được ánh sáng Thiên Chúa phơi bày cho đến tận cốt cõi; và trong Thiên Chúa, con người ở tình trạng tốt đẹp nhất.

Cuộc sống con người vẫn còn nhiều tối tăm, mê muội. Lý do vì con người chưa dành “Một cõi riêng tư” cho Chúa. Họ cứ bị dòng đời cuốn trôi vào những nghiệt ngã, không biết bám víu vào ánh sáng lời Chúa nên cứ múa may quay cuồng. 

Chỉ khi biết bình tĩnh dừng lại dành “một cõi rất riêng tư” cho Giêsu thì con người sẽ thấy những suy nghĩ, lời nói và hành động của mình còn rất trần tục, cũng chỉ dừng lại ở một cái tôi ích kỷ… Khi thấy được những điều đó là rõ ràng con người đang được ánh sáng Chúa soi dọi vào tận cốt lõi, được quyền năng Chúa lột trần những xấu xa… Và họ đang biến hình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết dành một cõi riêng tư cho Chúa, ở đó Chúa với con, con với Chúa, để nhờ ơn Chúa con được lột trần tất cả hầu biến đổi theo sự Sáng của Đức Kitô.

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 32: Giuse đón gia đình sang Ai Cập

Phần 1

      Trước khi lên đường sang Ai Cập, Giacóp đến Bơe Seva để dâng lễ tế cho Thiên Chúa. Tại đây Thiên Chúa hứa với Giacóp những điều sau: (1) Người sẽ xuống Ai Cập với Giacóp; (2) gia đình Giacóp sẽ trở thành một dân lớn; (3) Người sẽ đưa ông trở về Canaan. Sau thị kiến đó, Giacóp cùng tất cả con cháu ông, mang của cải, gia súc, lên đường sang Ai cập.

     Khi Giacóp đến Ai Cập, Giuse đến Gôsen để gặp cha già. Cuộc gặp gỡ thật xúc động sau bao năm xa cách, đến độ Giacóp ôm chặt Giuse và nói: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống”.

     Gia đình Giacóp sống tại Gôsen, cách ly với người Ai cập, trước hết vì quốc tịch của họ, sau là vì nghề chăn chiên của họ. Nhưng Chúa bảo vệ họ trong vùng đất này cho đến khi họ trở thành một dân đông đảo và trở về Đất Hứa.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Phần 2

     Giuse báo tin cho vua Pharaô rằng gia đình của ông đã đến Ai cập, đồng thời ông chọn năm anh em đại diện đến diện kiến vua. Sau khi chào thăm, họ xin nhà vua cho được ở tại Gôsen vì họ làm nghề chăn nuôi gia súc, và Pharaô chấp thuận. Giuse cũng dẫn Giacóp đến gặp Pharaô. Nhà vua tỏ ra kính trọng ông và gọi ông là Cụ. Theo lệnh của nhà vua, gia đình Giacóp được chu cấp mọi thứ họ cần cho cuộc sống mới.

     Nạn đói lại tiếp tục hoành hành khắp Ai Cập và Canaan. Nhưng với chính sách điền địa của Giuse, dân chúng đã sống sót sau nạn đói.

     Giacóp sống ở Ai Cập được 17 năm, gia đình ông trở nên đông đảo và sở hữu nhiều đất đai. Trước khi lìa đời, Giacóp cho gọi Giuse đến để ông căn dặn. Ước nguyện của ông là được an táng cùng phần đất với tổ tiên; đó là cái hang trong cánh đồng Mácpêla. Giuse hứa sẽ thực hiện ước nguyện của Giacóp.

Phần 3

     Giai đoạn cuối đời của Giacóp và Giuse

     Trước khi qua đời,  Giacóp chúc phúc cho con cháu. Trước tiên, ông chúc phúc cho các con của Giuse. Giacóp nhận hai đứa con của Giuse là Mơnase và Épraim làm con mình, những đứa ra đời sau này sẽ thuộc về Giuse. Và hai đứa con của Giuse được Giacóp chúc lành.

