Sunday, May 5, 2024
spot_img
Home Blog Page 19

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 2 | Mùa Vọng | Năm A   

0

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA VỌNG – A

CHÚA NHẬT

TIN MỪNG: Mt 3, 1-12

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”. 

SUY NIỆM:      

Tuần lễ thứ 2 của Mùa Vọng được gọi là tuần của sự bình an. Sự bình được thiết lập ngay từ thuở khai thiên lập địa, khiSói sống chung với chiên con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy… Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai”.

Sự bình an đó được Gioan loan báo khi con người biết dọn đường cho Chúa đến bằng cách từ bỏ những gì cũ kỹ, tội lỗi và làm nhiều điều tốt đẹp.

Quả thật khi từ bỏ được tội lỗi hoặc một tật xấu, con người cảm thấy bình an sâu thẳm; khi làm được một việc lành, chúng ta cảm nhận niềm vui sâu xa, đó là ơn bình an đích thực.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dọn đường để Chúa ngự đến bằng dẹp bỏ những gì còn vướng bận trong tâm hồn chúng con; đồng thời biết thực thi bác ái cách cụ thể để đón chào Hoàng Tử Bình An.

THỨ HAI

TIN MỪNG : Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: “Các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”.

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.

SUY NIỆM

Tiên tri Isaia loan báo sẽ đến ngày: “mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy”.

Điềm tiên báo đó hôm nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu bởi “quyền lực của Thiên Chúa”, khi Người truyền cho người bại liệt: “Hãy chỗi dạy mà đi!” và lập tức anh ta chỗi dậy.

Quyền năng của Thiên Chúa là để chữa lành. Nhưng để có thể được chữa lành thì phải có sự tiếp cận với Thiên Chúa, có khi là chủ động, có khi là thụ động giống người bại liệt trong bài Tin mừng hôm nay.

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng là thời gian để nhắc nhở con người về sự mong chờ ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta, nhưng làm sao để chúng ta có thể đón nhận ơn cứu độ đó? Thưa điều kiện đó là phải tin tưởng và chạy đến với Thiên Chúa.

Tin tưởng để thờ phượng một mình Thiên Chúa. Điều đó được thể hiện qua việc siêng năng cầu nguyện sớm tối, tham dự Thánh lễ, thực hành những việc đạo đức, và sống theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa trong tình con thảo.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con trong mùa Vọng này cố gắng hy sinh nhiều hơn để gắn bó với Chúa. Nhất là trong năm Mục vụ Gia đình, xin cho con biết quan tâm đến ơn cứu độ của những người thân trong gia đình, để có thể “khiêng họ” đến gần Chúa hơn.

THỨ BA

LỜI CHÚA : Mt 18, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.

Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế.

Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự.

Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!”

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

SUY NIỆM

Tinh thần của mùa Vọng không phải chỉ là mong chờ, nhưng nhất là tin tưởng vào Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến vì yêu thương.

Đấng đó chính là Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, vị Mục Tử nhân lành. Ngài không chỉ yêu thương những con chiên ở trong đàn; điều đó là tất nhiên rồi, mà Ngài còn yêu thương, quan tâm, tìm kiếm những con chiên lạc.

Niềm vui thật lớn lao khi có nhiều con chiên bước vào đàn chiên của Chúa. Niềm vui sẽ dâng trào hơn khi một vài con chiên quay trở lại đàn chiên năm cũ.

Quay trở lại vì sau một thời gian đi tìm niềm vui mới, tìm hoài chẳng thấy, tìm mãi chẳng ra. Đói, khát, hiểm nguy khiến con chiên phải tìm về nơi chốn an toàn.

Nhưng chính trong lúc con chiên bỏ đàn đi tìm đàn mới, thì vị mục tử đã lặn lội phía sau, âm thầm gìn giữ, cẩn thận chở che, tế nhị cung cấp những thứ tối thiểu để nó được sống, can đảm chiến đấu với thú dữ đang ngày đêm rình rập con chiên của anh ta.

Tất cả những điều đó cho chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của vị Mục Tử Tối Cao mà chúng ta đang được vinh dự làm con chiên của Ngài.

Mùa Vọng để tin tưởng đợi chờ. Tin tưởng vào lòng Thương Xót Chúa. Đợi chờ ơn cứu độ Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, mỗi khi Mùa Vọng đến, con van xin: Mây ơi mau hãy mưa vị cứu tinh!

Nhưng Mùa Vọng năm nay con không van xin Chúa nữa vì con biết Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến. Ngược lại con sẽ van xin chính bản thân con: “chiên ơi mau hãy quay về” vì Mục tử đã luôn luôn cất bước ra đi để tìm kiếm chiên lạc.

THỨ TƯ

TIN MỪNG : Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.

Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu biết rõ con người khát khao, mòn mỏi nên Ngài đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Lời van xin trời mưa là để nhắc nhớ tôi cần đến Chúa. Nhưng tôi đừng quên Chúa đã đến rồi. Những cơn mưa Thánh Ân vẫn đang đổ đầy cuộc đời tôi, nhưng tôi đã biết mở tâm hồn để đón nhận chưa?

Tôi đang vất vả, đang nặng nề, đang mệt nhọc, đang khô cằn: Hãy tìm đến Chúa, tâm hồn tôi sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng và tươi mát.

Như vậy tâm tình đúng đắn trong mùa Vọng là tôi cứ van xin để nhắc nhở mình, nhưng tôi phải đến lãnh nhận bằng nổ lực của tôi.

Nổ lực để không làm những điều “ám muội, đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.

Nổ lực để gắn bó với Chúa.

Giả dụ tôi đã làm những điều “ám muội”, tôi đã ngã gục vì những tội lỗi, thì hãy biết nổ lực để sửa đổi, để trỗi dậy.

Giả dụ tôi chưa gắn bó với Chúa thì nổ lực để gắn bó với Chúa nhiều hơn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, tâm hồn con đang khát khao, mòn mỏi trông mong, nhưng tôi lỗi cứ đan xen, xiết chặt, bóp nghẹt ơn thánh Chúa. Hôm nay lời Chúa đã quả quyết với con: Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Xin cho con biết xét mình, sám hối, xưng tội, và đền tội để được Chúa “xé nát” tấm thảm đậy nắp tâm hồn con.

