Saturday, May 18, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XXIII | Thường niên | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mt 18, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. 

SUY NIỆM:

Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người, Ngài không muốn ai phải hư mất, nên khi thấy một người anh em lỗi phạm, Ngài muốn các môn đệ tìm cách đưa họ trở về.

Cách thức Chúa Giêsu hướng dẫn để đưa người anh em lỗi phạm trở về đủ cho ta thấy Ngài tôn trọng họ, tôn trọng nhân phẩm riêng từng người. Và khi biết tôn trọng nhân phẩm người khác là ta đang thể hiện tình yêu thương một cách cụ thể.

Tuy nhiên cũng có trường hợp không thể lôi kéo anh em mình ra khỏi con đường xấu xa, tội lỗi, thì Chúa Giêsu dạy: “ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.”

Tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng không, trong các trang Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn thường xuyên tới lui với những người thu thuế, ngoại giáo, những người tội lỗi công khai… Và dùng chính tình yêu thương để hoán cải họ.

Chúa Giêsu không muốn chúng ta bỏ cuộc, nhưng muốn chúng ta vượt lên trên mọi quy tắc luân lý, đạo đức để vẫn yêu thương anh chị em mình, dù họ có ra sao.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con nhận thấy nơi Chúa một tình yêu không mệt mỏi, không bỏ cuộc. Xin cho con biết đáp lại tình yêu của Chúa để mau quay về với Ngài và bắt chước Chúa để luôn thông cảm, tha thứ và mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em con.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 6, 6-11

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.    

SUY NIỆM:

Người ta bệnh không lo chữa bệnh, lại lo rình xem người khác có giữ luật hay không, nhưng lại là thứ luật khắt khe mà họ cho là luật của Thiên Chúa.

Quả thật luật của Thiên Chúa là giữ ngày Sabat với mục đích tôn vinh những kỳ công của Thiên Chúa đã dành cho vũ trụ và nhân loại. Chính vì thế mọi hành động tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Sabat là được phép và phải làm.

Thế nhưng những người Biệt Phái và Pharisêu lại nhìn luật ngày Sabat ở khía cạnh khác, đó là khía cạnh cấm cản và không được phép làm, để dựa vào đó bắt bẻ người khác. Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, họ lại muốn tôn vinh bản thân mình qua việc dò xét và bắt bẻ người khác, một hình thức cho mình đứng trên lề luật.

“Thiên Chúa là Tình Yêu”, vì vậy lề luật của Ngài cũng phải là tình yêu để những ai sống trong lề luật để cảm thấy mình được yêu thương trọn vẹn. Đó là ý nghĩa của ngày Sabat, ngày Chúa lập nên để con người được hạnh phúc.

Hành động của Đức Giêsu trong ngày Sabat là để làm cho người bại tay được lành. Điều đó mang lại niềm vui, hạnh phúc cho anh ta, thì đó là điều được làm và đáng làm.

Trong khi suy nghĩ của những người Biệt Phái và Pharisêu là không được phép làm việc trong ngày Sabat, mặc kệ người ta sống trong ràng buộc của bệnh tật và đau khổ. Luật của Thiên Chúa đâu muốn giam hãm con người như vậy!

“Yêu thương là chu toàn lề luật”. Khi ta biết yêu thương mọi người để làm cho cuộc đời này nên đẹp bằng chính những hành động cụ thể dù rất nhỏ của chúng ta, thì dường như lúc đó ta không màng đến lề luật; không phải là sự phớt lờ lề luật, nhưng lề luật đã trở thành tình yêu để ta chỉ lo sống cho tình yêu và làm lan tỏa tình yêu.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ có thái độ xét đoán người khác, nhất là khi cho rằng mình hiểu biết và có quyền như thế. Chỉ có Chúa mới có quyền trên mọi sự, nhưng mọi sự nơi Chúa lại là tình yêu để con luôn cảm thấy mình được yêu thương chứ không phải bị ngột ngạt, gò bó. Xin cho con yêu thương chân thành để làm lan toàn tình yêu đến mọi nơi.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.     

