Wednesday, December 25, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XXIV | Thường niên | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT:

LỜI CHÚA: Mt 18, 21-35

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta’. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’ Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.    

SUY NIỆM:

Hằng ngày chúng ta đọc kinh lạy Cha mà chính Chúa Giêsu dạy: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Về tình yêu thì Chúa luôn yêu thương chúng ta; nhưng về tha thứ, Chúa dựa trên tiêu chí của chúng ta, nếu chúng ta tha thì Chúa mới tha. Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như Chúa.

Quả thật tha thứ vừa làm cho chúng ta nên giống Chúa, vừa giúp chúng ta nên vĩ đại vì sức mạnh lớn nhất của con người là sự tha thứ. Hơn thế nữa tha thứ còn là điều kiện để chúng ta được cứu độ, vì nếu không tha thứ cho người khác, Chúa cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta.

Hơn thế nữa, khi ta được Chúa tha cho biết bao nhiêu tội lỗi, mà ta lại chấp nhất anh chị em mình đôi khi chỉ là những chuyện nhỏ nhặt là ta độc ác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, “một cũng chấp, hai cũng chấp, chất chứa trong lòng chi cho mệt; trăm điều bỏ, nghìn điều bỏ, thong dong tất dạ thế mà vui”. Xin cho con biết tha thứ, bỏ qua tất cả giống Chúa để con được thư thái bình an.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.    

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu khen ngợi nhân cách của viên sĩ quan ngoại giáo này vì trước hết ông ta yêu mến đầy tớ của mình dù ông ta chẳng cần bận tâm đến chuyện đau bệnh của đầy tớ.

Kế đến viên sĩ quan này được người khác yêu quý vì ông ta sống tốt, đến mức họ làm chứng và xin Chúa Giêsu giúp ông ta. Sống tốt đã là chuyện khó, sống để lòng tốt mình được lan tỏa lại là chuyện khó hơn. 

Sau cùng ông là một người khiêm tốn. Khiêm tốn ở chỗ nhìn nhận sự thật nơi bản thân mình và nơi Chúa Giêsu: “Tôi đây tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này đi là nó đi; bảo người kia đến là nó đến” (Lc7, 8). Còn về Chúa Giêsu, ông nhìn Chúa ở một vị thế cao cảm mà ông “chẳng đáng đến gặp Ngài” (Lc 7, 7a). Hơn nữa nhìn nhận Chúa Giêsu có quyền năng để “Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi sẽ được lành mạnh” (Lc 7, 7b).

Trước một nhân cách vĩ đại như thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nhận lời để làm cho đầy tớ của ông được khỏi bệnh.

Bắt chước viên sĩ quan, chúng ta tập sống yêu thương mọi người xung quanh, nhất là những người thấp kém trong xã hội; và nhất là phải biết nâng đỡ đức tin cho người khác, tạo điệu kiện, giúp đỡ họ thờ phượng Chúa cho tốt.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, “Chúa vẫn biết chúng con cần đến Chúa”. Xin Chúa đoái thương đến nhân cách yếu hèn nhưng vẫn còn thấp thoáng bóng dáng của tình yêu thương mà củng cố thêm đức tin cho chúng con.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. 

SUY NIỆM:

Luca muốn mặc khải cho chúng  ta thấy Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ mới.

Vị ngôn sứ mới này được Luca diễn tả từ cái nhìn: “Trông thấy bà”, từ lời nói: “Bà đừng khóc nữa”, từ hành động: “Sờ vào quan tài” là “Đấng chạnh lòng thương”. Đó là sự thật về vị ngôn sứ mới. Đó là sự thật về Thiên Chúa.

Ngài thấy được hoàn cảnh của mỗi người. Ngài ra tay cứu giúp bằng hành động cụ thể. Qua việc cho người thanh niên sống lại, Ngài muốn hướng họ đến sự sống thật, sự sống vĩnh cửu.

Sự thật về một vị ngôn sứ vĩ đại đó cũng đi vào cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Không phải Thiên Chúa đứng bên ngoài cuộc đời chúng ta rồi người thấy xót xa cho những phận đời nghèo khổ, đớn đau, tội lỗi… mà cùng mang lấy tất cả những khổ đau, bệnh tật và tội lỗi chúng ta nữa. Tất cả những điều đó vẫn nặng trĩu trên đôi vai của Ngài: Ngài đang vác lấy cuộc đời chúng ta.

Từ sự thật đó làm cho chúng ta an tâm, vững vàng trong mọi hoàn cảnh vì có Chúa luôn nâng đỡ chúng ta. Chúng ta không sợ khi mình nghèo túng, vì Chúa cũng đã từng nghèo và Chúa hứa ban cho chúng ta gia tài vĩnh cửu trên nước Thiên Đàng. Hãy tìm kiếm gia tài đó!

Chúng ta không sợ mình đau khổ vì Chúa cũng đã từng đau khổ và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực ở đời sau. Hãy tìm kiếm hạnh phúc đó!

