Monday, September 16, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần III – TN | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

SUY NIỆM:

4 môn đệ đầu tiên là những người đã nghe tiếng gọi của Thầy Giêsu mà sàng từ bỏ tất cả để cùng đi chung trên một con đường với Ngài.

Trãi qua biết bao gian nan thử thách, con đường đó đã đưa họ đến hạnh phúc tròn đầy, viên mãn.

Yếu tố căn bản để bước theo Thầy Giêsu như lời mời gọi của Ngài là “anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sự hoán cải vì Tin Mừng là từ bỏ những giá trị xấu để phù hợp với giá trị của Nước Trời.

Con đường theo Chúa của mỗi Kittô hữu chưa bao giờ là con đường êm đềm, trãi thảm, mà là con đường từ bỏ và vác thánh giá. Tuy nhiên đổi lại, họ sẽ được chia sẻ vinh quang Phục sinh với Thầy Giêsu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con đã trở thành môn đệ của Chúa qua Bí tích Rửa tội, xin cho chúng con biết từ bỏ những gì bất xứng để theo Chúa mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 3, 22-30

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

SUY NIỆM:

Khi phủ nhận những hành động tốt đẹp của người khác là đang chống lại Chúa Thánh Thần, vì những hành động tốt đẹp đều xuất phát bởi Thánh Thần. Đó là sự cứng lòng, không mở ra cho những giá trị tốt đẹp.

Tệ hại hơn khi người ta cho những điều tốt đẹp đó xuất phát bởi động lực xấu. Ví dụ khi được ai đó quan tâm giúp đỡ, ta cho rằng chẳng qua muốn lợi dụng.

Chống lại Thánh Thần vì nghĩ rằng ta có thể tự mình làm tất cả. Chống lại Thánh Thần để không muốn ai tốt ngoài ta. Chống lại Thánh Thần để không muốn ai phát hiện ra cái xấu của ta. Chống lại Thánh Thần để mãi sống trong đam mê xấu của ta.

Như vậy mọi tội lỗi được tha, chỉ trừ tội chống lại Thánh Thần. Thực ra không phải Chúa không tha, nhưng vì con người không muốn được tha.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết rằng mình yếu đuối để không ngừng lắng nghe và hoán cải.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 3, 31-35

Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

SUY NIỆM:

Theo những gì Chúa Giêsu nói, không phải là Ngài bất hiếu, nhưng Ngài muốn mở rộng gia đình nhân loại; không chỉ là những người cùng chung huyết thống, mà còn là những người cùng chung niềm tin vào Thiên Chúa để quy tụ lại thành một cộng đoàn, một gia đình.

Mẹ Maria vừa là gia đình huyết thống vì sinh ra Chúa Giêsu, lại là gia đình thiêng liêng, rộng lớn hơn vì đã tin và sống theo những gì Chúa dạy.

Chủ đề tham gia của Hội thánh hệ tại ở việc chúng ta cùng chung một gia đình, nên mọi việc chúng ta làm đều là để cùng nhau xây dựng gia đình của mình mỗi ngày tốt đẹp hơn.

Trong gia đình thiêng liêng rộng lớn này, chúng ta được Thiên Chúa là Cha yêu thương hướng dẫn, dạy dỗ. Vì vậy dù tham gia bằng bất cứ hình thức nào, Kitô hữu đều được mời gọi phải biết lắng nghe lời của Thiên Chúa để chúng ta “tham gia” cho đúng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức mình là thành viên của đại gia đình Hội thánh, để luôn luôn lắng nghe lời hướng dẫn của Chúa mà góp phần xây dựng gia đình Chúa ngày càng tốt đẹp hơn.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mc 4,1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.

Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”. Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: “Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”. Người nói với các ông: “Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.

Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.

SUY NIỆM:

Mùa Thường niên, Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm để bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, hiện thân của Chúa Cha, một Vì Thiên Chúa không biết quản ngại để rộng rãi thi ân giáng phúc.

Ngài gieo bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó nhắc nhở con người chúng ta không được lười biếng với sứ mạng của Kitô hữu, không được tính toán với những việc lành.

Ngoài ra chính bản thân chúng ta cũng là mảnh đất để đón nhận những gì Thiên Chúa gieo trồng. Nếu đó là mảnh đất tốt thì cám ơn Chúa, vì tâm hồn của chúng ta đã sẵn sàng cho lời Chúa được lớn lên, sinh hoa kết trái.

