Friday, July 26, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần VII Thường niên | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

TIN MỪNG: Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

SUY NIỆM:

Cái chết của Chúa Giêsu làm cho các môn đệ sợ sệt, bất an nên khép kín, thu mình lại. Khi Chúa Giêsu hiện ra với các ông đã làm thay đổi mọi sự. Ngài ban bình an cho các ông và sai các ông ra đi thực hiện sứ mạng Đấng Phục Sinh.

Tuy nhiên sự bình an không có nghĩa là không sóng gió, không có thương tích vì liền sau đó Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn, những vết thương trên thân thể của Ngài.

Ơn bình an là ơn của Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần sẽ giúp các tín hữu trong mọi hoàn cảnh luôn sống và loan báo Tin mừng của Chúa. Cụ thể, Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi để trở thành khí cụ bình an qua sự giao hòa với Thiên Chúa.

Khi thực hiện sứ mạng, chắc chắn các môn đệ sẽ gặp nhiều những khó khăn, vất vả, chống đối, loại trừ… Nhưng nhờ bình an của Chúa Thánh Thần, các ông sẽ chiến thắng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến ban sức mạnh và bình an cho chúng con, để chúng con có thể ra đi loan báo Tin mừng hằng ngày trong chính đời sống chúng con.

THỨ HAI- 20/05 : ĐỨC MẸ LÀ MẸ GIÁO HỘI

TIN MỪNG: Ga 19: 25-34

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

SUY NIỆM:

Giáo hội chọn danh hiệu Mẹ Giáo Hội để trao cho Đức Maria vì Mẹ đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu và đón nhận người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến.

Khi đón nhận Gioan, Mẹ cũng đón nhận Giáo hội của Chúa để chăm sóc bằng tình mẫu tử thiêng liêng và quả thật Mẹ luôn luôn yêu quý Giáo hội như đã yêu quý Chúa Giêsu.

Điều đáng suy nghĩ là không phải Mẹ đón Gioan về nhà mình, nhưng Gioan đã đón Mẹ về nhà mình để nói lên việc Giáo hội cần đến Mẹ.

Giáo hội có Đức Maria là Mẹ, thì phải biết chạy đến với Mẹ, “rước Mẹ” về nhà mình, để nhờ Mẹ, Giáo hội đến với Chúa.

Có Mẹ trong ngôi nhà tâm hồn để Mẹ nhắc Giáo hội cải thiện đời sống vì đó là sứ điệp của Tin mừng, và vì thế cũng là sứ điệp của Mẹ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao chúng con cho Đức Mẹ chăm sóc, xin cho chúng con biết tìm đến với người Mẹ hiền, nhờ đó chúng con có tâm tình hướng thượng luôn luôn.

THỨ BA

TIN MỪNG: Mc 9, 29-36

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM:

Hiện nay có hiện tượng nhà sư bộ hành để cầu mong phước lành cho bản thân và chúng sinh. Trong khi đó cũng có rất nhiều thành phần đứng hai bên đường, thậm chí đi theo nhà sư vì hiếu kỳ, thậm chí có những người đi theo để trục lợi cho bản thân…

Cũng giống Chúa Giêsu ngày xưa, trong khi Ngài đang đi trên con đường khổ nạn, thì chính các môn đệ của Ngài lại lợi dụng Ngài để dự định con đường vinh thăng.

Thế cho nên, bước theo Đức Giêsu nhưng cũng có năm bảy đường. Vậy đường nào là đường cứu rỗi? Thưa chỉ duy nhất con đường thập giá.

Bước theo Chúa thì phải chấp nhận hy sinh, cắt tỉa, uốn nắn bản thân. Không thể nào bước theo Chúa để chỉ tìm con đường sung sướng, dễ dãi; hễ gặp tí khó khăn là chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức bước theo Chúa là đi cùng Ngài trên con đường thập giá, để chúng con biết từ bỏ ngay những con đường vắng bóng thập giá.

THỨ TƯ

TIN MỪNG: Mc 9, 37-39

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.

SUY NIỆM:

Tất cả mọi giá trị tốt đẹp đều xuất phát bởi Thánh Thần Chúa, và Thánh Thần có tự do để hoạt động, không ai có quyền ngăn cản tác động của Thánh Thần: “gió muốn thổi đâu thì thổi”.

Thái độ của Gioan chẳng qua là tinh thần bè nhóm, muốn loại trừ tất cả những ai không “cùng đi” với mình. Sâu xa của óc bè phái là sự kiêu ngạo muốn khằng định mình. Đó chính là tội nguyên tổ và là đầu mối mọi tội lỗi.

Dù Chúa Giêsu chọn riêng nhóm 12, nhưng óc bè phái không phải là con đường của Chúa. Vì vậy nhóm 12 lẽ ra là đầu mối của sự hiệp nhất để quy tụ mọi người dù là ai, ở bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì.

