Tuesday, October 15, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần VI Thường niên | Năm B

TUẦN VI THƯỜNG NIÊN – NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 1, 40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

SUY NIỆM:

Nền tảng của sự tham gia vào đời sống nhân loại chúng ta của Chúa Giêsu là : “Động lòng thương”. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa tham gia vào đời sống nhân loại chúng ta qua Đức Giêsu. Lòng thương xót đó đã chữa lành, cứu sống và nhất là ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Tuy nhiên lòng thương xót đó không phải bất chấp tất cả, những cũng biết tuân giữ lề luật và trật tự của  xã hội khi Chúa Giêsu căn dặn người được chữa lành phải đi trình diện cùng những người có trách nhiệm.

Tuy nhiên, người đón nhận lòng thương xót thì không màng đến lề luật, mà quan tâm đến việc loan truyền lòng thương xót của Chúa dành cho mình.

Vì thế, đời sống đức tin là đón nhận sự tham gia của Thiên Chúa, của Hội thánh của xã hội vào chính cuộc đời mình, và chủ động tham gia vào mối tương quan với Thiên Chúa, với Giáo hội và xã hội.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến với Chúa để được Chúa chữa lành những tật xấu, những tội lỗi nơi con người con. Sau đó xin cho con biết loan truyền lòng thương xót của Chúa đã dành cho con bằng việc tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

SUY NIỆM:

Có những sự xuất hiện mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự háo hức chờ đợi cho người khác. Nhưng cũng có những sự xuất hiện mang lại muộn phiền, lo âu, phiền toái cho người gặp gỡ. Cụ thể: “Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu”.

Sự tranh luận này không phải là để tìm chân lý, lẽ phải, nhưng là để bắt bẻ, kết án, luận tội một con người có những điều không phù hợp với cái nhìn của họ; và thậm chí là vì tốt lành và có tầm ảnh hưởng hơn họ.

Tiếng thở dài của Chúa Giêsu nói lên sự chán chường, thất vọng về cách sống của một số người biệt phái. Tiếng thở dài đó cũng là kết thúc cho mối tương quan giữa hai bên: “Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.”

Sự xuất hiện của Kitô hữu phải mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác, dù đôi khi đó là sự tranh luận hoặc bất đồng ý kiến về một số vấn đề. Nhưng chân lý và sự thật phải đạt được trong tình yêu. Khi biết yêu nhau, người ta sẽ bỏ qua tất cả để chiêm ngắm, tận hưởng và sống trong tình yêu đó.

Dù thế nào, Kitô hữu cũng đừng để tiếng thở dài chấm dứt cho mọi tương quan. Đừng để Thiên Chúa thở dài vì sự cứng lòng của chúng ta. Đừng để tha nhân thở dài vì cung cách sống bất chấp, chỉ nghĩ cho mình…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ơn Thánh Thần tác động để chúng con biết mở lòng ra với chân lý, với vẻ đẹp rạng ngời từ ngàn xưa của Thiên Chúa. Để từ đó chúng con biết hợp tác với nhau làm cho Danh Chúa được cả sáng.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 8, 14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

SUY NIỆM:

Khi Chúa Giêsu giảng dạy những giá trị siêu nhiên, thì các môn đệ lại nghĩ đến những giá trị tự nhiên và thậm chí là phàm tục.

Chúa Giêsu nói về “men biệt phái” là lối sống giả hình, không đúng với đường lối của Thiên Chúa, thì các môn đệ lại nghĩ đến việc “Tại mình không có bánh”.

Chúa Giêsu quả là bậc thầy khi nâng cấp tầm nhìn cho các môn đệ để đưa các ông từ việc lo lắng cái ăn, cái mặc đến việc nhìn thấy sự lo liệu của Thiên Chúa cho họ.

Chính vì thế người Kitô một khi đã tin và bước theo Đức Giêsu, là để cho lòng mình tràn ngập niềm vui vì có Chúa đồng hành, là bận tâm thao thức để sống điều đẹp lòng Chúa, là tích cực cộng tác với ơn thánh Chúa để loan truyền Thiên Chúa yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, đôi khi chúng con theo Chúa chỉ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Xin Chúa nâng cấp tầm nhìn của chúng con để biết hướng về những giá trị Chân- Thiện- Mỹ.

THỨ TƯ LỄ TRO

LỜI CHÚA: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

SUY NIỆM:

Khởi đầu mùa Chay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về 3 mối tương quan căn bản của con người: Với Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Những mỗi tương quan này bị hậu quả của tội nguyên tổ làm cho hư hoại. Chúa  Giêsu đã tham gia vào hoạt động của nhân loại để chữa lành, để hàn gắn những mối tương quan đó.

