Monday, April 29, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | CN I MC | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA CN I MC NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 1, 12-15

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người. Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

SUY NIỆM:

Khởi đầu mùa Chay, Lời Chúa cho chúng ta biết về sự thật của kiếp người chúng ta qua Đức Giêsu. Đó là cuộc đời chúng ta là một cuộc chiến đấu với ma quỷ.

Vì ma quỷ đã chống đối Thiên Chúa nên nó cũng sẽ không tha con cái của Ngài, kể cả thân phận con người của Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu.

Vì ma quỷ đã thua Đức Giêsu vì Ngài luôn chọn làm theo thánh ý Chúa Cha, nên môn đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ chiến thắng nếu chọn con đường của Đức Giêsu.

Con đường đó được khởi đi từ lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Vì  thế, hoán cái, đổi mới, tin vào Tin mừng là con đường để người môn đệ chiến thắng được ma quỷ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức sự cám dỗ của ma quỷ để phải luôn luôn chiến đấu. Tự sức con không thể chiến thắng, nên xin cho con luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!” Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

SUY NIỆM:

Đức Giêsu đã kết luận dụ ngôn về ngày cánh chung bằng 2 hình ảnh: “chịu cực hình muôn kiếp” và “hưởng sự sống muôn đời”. Đó là điều tất yếu của đời người chúng ta.

Điều tất yếu đó là kết quả của những việc họ làm khi còn sống: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Làm gì? Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng thăm kẻ tù đày… nói chung là những việc bác ái.

Ngược lại: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45).

Điều quan trọng là Đức Giêsu đã đồng hóa mình với “những kẻ bé mọn nhất”, để những việc làm của chúng ta cho người khác, dù là kẻ bé mọn nhất, cũng là làm cho chính Chúa.

Dụ ngôn về ngày cánh chung được đọc trong những ngày đầu của mùa Chay, nhắc nhở cho tôi về mọi hành động của mình, để tôi biết hướng đến “sự sống muôn đời” mà làm việc lành với mọi người, kẻo “chịu cực hình muôn kiếp” vì đã không biết sống bác ái yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, cát bụi cuộc đời là chúng con, nhưng Chúa đã thương cho cát bụi đó thành những viên ngọc quý trong cái nhìn của Chúa. Xin cho con biết hành động “cho nước trời mai sau” từ ngày hôm nay bằng những việc làm hết sức bé nhỏ cho những người xung quanh. Amen.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

SUY NIỆM:

Đức Giêsu dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện. Trước hết phải tránh kiểu lải nhải. Lải nhải tức là nói đi nói lại mãi một điều. Dân ngoại là những người không tin hoặc chưa tin vào Chúa. Như vậy, dân ngoại cũng có cầu nguyện, nhưng kiểu cầu nguyện của họ là để thần minh thực hiện những điều họ cầu khẩn. Hoặc vì không biết thần minh của họ có thật hay không, có nghe được những lời của họ hay không nên họ cứ “lải nhải”.

Cầu nguyện không phải là để Chúa biết, mà để con người ý thức đâu là điểm tựa của mình. Chắc chắn Đức Giêsu muốn các môn đệ cầu nguyện là để gắn bó cuộc đời của họ với Thiên Chúa.

Cầu nguyện là cứ trình bày những nhu cầu của mình, còn việc thực hiện hay không là do sự khôn ngoan, của Thiên Chúa. Bổn phận của con người là cầu nguyện, còn bổn phận của Thiên Chúa là lo lắng cho ta. Điều đó một người cha bình thường, không có khả năng còn biết thao thức, huống chi Thiên Chúa là một người Cha quyền năng và giàu lòng thương xót.

Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định Thiên Chúa như người Cha luôn yêu thương, săn sóc cho con cái mình. Vì vậy thái độ Ngài muốn các môn đệ phải có khi cầu nguyện là sự tin tưởng để biết phó thác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, công cuộc mưu sinh khiến chúng con phải lo toan vất vả. Chúa thấu hiểu tất cả, nhưng Chúa dạy chúng con đừng chỉ dừng lại ở đó, mà phải biết hướng lên Cha trên trời để Ngài sẽ lo liệu mọi sự cho chúng con. Sự lo liệu của Cha không phải để chúng con “nằm chờ sung rụng”, nhưng là để chúng con được bình an, phó thác trong mọi sự. Xin cho chúng con một niềm tin yêu và phó thác trong tay Ngài. Amen.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

SUY NIỆM:

Dân chúng thời Đức Giêsu đòi Ngài làm dấu lạ hiển nhiên giống thời xuất hành và thời ngôn sứ Êlia. Ngài đã từ chối và ám chỉ cho họ biết chính bản thân và những lời rao giảng của Ngài đã là một dấu lạ.

Niềm tin của Kitô hữu không phải là đợi chờ sự can thiệp một cách lạ lùng của quyền năng Thiên Chúa. Tôi thiếu nợ, cầu xin là Chúa cho tôi trúng số. Tôi bị bệnh nan y, cầu xin là Chúa cho hết bệnh. Tôi ăn hối lộ giờ phải ra tòa, cầu xin Chúa là tòa xử tôi trắng án… Thiên Chúa không làm những dấu lạ kiểu đó. Mà niềm tin của Kitô hữu là nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. Vì vậy hãy bước đi theo đường lối của Ngài.