NGÀY 08.12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TIN MỪNG : Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

SUY NIỆM

Mỗi khi đọc lại đọc đoạn Tin Mừng này, con vẫn thấy sự mới mẽ, phong phú của lời Chúa. Hôm nay con thấy được nơi Đức Maria mẫu gương của đời sống cầu nguyện.

Trong cầu nguyện Mẹ hết sức chân thành, đơn sơ. Khi không hiểu điều thiên thần loan báo, Mẹ mạnh dạn hỏi lại, trình bày hoàn cảnh của mình: “Việc ấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1, 34).

Trong cầu nguyện Mẹ hết sức tin tưởng. Mặc dù không hiểu việc “thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần” là gì, nhưng khi biết đó là điều Chúa muốn thực hiện nơi cuộc đời Mẹ, thì Mẹ sẵn sàng đón nhận và nói tiếng “xin vâng”.

Trong cầu nguyện Mẹ hết sức phó thác. Không phải câu chuyện truyền tin chỉ diễn ra trong chốc lát. Khi nghe thiên thần loan báo điều lạ lùng, Mẹ suy nghĩ một chút là nói tiếng xin vâng ngay đâu, mà chắc chắn phải có một tiến trình. Mẹ suy nghĩ, xem xét những gì có thể xảy ra cho mình… Nhưng rồi Mẹ không thể tìm được câu trả lời cho mọi vấn đề. Không phải khi không có câu trả lời là làm thinh, là nín lặng, nhưng Mẹ biết phó thác là trông cậy vào lời hứa của Chúa nên Mẹ hoàn toàn vâng theo.

Sự đơn sơ, chân thành, tin tưởng, phó thác được gói gọn trong một tình mến. Vì yêu mến Chúa nên Mẹ sẵn sàng làm những điều đó.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Mẹ Maria,

Với Mẹ con tin tưởng vào Chúa. Qua Mẹ con phó thác cho Chúa. Trong Mẹ con yêu mến Chúa.

Xin cho con biết bắt chước Mẹ để cùng với Mẹ dâng lên Chúa tất cả tâm tình của một đứa con.

Xin cho con biết học nơi Mẹ để sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa.

Xin cho con biết noi gương Mẹ để nói tiếng xin vâng, không phải một lần, mà là trọn cả đời con.

THỨ SÁU

TIN MỪNG : Mt 11, 16-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”

“Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta phải quỷ ám!” Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: “Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

SUY NIỆM

Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên đức tin. Có tin người ta mới chờ. Có chắc chắn người ta mới đợi. Không ai chờ một điều tuyệt vọng. Không ai đợi một sự mông lung.

Vì thế sự mong chờ hiệu quả, tích cực là luôn thao thức với đối tượng chờ đợi của chúng ta. Ở đây, cụ thể chúng ta đang mong chờ ngày Đức Giêsu lại đến. Vậy thì chúng ta phải luôn thao thức về Ngài để nghe, nhìn, sống giống như Ngài.

Mùa Vọng, chúng ta mong chờ điều gì?

Nếu mong chờ ơn cứu độ thì phải biết chỉnh đốn bản thân, từ bỏ những điều xấu xa, tội lỗi.

Nếu mong chờ những niềm vui của đời này, những thứ làm cho chúng ta ưa thích từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực, đam mê thì chúng ta chẳng thể sửa đổi được con người mình, mà càng làm cho con người chúng ta méo mó, lệch lạc, mất đi định hướng lúc ban đầu của Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Giêsu, sự cứng cỏi của con tim sẽ ngăn cản ơn thánh Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng con. Sự chai lì của tâm hồn sẽ làm cho con không còn nhận ra lời kêu mời khẩn thiết của Chúa. Vì vậy xin Chúa hãy dập tắt ngọn lửa cố chấp nhen nhóm trong lòng con bằng những cơn mưa ơn phúc của Ngài.

THỨ BẢY

TIN MỪNG :Mt 17, 10-13

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?”

Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giải đáp thắc mắc của các môn đệ về việc “Tại sao Êlia phải đến trước?” Người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại làm ngôn sứ cho Đấng Messia. Chẳng những tin là Êlia sẽ đến, mà còn khẳng định Êlia đến để: “Làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo Ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất này” (Ml 4, 6). Nghĩa là sứ mạng của Êlia là phải tiêu diệt điều ác, sửa sang lại mọi sai lầm để đáng cho Đấng Mesia ngự đến.

Hôm nay các môn đệ hiểu được ý của Thầy mình, khi các ông biết Ngài nói về Gioan Tẩy Giả.

Trong khi mong chờ Chúa đến, chúng ta đi theo con đường mà Êlia, Gioan Tẩy Giả, tất cả các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đã đi là con đường hy sinh, phục vụ đến quên mình.

Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn rao giảng, lên án những thói xấu… bất chấp sự đố kỵ ganh ghét của người khác, đến nỗi phải bị chặt đầu. Nhưng từ đó người ta nhận ra sứ điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Gioan Tẩy Giả là phải sửa đổi tận căn để Đấng Cứu Thế có thể ngự vào trong tâm hồn.

Chúa Giêsu, khi Ngài đến thì cũng đi trên con đường đau khổ đó. Nhưng chính tình yêu tự hiến của Ngài làm đã tiêu diệt mọi mầm móng chiến tranh, và làm trơn tru con đường gươm đao, giết chóc và sự hy sinh.

Dọn một con đường cho Đức Vua ngự đến. Con đường đó là con đường hy sinh để từ bỏ những tính hư nết xấu. Con đường của tự hiến để phục vụ Nước Trời, phục vụ người khác.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, con đường Chúa đến với con là con đường tình yêu, thì con cũng phải dùng con đường đó để đến với tha nhân.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 2 | Mùa Vọng | Năm A

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Mt 3,1-12

A. Hạt giống…

Ý tưởng chính của Lời Chúa hôm nay là “dọn đường”:

1. Ngôn sứ Isaia cho biết mục đích của việc dọn đường là “để Ngài (Chúa) đi”. Đi đâu ? Đi đến với con người, cụ thể là đến với mỗi người chúng ta.

2. Gioan Tiền Hô kêu gọi thính giả mình dọn đường bằng cách sám hối.

3. Chính Gioan Tiền Hô dọn đường bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác.

B. … nảy mầm.

1. “Con người là con đường của Giáo Hội” (Đức Gioan Phaolô 2). Nhưng có nhiều con đường rất khác nhau:

– Con đường giăng kẽm gai là con đường của những kẻ thù hận nhau, ngăn chận những tương giao qua lại.

