Friday, September 20, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Tuần 22 | Mùa Thường niên

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 14,1.7-14

A. Hạt giống…

Khung cảnh của câu chuyện này là Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa, và nhóm Pharisêu cố dò xét Ngài. Trong khung cảnh bữa tiệc ấy, Đức Giêsu dạy hai bài học :

1. Bài học về việc chọn chỗ ngồi (cc 7-11) : chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị.  

– Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.

– Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.

– Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên”.

2. Bài học về việc phục vụ vô vị lợi : bài học phục vụ vô vị lợi. Đức Giêsu lấy thí dụ bằng việc mời khách dự tiệc :

– “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui” : ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ. (2Sm 5,8 ; Lv 21,18)

– “Họ không có gì đáp lễ” : người đời thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽ được đáp lễ” : thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).

B. … nảy mầm.

1. Ba mức độ giá trị của địa vị :

– Địa vị do chính mình dành lấy : kém nhất và dễ lung lay nhất.

– Do người khác trao cho mình bởi nhận thấy khả năng và phẩm chất của mình : vững vàng hơn.

– Do chính Thiên Chúa đặt cho mình : đúng và vững chắc nhất.

2. “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra ở đời. Bởi đó tôi chẳng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Chỉ xin Chúa giúp tôi làm tròn nhiệm vụ Ngài giao trong hoàn cảnh và thân phận hiện nay của tôi.

3. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ : càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”) 

4. Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.

– Con có thấy gì không ?

– Một hộp vàng, mặt và những cây kim.

Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói : “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy”.

Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả. (Góp nhặt) 

5. Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người. Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều : cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ.  Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội. 

6. Ăn chung với nhau còn biểu lộ sự thông hiệp, liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh Biệt phái mặc dù hai bên khác quan điểm với nhau (x. đoạn phía trước : 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh Biệt phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông. 

7. “Phần thưởng ai cũng muốn có. Nhưng phần thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu không ? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không ? Phần Chúa, Chúa nhắn : “Hãy tìm của Nước Trời trước”. (Mt 6,33) (Trích “TMCGK ngày trong tuần” )

8. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc”. (Lc 14, 13-14)

Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù. Có một tình thương len lỏi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.

Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới : “Yêu như Chúa yêu”, nghĩa là dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị, mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.

Lạy Chúa ! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn. (Hosanna) 

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here