Monday, December 9, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XXII | Thường niên | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mt 16, 21-27

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. 

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.

SUY NIỆM:

Sau khi đã quở mắng Phêrô ngăn cản không cho Chúa đi trên con đường thập giá, Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Qua đó cho thấy Chúa đã quyết liệt từ chối con đường Phêrô vạch ra cho Chúa, và khẳng định con đường mà Chúa và những ai muốn làm môn đệ Ngài phải theo là con đường thập giá.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một sứ điêp rõ ràng: Con đường Chúa đi là con đường thập giá. Chúa là Thầy đã đi trên con đường thập giá, thì đương nhiên các môn đệ cũng phải đi trên con đường thập giá. Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, là con đường duy nhất để theo Chúa. Vì vậy chúng ta phải chọn đi trên con đường duy nhất này.

Thập giá ở đây Chúa nói rõ ràng: “thập giá mình mỗi ngày” chứ không phải thập giá người khác và một lần cho cả đời. Vì vậy, từng ngày sống của chúng ta phải là từng giây phút vác thập giá theo Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, “Từng ngày qua đời con vui dấn thân,  trong tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi, sống cho Ngài vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con. Có nhiều phen sức con đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả, để chẳng có gì còn lại ở trong con”.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình’; ‘điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’ “. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.   

SUY NIỆM:

Giá trị của một con người là ở chỗ họ chọn và sống hết mình với lý tưởng đúng đắn mà họ đã chọn.

Từ lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”, Đức Giêsu đã quả quyết: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Như vậy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Muốn biết có thật hay không chúng ta hãy nhìn vào những gì Ngài thể hiện, xem có đúng với những lời ngôn sứ loan báo hay không.

Cả cuộc đời của Ngài đã dành cho “người nghèo” nói chung, và liệt kê cách cụ thể là những người tội lỗi, bệnh tật, lương dân, bị bỏ rơi, bị áp bức… Bằng chứng hùng hồn nhất chính là cái chết của Ngài để sinh ơn cứu độ cho “những người nghèo”.

Ơn cứu độ đó được tiếp nối cho mỗi chúng ta khi biết “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Đó phải là lý tưởng cho đời Kitô hữu, kẻo chúng ta chỉ là những người mang danh Kitô hữu.

Một đời sống tận tình yêu thương, tận tâm phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo của Thiên Chúa, chính là lý tưởng cao cả nhất của chúng ta, và cũng chính là việc loan báo Tin Mừng; vì Tin mừng cốt yếu là con người được Chúa yêu thương.

Chính vì thế, trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn, không cần phân biệt thành phần, đẳng cấp, trình độ… nhưng hễ ai phục vụ cách tận tình thì sẽ được yêu thương. Đó chính là Tin mừng trong đời sống chúng ta.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con ra khỏi chính mình để nhìn thấy lý tưởng cao cả chính là việc sống theo thánh ý của Chúa, mà thánh ý của Chúa là  “sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Xin cho con sống trọn vẹn cho người nghèo. Amen.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

SUY NIỆM:

Có những người la mắng, thậm chí cầm cây rượt đánh khi con cái làm điều sai nhưng nó chẳng sợ, làm cha mẹ càng tức thêm. Nhưng có những người chỉ cần “tằng hắng” một tiếng, nhìn một cái thì lập tức đứa con ngưng ngay việc sai trái nó đang làm.  Đó là dấu chỉ cho thấy uy thế của một người trong lời nói cũng như hành động.

Đức Giêsu là Đấng có uy quyền khi Ngài chỉ cần “trách mắng nó” thì lập tức nó đã xuất ra khỏi người bị nhập. Quyền năng của Đức Giêsu là hiển nhiên, vì Ngài là Thiên Chúa làm người.

Hãy nhìn đến người bị hại. Anh ta khổ sở bởi thế lực của ma quỷ, nhưng anh ta được giải thoát bởi sức mạnh quyền năng của Đức Giêsu.

Mọi người kinh hãi và bảo nhau “Lời gì mà lạ lùng vậy?” Lời quyền năng của Chúa chứ lời gì! Quyền năng đó giải phóng và đưa con người từ tình trạng tồi tệ đến tình trạng tốt đẹp.

Chính lời quyền năng của Đức Giêsu cũng đã giải phóng nhiều người khi họ biết để cho lời Chúa thấm nhập, thẩm thấu vào cuộc đời họ. Lời quyền năng đó có sức thay đổi cả những người với cái nhìn tự nhiên ta gọi là “bó tay” như Augustinô, Inhaxiô…

Ngay chính bản thân mỗi người cũng cảm nhận được lời quyền năng của Thiên Chúa khi Lời Chúa chính là châm ngôn, là động lực sống của chúng ta. Ví dụ khi chán nản trong việc bác ái, tôi nhớ lại châm ngôn của mình là “Mọi sự vì đức ái” (1Cr 16,14). Khi bị ai xúc phạm tôi nhìn câu lộc thánh treo trước bàn thờ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34)…

Và, nhất là chính bản thân chúng ta cũng có sức mạnh của lời quyền năng khi góp phần biến đổi sự dữ thành sự lành, điều xấu thành điều tốt… Nhưng ngược lại khi chúng ta là nguyên nhân để dẫn đến bất đồng, chia rẻ, thậm chí gương mù gương xấu cho người khác, là chúng ta đang trở thành thế lực của ma quỷ.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa có Lời ban sự sống, Lời mang lại hạnh phúc đích thực khi giúp phơi bày sự thật, lột trần xấu. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Lời, và để cho Lời tác động, biến đổi lên cuộc đời của chúng con. Amen.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.

Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.  

SUY NIỆM:

Tình yêu hay nói rộng ra là tình thương, sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm lẫn nhau giữa những con người sẽ mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc và những lợi ích cho cả người trao lẫn người đón nhận nó.

Thiên Chúa là tình yêu. Bản chất của Ngài yêu thương, là trao ban, là chăm sóc. Nhạc mẫu của ông Simon dù chỉ bị cảm sốt, tình trạng không nguy hiểm, nhưng Đức Giêsu phải chữa lành, trước hết vì Ngài là tình yêu, kế đến vì hôm nay Đức Giêsu ghé tại nhà bà, nên bà phải mạnh khỏe, bà phải có niềm vui, được hạnh phúc.

Một ngày sống của Đức Giêsu là một sự trao ban trọn vẹn. Sự trao ban đó được kín mục từ việc kết hiệp với Thiên Chúa Cha trong một nơi hoang vắng để cầu nguyện, từ đó Ngài lấy thêm sức mạnh để tiếp tục thực thi sứ mạng.

Được thôi thúc bởi Thiên Chúa Cha là nguồn mạch yêu thương, Ngài chăm sóc mọi người, nhất là những người bất hạnh, Ngài không muốn bỏ rơi một ai. Cảnh tượng dân chúng chen nhau đến với Ngài cho ta một sự mệt mỏi, nhưng không, tình yêu thôi thúc Ngài vượt qua mọi rào cản của sự mệt mỏi, chán chường, thậm chí cả những dèm pha của những người thân cận.

Tuy nhiên dù làm gì Ngài vẫn nhớ sứ mạng của mình là: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến” để không bị những quyến rũ của thành công, của sự hâm mộ ràng buộc Ngài: phải lên đường để thi hành sứ vụ.

Nhìn, suy nghĩ, cảm mến tình yêu trao ban nơi cuộc đời của Đức Giêsu để trở thành động lực, gương mẫu cho đời sống chúng ta khi biết trao ban mỗi ngày. Trao ban càng nhiều, càng trọn vẹn sẽ làm ta càng trở nên giống Đức Giêsu.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, giữa một thế giới ích kỷ chỉ muốn đón nhận, xin cho người môn đệ của Đức Giêsu dám lôi ngược dòng để đừng bị tiêm nhiễm thói chỉ sống cho riêng mình, mà phải dám ra khỏi chính mình để trao ban từng ngày, từng giờ trong suốt cả cuộc đời; và trao ban trọn vẹn.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Lc 5, 1-11

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.   

SUY NIỆM:

Đức Giêsu tận dụng mọi phương thế để loan báo Tin Mừng, thậm chí nhờ vả phương tiện người khác để chuyển tải thông điệp Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Ngài xuống thuyền của Simon, như bước vào chính cuộc đời của ông, để ông không còn là kẻ được nhờ vả, mà chính ông sẽ trở thành người loan báo Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa.

Để củng cố lòng tin và thêm sức mạnh cho Simon, Đức Giêsu đã cho ông một mẻ cá lạ lùng, để ông xác quyền rằng Đức Giêsu đang ở chung thuyền cuộc đời với ông, nên ông sẽ không lẻ loi, đơn độc, mà từ nay ông sẽ hành động bởi sức mạnh của người bạn đồng hành trên chiếc thuyền đó.

Sống cần phải nương tựa vào nhau. Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng khi mặc lấy phận người cũng phải nhờ vả, cậy dựa vào những người bạn của Ngài, cụ thể là nhờ thuyền của ông Simon hôm nay.

Ngoài việc nương tựa, còn phải hợp sức và đôi khi phải trở thành sức mạnh để giúp những con người nghĩ rằng mình là chủ nhân của cuộc đời, để từ nay biết khiêm tốn nương tựa vào nhau.

Trong hoàn cảnh càng khó khăn, bi đát, những ai biết nương tựa vào nhau, biết hợp sức, hợp lòng thì họ sẽ được những “mẻ cá lạ lùng”.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, có những lúc chúng con gặp khó khăn, nhưng trong những lúc như thế chúng con nhận ra mình không đơn độc vì có Chúa đang cùng ở trên thuyền; có anh chị em là những người đang quan tâm chia sẻ với chúng con trong lúc này. Vì vậy xin cho chúng con tin tưởng vào Chúa, và biết nương tựa vào nhau. Amen.