– Con đường đầy ổ phục kích : con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để hại nhau.

– Con đường sa mạc nóng bỏng : con đường của những kẻ khô khan việc đạo.

– Con đường quanh co : con đường của những kẻ lọc lừa gian dối.

– Con đường hầm u tối : con đường của những kẻ sống trong tội lỗi.

– Con đường cỏ dại mọc đầy : con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ.

– v.v. và v.v.

2. Nội dung chính trong lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô là “Hãy sám hối”. Sám hối bao gồm nhận biết tội mình, hối tiếc vì đã phạm tội, và trông cậy vào ơn Chúa giúp mình chừa bỏ nó. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì không phải là sám hối thật. Giuđa biết tội, hối tiếc vì tội và… chỉ có thế thôi, nên đã đi treo cổ chết. Thánh Phêrô cũng biết tội, cũng hối tiếc tội, nhưng còn trông cậy vào ơn Chúa nên đã trở lại với tình thương của Ngài.

3. Ông rất ngạc nhiên khi đọc báo thấy người ta loan tin rằng ông vừa mới chết. Ông lại giật mình khi bài báo nói về ông như một người chuyên chế tạo vũ khí giết người để phục vụ chiến tranh. Chẳng lẽ giá trị đời ông là thế sao ? Vậy là ông quyết định thay đổi cách sống và việc làm. Ông ấy chính là Alfred Nobel, người đã lập ra giải Nobel để thưởng cho những ai có công xây dựng hòa bình cho thế giới.

Sám hối là thay đổi : đổi cách suy nghĩ, từ đó đổi cách sống.

Hạt giống nảy mầm | Tuần 1 | Mùa Vọng | Năm A

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG

Mt 24,37-44

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về ngày Chúa quang lâm. Điều quan trọng để đón ngày đó là phải luôn sẵn sàng. Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ điều đó :

– Trước hết Ngài dùng chuyện ông Nôê trong Cựu Ước để khuyến cáo các môn đệ mình : người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (ăn uống, cưới vợ lấy chồng). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.

– Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu : Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng, hai người đàn bà cùng xay một cối bột) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau : kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).

Kết luận, Chúa khuyên hãy tỉnh thức luôn vì chúng ta không biết lúc nào thì ngày ấy đến. 

B. … nảy mầm.

1. Theo cách viết của Mátthêu, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường : “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.

2. “Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay… thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” : những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.

3. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’ : (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ Nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.

4. Tính trì trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, nọa-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự  trì trệ kiểu đó.

– Sự nguội lạnh, phai lạt : Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ  từ  bớt nóng, và trở  thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với Nước Trời cũng vậy.

– Sự cạn kiệt : Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện…cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói : ‘Quỳ lâu, chầu mỏi’.

5. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hằng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).

6. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm : ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.

7. Trách nhiệm : “Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa”. (Chờ đợi Chúa) 

8. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói : trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.

– Cái gì ? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề ?

– Đúng vậy.

– Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không ?

– Không.

– Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt) 

9. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hỏa hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hỏa hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. (“Mỗi ngày một tin vui”) 

Hạt giống nảy mầm | Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

CHÚA KITÔ VUA

Lc 23,35-43

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này mô tả cảnh Đức Giêsu trên thập giá :

– Phía dưới thập giá, dân chúng “đứng nhìn” cách bàng quan như không liên can gì đến mình, các thủ lãnh Do thái thì chế nhạo “Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi nếu thật hắn là Đấng Kitô”, lính tráng cũng chế giễu “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy cứu lấy mình đi”.

– Trên đầu Ngài có bảng viết “Đây là vua người Do thái”.

– Bên cạnh Ngài có hai tên gian phi : một tên hùa theo đám người phía dưới để chế giễu Ngài ; tên kia công nhận Ngài là vua nên nói với Ngài “Khi ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi”.

Nghĩa là : thánh Luca đã cố ý trình bày Đức Giêsu trên thập giá như một vị vua đang ngự trên ngai của mình. Nhưng đa số những người ở dưới và bên cạnh, vì đã quá quen với hình ảnh một ông vua trần gian nên chẳng những không nhận ra Ngài mà còn chế nhạo Ngài.

B. … nảy mầm.

1. “Nếu ông thật là vua thì hãy tự cứu lấy mình đi”. Câu này được lặp đi lặp lại nhiều lần trên môi miệng của hầu hết những người chứng kiến cảnh Đức Giêsu trên thập giá. Câu này chứng tỏ một quan niệm rất ích kỷ và vụ lợi về tước hiệu làm vua : làm vua trước hết là để lo cho bản thân mình. Nhân loại đã đau khổ biết bao nhiêu vì đã có biết bao người làm vua theo kiểu đó.

Còn Đức Giêsu, Ngài làm vua không phải để hưởng thụ, không phải vì bản thân. Một vị minh quân thì trước tiên phải thương dân, nghĩ đến dân, lo cho dân.

2. Hằng ngày tôi cũng đứng dưới thập giá Chúa rất nhiều lần. Thái độ và tâm tình của tôi giống ai : như dân chúng “đứng nhìn” ? như những kẻ thù ghét “chế nhạo” ? hay như người trộm lành “Xin Ngài nhớ đến tôi” ?

3. Lời anh trộm lành rất đáng làm gương cho chúng ta. Lúc bị hành hạ đau đớn, anh nói “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm”. Trong những lúc bị khổ, nhiều người cứ làm như tên trộm dữ, đã không nghĩ đến tội mình mà còn bực tức với người khác. Làm như thế, chẳng những không hết khổ mà lại còn khổ thêm, nhất là những cái khổ ấy chẳng mang lại ích lợi gì cả.

4. Vào thời Nga hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau : “Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế người thanh niên dõng dạc trả lời : “Thưa ông tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông… nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù. (Góp nhặt)

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 34 | Mùa Thường niên | Năm C   

0

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN – C

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 23, 35-43

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

SUY NIỆM:

Dường như mọi người: các thủ lãnh, dân chúng, quân lính, thậm chí cả một trong hai kẻ trộm cùng chung bản án với Chúa Giêsu đều chế nhạo, chê cười, sỉ nhục, thách thức… Chúa Giêsu. Nhìn theo kiểungười đời, Ngài đã thảm bại trên cây thập giá, và những gì Ngài đã gầy dựng cho một Vương quốc mới đều đã sụp đổ.

