Monday, September 16, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Chúa Nhật 27 | Thường niên | Năm B

Tin mừng: Mc 10,2-16

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng gồm hai bài học :

a/ Về cuộc sống hôn nhân : Những người Biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.

Ngay trong giới Biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép ly dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho ly dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.

Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị : “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”.

Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân : phải yêu thương nhau (“luyến ái”) và đồng tâm nhất trí (“nên một huyết nhục”) với nhau.

b/ Về thái độ đón tiếp :

– Người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng. (“đặt tay trên chúng”)

– Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người Do thái coi khinh trẻ nhỏ (chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.

– Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.

– Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

B. … nảy mầm.

1. Tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.

Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.

2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ, một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân :

– dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ.

– bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể.

– vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.

Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.

3. “Thấy vậy Ngài bất bình” : Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.

4. “Hãy để trẻ nhỏ đến với” : Tôi nên hiểu “trẻ nhỏ” theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người “nhỏ bé”, tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.

5. “Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ”. Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay… Tôi đối với Chúa như thế nào ? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không ?

6. “Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ”, đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết “Những bài học chúng ta học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta cần biết để sống hạnh phúc ; nếu tất cả chúng ta đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loạn như hiện nay”. Những điều đó là gì ?

– Hãy chia sẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

– Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

– Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.

– Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here