Tiếc thay chính các môn đệ của Chúa lại gây chia rẽ, mất đoàn kết và thậm chí loại trừ người khác đến với Chân – Thiện – Mỹ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con tinh thần hiệp nhất từ trong những chuyện nhỏ, để luôn luôn có cái nhìn lạc quan, xây dựng Giáo hội Chúa.

THỨ NĂM

TIN MỪNG: Mc 9, 40-49

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.

SUY NIỆM:

Con đường thập giá của Đức Giêsu là con đường sống theo lời Chúa dạy, mà sống theo lời Chúa đó quả thật là một sự khó khăn. Đi theo Chúa mà không có hy sinh, đau khổ thì chẳng ích lợi gì.

Cụ thể trong bài Tin mừng hôm nay là sự dứt khoát đối với sự dữ. Hành động dứt khoát nếu hiểu theo nghĩa đen dụ ngôn Chúa Giêsu thường dùng, thì đó là sự cắt tỉa cho cây nho được sinh hoa kết trái.

Còn đối với đời sống người môn đệ, sự dứt khoát đó là việc chọn lựa không làm theo sự xấu nhưng làm theo những gì Tin mừng dạy.

Tuy nhiên, cái khó của người môn đệ là những sự xấu thường dẫn đến cảm giác thoải mái, dễ chịu. Vì vậy bỏ nó đúng là sự cắt tỉa gây nên đau đớn.

Nhưng, người môn đệ phải được ướp bằng lửa, nghĩa là sự tinh luyện để người môn đệ bỏ dần những “tạp chất”, những sự xấu trong đời sống của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con dám từ bỏ những điều xấu trong cuộc sống. Vì nếu không chấp nhận đau khổ ở đời này, con phải được tiếp tục thanh luyện trong luyện cho đến khi xứng đáng với sự thánh thiện của Chúa.

THỨ SÁU:

TIN MỪNG: Mc 10, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

SUY NIỆM:

Vấn đề ly dị mà một số người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu hôm nay là để thử Chúa Giêsu, để xem thái độ của Ngài trước vấn đề lề luật liên quan đến tôn giáo và dân sự.

Điều căn bản đầu tiên là Chúa Giêsu đứng trên lề luật, nên con người không thể thử thách được Ngài.

Điều thứ hai là nhân dịp này Chúa Giêsu nhắc lại nền tảng căn bản của hôn nhân chính là sự trung thành trong tình yêu như Thiên Chúa đã luôn luôn trung thành với con người. Mọi sự chia rẽ đều có bóng dáng của những đam mê bất chính.

Sống một tình yêu trọn vẹn và trung thành là điều Thiên Chúa đã thiết lập và mong muốn con người tiếp nối.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, giữa những cám dỗ bởi những hấp dẫn của những điều ngọt ngào khác, xin cho con luôn giữ vững được tình yêu thuở ban đầu với Chúa và với tất cả mọi lời cam kết.

THỨ BẢY

TIN MỪNG: Mc 10, 13-16

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

SUY NIỆM:

Sự hấp dẫn của Đức Giêsu khiến cho dân chúng tuôn đến với Ngài rất đông, đến nỗi các môn đệ đã tìm cách ngăn cản người khác đến với Ngài, kể các các trẻ em.

Hành động của các môn đệ xuất phát từ việc lo cho Thầy, muốn Thầy có thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống để tiếp tục công việc rao giảng. Nhưng hành động đó đã làm cho Thầy: “Bực mình với các ông” (Mc 13, 14).

Đức Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”(Ga 5, 17, 30). Đức Giêsu không muốn nghỉ ngơi trong khi người ta tìm đến với Ngài, nhất là trẻ em, hình ảnh của những công dân nước trời đích thực.

Các môn đệ có cái nhìn của người đời, và quả thật điều đó là đúng đắn, làm việc phải có lúc nghỉ ngơi. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại bực mình? Thưa vì các ông đã ở bên Ngài trong thời gian khá dài, vậy mà các ông chưa hiểu được tâm tư của Ngài. Hơn thế nữa, Đức Giêsu muốn gởi đến cho các ông một sứ điệp, đó là bằng mọi giá phải để cho người khác tiếp xúc với sự linh thánh.

Tôi đã biết bắt chước Đức Giêsu để luôn thao thức với công cuộc rao giảng Nước Trời, và đã dành ưu tiên số một cho việc đó chưa, hay vẫn còn để cho những giá trị phàm tục chi phối cuộc đời mình?

Tôi có vui vẻ đón tiếp người khác, nhất là những người thao thức về đời sống đức tin hay tôi còn sợ bị quấy rầy, hoặc chỉ chọn lựa những người đem lại lợi ích cho tôi?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, với bản tính con người, cũng có những lúc chúng con mệt mỏi, chán chường, vì thế con không tích cực với những công tác của Giáo hội, xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp sức để chúng con cùng chung thao thức với Chúa mà đem đến niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.

bài viết mới