Tương quan với Chúa trong việc cầu nguyện, với chính bản thân mình bằng việc ăn chay hãm mình, với tha nhân bằng việc hy sinh, bác ái.

Những việc làm để chữa lành đó đòi hỏi yếu tố căn bản là sự thực lòng, vì khi đến thế gian này, Chúa Giêsu đã đến bằng tình yêu, thì chỉ có tình yêu mới có thể đáp lại tình yêu mà thôi.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con thực hiện 3 lời dạy của Chúa bằng tất cả tâm tình của con để con được Chúa chữa lành và phục hồi các mối tương quan.

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

LỜI CHÚA: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

SUY NIỆM:

Phải nhận ra cho bằng được “mạng sống” mà Chúa Giêsu nói ở đây là sự sống đời đời, sự sống mà chính Chúa đã phú bẩm cho tôi qua Bí tích Rửa tội, sự sống mà Chúa đã phải đổ máu ra để chuộc lấy cho tôi.

Từ sự nhận biết không gì quý giá bằng mạng sống đó, tôi mới làm tất cả cho mạng sống đó, thậm chí đánh đổi cả mạng sống tự nhiên của tôi. Đó là điều các thánh tử đạo đã can đảm thực hiện.

Để có sự dứt khoát đó đòi hỏi tôi phải tập luyện để chấp nhận những hy sinh, những khó nhọc hằng ngày  trong việc bổn phận, trong cuộc sống, trong mọi mối tương quan… để tôi có được sự từ bỏ nho nhỏ.

Từ bỏ một ít thời gian dán mắt trên màn hình để đọc một đoạn lời Chúa. Từ bỏ những cuộc chat vô bổ để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Từ bỏ một cuộc hẹn đi chơi để giúp gia đình một công việc đột xuất. Từ bỏ một miếng ăn ngon để thử thách chính bản thân mình…

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con đã nghe, đọc và suy tư rất nhiều về sự từ bỏ, về sự đánh đổi, nhưng hôm nay xin cho con can đảm làm một vài việc cụ thể để con cảm nhận được hạnh phúc của sự hy sinh.  

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.   

SUY NIỆM:

Tôn giáo nào cũng dạy ăn chay với mục đích là sự khổ chế, vì khổ chế là cần thiết trong cuộc sống, nhất là trong đời sống tâm linh.

Tuy nhiên, ăn chay, khổ chế của Kitô giáo mang một ý nghĩa khác, đó là tìm kiếm một sự kết hợp với Thiên Chúa của mình.

Sự no thỏa chỉ có nơi Thiên Chúa. Vì vậy Kitô được mời gọi ăn chay để quy hướng mọi cơn khát, cơn đói, mọi thèm thuồng của mình vào Thiên Chúa.

Những đói khát vật chất, thèm thuồng theo bản năng sẽ luôn luôn còn mãi… nhưng một khi kết hợp với Thiên Chúa, thì những thứ phàm tục đó sẽ trở thành thứ yếu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, trong Mùa Chay, xin cho con biết tìm nhiều cách để được no thỏa trong Chúa. Những việc cụ thể như: cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, tham dự Thánh lễ, làm những việc đạo đức, bố thí…  

THỨ BẢY SAU LỄ TRO

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”. 

SUY NIỆM:

Lêvi là gương mẫu trong mùa Chay về sự tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa.

Ông vốn là con người tội lỗi vì hành nghề thu thuế, là nghề thu lợi bất chính trong xã hội thời bấy giờ, nhưng chỉ từ một lời mời gọi của Thầy Giêsu, ông đã “đứng dậy theo Người”.

Sau khi đứng dậy theo Thầy Giêsu, lý tưởng mới trong cuộc đời của ông, ông còn làm bữa tiệc linh đình để công bố cho mọi người biết từ đây tôi không còn là Lêvi tội lỗi nữa, nhưng tôi là môn đệ của Thầy Giêsu.

Sự khao khát về giá trị Chân- Thiện- Mỹ vẫn luôn thôi thúc tôi tìm về với Chúa trong cuộc đời mình. Bằng nhiều cách thức khác nhau, tôi đã quay trở về với Chúa, với Giáo hội.

Hãy thể hiện sự quyết tâm đó bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày, để chứng tỏ cho mọi người thấy từ đây lý tưởng mới của tôi là Đức Giêsu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con chứng tỏ lòng thống hối ăn năn bằng một đời sống thánh thiện, bác ái, yêu thương.

bài viết mới