Friday, November 22, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XV | Thường niên | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mt 13, 1-23

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: 

“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”. 

Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: ‘Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành’. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe. 

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng lý do tại sao Ngài nói dụ ngôn này và cắt nghĩa từng chi tiết trong dụ ngôn cho các môn đệ. Điều làm tôi suy nghĩ là hình ảnh người nông dân “không chuyên nghiệp”.

Tại sao anh ta cứ việc gieo bất chấp hạt giống rơi chỗ nào. Nông dân không cần chuyên nghiệp cũng phải biết để có vụ mùa tốt cần phải có đất tốt.

Yếu tố “gieo bất chấp” cho chúng ta hình ảnh sự phong phú, đa dạng của Nước Chúa và của Lời Chúa. Giáo hội của Chúa không lựa chọn người để kết nạp, không xét tuyển đối tượng để được giảng dạy, vì hạt giống vốn dĩ linh thánh được “gieo bất chấp” .

Những mảnh đất không được lựa chọn theo tiêu chí xứng hợp cho thấy sức mạnh của Lời, nó có thể nảy sinh ở bất cứ nơi đâu, chỗ nào mà nó được gieo ; phần còn lại là do người tiếp nhận có muốn nó sinh hoa kết trái hay không mà thôi.

Nếu muốn có vụ mùa bội thu, khi thấy hạt giống nảy mầm, người ta phải làm mọi cách để nó được lên, tốt tươi và sinh hoa kết trái.

Vì lẽ đó họ phải chăm chỉ để những mầm non bên vệ đường được bảo vệ khỏi chim, chuột; phải đưa đất thịt vào thay thế sỏi đá làm dần làm rễ khô đi vì nắng nóng ; phải nhổ cỏ, dọn gai để mầm non được đón ánh mặt trời và dinh dưỡng để sống…

Dụ ngôn này giúp tôi cần phải cộng tác với ơn Chúa để có được vụ mùa bội thu.  

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, ơn thánh không thể tự nhiên làm cho con thay đổi, mà cần sự cộng tác của con. Xin cho cho con biết siêng năng để cải tạo mảnh đất tâm hồn mình, để hạt giống ơn thánh Chúa được nảy nở và sinh hoa kết trái dồi dào.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mt 10, 34 – 11, 1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

SUY NIỆM:

Chúa kêu các Tông Đồ đem bình an đến cho người khác, trong khi chính Chúa lại đem gươm giáo, điều đó có mâu thuẫn không? Khi đọc kỹ tôi thấy không mẫu thuẫn, vì Chúa muốn đem bình an cho con người, nhưng con người không đón nhận, nên đã trở nên mâu thuẫn với Chúa, với những người rao giảng Tin Mừng và cả với những người thân trong gia đình khi họ đã đón nhận bình an của Chúa.

Chúa thấy việc dám vượt qua mọi rào cản để đến với Chúa là một thách thức, nên Chúa đã nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt10,38). Xem ra việc theo Chúa thật là quyết liệt, và Chúa cũng không nói theo kiểu nhẹ nhàng, mời gọi nhưng như là một xác quyết mạnh mẽ và dứt khoát, để ai muốn theo Chúa thì không thể đi nước đôi.

Điều đó làm cho tôi càng tin tưởng hơn vì biết rằng tôn giáo không phải là liều thuốc phiện, nhưng là chính sự nổ lực để bước theo tiếng gọi của tình yêu.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con một đức tin mạnh mẽ để con có thể dám từ khước những gì cản trở con đến với Chúa.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 11, 20-24

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.

“Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”. 

SUY NIỆM:

Những thành bị Chúa Giêsu quở trách nằm dọc theo biển hồ Ga-li-lê. Chúa thường xuyên giảng dạy và làm nhiều dấu lạ ở vùng này, vì vậy dân chúng ở đây có cơ hội nghe giảng và chứng kiến những phép lạ của Chúa. Đặc biệt là Ca-phac-na-um, được gọi là thành của Chúa, mà cũng bị Chúa quở trách.

