Monday, April 29, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần II – TN | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 1, 35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

SUY NIỆM:

Ở vùng nông thôn rất cần những nhịp cầu để nối những con kênh, bắt qua những con rạch. Những chiếc cầu vẫn là thành quả của Giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước.

Hôm nay Gioan Tẩy giả bắt nhịp cầu cho 2 môn đệ ông gặp Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” . Tiếp nối, Anrê cũng trở thành chiếc để người nhà của ông là Simon Phêrô gặp được Đấng Messia.

Gioan TG đã bắt cầu bằng sứ mạng ngôn sứ của mình. Do đó chắc chắn ông được Thánh Thần soi sáng mới có thể nhìn ra “Chiên Thiên Chúa” nơi Chúa Giêsu giữa biết bao nhiêu những người phàm.

Vì vậy, ông phải thao thức, ấp ủ, chất chứa giá trị linh lành nơi chính con người ông. Ông có sự khao khát, chờ đợi để gặp “Chiên Thiên Chúa” thì ông mới có thể nhận ra và giới thiệu cho người khác.

Anrê giới thiệu Đấng Messia cho em của ông nhờ kinh nghiệm bản thân: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Từ lời mời gọi “Hãy đến mà xem”, Anrê đã mạnh dạn đến để xem và ông đã thấy, đã cảm được sứ mạng cứu độ của Đấng Kitô, đó là điều làm ông hạnh phúc hơn bất cứ điều gì khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con sống trọn vẹn với ơn gọi, với sứ mạng của mình mỗi ngày để con được hạnh phúc; và hơn thế nữa, còn có thể giới thiệu hạnh phúc đó cho người khác.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 2, 18-22

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

SUY NIỆM:

Ăn chay là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Do Thái. Mỗi năm họ chỉ bắt buộc giữ chay vào ngày lễ Xá Tội, ngày toàn dân xưng tội để được Chúa thứ tha, ngày này thích hợp cho việc giữ chay. Nhưng có một số người đạo đức hơn, họ sẽ giữ chay hai ngày trong tuần, thứ Hai và thứ Năm.

Điều rắc rối là có một số người ăn chay nhằm mục đích khoe khoang lối sống lập dị, khắc khổ. Họ muốn người ta chú ý về đời sống đạo đức của mình. Họ muốn người ta khâm phục ý chí mạnh mẽ của họ. Hơn thế nữa họ muốn cả Thiên Chúa phải nhìn đến “sự tan nát bên ngoài” của họ. Họ ăn chay mà mặt mày nhăn nhó, quần áo xốc xếch, vẻ mặt khổ não… Họ tưởng rằng chính những hành động phụ thêm đó sẽ làm cho Thiên Chúa động lòng.

Chúa Giêsu đã ví các mộn đệ của Ngài như bạn thân của cô dâu và chú rể được mời đến chia sẻ niềm vui với họ. Vì vậy họ không thể và càng không được phép ăn chay vì đang chung vui với cô dâu chú rể.

Niềm vui trong đời sống đức tin của chúng ta được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, hệ tại ở việc gặp gỡ Đức Kitô trong một tình bạn cá vị với Ngài, chứ không phải bởi những việc làm cho Ngài.

Trong tình bạn với Thiên Chúa, mỗi người với một cá tính riêng, không ai giống ai. Điều quan trọng là tôi thực sự hạnh phúc vì được làm bạn với Chúa, tôi không gượng ép, tôi không gồng mình để được Chúa chú ý và những người xung quanh thán phục…

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, những thực hành đạo đức chỉ có giá trị khi con thực sự yêu mến Chúa. Khi tìm đến Chúa con sẽ vui mừng vì được gặp gỡ Chúa, có mối tương quan thân tình với Chúa. Xin cho con đừng bắt người khác cũng đi theo con đường của mìn, nhưng biết gặp nhau trong niềm vui huynh đệ.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 2, 23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

SUY NIỆM:

Theo luật của người Do Thái, việc làm được phân chia thành 39 đề mục khác nhau, trong đó 4 việc đầu là: Gặt, rê, sàng và nấu. Các môn đệ bứt lúa là hành động gặt, vò nát trong tay là hành động rê, thổi cho vỏ trấu bay là sàng, bỏ vào miệng nhai là nấu…

Chúng ta cho là quá đáng, nhưng thực sự người Do Thái giải thích luật theo kiểu như vậy. Cho nên các môn đệ của Chúa Giêsu đã vi phạm tất cả các luật lệ đứng đầu. Ngày nay chúng ta thấy có vẻ kỳ cục, nhưng vào thời Chúa Giêsu, đây là vấn đề sinh tử, có thể bị kết án tử hình.

Chúa Giêsu đã kể câu chuyện trong sách Samuel quyển thứ nhất về việc vua Đavit trong khi chạy trốn vua Saul đã ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ bánh chỉ dành cho các thượng tế, vì ông quá đói. Chúa Giê su đã dùng kinh thánh để chứng mình rằng con người phải được đặt lên trên lề luật. Hay nói cách khác: lề luật được lập ra là vì con người.