Giacóp cũng chúc lành cho các con và dăn dò lần cuối. Những lời của ông vừa là lời tiên tri: “Hãy tập họp lại để cha báo cho các con điều sẽ xảy đến cho các con sau này”, vừa là lời chúc phúc cho các con: “Đó là điều mà cha họ đã nói với họ; ông chúc phúc cho mỗi người một lời chúc phúc riêng”. Sau khi trăng trối, Giacóp “tắt thở và được về sum họp với gia tiên”.

Phần Giuse, sau khi cha ông qua đời, các anh em lo sợ ông sẽ trả thù. Nhưng không, ông không chỉ tha thứ và sẵn sàng đùm bọc anh em. Khi sắp chết, Giuse tiên báo sự viếng thăm của Thiên Chúa và Người sẽ đưa họ về Đất Hứa. Ông cũng căn dặn phải đưa hài cốt ông về quê hương khi họ được giải phóng.

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Những bài học chúng ta có thể rút ra sau đây:

Lạy Chúa, Giacóp và Giuse được đoàn tụ trong hạnh phúc. Đây là hai con người gặp không ít khó khăn, nhưng luôn tin vào sự bảo vệ của Chúa.

Cuộc sống của chúng con cũng gặp không ít khó khăn. Xin cho chúng con luôn biết cậy trông vào Chúa, vì chúng con tin rằng chắc chắn Chúa sẽ bảo vệ và nâng đỡ chúng con. Và chắc chắn chúng con cũng sẽ vượt qua và đạt đến hạnh phúc viên mãn. Amen.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 18 | Mùa Thường niên

Lc 12,13-21

A. Hạt giống…

1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài. 

2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.

3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó : hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời. 

B. … nảy mầm.

1. Gc 4,13–5,6 : Thánh Giacôbê đã hiểu đoạn Tin Mừng này như thế nào ?

2. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. (câu 21)

3. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau : a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình ; kết quả : không bảo đảm cho sự sống đời đời ; b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa” : kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

4. Tiền :

Người công nhân đổ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó cho vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm để dành nó

Người keo kiệt thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giàu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó (Quote)

5. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói : “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói : “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”. (Aesop)

6. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi mới nghĩ bụng rằng : “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,16.19-20)

Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này :

“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa … Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài… Con ước ao chết đi bởi vì con phó thác vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn chết để chạy trốn đau khổ… Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”

Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.

Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna)

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Lc 12,13-21

A. Hạt giống…

1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài. 

2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.

3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó : hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời. 

B. … nảy mầm.

1. Gc 4,13–5,6 : Thánh Giacôbê đã hiểu đoạn Tin Mừng này như thế nào ?

2. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. (câu 21)

3. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau : a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình ; kết quả : không bảo đảm cho sự sống đời đời ; b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa” : kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

4. Tiền :

Người công nhân đổ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó cho vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm để dành nó

Người keo kiệt thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giàu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó (Quote)

5. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói : “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói : “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”. (Aesop)

6. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi mới nghĩ bụng rằng : “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,16.19-20)

Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này :

“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa … Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài… Con ước ao chết đi bởi vì con phó thác vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn chết để chạy trốn đau khổ… Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”

Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.

Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna)

[Bài học] Sách Sáng thế | Bài 31 : Giuse gặp lại anh em

     Phần này gồm có 5 câu chuyện: (St 42,1-45,28)

     1. Các con Giacóp sang Ai cập lần thứ nhất: Nạn đói xảy ra tại Canaan. Giacóp sai các con sang Ai Cập để mua lúa. Khi họ tới Ai Cập, gặp Giuse để mua lúa, ông đã nhận ra các anh em ngay. Tuy nhiên, họ không nhận ra Giuse. Ông thăm dò họ tin tức về gia đình nhưng vẫn tỏ ra xa lạ với họ.

     Giuse cố tình cho rằng anh em ông là do thám nhằm thử thách họ, giúp họ thay đổi và cũng muốn biết về cha và đứa em út là Bengiamin. Và để làm tin, ông đề nghị họ mang lương thực về, nhưng để lại một người. Sau đó trở lại và phải mang theo đứa em út. Cuối cùng Simêôn bị giữ lại làm con tin.

