Friday, September 20, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 21 | Mùa Thường niên | Năm C 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN C

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Lc 13, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.  

SUY NIỆM:

Người ta quan tâm đến số lượng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”; còn Chúa Giêsu quan tâm đến chất lượng “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Ít-nhiều, trước-sau không quan trọng, quan trọng là “được cứu độ”.

Đời sống Kitô hữu là một mời gọi đừng nhìn ra bên ngoài, nhưng hãy nhìn vào bên trong; đừng phán đoán xem thằng A tội lỗi thế có được lên thiên đàng không, con B trắc nết vậy liệu có được cứu độ…? Hãy xem chính bản thân mình đã cố gắng từ bỏ những điều xấu được bao nhiêu, đã nổ lực làm những việc lành đến mức nào… Đó là cửa hẹp ta phải đi.

Trong bậc sống, ơn gọi riêng của mỗi người cũng thế, không ai là xứng đáng cho vị trí của mình, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và lời đáp trả quảng đại của mỗi người.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận ơn Chúa mỗi ngày để đủ sức thu mình lại trước những cám dỗ của thế gian mà vào qua cửa hẹp.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mt 23, 13-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

“Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Đấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Đấng ngự trên ngai toà ấy mà thề”.  

SUY NIỆM:

Những người bị Chúa Giêsu quở trách: “Khốn cho các ngươi” đều là những người không sống đúng với đường lối của Chúa.

Thái độ sống không đúng đầu tiên là gương mù gương xấu. “Đóng cửa Nước Trời” không phải là quyền của các luật sĩ và biệt phái, nhưng là vì họ không đủ điều kiện do cách sống chưa đúng với đòi hỏi Nước Trời; tệ hại hơn, họ còn lôi kéo người khác sống không đúng như họ.

Thái độ sống không đúng tiếp theo là căn bệnh mà chính Đức Giêsu đã nêu đích danh: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình!” Giả hình tức là chỉ lo trau chuốt bộ mặt bên ngoài chứ không có nội dung bên trong, ngôn hành bất nhất… cốt để cho người ta thấy mình tốt, mình đạo đức.

Thấy được những điều đó để Kitô hữu phải liệu để chính mình được ơn cứu độ trước đã; hay ít ra không trở thành cớ vấp phạm cho người khác.

Kế đến hãy sống thực lòng với Chúa, vì Chúa biết con người chúng ta như thế nào. Dẫu có tội lỗi nhưng thực lòng xưng thú vẫn được thứ tha, hơn là giấu diếm để chứng tỏ mình trong sạch. Dẫu có tệ hại nhưng khiêm tốn để phấn đấu vẫn hơn là kiêu căng để chứng minh mình đẳng cấp.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết rõ sự thật về bản thân con và sự thật về tình thương cứu độ của Chúa, để con không nề hà vào công đức của mình, nhưng biết cậy dựa vào tình thương của Chúa.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 23, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

“Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.    

SUY NIỆM:

Sự giả hình của các luật sĩ và biệt phái không chỉ dừng lại ở chỗ chú trọng đến những hình thức tốt đẹp bên ngoài để giấu diếm sự thật xấu xa bên trong, mà còn là thái độ lựa chọn giá trị không vững bền.

Họ quan tâm đến “bạc hà, hồi hương, thì là” mà lại bỏ qua “công bình, lòng nhân từ và lòng tin”. Trong khi đó lẽ ra họ phải sống và hướng dẫn người khác sống “công bình, lòng nhân từ và lòng tin”.

Như vậy, thêm một định nghĩa mới cho sự giả hình mà Đức Giêsu muốn nói đến, chính là chọn lựa giá trị nào có những việc làm dễ dàng cho bản thân mình để bỏ qua những giá trị vững bền nhưng đòi hỏi sự hy sinh phấn đấu.

Dù thế nào, giả hình cũng chỉ là không muốn làm theo ý Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng tìm sự dễ dãi cho bản thân mà bỏ qua đường lối của Chúa; vì chắc chắn một điều, muốn đi theo đường lối Chúa, chúng con phải đi trên con đường thập giá.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 1, 45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

SUY NIỆM

Sự gặp gỡ của một người dẫn đến kinh nghiệm cho chính bản thân họ. Kinh nghiệm đó không cần người ta phải biện minh hay giải thích, mà chỉ đơn giản là một lời mời gọi “Hãy đến mà xem”.