Thái độ tự do nội tâm là tôi có được phong cách sống nhẹ nhàng với chính mình, với những người xung quanh. Tự do nội tâm còn là sự nhạy bén trong đời sống đức tin để tôi có thể nhận ra điều Chúa muốn và mau mắn thực hành. Tôi không lo lắng, sợ hãi trước dư luận về tôi, vì trong tất cả tôi đã đặt dưới cái nhìn của Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con đừng để cho lề luật quá đè nặng mình, nhưng biết sử dụng lề luật như phương thế giúp con nên trọn lành. Xin cho con biết thông cảm với người khác khi thấy họ đi ra ngoài khuôn khổ của lề luật.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

SUY NIỆM:

Hôm nay Chúa Giêsu lại gặp phải vấn đề ngày Sabat đối với một nhóm người thuộc về tòa Công Luận. Họ có nhiệm vụ vào Đền Thờ quan sát mọi người, nhất cử, nhất động của người khác trong hội đường đều không thể qua mắt họ. Việc đến Đền Thờ để thợ phượng là việc phụ. Việc theo dõi, quan sát, bắt bẻ người khác mới là việc chính.

Luật Do Thái rất chi tiết về ngày Sabat. Chỉ khi nào mạng sống con người bị đe dọa mới được được chăm sóc thuốc men. Vì vậy nếu có một người bị tường sập đè lên, thì người ta chỉ cần dọn dẹp để xem người ấy còn sống hay không. Nếu còn sống thì trợ giúp. Nếu đã chết thì để đó chứ không được kéo ra. Một ngón tay bị đứt thì được băng bó chứ không được xức dầu. Nghĩa là chỉ được phép cứu sống chứ không được phép làm cho giảm đau.

Như vậy về mặt lý thuyết, mạng sống của người bại tay không hề lâm nguy. Nhưng Chúa Giêsu chẳng những cho người ta được sống, mà còn phải sống dồi dào. Ngài không để cho luật lệ làm cho người khác phải khổ sở.

Qua câu chuyện này tôi nhận thấy có hai lối sống đạo. Một lối sống theo hình thức, lễ nghi giống như những người biệt phái và Pharisêu. Cũng giống như một số người nghĩ rằng giữ đạo là đi lễ ngày Chúa Nhật, không cướp của giết người, không ngoại tình… là đủ rồi; mà không dấn thân vào những việc lành phước đức, không thực thi lòng thương xót, không biết hy sinh hãm mình…

Còn Chúa Giêsu, đạo là phục vụ, là mến Chúa, yêu người, là nhạy cảm trước nỗi đau của người khác và đưa tay ra san sẻ với họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con thay đổi cách thức sống đạo của con bằng cách thay đổi tận con tim. Xin cho con đừng quá nệ vào hình thức mà bắt người khác phải chịu đau khổ vì những luật lệ. Nhưng cho con biết hướng đến tình yêu để giúp người khác có thể chạy đến với lòng thương xót của Chúa.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mc 3, 7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

SUY NIỆM:

Tại sao dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu? Thưa bởi vì Thiên tính của Ngài tỏa rạng và nhân cách của Ngài chói sáng.

Thiên tính tỏa rạng qua quyền năng của Ngài: “Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3, 10). Từ nơi Ngài phát xuất ơn chữa lành. Không cần Ngài chữa, mà chỉ cần chạm đến Ngài cũng có thể được chữa lành. Quyền năng đó chẳng những con người nhìn thấy, mà cả ma quỷ cũng biết: “Còn thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “ông là Con Thiên Chúa!” (Mc 3, 11).

Nhân cách chói sáng qua tình yêu thương, sự quan tâm của Ngài dành cho đám đông dân chúng. Hễ ai đến với Ngài cũng nhận được sự chia sẻ trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Dù cho đó là những gánh nặng của bệnh tật, những dằn vặt của đam mê và cả những bóng đen của tội lỗi. Ngài không loại trừ bất cứ một ai mà dang rộng vòng tay để đón tiếp họ. Một sự quan tâm tế nhị chứ không phải ràng buộc. Những mối quan hệ tự do chứ không phải lệ thuộc. Đến với Ngài con người cảm thấy niềm vui dâng trào lên phơi phới. Đến với Ngài con người biết vươn đến tha nhân để phục vụ…

Là môn đệ của Chúa Giêsu tôi cũng được mời gọi rạng ngời Thiên tính của Thiên Chúa trong con người tôi. Dĩ nhiên tôi không có quyền năng chữa lành và sức mạnh xua trừ ma quỷ như Chúa Giêsu. Nhưng nhờ Chúa tôi có thể xoa dịu nỗi đau của người khác, và trong Chúa tôi có thể xua đuổi bóng đêm tội lỗi ra khỏi con người tôi.