Tuy nhiên, Vương quốc mới của Chúa Giêsu đã được mở ra cho mộttrong hai kẻ trộm còn lại khi anh ta biết nhìn nhận sự thật nơi bảnthân mình và sự thật về một Thiên Chúa quyền năng.

Thế cho nên Vương quốc của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai“biết” được sự thật, cái biết sâu thẳm chứ không phải hời hợt bênngoài. Cái biết xuất phát bởi lòng tin chứ không phải lý trí. Cái biếtcủa một niềm tín thác hy vọng cho sự sống đời đời của bản thânmình chứ không phải để tìm một cái đó mới mẻ để hưởng thụ…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con biết sự thật về Vương quốccủa Chúa. Xin cho con nổ lực để được sống trong Vương quốc đó ngay tại trần gian này, đó là Vương quốc của Tình yêu.

THỨ HAI – 21/11: ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 12, 46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

SUY NIỆM

Chúa Giêsu đưa ra tiêu chuẩn cho một gia đình thiêng liêng, gia đình thánh của Thiên Chúa là “thi hành ý muốn của Cha” (Mt 12, 50). Ngài không thờ ơ, lạnh nhạt với Mẹ Ngài, cũng không coi nhẹ mối liên hệ gia đình tự nhiên, nhưng Ngài nhấn mạnh sứ mệnh thi hành ý muốn của Chúa Cha là quy tụ mọi người để trở thành một dân tộc thánh thiện. 

Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, kitô hữu đã gia nhập vào gia đình thánh của Thiên Chúa. Sự thánh thiện có còn trong con người chúng ta? Chúng ta có biết lắng nghe và thực hành lời Chúa như một người con thảo? có mở lòng mình ra để đón nhận sự chăm sóc của Thiên Chúa? có lớn lên mỗi ngày ơn thánh của Chúa? Hay chúng ta vẫn còn là đứa con ngỗ nghịch, thích làm theo ý của mình, muốn tự mình lớn lên chứ không cần Thiên Chúa chăm sóc, để rồi trở thành đứa con hoang vì không không có ơn thánh của Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Xin cho con biết chiêm ngắm hình ảnh cầu nguyện và âm thầm phục vụ của Đức Mẹ trong đền thờ, để con cố gắng mỗi ngày sống gắn bó với Chúa và phục vụ trong yêu thương. Chính lúc đó, con người của con lan tỏa sự thánh thiện của Thiên Chúa, hầu mọi người nhận biết con thuộc về gia đình thánh và cũng muốn bước vào gia đình thánh đó.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 21, 5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.

SUY NIỆM:

Trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, trong khi mọi người đang trầm trồ khen ngợi sự nguy nga lộng lẫy của Đền Thờ Giêrusalem, Đức Giêsu đã nói lên sự thật khiến nhiều người phải giật mình: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn hòn đá nào” (Lc 21, 6). Đức Giêsu muốn nói đến ngày tận cùng của thế giới này. Chắc chắn ngày đó sẽ xảy ra.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay không làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng thêm một lần nữa cho chúng ta cơ hội nghĩ đến ngày tận cùng của đời mình để lo chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Việc chuẩn bị đúng đắn nhất là luôn trung thành với Chúa trong việc tin tưởng, phó thác và sống theo những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương; là chu toàn mọi bổn phận hằng ngày với ý hướng: “Con chỉ là đầy tớ, con chỉ làm việc bổn phận của con thôi!”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, trời đất này sẽ qua đi, nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi. Chúng con tin tưởng Chúa sẽ cho chúng con được hạnh phúc nếu chúng con biết chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ. Xin cho lòng chúng con đừng chạy theo những giả trá của thế gian này, mà một lòng đắp xây cho ngày mai tươi đẹp, trong việc gắn bó với Chúa là Chân- Thiện- Mỹ, và hiệp thông với anh em là hiện thân tình yêu của Chúa.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 21, 12-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

“Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con”.

SUY NIỆM:

Ngày xưa người Do Thái “vượt qua Biển Đỏ” dưới sự dẫn dắt của Môsê. Thì hôm nay chúng ta được sự hướng dẫn của “Con Chiên” để vượt qua những thử thách, đau thương của cuộc đời.

Những thử thách đó là: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21, 12). Đây là những điều mà chắc chắn những kitô phải gặp phải trước khi bước vào Vương quốc của Con Chiên.

Đối diện với thực tế không ít khó khăn, thử thách trong đời sống đức tin. Ví dụ: muốn một Thiên Chúa dễ dãi để người ta tự do muốn làm gì thì làm ; muốn được lên thiên đàng mà không cần phải thờ phượng Chúa, không cần phải hy sinh, hãm mình sống theo những điều Chúa chỉ dạy… Nhiều người đã vượt qua được và hát khúc Khải hoàn; nhưng cũng còn rất nhiều người không vượt qua được và chắc chắn phải bị đau khổ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con yếu đuối mỏng giòn, nhưng con tin vào quyền năng vô biên của Chúa. Quyền năng này sẽ giúp con vượt qua được những khó khăn, thử thách mà chính Chúa đã tiên báo và đã vượt qua bằng cuộc khổ nạn đau thương. Xin giúp con biết gắn bó với Chúa để trong cuộc chiến với thế lực của ma quỷ, con có thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng, hầu xứng đáng hát ca khúc khải hoàn.

THỨ NĂM – 24/11: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 9, 23-26

Khi ấy Chúa Giêsu nói với mọi người: “Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta! Vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì kẻ ấy sẽ cứu nó. Nào người ta được ích gì khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại mất hay thiệt chính mình? Kẻ nào hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang của Ngài và của Cha cùng các thánh thiên thần.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Câu nói này cho thấy cuộc đời của người môn đệ được định nghĩa theo cuộc đời của Đức Giêsu: Theo Người trong sự từ bỏ và liều mạng vì Đức Giêsu và Tin Mừng.

Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam là những “người phàm, mắt thịt” như bao nhiêu con người khác. Nhưng điều làm cho họ trở nên vĩ đại là vì họ đã nhận biết sự thật vượt lên trên những gì “mắt phàm xác thịt” nhìn thấy. Sự thật đó chính là Thiên Chúa, Đấng chủ tể muôn vật muôn loài, Đấng yêu thương và sẽ ban cho họ hạnh phúc ở đời sau.