     2. Các con Giacóp trở về Canaan: Trở về nhà mang theo lúa đã mua được từ Ai Cập. Họ thuật lại câu chuyện đầy kịch tính cho Giacóp nghe và đề nghị đem Bengiamin theo, nhưng Giacóp nhất định không chịu. Ông Rưuvên bảo đảm với Giacóp rằng sẽ mang Bengiamin trở về bình an. Nếu không, hai đứa con của ông sẽ thế mạng.

     3. Các con Giacóp sang Ai cập lần thứ hai: Nạn đói lại tiếp tục hoành hành, nên các con Giacóp phải trở lại Ai Cập để mua lương thực; lần này có cả Bengiamin đi theo. Giacóp đề nghị mang số bạc trả lại cho Giuse, đồng thời mua những thổ sản mà tặng cho ông.

     Đoàn đến Ai Cập mang theo Bengiamin, người em ruột của Giuse. Nhìn thấy em mình, ông vui mừng và cảm động đến rơi lệ. Ông bảo người quản gia mời họ về nhà và dọn tiệc thết đãi họ. Giuse càng đối xử tốt với họ bao nhiêu, điều đó khiến họ càng lo sợ bấy nhiêu. Người quản gia dẫn Simêon đến gặp họ. Sau đó họ tặng quà cho Giuse theo yêu cầu của Giacóp.

     4. Chén bạc trong bao Bengiamin: Sau đó, Giuse ra lệnh cho quản gia đổ đầy lương thực và trả bạc lại cho các anh em, nhưng đặt chén bạc của ông vào bao của người em út, đó là Bengiamin. Mục đích của Giuse khi làm việc này là ông tìm cách giữ người em này lại với ông.

     Khi anh em Giuse đang trên đường về đất Canaan, ông đã cho người đuổi theo và lục soát họ. Người quản gia khám xét và tìm thấy chén bạc trong bao của Bengiamin. Các con Giacóp xé áo mình ra. Họ tỏ ra ấm ức, tức giận lẫn sợ hãi. Ông Giuđa thay mặt anh em nhận lỗi và tự nguyện làm nô lệ cho Giuse.

     5. Giuse tỏ mình: Tới đây, Giuse không thể cầm lòng được nữa; khi ra hiệu cho họ đến gần ông, và ông nói rõ cho các anh em biết: ông chính là Giuse. Khi nhận ra Giuse, các anh em càng hoảng sợ hơn, vì những gì họ đã làm cho ông trước đây.

     Sau đó, anh em Giuse mang những thứ Pharaô cho gồm xe, lương thực, quần áo… rồi trở về Canaan, và thuật lại câu chuyện như trong chiêm bao cho Giacóp nghe. Lúc đầu Giacóp không tin. Nhưng thấy tất cả những gì đang diễn ra, ông đã tin. Ông như được hồi sinh và quyết định đến Ai Cập để gặp Giuse.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

Lạy Chúa,
các anh em ông Giuse đã bán ông sang Ai Cập là một điều ác,
nhưng Chúa đã biến thành một điều lành gấp bội,
là cứu gia đình ông Giacóp khỏi nạn đói tàn khốc.

Trong cuộc sống,
chúng con cũng gặp không ít những điều không may,
nhưng chúng con vẫn tin rằng,
Chúa sẽ biến những điều không may đó thành những sự lành gấp bội. Amen.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 17 | Mùa Thường niên

CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Lc 11,1-13

A. Hạt giống…

Đức Giêsu dạy về cầu nguyện :

1. Nội dung phải cầu nguyện : Kinh Lạy Cha : Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Nét đặc trưng rõ nhất được thấy trong một từ chìa khóa lặp đi lặp lại rất nhiều lần, từ “Cha” : Kitô hữu được làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.

Vì là một bài kinh rất ngắn gọn cho nên những điều được nói trong đó đều là những điều then chốt nhất. Nói cách khác, những lời xin trong bài kinh này cho ta biết những điều mà Kitô hữu cần quan tâm nhất là gì : 

a/ Đối với Chúa : sao cho người ta được biết Chúa (“Xin làm cho danh Cha vinh hiển”) ; sao cho nhiều người gia nhập Nước Chúa (“triều đại Cha mau đến”).

b/ Đối với chính bản thân mình : có lương thực hằng ngày, được Cha tha thứ và mình cũng biết tha thứ cho người khác, đừng sa chước cám dỗ.