Họ bị quở trách là vì không chịu sám hối khi đã được nghe giảng và chứng kiến nhiều dấu lạ Chúa làm. Tại sao vậy? Thưa bởi vì đây là những thành khá giả hơn những thành khác, giàu hơn, văn minh hơn, hiểu biết thánh kinh thông thạo hơn… Chính vì vậy mà họ đã tự cao, tự đại mà không chịu sám hối.

Từ lời Chúa hôm nay cho tôi thấy, một trong những lý do khiến con không đón nhận Chúa là sự kiêu ngạo. Khi tâm hồn người ta đã đầy ắp những thứ khác thì sẽ không có chỗ dành cho Chúa nữa. Kiêu ngạo có nghĩa là không chấp nhận sự thật nơi bản thân mình, để rồi sống với những giá trị ảo. Kiêu ngạo có nghĩa là cậy dựa vào những cái mình đang có và nghĩ rằng như thế là đủ rồi, không cần gì nữa cả. Kiêu ngạo có nghĩa là bám víu vào những giá rị bên ngoài và bằng mọi giá cho người khác thấy được điều đó… Nói tóm lại, kiêu ngạo là cậy dựa vào những thế lực khác ngoài Chúa.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con bớt dựa vào sức mình để biết dựa vào sức Chúa. Thực sự ra, sức con có gì đâu vì tất cả đều bởi Chúa. Như vậy, kiêu ngạo là vì con chưa nhận ra mọi sự đều bởi Chúa. Xin cho con nhận ra quyền năng Chúa đang hành động mọi nơi, mọi lúc, mọi, giây, mọi phút trong cuộc đời con. Amen.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 11, 25-27

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. 

SUY NIỆM:

Đoạn Tin Mừng này diễn ra trong bối cảnh Chúa gặp nhiều thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho vùng đất ven biển hồ Galilêa. Vậy mà Chúa vẫn cất tiếng chúc ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Mt 11, 25a).

Sở dĩ Chúa Giêsu có được tâm tình đó là vì Ngài ý thức sứ mạng của mình là thi hành thánh ý Chúa Cha chứ không phải làm việc cho chính bản thân Ngài. Do đó Ngài không cậy dựa vào sức riêng, không chán nản thất vọng khi gặp khó khăn, không tự cao tự đại khi gặp thành công, vì tất cả đều bởi Chúa.

Ngài ngợi khen Chúa Cha “Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25b).

Nước Trời chỉ được dành cho những kẻ bé mọn, nghĩa là những kẻ thấy mình cần đến Chúa. Tôi cần Chúa thực sự hay chỉ cần Chúa mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm? Tôi cần Chúa thực sự hay chỉ thực hành việc sống đạo vì thói quen, vì bổn phận, vì dư luận? Nếu nhìn lại tất cả những việc đạo đức mình làm mà không xuất phát từ nguyên nhân “cần Chúa” thì Nước Trời không thể dành cho tôi được.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu của Chúa qua việc Chúa đã vất vả ngược xuôi loan báo Tin Mừng cho loài người chúng con. Tình yêu đó còn được thể hiện qua việc Chúa luôn lo liệu mọi sự cho con. Để từ đó con biết cần đến Chúa trong cuộc sống. Việc cần đến Chúa một cách cụ thể là con chạy đến với Chúa trong cầu nguyện, trong các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, và Bí Tích Giải Tội.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.    

SUY NIỆM:

Đứng trước vất vả, gánh nặng của con người, Chúa đã cùng sống, cùng chia sẻ. Hơn thế nữa, Chúa còn nói: “Tất cả những ai đang vất vả gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Vì vậy mỗi khi gặp những gian nan thử thách mà biết chạy đến với Chúa thì chắc chắn tôi sẽ được nhẹ nhàng.