Chính sự thật đó đã làm cho họ mạnh dạn từ bỏ tất cả để tin nhận Đức Giêsu. Một khi đã tin, họ còn dám liều mạng vì Đức Giêsu và Tin mừng nữa. Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam mỗi người đều chết vì những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là vì họ không chối bỏ Đức Giêsu, họ tin Ngài sẽ cho họ được sống lại vinh quang.

Nhiều người đã không tin Thiên Chúa, có những người tin nhưng không dám liều mạng vì Ngài. Sâu xa của vấn đề là vì họ không nhìn ra được sự thật của sự sống đời sau. Họ tưởng chết là hết. Hoặc họ biết có sự sống đời sau, nhưng họ không đủ sức mạnh để sẵn sàng hy sinh cho sự sống đó, họ còn quá yêu chuộng những sự đời này.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con là con cháu của các Thánh Tử đạo tại Việt Nam, biết noi gương các Ngài mà chấp nhận những đau thương, thử thách để giữ vững đức tin. Xin các Thánh Tử đạo tại Việt Nam giúp chúng con biết nhìn ra sự phù vân của thế gian này, mà hướng lòng đến hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. 

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 21, 29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.

SUY NIỆM:

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu dùng hình ảnh: “khi thấy cây vả đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến” (Lc 21, 30). Từ đó Ngài muốn dạy cho các môn đệ khi nhìn thấy những điềm báo như Ngài đã nói, “thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Mục đích của Đức Giêsu là để con người chúng ta biết chắc chắn Triều Đại của Thiên Chúa sẽ đến. Nhưng trước khi Triều Đại đó đến, con người sẽ bị Satan quấy phá, cám dỗ để nhìn thấy những cái hấp dẫn hơn, hầu con người quên đi Triều Đại Thiên Chúa.

Ý thức được điều đó để con người cảnh tỉnh, nhất là trước những cám dỗ ngọt ngào. Ví dụ tiền bạc, quyền lực, và thỏa mãn đam mê vô độ. Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay con người đang bị cám dỗ bởi những thứ ngọt ngào của ma quỷ. Nhưng càng thấy nhiều cám dỗ, chúng ta càng phải khôn ngoan nhận ra đó là lúc giẫy chết của ma quỷ, nên nó vùng lên để chiến đấu trong cuộc chiến cuối cùng với Thiên Chúa trước khi nó bị giam hãm vĩnh viễn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ lơ là, nhưng hãy luôn cẩn trọng vì “ma quỷ như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Để có thể cẩn trọng gìn giữ linh hồn mình, đòi hỏi con phải có sự gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, đồng thời để lòng mình biết hướng đến những điều cao cả bằng những việc lành, phước đức nhiều hơn.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 21, 34-36

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”         

SUY  NIỆM:

Ngày cuối cùng của năm phụng vụ, một lần nữa Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới chụp xuống đầu anh em” (Lc 21, 34).

Con người luôn mong muốn những gì tốt đẹp. Thiên đàng là điều tốt đẹp nhất mà con người luôn dõi đến. Tuy nhiên, Thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị không giống kiểu tốt đẹp của loài người, không đáp ứng những nhu cầu vật chất… mà nó chính là nơi có nước trường sinh, nơi có cây sự sống. Nghĩa là chúng ta được sống trong tình yêu thương và chữa lành của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, muốn điều tốt, nhưng con người lại hay bị cám dỗ không làm điều tốt. Đây là kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Điều tốt muốn làm tôi lại không làm, điều tôi không muốn làm, tôi lại làm”. Điều đó để nhắc chúng ta phải luôn luôn cảnh tỉnh. Những ai đang sống hăng say, nhiệt thành cho lý tưởng tốt đẹp của đời mình, thì hãy ý tứ, kẻo tự cao rồi té ngã. Còn những ai đang quên đi lý tưởng cao cả, để sống cho những giá trị thấp hèn hãy sám hối ăn năn và quay trở về để được Thiên Chúa chữa lành và cho hưởng sự sống đời đời với Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con cám tạ Chúa vì một năm đã qua và xin thương nâng đỡ cho con bước vào năm phụng vụ mới với một quyết tâm sống tốt hơn.

Hạt giống nảy mầm | Lễ các thánh tử đạo Việt Nam

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mt 10,17-22

* LỊCH SỬ

Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự ký ngày 14/2/1990 : “Theo đơn xin của Đức Hồng Y Trịnh văn Căn, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đề ngày 15/10/1989, và theo quyền hạn đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II uỷ quyền, Bộ Phụng Tự và Bí tích cho phép các giáo hữu tại Việt Nam mừng lễ “Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử đạo” hằng năm vào ngày 24/11 với bậc Lễ Kính”.

Theo sử liệu, Giáo hội Công giáo Việt Nam có độ 130.000 tín hữu được diễm phúc đổ máu làm chứng Đạo Chúa trong những thời kỳ bách hại như sau :

– Trịnh – Nguyễn 1745 và 1773 2 vị

– Cảnh Thịnh năm 1798 2 vị

– Minh Mạng năm 1820-1840 50 vị

– Thiệu Trị 1841-1847 3 vị

– Tự Đức 1848-1883 58 vị

Trong số tử đạo 130 ngàn người, có 117 vị được phong chân phước trong 4 giai đoạn :

– Đức Lêô XIII phong ngày 27/5/1900 64 vị

– Đức Piô X phong ngày 20/5/1906 8 vị

– Đức Piô X phong ngày 2/5/1909 20 vị

– Đức Piô XII phong ngày 29/4/1951 25 vị

Trong số này gồm có :

– 8 Giám mục (6 thuộc Dòng Đa Minh, và 2 của Hội Thừa Sai Paris)

– 50 Linh mục (37 Việt Nam, 5 Đa minh, 8 Thừa sai Paris)

– 16 Thầy giảng

– 1 Chủng sinh

– 42 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội (công chức, quân nhân, ý sĩ, thương gia, công nhân, nông dân, ngư phủ, trùm họ, lý trưởng…)

Các ngài đã chịu những cực hình khác nhau :

– 79 vị bị xử trảm quyết (chặt đầu)

– 16 vị bị xử giảo (thắt cổ)

– 8 vị chết rũ tù

– 6 vị bị thiêu sinh (bị đốt cháy khi còn sống)

– 4 vị bị lăng trì (chặt tay chân trước khi bị chém đầu)

– 1 vị bị bá đao (lóc 100 miếng thịt trong thân thể)

– 1 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường.