SUY NIỆM:

Mỗi con người là một huyền nhiệm riêng biệt trong cái nhìn của Chúa. Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện hầu chọn 12 Tông đồ là những người sẽ chung vai sát cánh với Ngài trên bước đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho thấy mỗi người là một cá vị trong cái nhìn của Chúa.

Nhưng cái nhìn này cũng rất mầu nhiệm vì 12 Tông đồ không phải là những con người xuất sắc, nhưng rất bình thường, thậm chí tầm thường và có nhiều khiếm khuyết trong cái nhìn của người đời. Ấy vậy mà Đức Giêsu lại chọn họ làm nền tảng xây dựng Hội thánh của Ngài ở trần gian.

Dù người đời có nhìn như thế nào đi chăng nữa, thì các Tông đồ vẫn mãi mãi là những người được Ngài yêu thương, tin tưởng và chọn gọi. Ngài nhìn họ bằng một tình yêu và hy vọng. Những ai sống trong tình yêu để dấn thân cho huyền nhiệm của tình yêu đó thì chắc chắn họ sẽ là tương lai tốt đẹp cho niềm hy vọng của Thiên Chúa, bằng ngược lại họ sẽ làm cho niềm hy vọng của Ngài trở nên vô hiệu.

Chắc chắn trong khi cầu nguyện, khuôn mặt của Giuđa cũng hiện lên như khuôn mặt Simon Phêrô, Gioan và các môn đệ khác. Tất cả họ đều có cái đáng yêu riêng trong cái nhìn đầy yêu thương của Chúa; và chắc chắn Ngài cũng biết khuyết điểm riêng của từng người, nhưng Ngài vẫn tôn trọng và chờ đợi họ trong tương lai.

Mỗi người là một cá vị trong tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa, vì theo sinh học không ai giống nhau dù thế giới có hàng tỉ người. Họ là riêng tư trong hồng ân cứu độ vì Thiên Chúa có cách cứu độ của Ngài cho từng người. Họ là từng người một trong tác động của Thánh Thần, vì Thánh Thần “thổi” mỗi người một cách khác nhau.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm để sống tình yêu riêng tư với Ngài, vì Ngài đã nói với con : “Con là của riêng ta”. Đừng để con phân bì với những may mắn của người khác, hoặc tự cao với những khả năng Chúa ban, vì mỗi người đều có chương trình của riêng Chúa dành cho họ. Hãy sống và làm lan tỏa nét đẹp của Chúa nơi chính bản thân mình bằng tất cả những gì Chúa trao. Amen.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 6, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. 

SUY NIỆM:

Ngược đời chăng khi nghèo khó, đói khát, khóc lóc, thù ghét lại là những điều được Chúa Giêsu chúc phúc. Và ngược lại, giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng lại là những điều “khốn” đối với Chúa Giêsu. Nếu đạo của Chúa mang đến những điều như vậy,con đường của Chúa dẫn đến hậu quả như thế thì đáng tin, đáng theo không?

Tuy nhiên, “phúc” và “khốn” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây vượt xa cái nhìn tự nhiên của con người. Cái “Phúc” chính là thái độ chọn Chúa làm chủ tế, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đặt niềm trông cậy nơi Ngài.

Cái “Khốn” là do người ta chọn lựa những giá trị chóng qua mà bỏ Chúa, nên dù họ có giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng… mà không có Chúa, thì những điều đó cũng chẳng ích gì.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hạnh phúc của con là nơi Chúa. Xin cho con biết từ bỏ tất cả để chỉ tìm kiếm một mình Chúa mà thôi.

THỨ NĂM – 14/09: SUY TÔN THÁNH GIÁ

LỜI CHÚA: Ga 3, 13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

SUY NIỆM:

Để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, Thiên Chúa không chọn con đường nào khác, mà lại chọn con đường thập giá cho Đức Giêsu Kitô, để chính khi bị treo lên Ngài sẽ nâng con người đến cùng Thiên Chúa.