2. Thái độ khi cầu nguyện : Phải kiên trì 

Để minh họa cho thái độ kiên trì, Đức Giêsu đưa dụ ngôn về “người bạn quấy rầy”.

– “Quấy rầy” vì đến gõ cửa ban đêm để vay bánh : việc này khiến chủ nhà bị mất ngủ. Và nếu chủ nhà thức dậy thắp đèn lên, rồi lấy bánh, rồi mở cửa, rồi nói chuyện… thì sẽ làm cho vợ con của ông cũng mất ngủ luôn. Bởi thế, chủ nhà đã nói vọng ra lời từ chối. Nhưng người bên ngoài cứ vừa gõ cửa vừa kêu mãi.

– Nhưng người đứng bên ngoài ấy lại là một “người bạn”. Bạn bè thì phải thương yêu nhau và tương thân tương trợ nhau, nhất là trong những khi gặp khó như trường hợp này.

Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do : cho để khỏi bị quấy rầy nữa ; cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin, và lý do là nhờ anh kiên trì.

Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu lý luận theo kiểu a fortiori (huống chi) : người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.

B. … nảy mầm.

1. Văn mạch : Tin Mừng Mátthêu ghi Kinh Lạy Cha trong văn mạch Chúa Giêsu đang dạy cho các môn đệ mình cách thi hành những việc đạo đức (làm việc đạo đức cách kín đáo, đừng phô trương). Còn Tin Mừng Luca ghi kinh này sau khi một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho nhóm môn đệ mình một bài kinh riêng của nhóm, để phân biệt với các nhóm tín ngưỡng khác. Như thế Kinh Lạy Cha là kinh nguyện độc đáo của Kitô giáo. Tìm hiểu Kinh Lạy Cha, ta có thể biết những điểm độc đáo của sự cầu nguyện Kitô giáo là gì. Điểm độc đáo đầu tiên là Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi.

2. Một cậu bé bệnh nặng sắp chết. Cha cậu bé hỏi :

– Con sợ chết không con ?

– Thưa ba, không. Nếu như Thiên Chúa cũng giống như ba, cậu đáp. (“Sunday school Times”)

3. 2Sam 18,33 : Thái tử Absalom nổi loạn định lật đổ cha là Đavít. Nhưng quân đội của Đavít đã phản công và giết chết Absalom. Khi một người lính từ chiến trường trở về vui mừng báo tin cái chết của kẻ phản loạn, Đavít đã xé áo mình ra và kêu lên thảm thiết “Absalom con ơi, Absalom con ơi. Phải chi cha được chết thay cho con !”

4. “Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn : “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ : nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”. Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại Kinh Lạy Cha (…) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mặc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

5. “Cả đời Chúa Giêsu chỉ xoay quanh một nguyên tắc này “Ta đến để làm theo ý Cha Ta”… Chúng ta hãy thử xem chúng ta có để cho ý Chúa được nên một với chúng ta không ? Chúng ta có cố tình lầm lẫn ý của chúng ta thay cho ý Chúa không ? Chúng ta hãy nhớ câu chuyện Giona (bài sách thánh hôm nay) (trích “TMCGK ngày trong tuần”).

6. “Chúng ta không thể cầu nguyện Kinh Lạy Cha mà chúng ta không có đóng góp gì vào vinh quang Nước Chúa trị đến. Cũng như chúng ta không thể xin cho cơm bánh hằng ngày dùng đủ mà lại cứ ngồi há miệng chờ sung. Kinh nguyện là hành động của lòng tin. Ta phải minh chứng bằng việc làm”. (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)

7. Một bác chèo đò chở một thanh niên trên chiếc thuyền của mình. Chiếc thuyền có hai mái chèo. Trên một mái chèo có chữ “cầu nguyện”, trên mái chèo kia có chữ “làm việc”. Chàng thanh niên nói với giọng châm biếm :

– Nếu đã làm việc thì cần gì phải cầu nguyện nữa.