Trong đời sống đức tin cũng vậy, sự gặp gỡ Chúa thực sự được thể hiện qua đời sống của một con người chìm lắng trong đời sống nội tâm để không cần phô trương, biện minh hay giải thích, nhưng qua cách sống của họ là một lời mời gọi để người khác muốn khám phá động lực sâu xa phía bên trong của họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con nổ lực để gặp gỡ Chúa thực sự trong đời sống cầu nguyện, phụng vụ, và nhất là qua việc gặp gỡ Đức Giêsu sống động nơi những con người nghèo khổ của Thiên Chúa.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mt 24, 42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

“Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.  

SUY NIỆM:

Điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ rất thực tế trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến những cái chết bất ngờ của người thân, bạn bè, hoặc biết được qua các phương tiện truyền thông.

Là người có đức tin, chúng ta càng xác tín hơn về cái chết không phải là điều Chúa muốn, mà do hậu quả của tội nguyên tổ. Tình thương Chúa được thể hiện qua việc Ngài chấp nhận sự chết như một chuyến đò để con người bước vào bến mới.

Chuyến đò đó con người không biết sẽ xuất phát lúc nào, nên họ phải luôn luôn tỉnh thức, khi chủ đò réo gọi, họ phải bước xuống đò.

Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ thái độ của người đầy tớ trung tín. Đó là một sự trung thành với chủ và sống bác ái với đồng nghiệp, nhất là không được độc ác với họ.

Đời sống Kitô hữu là một cuộc chờ đợi chuyến đò để bước sang “thế giới bên kia”. Trong khi chờ đợi họ phải tuyệt đối trung thành với Chúa qua sự tin tưởng, tôn thờ một mình Ngài. Đồng thời họ cũng phải sống bác ái với anh chị em đồng loại, và tuyệt đối không được độc ác với người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con một sự chờ đợi tích cực để không bi quan, thụ động, mà phải lạc quan và hành động cụ thể để khi Chúa đến, con đủ điều kiện ra đón Chúa.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 25, 1-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. 

“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: ‘E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn’. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Nhưng người đáp lại: ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi’. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.  

SUY NIỆM:

Thái độ tỉnh thức để chờ Chúa đến được ví như những cô trinh nữ chờ chàng rể đến một cách bất ngờ. Không biết sao chàng rể lại đến ban đêm, chỉ biết rằng các cô trinh nữ phải có đèn thắp sáng mới có thể đón chàng rể.

Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội như người đã được trao cho cây đèn để chờ đón Chúa đến. Nhiệm vụ của họ là phải làm sao để cây đèn đức tin luôn luôn cháy sáng.

Vì vậy chắc chắn sẽ có những người cầm đèn mà không còn nhiên liệu. Họ được ví như những cô trinh nữ khờ dại. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Cầm đèn mà không thể thắp sáng, đèn trở nên vô dụng.

Để có đủ nguyên liệu thắp sáng ngọn đèn đức tin, chúng ta phải tích cực sống đạo. Mỗi việc lành như một chút dầu đổ vào chiếc bình của cây đèn. Vì vậy, mỗi ngày phải chắt chiu những việc làm tốt đẹp tích trữ những giọt dầu cần thiết cho quá trình chờ Chúa đến.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn thái độ khôn ngoan là làm thật nhiều những việc lành phúc đức hằng ngày để đủ dầu thắp sáng ngọn đèn đức tin của con.  

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mt 25, 14-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’.

“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: ‘Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Đây của ông, xin trả lại ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”.

SUY NIỆM:

Chúa ban cho mỗi người những điều kiện, những khả năng riêng, nhưng tất cả những điều này là để phục vụ Chúa và Giáo hội, chứ không phải để tích trữ cho riêng mình.

Vì vậy nếu biết dùng điều kiện, khả năng Chúa ban để phục vụ người khác thì như nén bạc được sinh lợi. Ví dụ dùng đồng tiền giúp đỡ người nghèo, dùng kiến thức để khai mở cho người u mê… thì chúng ta đang sinh lợi từ những nén bạc Chúa cho.

Ngược lại nếu cứ bo bo giữ lấy những gì Chúa ban, thì như người đem chốn nén bạc. Ví dụ có tiền mà cất giấu, trong khi bản thân bị bệnh không dám chữa, người thân nghèo khổ cần sự giúp đỡ… thì quả thật chúng ta đang chôn những gì Chúa ban.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết trân trọng những gì Chúa ban và nổ lực để sinh lợi bằng hành động chia sẻ của con. Trong Chúa con khám phá ra một điều đặc biệt, càng cho đi, con càng nhận lãnh thêm.      

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here