Chúng ta không sợ mình tội lỗi vì Chúa cũng đã từng gánh lấy hậu quả của tội lỗi là sự chết, để ban ơn cứu độ cho chúng ta. Hãy ăn năn sám hối và đón lấy ơn cứu độ!

Sự thật về vị ngôn sứ vĩ đại này cũng mời gọi chúng ta hãy biết quan tâm, thông cảm, nâng đỡ cho những anh chị em xung quanh chúng ta, nhất là những người nghèo, những người đau khổ và những người tội lỗi.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con tấm lòng như Chúa để cử chỉ, lời nói và việc làm của con luôn chan chứa lòng xót thương.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

‘Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. ‘Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc’.

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: ‘Người bị quỷ ám’. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: ‘Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”. 

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã nói: “sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình” (Lc7, 35). Nghĩa là dù người ta có chỉ trích, có xuyên tạc sự thật, có cố chấp không muốn đón nhận thì sự thật vẫn là sự thật. Sự thật đó được Đức Khôn Ngoan biện minh cho.

Người ta có thể nói lối sống của Gioan là giống quỷ, nhưng không ai phủ nhận Gioan đã cảm hóa được nhiều người, trong đó có cả quan quân, chính quyền, những cô gái điếm… trở về nẻo chính đường ngay.

Người ta có thể bĩu môi trước lối sống phóng khoáng của Chúa Giêsu, nhưng không ai phủ nhận việc gặp  nơi Ngài một sức mạnh mà không ai diễn tả được, một sức mạnh Thần Linh.

Vì vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết mở lòng ra đón nhận chân lý. Đừng cố chấp đổ thừa điều này điều nọ.

Tại bận làm ăn nên tôi không đi lễ được.

Tại ông cha đó thấy ghét nên tôi không giữ đạo.

Tại nó chửi trước nên tôi mới nhào vô đánh nó

Tại nó không nói gì hết, tôi biết đường đâu mà giúp…

Sự Khôn Ngoan sẽ biện mình cho tất cả.

Chúng ta đổ thừa tại bận làm ăn, nhưng vẫn có những người đầu tắt mặt tối mà ngày nào vẫn đến nhà thờ dự lễ.

Chúng ta đổ thừa tại ông cha đó thấy ghét, nhưng vẫn có những người quý mến cha đó.

Chúng ta đổ thừa tại nó chửi tôi, nhưng vợ con chúng ta ở nhà có chửi đâu, mà mỗi lần đi nhậu về vẫn nhào vô đánh.

Chúng ta đổ thừa tại người ta không nói, nhưng cũng có rất nhiều người âm thầm, tế nhị giúp đỡ người khác…

Hãy khiêm tốn nhìn nhận tất cả do sự cứng cõi của mình, và xin Chúa Thánh Thần uốn nắn tâm hồn chúng ta, để chúng ta dễ nghe tiếng chúa trong tất cả mọi biến cố cuộc đời.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống theo sự Khôn Ngoan của Chúa, vì chính sự Khôn Ngoan này mới có thể dẫn chúng con đến hạnh phúc đích thật.

THỨ NĂM – 21/09 : THÁNH MATTHÊU, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

LỜI CHÚA: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.  

SUY NIỆM:

Chắc chắn đối tượng để Matthêu hướng đến khi viết Tin Mừng là những người tội lỗi, vì chính bản thân ông đã có kinh nghiệm được Chúa yêu thương, tha thứ và chọn gọi.

Một ơn gọi hết sức đặc biệt. Có lẽ nếu xét về lý lịch thì Matthêu là người bị loại từ vòng “giấu mặt”. Bởi lẽ những người thu thuế thời đó bị dân chúng ghét vì họ phục vụ cho đế quốc. Hơn thế nữa, họ là những người gian trá, bóc lột đồng bào mình. Họ ăn hối lộ của những người muốn trốn thuế… Do Thái giáo thì ghét cay, ghét đắng những người thu thuế vì họ là một quốc gia cuồng tín. Họ xem Thiên Chúa là Vua, vì vậy nộp thuế cho vua trần gian là xúc phạm đến Thiên Chúa. Chính vì vậy mà người thu thuế là hạng tội lỗi công khai, là người bị loại trừ.

Ấy vậy mà Chúa vẫn chọn gọi ông. Không phải Chúa Giêsu muốn sử dụng tiền bạc của ông trong công việc truyền giáo. Cũng không phải vì tội nghiệp, thấy ai cũng loại trừ ông, nhưng bởi vì Chúa Giêsu chẳng những biết ông đang như thế nào, mà con biết ông sẽ trở nên như thế nào nữa.

Matthêu đã mất tất cả khi theo Chúa: tiền bạc, sự nghiệp, công danh, quyền lực, gia đình người thân nữa… Nhưng đổi lại ông được sự dấn thân vào con đường Chân Lý, được bình an, và sự hứng khởi trong cuộc phiêu lưu mới. Trong cuộc phiêu lưu mới này, ông đã để ý rất kỹ những lời Chúa Giêsu nói, những việc Chúa Giêsu làm, nhất là ông bị đánh động về Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu, nên ông đã ghi chép lại thành quyển Tin Mừng thứ nhất.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con nổ lực hết sức để viết nên quyển Tin Mừng mới bằng chính cuộc đời của mình khi con suy niệm, cảm nếm tình yêu Chúa dành cho riêng con như Chúa đã dành riêng cho Matthêu vậy.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Lc 8, 1-3

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.    