Bác lái đò chẳng nói gì, buông tay không chèo mái “cầu nguyện” nữa, chỉ chèo bằng mái chèo “làm việc”. Chiếc thuyền cứ quay vòng vòng chẳng tiến được chút nào cả. Khi ấy chàng thanh niên hiểu rằng ngoài mái chèo “làm việc” còn cần thêm mái chèo “cầu nguyện” nữa thì thuyền đời mới tiến được. (Đức Cha Tihamer Toth)

8. Một lần kia cùng dự Thánh lễ với một nhóm sinh viên, tôi cầm lòng cầm trí đọc chung Kinh Lạy Cha với họ, và bỗng cảm thấy những điều Chúa Giêsu bảo tôi xin chứa đựng rất nhiều ý nghĩa :

– Lạy Cha chúng con… : tất cả chúng tôi đang ở đây đều có một người Cha chung.

– Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện… : nhưng chỉ có một nhóm nhỏ này được biết Cha, còn biết bao nhiêu sinh viên học sinh khác nữa…

– Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày : tôi nghĩ đến những bạn chung quanh. Họ ăn cơm tháng, mỗi tháng chỉ hơn 100 ngàn, đồ ăn rất đạm bạc, buổi sáng thường nhịn đói.

– Và tha nợ chúng con : họ là những người trẻ, nhiều sai sót lỗi lầm, nhiều tội..

– Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ : có biết bao cám dỗ vây quanh họ, trong trường học, ngoài xã hội, ở chợ đời…

9. Chúa Giêsu bảo các môn đệ : khi cầu nguyện anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin hãy làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến”. (Lc 11,2)

Lạy Cha, con biết rằng danh Cha vinh hiển thì mọi sự thế gian này sẽ tốt hơn ! Con biết rằng Cha dựng nên con nhằm để con làm sáng danh Cha.

Để làm sáng danh Cha tôi phải làm gì đây ? phải chăng chỉ lặp lại suông lời nguyện Chúa dạy tôi ? Không, tôi phải sống chính lời nguyện ấy. Tôi phải dùng những gì Chúa ban mỗi ngày để danh Cha cả sáng, dùng của cải vật chất, danh vị, quyền lợi, dùng kiến thức hiểu biết… Danh của tôi phải nằm trong danh Thiên Chúa. Nếu như danh Cha cả sáng thì mọi sự tốt đẹp hơn ! Tôi tin như thế và tôi sẽ cố gắng.

Lạy Cha, xin cho con biết dùng lời nguyện của Cha như là kim chỉ nam để sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. (Hosanna) 

10. Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu xin cách kiên trì ? Vì “Chúa muốn chúng ta ý thức của Ngài cho hay sẽ cho phải được tiếp nhận xứng đáng với tấm lòng. Của cho phải tương xứng với tấm lòng (…) Hơn thế nữa, Chúa muốn tăng đức tin của người cầu xin” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”).

11. “Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin quỳ gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.. Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không ?”. Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói “Cháu hãy để cho Chúa liệu…. Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm : cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ…”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

12. “Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì hãy được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. (Lc 11,9)

Nhiều lần tôi cầu nguyện với Chúa. Và nhiều lần cảm thấy trống vắng. Bao mơ ước với lời cầu không được nhậm lời. Nhiều biến cố trong cuộc đời là những thất bại. Và tôi thầm nghĩ : Chúa thật xa vời. Hình như Ngài đã bỏ tôi. Nhưng hôm nay ngồi nhìn lại chính mình. Tôi cảm nhận Chúa luôn ở với tôi. Điều tôi tưởng như là thất bại, chỉ vì tôi : 

chưa đặt niềm tin nơi Ngài ; 

chưa kiên nhẫn với việc ngài trao ;

chưa kiên trì gõ cửa và tìm kiếm ý Ngài trong đời tôi.

Vì tôi, chỉ thấy thành quả đạt được là của bản thân hơn là Hồng Ân của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với con. Xin cho con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn tìm kiếm và gõ cửa cho đến khi được Hồng Ân của Ngài. Amen (Hosanna)