“Treo lên” là hình ảnh của việc từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

“Treo lên” là làm cho mình nên nhẹ nhàng, thanh thoát với những giá trị trần gian để hướng đến những giá trị vĩnh cửu trên trời.

“Treo lên” là sự quyết tâm không mệt mỏi để kiên trì, đeo bám những gì là tốt đẹp.

“Treo lên” để không còn là mình, nhưng trở thành dụng cụ của  Chúa muốn.

“Treo lên” để giữa những mênh mông vô tận, con người còn nhìn thấy một điểm tựa.

“Treo lên” mỗi ngày để trở thành hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha

“Treo lên” từng ngày để kéo người khác về với Chân-Thiện-Mỹ.

CẦU NGUYỆN: Lạy  Chúa, xin cho con biết kết hợp với Đức Giêsu để “Treo lên” trọn vẹn cả con người của con hầu trở thành của lễ cho chính mình và cho nhiều người. Amen.

THỨ SÁU – 15/09: ĐỨC MẸ SẦU BI

LỜI CHÚA: Ga 19, 25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

SUY NIỆM:

Những người đứng gần thập giá Chúa Giêsu cho đến giây phút cuối cùng đều là những người có liên lụy đến Chúa Giêsu, đặc biệt là Mẹ và môn đệ Ngài yêu quý.

Gioan không diễn tả hình ảnh một người mẹ đau đớn quằn quại, rũ rưỡi khóc than, hoặc ngất lịm khi chứng kiến cái chết của con mình. Gioan chỉ tường thuật sứ mạng của Mẹ dưới chân thập giá, đó là sứ mạng cưu mang Giáo hội, mà đại diện là Gioan, môn đệ được Chúa thương mến.

Vì vậy sự liên lụy với Chúa Giêsu không hệ tại ở những tình cảm ủy mị, nhưng là sứ mạng lãnh nhận từ nơi Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng đó như Mẹ Maria và thánh Gioan vậy.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con đừng bị những tình cảm chi phối nhưng biết một niềm tin tưởng vào Chúa để cùng bước với Ngài dù khi vui, lúc buồn; khi thành công, lúc thất bại; khi hạnh phúc hay lúc đau thương.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 6, 43-49

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”. 

SUY NIỆM:

Môn đệ của  Đức Giêsu phải được chứng minh bằng hành động qua chính cách sống của mình. Không thể nào nói tôi là môn đệ Đức Giêsu trong khi cách sống của tôi lại đi ngược với Tin Mừng; như “Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho”. Cách sống của chúng ta sẽ cho biết chúng ta là ai.

Là con cái Chúa mà tôi không có niềm tin vào Chúa, lại tin tưởng vào những thế lực khác dẫn đến hành động của tôi y như người ngoại giáo: mê tín dị đoan, cúng bái khắp tứ phương thiên hạ, nghe theo lời thầy bói…

Là môn đệ Đức Giêsu mà tôi lại không sống theo Tin Mừng, đôi khi còn mang tin buồn cho người khác bằng việc chẳng có yêu thương, chẳng hề phục vụ; ngược lại còn ganh ghét, hận thù, làm hại người khác.

Miệng lưỡi “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” của chúng ta phải phát xuất từ niềm tin chân thành để nhìn nhận Chúa là chủ tể cuộc đời mình.

Hành động trong đời sống chúng ta phải thấm nhuấn Tin Mừng của Đức Giêsu để luôn sống khiêm nhường, yêu thương, phục vụ.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đời sống đức tin của chúng con chỉ có thể trổ sinh hoa trái tốt khi chúng con thực sự tin tưởng vào Chúa.  Khi đã có niềm tin thì tự khắc chúng con sẽ cố gắng để thực hành những điều Chúa dạy. Vì thế xin Chúa cho chúng con mỗi ngày biết chạy đến van xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

bài viết mới