THỨ SÁU – 08/09 : SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA

LỜI CHÚA: Mt 1, 1-16.18-23

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

SUY NIỆM:

Tại sao ngày sinh nhật của Đức Maria, Lời Chúa cho chúng ta gia phả của Chúa Giêsu? Thưa vì cả Đức Maria và Chúa Giêsu đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại.

Ngày sinh của Mẹ cũng sẽ bình thường như bao nhiêu thiếu nữ khác nếu ngày sinh đó không được tiếp nối bởi việc “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô”; nghĩa là ngày sinh nhật của Mẹ vĩ đại vì Mẹ đã được diễm phúc sinh ra Đấng Cứu Thế.

Nhờ việc đón nhận lời truyền tin, cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu, và nhất là cùng bước đi trên con đường khổ nạn của Con Mẹ mà cả cuộc đời của Mẹ được Giáo hội tôn vinh, trong đó có ngày sinh của Mẹ.

Từ nơi Mẹ chúng ta nhận ra một con đường để trở nên vĩ đại. Đó không phải do học thức vì Mẹ là một thiếu nữ nhà quê, đó không phải do địa vị vì Mẹ chỉ là một phụ nữ sống trong xã hội còn nhiều định kiến, đó không phải do giàu sang vì gia đình của Mẹ là một gia đình đơn sơ thậm chí nghèo khó… nhưng Mẹ vĩ đại vì cuộc đời của Mẹ gắn liền với  cuộc đời của Đấng Cứu Thế.

Con đường để trở nên vĩ đại là bước vào cuộc đời của Đức Giêsu như Đức Maria. Khi ta bước vào cuộc đời của Đức Giêsu là ta liên lụy đến mọi thứ thuộc về Ngài: cách sống của Ngài, con đường khổ nạn của Ngài, và dĩ nhiên cũng sẽ là vinh quang của Ngài.

Những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay mời gọi ta hãy cùng sống với Đức Giêsu, nghĩa là làm cho ta dính líu đến cuộc đời của Ngài, nhất là trên con đường thập giá và trong cuộc khổ nạn, để rồi chắc chắn ta cũng sẽ được vinh quang Phục sinh với Ngài.

Những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay mời gọi ta hãy cùng sống với Đức Giêsu trên con đường phục vụ. Ngài đã rảo bước khắp nơi để chữa lành những người đau ốm, an ủi kẻ ưu phiền, cho kẻ đói ăn… Hình ảnh của Ngài nơi những nhân viên y tế đang ngày đêm lo cho người nhiễm bệnh. Hình ảnh Ngài cũng được thấy rõ nơi những con người vất vả để chia sẻ những miếng cơm manh áo cho những người đói khổ trong lúc này. Hình ảnh của Ngài cũng được phát họa qua những ai đang cố gắng an ủi, động viên, khích lệ những người đang đau khổ, mệt mỏi, chán chường vì cơn dịch bệnh này…

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho con người Mẹ vĩ đại vì đã sống trọn vẹn con đường của Chúa. Từ đó mở ra con đường để chúng con nên vĩ đại, đó là con đường gắn bó với Đức Giêsu. Xin cho chúng con dù bất cứ cảnh ngộ nào cũng có thể liên kết với Đức Giêsu: khi vui, khi thương, khi mừng, và nhất là khi sáng danh.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 6, 1-5

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”. 

SUY NIỆM:

Tất cả mọi lề luật, giới răn không nhằm kềm kẹp, phong tỏa con người, nhưng là để giải phóng, để giúp họ trên hành trình tiến đến tự do đích thực.

Thiên Chúa biết với bản tính yếu đuối của con người, họ sẽ dễ đi theo tự do thái quá dẫn đến việc thay vì tìm đến hạnh phúc, họ sẽ bị diệt vong vì sai đường lạc lối. Ông bà nguyên tổ là bằng chứng cho sự tự do đó.

Lề luật là cần thiết để giúp con người nên hoàn thiện, nhưng nếu quá khắt khe, hoặc sử dụng lề luật với mục đích kềm kẹp, bắt bẻ người khác, thì lúc đó chúng ta đang trở thành nô lệ chứ không phải người tự do.

Căn bản của lề luật là yêu thương. Vì thế phải có yêu thương mới chu toàn lề luật, còn nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho chính mình và cho người khác nữa.

Những người Biệt Phái cứ rình rập để bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài, chỉ nguyên thái độ đó là đã thiếu bác ái, thiếu yêu thương chứ chưa cần nói đến việc họ bắt bẻ đúng hay sai.

Người môn đệ Đức Giêsu là người bước đi trong tự do của ân sủng và lề luật Chúa. Chính vì thế chúng ta đừng để cho bản tính ích kỷ, ten tương khiến chúng ta thành nô lệ cho lề luật. Hãy bước đi tình yêu cứu độ của Đức Giêsu, một tình yêu muốn giải phóng chứ không phải để rành buộc.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được ân tình của Chúa, để tuân giữ mọi giới răn, lề luật bằng tất cả tình yêu thương, vì chúng con biết Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp cho chúng con. Và thêm nữa, xin cho chúng con đừng dò xét người khác vì mỗi người đều có tự do của riêng họ.

bài viết mới