Tiếp đến Chúa còn mặc khải Chúa là Đấng có lòng hiền lành và khiêm nhượng. Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa, Chúa đã thể hiện sự hiền lành và khiêm nhượng. Hiền lành không phải là nhu nhược để rồi ai muốn làm gì thì làm, nhưng hiền lành là thể hiện được tình yêu thương trong cách hành xử của mình. Làm sao để thể hiện được sự hiền lành: không hơn thua nhau, không khiêu khích nhau, không đè bẹp nhau… nhưng biết nhường nhịn người khác, an ủi người khác, nâng đỡ người khác. Khiêm nhượng của Chúa thể hiện qua việc Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha chứ không phải cậy vào sức mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, cuộc đời của con đầy dẫy những gánh nặng. Xin cho con biết chạy đến với Chúa chứ đừng tìm an ủi nơi những xa hoa phù phiếm hay tình cảm của con người. Đồng thời vì Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhượng nên con cũng phải biết sống hiền lành và khiêm nhượng với anh chị em con để xứng đáng là người con Chúa.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ’, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.  

SUY NIỆM:

Những thực hành đạo đức trong đời sống đức tin của chúng ta phát xuất từ nhiều lý do. Có khi vì gia đình có đạo nên phải làm theo truyền thống gia đình. Có khi vì sống giữa xóm đạo nên không đi đọc kinh, xem lễ thì người ta nói không chịu nỗi. Có khi vì rảnh rang không biết làm gì nên đến nhà thờ cho vui. Cũng đôi khi vì có đạo mà không giữ đạo thì lỡ chết sẽ bị xuống hoả ngục nên cố gắng giữ vậy… Những động cơ đó hoàn toàn không phát xuất bởi tình yêu, nên dẫu có làm nhiều, cũng không đạt kết quả gì, vì Chúa nói: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt12,7).

Thực ra nếu yêu mến Chúa, tôi sẽ chẳng để ý đến việc mình sẽ làm gì cho Chúa, nhưng sẽ lo làm sao để mỗi ngày được thuộc trọn về Chúa. Chính vì vậy, để được yêu mến Chúa, trước hết tôi phải cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương. Nếu tôi thấy mình được Chúa yêu thương thì tự nhiên tôi sẽ yêu thương Chúa, vì “Tình yêu đáp đền tình yêu”.

Cho nên trong mỗi ngày sống, tôi phải có những giây phút để cảm nghiệm tình yêu của Chúa, bằng cách hồi tưởng lại tất cả những việc Chúa đã làm cho: Hồng ân sự sống, hồng ân được làm con Chúa, cùng tất cả những gì mà có được trong một ngày sống. Mỗi ngày thấy Chúa yêu mình hơn thì càng ngày càng cố gắng đáp lại tình yêu của Chúa nhiều.

Chị Têrêxa đã làm những việc tầm thường một cách phi thường. Đối với Chúa không có việc lớn hay việc nhỏ, mà là có tình yêu hay không có tình yêu trong mọi việc làm mà thôi.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đủ lớn để có thể thấy được tình yêu của Chúa. Vì có thấy được tình yêu của Chúa con mới đáp lại bằng tất cả cuộc sống con.

THỨ BẢY- 22/07: THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

LỜI CHÚA: Ga 20, 1. 11-18

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.

Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”. Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

SUY NIỆM:

Mađalêna có quá khứ không tốt. Tin Mừng không viết vì sao cô đã trở thành môn đệ của Chúa, nhưng chắc chắn chúng ta tin rằng chính Tình yêu của Chúa đã cảm hóa cô.

Điều đó được minh chứng bằng động lực để một cô gái vào sáng sớm, lúc trời còn tối mịt đã chạy đến một ngôi mộ. Nếu đó chỉ là mộ của người thân bình thường trong gia đình thì có lẽ cô sẽ đợi đến lúc trời sáng; và nếu đó chỉ là mộ của người quen, có lẽ cô chẳng màng chạy ra.

Cũng chính nhờ tình yêu của cô dành cho Chúa Giêsu, mà Đấng Phục Sinh đã dành cho cô vinh dự được gặp Ngài trước hết, hơn cả các đệ tử thân tín của Ngài.  

Vì vậy điều chúng ta học được nơi thánh Maria Mađalêna là dù chúng ta có như thế nào, nhưng nếu cảm nhận được tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ được đổi mới, vì tình yêu sẽ chiến thắng tất cả.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con yêu Chúa thật nhiều, yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn của con, để nhờ tình yêu đó làm phai dấu mọi lỗi lầm và nâng cấp con người yếu đuối của con.

bài viết mới