Monday, April 29, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | CN II MC | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA CHAY – NĂM B

CHÚA NHẬT

TIN MỪNG: Mc 9, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

SUY NIỆM:

Phêrô, Giacôbê và Gioan là những môn đệ được Chúa Giêsu dành cho một sự ưu tiên đặc biệt để họ được “đi riêng” với Ngài trong mọi biến cố, nhất là biến cố tử nạn và phục sinh.

Việc Chúa Giêsu dành ưu tiên cho những môn đệ kề cận là chương trình của Chúa dành cho những người Chúa chọn làm những công việc đặc biệt của Ngài.

Nhưng quan trọng nhất, qua những biến cố đặc biệt trong sứ vụ của Ngài như chứng kiến dấu lạ, cái chết và sự phục sinh, hay việc biến hình trên núi hôm nay, Chúa Giêsu muốn củng cố thêm đức tin cho những người bước đi theo Ngài, làm môn đệ của Ngài.

Không thể chấp nhận một con đường dễ dãi, mà chỉ có con đường duy nhất để bước đi theo Ngài là con đường thập giá.

Không thể nào muốn ở trong vinh quang mà không chấp nhận việc “xuống núi” để bước đi từng ngày theo Chúa.

Tham gia đời sống Giáo hội là cùng chia sẻ với Giáo hội mọi trăn trở, thao thức xây dựng Giáo hội thành một gia đình của Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Mà trăn trở, thao thức quan trọng nhất chính là niềm tin của cộng đoàn. 

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm vinh quang theo kiểu trần gian trong Giáo hội, nhưng can đảm vác thập giá theo Chúa mỗi ngày để cộng tác với Giáo hội bằng chính niềm tin và sự hy sinh của con.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 6, 36-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

SUY NIỆM:

Mùa Chay là thời gian để mỗi người chúng ta hoán cải về các mối tương quan, nhất là hoán cải cái nhìn về Thiên Chúa và cung cách với tha nhân.

Chúng ta chỉ nghe Thiên Chúa nhân từ, nhưng không biết Ngài nhân từ làm sao. Hôm nay Chúa Giêsu cho ta thấy vài nét nhân từ của Thiên Chúa: không xét đoán, không kết án; nhưng tha thứ, và biết cho đi.

Sự nhân từ của Thiên Chúa làm cho chúng ta không một chút sợ hãi, vì quả thật những ai yêu mến Ngài “hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn” thì sẽ không bao giờ sợ hãi, như thánh Gioan đã nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi”.

Tại sao người ta không sợ hãi khi yêu mến Thiên Chúa? Vì người ta chỉ lo làm sao cho đẹp lòng Chúa. Đó chính là hoán cải về mối tương quan với tha nhân.

Đó là người ta sống cung cách của người con cái Chúa: Không xét đoán, không kết án; nhưng tha thứ và biết cho đi.

Quả thật trong Mùa Chay của sự Tham Gia, nếu người môn đệ Chúa biết sống yêu thương như Chúa dạy, thì chắc chắn sự tham gia đó sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho bản thân và cho Giáo hội.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn cố gắng kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và tập luyện cung cách của Chúa qua Lời Chúa, để nhờ đó con có được chút ít sự nhân từ của Chúa.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài cung cách của một người con cái Chúa. Đó là sự khiêm tốn và tinh thần phục vụ.

Khiêm tốn để không bao giờ muốn mình trổi trang bằng những hào nhoáng bên ngoài, nhưng chỉ muốn đi sâu vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, muốn mình mãi mãi nhỏ bé trong vòng tay yêu thương của Chúa.

Phục vụ để sẵn sàng làm mọi việc “mà không kêu ca hay phản khảng”. Vì trong sâu thẳm của người môn đệ nhận ra rằng Chúa thương mình nhiều quá, nên được giống Chúa bao nhiêu là hạnh phúc bấy nhiêu.

Việc tham gia vào đời sống Giáo hội cần sự khiêm tốn và tinh thần phục vụ. Khiêm tốn để không bao giờ muốn “đánh bóng” bản thân bằng những việc mình làm. Phục vụ để sẵn sang làm mọi việc, kể cả những việc thấp kém nhất.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin đừng để con bị tinh thần thế tục chế ngự, nhưng hãy mặc cho con cung cách siêu nhiên, thánh thiện, để con biết sống và làm mọi việc cách siêu vượt.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 20, 17-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

SUY NIỆM:

Môn đệ Chúa cũng chưa chắc giống Chúa, vì Thầy chỉ một đường, trò lại đi một nẻo.

Thầy Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, nghĩa là con đường khổ nạn như lời Ngài loan báo. Chắc chắn Ngài đang chỉ cho các môn đệ một con đường để đi theo Ngài, nhưng con đường đó không hề hấp dẫn, vì là con đường thập giá.

Còn các môn đệ lại nghĩ đến con đường sung sướng, con đường thăng quan tiến chức và họ muốn được đi trên con đường đó. Thậm chí để thực hiện khao khát của mình, họ còn nhờ người lớn “đưa hối lộ”; và người mẹ cũng đã chìu theo ý hướng hết sức trần tục của con mình để đến xin Chúa Giêsu “cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”.