Tất cả 117 vị chân phước này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong lên hàng hiển thánh ngày 19/6/1988 (Cơ mật viện công bố tin ngày 22/6/1987) (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh) 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các Tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng : có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó,

– một mặt phải vừa đơn sơ vừa khôn ngoan.

– mặt khác phải can đảm đừng sợ vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.

B. … nảy mầm.

1. “Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa bầy sói” : thế gian thì hung ác và mạnh mẽ như sói còn người Tông đồ của Chúa thì hiền lành và yếu ớt như chiên. Thế nhưng Nước Thiên Chúa lại được mở mang nhờ chính sự yếu ớt của Chúa Giêsu và các Tông đồ của Ngài. Thánh Phaolô nói : “Sức mạnh Thiên Chúa được hoàn thành trong sự yếu ớt” (2Cr 12,2).

2. “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” : con rắn không vô cớ trườn mình ra chỗ nguy hiểm, trái lại nó khéo ẩn mình, và khi gặp nguy hiểm nó cũng khéo luồn lách ; bồ câu thì không mưu mô, không màu mè giả đối…

3. “Chính Thánh Thần nói trong các con” : người Tông đồ không cậy dựa vào lời lẽ và trí thông minh của mình nhưng vào ơn soi sáng và lời của Chúa. Muốn thế họ phải luôn kết hợp với Chúa Thánh Thần.

4. Can đảm : Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói : “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì.” (Góp nhặt). 

5. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).

Ai cũng khen tôi đi giầy cao gót đẹp, và tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng điều ấy không làm cái đau buốt đang cấu xé đôi chân giảm đi chút nào.

Hình như cái gì cũng có cái giá của nó.

Chúa Giêsu cũng ra giá cho những người muốn theo Ngài. Xem ra Ngài chẳng phải là nhà quảng cáo khéo léo khi đưa ra cả những khó khăn và mặt trái của vấn đề. Nhưng tôi lại thích lối trình bày ấy. Tôi thán phục tính chân thật và sự thẳng thắn trong Lời của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã nói rất chân tình với con về lối mà Ngài mời con dấn bước. Xin cho con biết trung thành với con đường đã chọn, bất chấp mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. (Hosanna) 

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 33 | Mùa Thường niên | Năm C   

0

CHÚA NHẬT XXXIII TN: KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 10, 17-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.     

SUY NIỆM:

Ơn can đảm xuất phát từ lòng tin vào Thiên Chúa là chủ tể cuộc đời mình, để người môn đệ không sợ bất cứ thế lực nào tác động lên cuộc đời họ, ngoài một mình Thiên Chúa.

Lòng tin đó khiến họ phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, kể cả những lời phải nói, những việc phải làm. Vì thế điều quan trọng là người môn đệ phải học cho biết lời Chúa, vì những lúc khó khăn họ sẽ được lời Chúa soi dẫn chứ không phải bất cứ sự khôn ngoan nào theo kiểu người đời.

Tuy nhiên lòng tin này phải có sự kiên trì, nhẫn nại vì sự bách hại không phải chỉ một lần duy nhất, mà là liên lỉ trong suốt hành trình đức tin, như lời Chúa nói: “ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.     

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho các thánh Tử đạo tại Việt Nam chúng con ơn can đảm nhờ đức tin, nhờ đó mà chúng con đã được biết Chúa nhờ máu của các Ngài đổ xuống. Xin cho chúng con biết giữ vững đức tin mà chúng con đã lãnh nhận.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 18, 35-43

Khi Ðức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Ðức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương xót tôi!” Ðức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đền gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy”. Ðức Giêsu nói: “Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu anh”.Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Mọi người nói với anh “Đức Giêsu Nadaret đi ngang qua đó”. Nhưng anh lại kêu lên “Lạy Con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!”.

Những người sáng mắt chỉ biết “Đức Giêsu Nadaret”, nghĩa là một con người. Còn anh mù thì nhận ra Đức Giêsu con Vua Đavit, nghĩa là Đấng cứu độ.

Như vậy ai mới là người mù? Ai mới là người sáng mắt?

Đoạn Tin Mừng này muốn nói với chúng ta về cái mù tâm linh, là cái mù không nhận biết Thiên Chúa và đường lối của Ngài; cũng như ánh sáng chân thật là ánh sáng nhận biết Thiên Chúa và sống theo những gì Ngài chỉ dạy.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, xin cho cặp mắt đức tin của con sáng suốt để con có thể nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của con.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 19, 1-10

Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Ðức Giêsu tới chỗi ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

SUY NIỆM :

Ông Gia kêu trong bài Tin mừng hôm nay là mẫu gương cho sự chọn lựa dứt khoát.

Ông Elada trong bài đọc thứ nhất thì chọn lựa ngay từ nhỏ, theo truyền thống của dân tộc ông. Còn Giakêu thì từ khi gặp Đức Giêsu. Dù khác nhau về thời gian, nhưng giống nhau ở chỗ cả hai dứt khoát cho niềm tin, cho chọn lựa của mình.

Sự dứt khoát là yếu tố cần thiết cho hành trình theo Chúa. Có nhiều thứ cản trở khiến tôi không thể theo Chúa được. Nhưng cũng có những thứ do tôi không dám mạnh dạn, dứt khoát nên sẽ ở lì một chỗ.

CẦU NGUYỆN :

Xin Chúa cho con dù quá khứ đã qua, tương lai đang đến có như thế nào đi chăng nữa, thì hiện tại vẫn luôn một lòng kiên trung với Chúa, dứt khoát với mọi sự để bước đi theo Chúa suốt cả đời con.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Tin Mừng: Lc 19, 11-28

Khi người ta đang nghe những điều ấy, thì Ðức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Ðại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười nguời trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến”. Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi”.

“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén”. Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi người đấy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành”.  Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh được năm nén”. Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành”.

Rồi nguời thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Ông nói: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ! Ta cứ lời miệng ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao ngươi không gửi bạc của ta vào ngân hàng? Và khi ta đến, ta sẽ rút ra được cả vốn lẫn lời!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười yến”. Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười yến rồi!”  “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”.

“Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn ta làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi”.

Ðức Giêsu nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem.

SUY NIỆM :

Có những người đã biết làm cho đồng tiền của ông chủ sinh lợi theo khả năng của mình, nhưng cũng có những người vì sợ hãi mà chôn vùi đồng tiền của ông chủ.

Hình ảnh của anh con trai út càng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn thái độ sợ sệt của người thứ 3 trong dụ ngôn. Anh ta sợ không dám làm gì hết, nên đem đồng tiền đi chôn cất. Ngược lại, người con trai út thấy không còn an toàn nữa thì anh ta đã trả lại mạng sống mình cho Thiên Chúa.

Vì vậy điều quan trọng nhất trong đời sống đức tin là chúng ta có đủ can đảm đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa hay không? Có mạnh mẽ để làm cho Lời đó sinh ích lợi hay không? Hay chúng ta sợ hãi vì phải dấn thân theo Chúa, để rồi cứ ù lì trong tình trạng cố chấp của mình.

Chúng ta không dám vươn lên mặc dù biết mình đang vướng mắc nhiều thứ. Chúng ta không dám ra khỏi ánh sáng, dù biết mình đang ở trong bóng tối. Chúng ta không dám cựa quậy để gỡ mình ra khỏi những cái vòi bạch tuộc đang quấn chặt lấy mình…

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, chính thái độ sợ hãi sẽ làm con không thể sinh ích lợi từ những nén bạc Chúa trao. Vì vậy xin Chúa cho con biết can đảm để chiến đấu mỗi ngày. Nếu ngày nào Chúa thấy con không đủ can đảm nữa, thì xin Chúa hãy lấy mạng sống con đi, vì “thà chết còn hơn phạm tội”.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 19, 41-44

Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

SUY NIỆM :

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khóc thương cho thành Giêrusalem. Chúa Giêsu lấy làm tiếc vì thành này với biết bao những dấu ấn, những kỷ niệm sẽ bị phá hủy. Sâu xa là Ngài tiếc thương cho con cái Israel vì chính họ sẽ làm cho thành này bị sụp đổ.

Họ đã không nhận ra “những gì đem lại bình an” cho họ, nghĩa là họ chỉ tìm kiếm thứ bình an giả tạo. Thứ bình an đó có thể là lợi lộc cá nhân, an toàn mạng sống, tìm kiếm sự ủng hộ của người khác…

Chúa Giêsu nói: “Chúng sẽ đè bẹp người và không để hòn đá nào trên hòn đá nào”. Chính thứ bình an giả tạo đó sẽ giết chết những ai tìm kiếm chúng.

Lý do khiến những người tìm kiếm bình an giả tạo bị “sụp đổ tan tành” là vị họ “không nhận biết giờ được Thiên Chúa viếng thăm”. Họ cứ mãi mê chạy theo những lợi lộc cá nhân, tìm an toàn cho mạng sống, tranh thủ sự ủng hộ của người khác… mà quên đi Thiên Chúa trong tâm hồn mới là tất cả của họ.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, xin cho con sẵn sàng từ bỏ những bình an giả tạo mà những kẻ theo tinh thần của thế gian mang lại, để giữ vững niềm tin, trung thành với con đường mình đã chọn là chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

SUY NIỆM :

Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Ngài muốn trả lại cho nơi thờ phượng sự trang nghiêm thánh thiện đúng với ý nghĩa của Đền Thờ. Vì vậy Ngài không ngần ngại “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ”.

Mỗi người chúng ta là ngôi Đền Thờ để Chúa ngự. Chúng ta có bổn phận gìn giữ cho sạch đẹp. Chúng ta phải can trường chiến đấu với thế lực kẻ thù muốn chiếm lấy Đền Thờ chúng ta. Chúng ta phải mạnh mẽ để đánh đuổi những kẻ làm chuyện ô uế, phàm tục ra khỏi Đền Thờ này.

Chúng ta gìn giữ Đền Thờ này bằng hàng rào vững chắc của đức tin. Chúng ta đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Đền Thờ này bằng vũ khí sắc bén của lòng trông cậy. Chúng ta bảo vệ Đền Thờ này bằng vật liệu kiên cố của lòng mến.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, hằng ngày xin cho con gặp Chúa trong các giờ cầu nguyện, thánh lễ và lãnh nhận các bí tích để Chúa thanh tẩy tâm hồn con sạch mọi vết nhơ; đồng thời tăng thêm sức mạnh để con mạnh mẽ loại trừ những sự phàm tục, bất xứng ra khỏi Đền Thờ tâm hồn con.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 20, 27 – 40

Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Ðức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình.  Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.  Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Ðức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.  Còn về vấn để kẻ chết sống lại, thì chính ông Môsê cũng đã cho thầy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Ðức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm”. Quả vậy, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

SUY NIỆM :

Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu với nhóm Xa đốc, là nhóm không tin có sự sống lại. Họ đặt ra câu chuyện hoàn toàn giả tưởng về việc một người phụ nữ lần lượt lấy 7 anh em trong gia đình, mà không có con để nối dõi. Vậy nếu có sự sống đời sau, thì người phụ nữ này sẽ là vợ của ai?

Để trả lời, Chúa Giêsu đã dựa vào Thánh Kinh để nói về sự sống mai sau, sự sống đó chỉ được dành cho những con người xứng đáng, và trong sự sống đó, hạnh phúc của con người là sống trong tình yêu của Chúa, chứ không phải là những giá trị theo kiểu phàm tục.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến cho một người trong nhóm kinh sư lên tiếng khen: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm”.

Vấn đền chính yếu ở đây là cuộc chiến của niềm tin, mà hậu quả của những kẻ không tin, còn xúc phạm đến Thiên Chúa là phải khốn khổ, trầm luân đến muôn đời.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, xin cho con đừng cứng lòng, xúc phạm đến Chúa, nhưng cho con biết tìm cách để ngợi khen và phụng sự Chúa trong suốt cả cuộc đời. Sống như vậy là con đang sống tương lại hạnh phúc Nước Trời trong chính giây phút hiện tại này.