Nhưng có khi tâm hồn chúng ta là vệ đường, sỏi đá, gai góc… nghĩa là không được tôt để lời Chúa được nảy mầm và lớn lên. Cám ơn Chúa cho chúng ta có cơ hội để cải tạo mảnh đất tâm hồn của mình. Điều đó đòi buộc chúng ta sự cố gắng để khai hoang cỏ rậm, lượm lặt đá sỏi, cày xới đất đai… quả thật đó là một tiến trình liên lỉ và mệt nhọc, nhưng kết quả chắc chắn sẽ lớn lao hơn những tâm hồn tự nhiên màu mỡ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đánh giá hiện trạng mảnh đất tâm hồn của mình để biết cách phải làm gì cho lời Chúa được nảy mầm và lớn lên.

THỨ NĂM – 25.01 : THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

SUY NIỆM:

Tin mừng Phục sinh không thể giữ cho riêng mình, mà phải được loan báo. Chính vì thế khi hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, điều đầu tiên Chúa Giêsu Phục Sinh muốn các ông làm là loan báo tin mừng mà các ông đã chứng kiến.

Và quả thật, các Tông đồ đã dùng chính cuộc đời của mình để loan báo và làm chứng về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.

Kitô hữu cũng phải lấy Đức Giêsu làm động lực cho cuộc đời mình, để họ sống và làm mọi sự cũng chỉ vì Đức Giêsu đã chết và sống lại. Đồng thời trong mọi hành động của họ phải là lời minh chứng cho Tin mừng sống lại của Chúa Giêsu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng cả cuộc đời mình để góp phần loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu.  Xin cho nhiều người biết đến Chúa đã chết và sống lại để mọi người được sống mãi muôn đời.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

SUY NIỆM:

Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa là một thực tại mà tự sức con người không thể hiểu hết được. Chỉ những giây phút “ở riêng với Chúa”, con người mới được Ngài soi sáng, hướng dẫn để cảm nhận sâu sắc hơn về thực tại linh thánh này.

Quả thật, có những lúc con người cảm thấy mình khô khan, nguội lạnh, kém lòng mến… Những lúc đó nếu xét mình cho kỹ, chúng ta sẽ thấy mình bận rộn đến mức không còn nhớ gì đến Chúa. Họ không ở riêng với Ngài.

Ngược lại khi người ta biết vượt qua tất cả, biết sắp xếp công việc, thời gian để mỗi ngày có những giây phút cầu nguyện, ở riêng với Chúa thì họ sẽ cảm thấy mọi thứ là vừa đủ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dành những giây phút riêng tư cần thiết trong ngày sống để được Chúa tiếp thêm năng lực siêu nhiên giúp chúng con vượt qua những cám dỗ tự nhiên của kiếp người. 

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mc 4, 35-41

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

SUY NIỆM:

Trong khi được xem là thành công vì được nhiều người đi theo đến mức phải cố gắng để giải tán đám đông, thì Chúa Giêsu cho các môn đệ gặp thử thách bằng một trận cuồng phong trên biển hồ.

Thử thách để trắc nghiệm xem các ông theo Chúa Giêsu với mục đích gì. Phải chăng để sung sướng vì những lời tung hô của người khác? Phải chăng để ngẩng mặt nhìn đời vì xem ra mình đã thành công khi làm môn đệ của người nổi tiếng?… Cần phải có thử thách để trắc nghiệm đức tin.

Niềm tin vào Chúa Giêsu là cùng đi với Ngài trên mọi nẻo đường, dù cho thành công hay thất bại; dù lúc dễ giải hay khi gặp gian nan.

Niềm tin đó xác quyết rằng Chúa Giêsu là Đấng có uy quyền, nên chắc chắn mọi thử thách gian nan sẽ được giải quyết khi ta cùng đi với Ngài, vì Ngài không hề bỏ rơi một ai đã chọn Ngài làm bạn đồng hành.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều khi trong cuộc đời gặp sóng gió làm chúng con hoang mang, sợ hãi. Xin Chúa cho chúng biết rằng một khi đã đi chung một thuyền, thì không bao giờ Chúa để chúng con bị nhấn chìm giữa đại dương.

bài viết mới