Là môn đệ của Chúa Giêsu tôi cũng được mời gọi chói sáng tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ cho những người xung quanh. Tuy nhiên tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ không làm cho người khác bị ràng buộc, mất tự do, mà hoàn toàn để cho họ lớn lên và vươn đến với những người khác. Tôi chỉ là nhịp cầu yêu thương để chuyên chở và trao gởi tình yêu thương. Tôi không là bến đậu của tình yêu để giữ những người tôi thương mến.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa xin cho con biết gắn bó với Chúa để Thiên tính của Ngài được tỏa rạng nơi bản thân con. Xin cho con biết yêu thương người khác để làm rạng ngời nhân cách nơi bản thân con.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

SUY NIỆM:

Ơn gọi Kitô hữu là “Ở với Người, và để Người sai đi rao giảng” (Mc 3, 14). Các Tông đồ được chọn gọi để từ bỏ hết tất cả mọi sự, bước theo Thầy Giêsu. Để với những gì các ông đã từng nghe, từng thấy và từng cảm nghiệm được, các ông phải chia sẻ cho người khác.

Qua việc Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông đồ hôm nay, tôi nhìn lại ơn gọi làm Kitô hữu của mình. Không phải là một chuyện tình cờ, may rủi mà tôi trở thành con cái Chúa, nhưng nói theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “là một hành động đụng chạm tới trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta… nhờ hành động đó chúng ta có thể sống một cuộc đời mới, không ở trong quyền lực của sự dữ, tội lỗi và cái chết nữa, nhưng sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và các anh em khác”. Tôi cám ơn Chúa vì tôi được Chúa cho tôi được làm con cái Chúa, được tham dự vào sự sống của Ngài.

Qua việc Chúa lập nhóm 12 hôm nay, tôi nhìn đến sứ mạng của tôi. Nhóm 12 được sai đi khi các ông đã từng ở với Chúa Giêsu. Nghĩa là các ông phải có kinh nghiệm về Thầy mình. Vì vậy, sứ mạng của tôi cũng phải là chia sẻ kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu. Để có thể kinh nghiệm về Chúa Giêsu, tôi không thể tìm hiểu, nghiên cứu như một môn học, mà nói theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi phải có cuộc “gặp gỡ cá vị với Đức Giêusu Kitô”. Nghĩa là mối tương quan riêng biệt với Ngài. Để thiết lập mối tương quan riêng biệt với Ngài, tôi phải gặp gỡ Ngài trong cầu nguyện và các Bí tích.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa cho con được làm người, và hơn thế nữa, làm con cái Chúa, làm Kitô hữu. Xin cho con biết sống tốt tư cách của một người con bằng việc có mối tương quan thân tình với Đức Giêsu trong cầu nguyện, trong thánh lễ và các Bí tích, để có thể nói về Ngài bằng chính kinh nghiệm của con.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”.

SUY NIỆM:

Hôm nay người nhà của Chúa đi bắt Chúa về “vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21). Họ nghĩ Chúa mất trí cũng đúng thôi, vì một thanh niên khỏe mạnh, bỗng nhiên bỏ cha mẹ, nhà cửa, đi lang thang, rày đây mai đó. Nếu không phải là kẻ mất trí thì cũng là một người tâm thần. Họ nghĩ Ngài không bình thường vì Ngài dám đụng tới các lãnh tụ tôn giáo thời đó, những người có quyền thế trong dân. Họ buồn cười vì Chúa Giêsu chơi trò lãnh tụ. Ngài chọn gọi một nhóm hỗn tạp, toàn là những tay ngu dốt, có được một người học thức là Matthêu, nhưng khi theo Thầy Giêsu, ông cũng phải bỏ cả nghề thu thuế của mình… Nhìn vào nhóm này người ta cũng biết chủ nhân nó là ai…

Tuy nhiên những hành động của Chúa Giêsu đã cho thấy nguyên tắc của Ngài hoàn toàn khác với con người. Ngài không cần đến một cuộc sống bình yên, ổn định. Ngài vứt bỏ lối sống an toàn, né tránh sự thật. Ngài làm ngơ trước những phê bình chỉ trích của kẻ khác.

Từ lối sống của Chúa Giêsu mà chính những người thân cho là điên dại, tôi cũng phải trở nên kẻ dại khờ như Thầy mình.

Tôi không màn một cuộc sống bình yên, an phận, nhưng phải mạnh mẽ ra đi trong hành trình đức tin của mình. Nhiều khi vì công ăn việc làm, vì lo cho cuộc sống mà tôi đã sẵn sàng bỏ Chúa. tôi phải dám từ khước những bảo đảm cho cuộc sống mình, để sống cho lý tưởng của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, theo Chúa, sống với Chúa nhiều khi phải chấp nhận bị người khác gọi là điên khùng, vì cách sống của con không giống như những suy nghĩ trên bình diện phàm tục. Thế nhưng nếu con mạnh dạn để đương đầu với lối sống bình thường và tầm thường của thế gian, thì con sẽ thuộc về Nước Trời. Xin ơn Chúa giúp để con dám trở nên người dại khờ vì tình yêu.

bài viết mới