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 19: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 3

Cv 18: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 3 Chương này gồm 3 phần:

1. Tại Côrintô (18,1-17): Rời Athen, Phaolô đến Côrintô, thủ phủ của tỉnh Akhaia, ở đây ông chờ Timôthê và Xila từ Thêxalônica đến. Phaolô gặp gia đình ông Aquila và bà Prítkila và ở lại đây làm nghề dệt lều với họ. Dù bận rộn, nhưng Phaolô vẫn rao giảng Tin mừng vào những ngày sabát trong hội đường của người Do Thái. Khi Xila và Timôthê đến, Phaolô chuyên tâm vào việc rao giảng Tin mừng. Dù có nhiều người tin theo và trở lại, Phaolô và các bạn đồng hành vẫn gặp chống đối từ những người Do Thái. Họ mang Phaolô đến thống đốc Rôma và tố cáo ông với tội danh: “Xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật” (18,13).

2. Trở lại Antiôkhia và chuẩn bị cho hành trình thứ ba (18,18-23): Phaolô từ giã anh em ở Côrintô để đến Êphêxô; cùng đi với ông có vợ chồng của Aquila. Trước khi rời khỏi đây, ông đã xuống tóc vì có lời khấn. Phaolô để vợ chồng Aquila ở lại đây. Còn ông chỉ lưu lại thời gian ngắn để thảo luận với những người Do Thái. Sau đó, ông rời Êphêxô để đi Giêrusalem để báo cáo cho các vị lãnh đạo của Hội thánh. Xong việc, ông trở lại Antiôkia và chuẩn bị cho chuyến truyền giáo thứ ba.

3. Hoạt động của Apôlô tại Êphêxô (18,24-28): Apôlô là người Do Thái, sống ở Alexandria, một người có tài hùng biện. Ông biết đạo Chúa qua các đồ đệ của Gioan Tẩy Giả. Nhờ ông bà Aquila và Pritkila, ông hiểu biết đầy đủ và chắc chắn hơn về đạo. Sau khi Phaolô rời Côrintô, cộng đoàn ở đây không có người phụ trách. Vì thế, Apôlô đã đến Côrintô để giúp đỡ họ.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 18: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 2

Chương 17: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 2

Chương này gồm 2 phần:

1. Tại Thêxalônica và Bêroia (17,1-15): Rời Philipphê, Phaolô và các bạn đồng hành đến Thêxalônica, thủ phủ của tỉnh Makêđônia, thuộc đế quốc Rôma. Phaolô đã rao giảng Tin mừng cho người Do Thái tại đây và nhiều người đã tin và chịu phép rửa. Thế là cộng đoàn Thêxalônica được hình thành. Tuy nhiên, một số người Do Thái vì ghen tức nên chống đối các Kitô hữu, cụ thể là ông Giaxon, người đón tiếp nhóm truyền giáo. Rời Thêxalônica, Phaolô và nhóm đồng hành đến Bêroia, một thành phố quan trọng thứ ba trong tỉnh Makêđônia. Phaolô và các anh em đã vào hội đường mà rao giảng Tin mừng. Rất nhiều người đã tin theo, kể cả những người Hy lạp và các phụ nữ thượng lưu. Tuy nhiên, nhóm người Do Thái ở Thêxalônia đã kéo xuống Bêroia để chống đối Phaolô. Vì thế, ông đã để Xila và Timôthê ở lại Bêroa, để có thể lui tới chăm sóc các Kitô hữu tại Philípphê và Thêxalônica, còn ông lên đường đến Athen.

2. Bài giảng về thần vô danh tại Athen (17,16-34): Athen là thành phố nổi tiếng của Hy Lạp, là trung tâm văn hóa, trí thức, tôn giáo đa thần. Rảo quanh thành phố, Phaolô đã nổi giận vì ở đây có quá nhiều thần. Vì thích nghe tư tưởng mới lạ, trí thức nơi đây đã mời Phêrô đến giảng Tin mừng. Từ bàn thờ kính thần vô danh, Phaolô chỉ cho họ Đức Giêsu Kitô là ai. Khi ông giảng đến đoạn kẻ chết sống lại, họ đã bỏ đi hết. Bài giảng lần này được coi là không thành công cho lắm.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc

[Bài học] Sách Công vụ Tông đồ| Bài 17: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 1

Cv 16: Hành trình truyền giáo thứ hai – Phần 1

Chương này được chia làm ba phần:

1. Chọn Timôthê (16,1-5): Để chuẩn bị nhân sự cho chuyến truyền giáo thứ hai, ngoài Xila, Phaolô còn chọn thêm Timôthê. Ông không phải là người gốc Do Thái thuần túy, mà cha ông là người Hy Lạp, mẹ là người Do Thái. Phaolô cắt bì cho Timôthê, mục đích để ông có thể giảng dạy về Chúa Kitô trong các hội đường Do Thái dễ dàng hơn.

2. Đi qua miền Tiểu Á, Thị kiến người Makêđônia (16,6-10): Phaolô, Xila và Timôthê đi qua vùng Tiểu Á, nhưng các ông không rao giảng Tin mừng tại vùng này. Trong một thị kiến, Phaolô thấy có một người miền Makêđônia van xin ông sang miền ấy để giúp họ. Đây là một vùng rộng lớn nằm ở phía bắc Hy Lạp, cửa ngõ tiến vào châu Âu. Vâng lệnh Thiên Chúa, họ đã lên đường.

3. Tại Philípphê, Phaolô và Xila bị bắt giam và được giải thoát lạ lùng (16,11-40): Phaolô và các bạn đồng hành xuống thuyền đi về hướng Tây Bắc đến đảo Xamốtrakê, và ngày hôm sau họ đến Nêapôli rồi từ đây, họ đến Philípphê, một thị trấn quan trọng trong miền Makêđônia. Tại đây, các ông đã làm quen và rao giảng cho các phụ nữ. Đây là những người đầu tiên tại Philípphê nghe giảng và theo đạo, một trong số đó là bà Lydia. Vì Phaolô trừ quỷ cho một đầy tớ gái và việc quỷ xuất khỏi cô khiến cô không nghe lời chủ nhân nữa. Vì thế, nhiều người quay sang chống Phaolô và nhóm truyền giáo. Sau đó, Phaolô và Xila đã bị bắt giam. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã giải thoát hai ông và cả nhà viên cai ngục đã được rửa tội.

Bước 1: Làm dấu Thánh Giá

Bước 2: Lắng nghe Lời Chúa

Bước 3: Giải thích Lời Chúa

Bước 4: Cầu nguyện kết thúc