Mùa Chay là thời gian để người môn đệ uốn nắn tâm tình, tư tưởng và đường lối của mình để rập khuôn với thánh ý của Chúa.

Chính Chúa Giêsu cũng đã bị ma quỷ cám dỗ đi theo con đường dễ dãi nhưng ngược lại thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã phải chiến đấu bằng sức mạnh của Lời Chúa và đã chiến thắng.

CẦU NGUYỆN:

Xin cho chúng con biết kết hiệp với Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, để con có thể chiến đấu với đường hướng dễ dãi của ma quỷ hầu chiến thắng bản thân con.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

SUY NIỆM:

Điều răn thứ Năm dạy ta chẳng những không được xúc phạm đến người khác, mà còn phải biết yêu thương giúp đỡ người lân cận, nhất là những người túng thiếu.

Rõ ràng ông phú hộ trong bài Tin mừng hôm nay không xúc phạm đến ai, và dường như việc ông có tài sản là do sức lao động của ông. Vì vậy ông nghĩ rằng mình có quyền hưởng thụ.

Thế nhưng ông lại bị xuống hỏa ngục là do đâu? Chính xác là do ông không quan tâm đến Lazarô, người nghèo ăn xin trước cửa nhà ông.

Tội của ông là ăn chơi hưởng thụ trong khi trước cửa nhà có người ăn xin phải chết đói. Phải chi ông biết chia sẻ cho người ăn xin thì cuộc vui của ông đã trọn vẹn.

Mùa Chay là thời gian mời gọi chúng ta sống bác ái yêu thương với mọi người, cụ thể bằng cách biết chia sẻ với những người túng thiếu.

Quan tâm, giúp đỡ người nghèo khó cũng là cách tham gia vào đời sống Giáo hội, vì mọi hành động làm cho Giáo hội được thêm phát triển đều là cộng tác, tham gia.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, trong mùa Chay này xin cho con biết sống chậm lại để có thể nhìn thấy những người nghèo khổ về mọi phương diện đang sống bên cạnh con. Và xin cho con biết giúp đỡ họ bằng tất cả những gì mình có thể.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 21, 33-43. 45-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?” Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.

SUY NIỆM:

Dụ ngôn của đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa và sự gian ác của con người.

Thiên Chúa yêu thương con người nên đã làm mọi điều tốt cho họ. Kể cả khi mọi sự như hư hoại, thì Thiên Chúa lại tiếp tục trao ban chính Con Một của Ngài. Điều đó là minh chứng cho tình thương và khẳng định Thiên Chúa không thua sự dữ.

Nhưng con người gian ác, làm sự dữ. Tận cùng của sự dữ là giết chết Con Một của Thiên Chúa. Đó là sự khước từ ơn cứu độ. Vì thế, tội nặng nhất của con người không phải là tội luân lý: giết người, cướp của… nhưng là tội của đức tin: Không tin hoặc loại trừ Thiên Chúa.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta sám hối vì rất nhiều lần chúng ta đã làm sự dữ, đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, và thậm chí giết chết Thiên Chúa, nghĩa là cắt đứt sự hiệp thông với Ngài. Hãy quay trở về để được sống.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho biết sám hối, đừng để mình gian ác, sống mãi trong sự dữ, nhưng hãy dứt khoát quay về để được ơn tha thứ và sống muôn đời.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. 

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

SUY NIỆM:

Dĩ nhiên đoạn Tin Mừng này phát họa chân dung của Thiên Chúa như người cha giàu long thương xót, nhưng trong năm mục vụ với chủ đề Tham Gia Đời Sống Giáo Hội, tôi nhìn thấy nơi người anh sự loại trừ.

Người cha luôn mong muốn con cái mình được hạnh phúc, nhưng nhất là anh em hòa thuận với nhau. Đứa con thứ có những lỗi lầm, đam mê của tuổi trẻ, và thậm chí là phạm tội tày trời, dứt hẳn tình nghĩa cha con để bỏ nhà ra đi.

Lúc đó, có lẽ người anh cảm thấy mình cao cả, là người không tệ hại giống thằng em, là người gánh vác mọi sự trong gia đình này. Anh có lẽ bắt cha mình phải xem mình như một người hùng trong gia đình giàu có đó… Anh “tham gia” vào gia đình của anh, nhưng ở một vị trí trên cao.

Còn người em sau một thời gian lầm lạc, đã nhìn thấy mọi lỗi lầm của mình, và điều may mắn là anh nhìn nhận và sám hối. Hành động cụ thể của sám hối là từ bỏ và quay  về. Anh đang “tham gia” để chữa lành  cho gia đình anh bằng thái độ khiêm tốn của mình.

Trong khi người cha khi luôn luôn đón nhận, còn người anh thì dứt khoát loại trừ, anh không muốn đứa em “tham gia” vào gia đình này, anh muốn một mình anh tự lo cho gia đình này, nhưng sâu xa là anh muốn chiếm đoạt nó.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tham gia và để người khác tham gia vào đời sống Giáo hội, vì Giáo hội này không của riêng ai, nhưng là của Chúa, là một gia đình để mọi người đều có thể chia sẻ hạnh phúc với nhau.

bài viết mới