Đồng thời biết sử dụng tất cả những điều kiện Chúa ban như một dấu lạ để củng cố đức tin cho tôi và nâng đỡ đức tin cho người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con để nhìn thấy biết bao điều kỳ diệu đang diễn ra trong cuộc đời chúng con. Amen.

THỨ NĂM – LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

LỜI CHÚA: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

SUY NIỆM:

 “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15)

Sau một thời gian rao giảng cho dân chúng về Nước Trời, đây là lúc để Đức Giêsu đúc kết lại: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, 13-19) Dân chúng không đáp ứng sứ điệp của Đức Giêsu, mặc dù có những lúc họ tôn Ngài lên làm vua, nhưng rõ ràng vị vua đó chỉ theo nghĩa trần tục.

Đức Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ để chính các ông phải bày tỏ lập trường của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16, 15).

Ngày xưa ông Simon Phêrô đã đại diện anh em để tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Câu trả lời xuất sắc có sự trợ giúp của Đấng thông suốt mọi sự: “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Dù như thế nào thì đó cũng là mặc khải của Thiên Chúa Cha về Đức Giêsu, để con người nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15) cũng chính là câu hỏi Đức Giêsu dành riêng cho từng người chúng ta. Mỗi người hãy trả lời câu hỏi đó, vì chính nó sẽ định hướng cho cuộc đời của chúng ta.

Nếu nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là chủ tể muôn loài muôn vật thì chắc chắn chúng ta sẽ suy phục Ngài bằng tất cả niềm tin.

Nếu nhìn nhận Đức Giêsu như một vĩ nhân hoặc một trong các vị thần khác, thì thái độ của chúng ta dành cho Ngài chỉ là sự ái mộ hoặc để tìm kiếm thế lực phục vụ lợi ích cho riêng mình.

Lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16) không phải chỉ một lần cho tất cả, nhưng nó phải được lặp lại thường xuyên để định hướng cho cuộc đời mình và nhắc lại mỗi khi chúng ta chọn lựa những giá trị khác ngoài Đức Kitô.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lần con chưa chọn Chúa làm chủ tể của cuộc đời mình. Và xin ơn trên giúp con nhận ra sự thật về niềm tin mà con đã được ban cho vì đức tin của con còn yếu kém. Con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha là Đấng kế vị thánh Phêrô để Ngài đủ sức bảo vệ Giáo hội và dẫn đưa dân Chúa về Nước Trời.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

SUY NIỆM:

Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu”. Sự công chính theo kiểu của một số kinh sư và người Pharisêu là ở việc giữ luật theo hình thức bên ngoài. Sự công chính đó các môn đệ của Đức Giêsu phải tuyệt đối tránh.

Tuy nhiên cũng có những kinh sư và Pharisêu giữ luật thực lòng, không muốn phô trương hình thức, nhưng đó chỉ là đạo cũ, đạo của Môsê truyền lại. Sự công chính đích thực từ nay phải là tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Như vậy để được vào Nước Trời, người môn đệ phải tin vào Đức Giêsu và sống theo đường lối của Ngài, để cho cung cách của Ngài trở thành cung cách của người môn đệ, đó là sự công chính đích thực.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều khi chúng con chỉ để ý đến những luật lệ bên ngoài mà quên đi điều sâu xa là con đang bước đi trên con đường mang tên Giêsu. Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa là con đường, Chúa là đôi cánh ủ ấp con như gà mẹ ấp ủ gà con, Chúa là tình yêu bao bọc suốt cả đời con… để chúng con luôn vững tâm bước đi trong Chúa. Amen.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.

SUY NIỆM:

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48)

Câu này tóm kết tất cả những giáo huấn của Đức Giêsu về đức công chính của người môn đệ.

Người môn đệ phải luôn luôn nhớ chưa bao giờ mình đạt đến mức hoàn thiện, vì chỉ có Cha trên trời mới là Đấng hoàn thiện.

Tuy nhiên người môn đệ được mời gọi mỗi ngày một hoàn thiện hơn theo gương Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.

Vì thế, người môn đệ đích thực phải năng tìm hiểu Thánh Kinh để biết được cung cách của Đức Giêsu; phải trung thành cầu nguyện để có được sức mạnh đổi mới của Thánh Thần mới mong đủ sức thực hiện những điều Đức Giêsu chỉ dạy.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, những lo toan của cuộc sống khiến chúng con không thể vươn lên để “hoàn thiện mỗi ngày” vì chỉ quan tâm đến những giá trị của thế gian. Xin cho chúng con ơn hoán cải trong mùa chay này để nhận ra được những giá trị chúng con đang đeo bám chỉ như hoa sớm nở tối tàn, để chúng con biết tìm đến với Đức Giêsu để được Ngài dẫn lối về đến bến bình an. Amen.

bài viết mới