SUY NIỆM:

Sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu là loan báo Nước Thiên Chúa. Để thực hiện điều đó, Ngài đã không ngần ngại “rảo quanh các thành phố”. Đôi chân của Ngài là đôi chân không biết mệt mỏi, vì trái tim của Ngài là trái tim không ngừng đập, những nhịp đập yêu thương. Trái tim thôi thúc, đôi chân hối hả để sứ điệp của Thiên Chúa được vang lên đến “tận cùng trái đất”.

Nhóm 12 luôn ở bên cạnh Chúa. Những người phụ nữ cũng được chia sẻ sứ mạng với Chúa dù thời đó người ta coi khinh phụ nữ và không cho họ tham gia vào những công tác xã hội. Những phụ nữ này là những người “đã được Người trừ quỷ”. Theo quan niệm của người Do Thái, bị quỷ nhập nghĩa là bị tội lỗi đè bẹp; nhưng bây giờ họ đã được Chúa Giêsu chữa khỏi và thu phục. Họ không còn “đầu quân” cho ma quỷ, nhưng đã “đầu quân” cho Chúa Giêsu. Họ không còn đi theo thế lực của bóng tối, nhưng đã về phía ánh sáng.

Như vậy Luca cho chúng ta thấy Đức Kitô trong Tin Mừng của ông là một Đức Kitô luôn quan tâm đem đến ơn cứu độ cho người khác; một Đức Kitô không loại trừ một ai, kể cả những hạng người bị người ta khinh khi, và hạng người tội lỗi; một Đức Kitô đòi hỏi người môn đệ của Ngài phải triệt để từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa rất quảng đại, rất yêu thương, để thấy mình còn nhỏ bé, hẹp hòi. Thấy con nhỏ bé, hẹp hòi để biết vươn đến sự yêu thương, quảng đại như Chúa và xin được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa.

THỨ BẢY:

LỜI CHÚA: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.  

SUY NIỆM:

Người ta kéo đến với Đức Giêsu đông đảo, không phải người gần, mà cả người xa. Luca tường thuật một cảnh tượng xem ra rất đẹp, rất thành công với một nhân vật mang tên Giêsu: “Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su”.

Thế nhưng Đức Giêsu không nhìn với cái nhìn của con người để tự lừa dối mình: rằng mình quá hay, quá giỏi… vì Ngài biết rõ mục đích Ngài đến thế gian này, và Ngài cũng biết rõ mục đích của những người kéo đến với Ngài. Điều đó cho thấy Ngài không rao giảng một giá trị để đánh lừa, để mị dân, một giá trị với hình thức bên ngoài, mà là giá trị chân thật và vĩnh cửu.

Dụ ngôn người gieo giống với hình ảnh những hạt giống rơi nhiều nơi khác nhau: vệ đường, trên đá, bụi gai, đất tốt… và dẫn đến những kết quả khác nhau. Đức Giêsu ngầm nói với đám đông họ đến với Ngài cũng bằng nhiều mục đích khác nhau. Nếu mục đích xấu như hạt giống rơi trên vệ đường, trên đá, bụi gai thì sẽ chẳng mang lại kết quả gì đâu; còn nếu đến với Ngài với mục đích tốt như hạt giống rơi trên đất tốt thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt.

Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp cho con người. Ngài như người nông dân phóng khoáng, tốt lành, gieo vãi những giá trị tốt. Thế nhưng con người lại đón nhận với thái độ khác nhau. Có người loại trừ Ngài, có người lợi dụng Ngài, có người muốn theo dõi Ngài với mục đích xấu, nhưng cũng có người chân thành đón nhận Ngài…

Ngài biết tất cả, nhưng vẫn đối xử tốt với mọi hạng người để mong muốn đến ngày sau cùng họ sẽ đón nhận được điều tốt. Phần con lại là chính thái độ của con người. Bao lâu chúng ta xem Ngài là Đấng Cứu Độ thì sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho chính cuộc đời chúng ta. Còn nếu đang có thái độ dò xét, loại trừ, hoặc lợi dụng thì hãy hoán cải để mong đón nhận giá trị tốt đẹp hơn, ít nhất là để chúng ta không còn mệt mỏi với một Đấng mà chúng ta đang có cái nhìn không đúng đắn; giống như giơ chân đạp mũi nhọn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, hạnh phúc đích thực cho mỗi người chúng con là tùy thuộc vào thái độ đón nhận Đức Giêsu Kitô, Hạt Giống được Chúa gieo vào trần gian này. Xin cho chúng con có lý trí sáng suốt để nhận ra điều chân thật, ý chí mạnh mẽ để không bị những giá trị ảo dối lừa, con tim mãnh liệt để dấn thân cho lý tưởng và cũng là cùng đích cuộc đời mình.

bài viết mới