Monday, April 29, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần IV – TN | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

SUY NIỆM:

Nơi Chúa Giêsu phát xuất lời quyền năng và lan tỏa tình yêu thương.

Lời khiến mọi người kinh ngạc vì giáo lý của Người không phải là mớ lý thuyết suông nhưng là con đường đưa người ta đến lối sống mới.

Lời khiến cho quỷ thần khiếp sợ vì nó không phải là bùa chú, nhưng là lệnh truyền trấn áp sự dữ của Đấng cai trị vũ trụ vạn vật.

Tình yêu được lan tỏa khi người ta cảm nhận được Lời quyền năng của Chúa Giêsu dẫn họ vào khung trời mới, khung trời của hạnh phúc.

Tình yêu lan tỏa cụ thể cho người bị quỷ ám khi anh ta thoát khỏi sự trấn áp của ma quỷ nhờ Lời quyền năng của Chúa Giêsu.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con biết kết hợp với Chúa Giêsu từng giây phút trong đời sống, để nơi bản thân con cung lan tỏa hương thơm thánh thiện và tình yêu thương của Chúa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi”. Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”. Và Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm”. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: “Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo”. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

SUY NIỆM:

Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta nền tảng của sự tham gia. Sự tham gia phải dựa trên nền tảng Chúa Giêsu vì yêu nên đã làm người để cứu độ con người. Vì thế, sự tham gia của Ngài là để nâng con người lên một giá trị mới, giá trị là con Chúa để được hạnh phúc.

Ma quỷ phá hoại mọi công trình của Chúa. Nó làm cho con người đau khổ và bất hạnh. Tệ hại hơn, nó ngụy biện bằng hình thức tham gia vào đời sống Giáo hội.

Yếu tố để phân biệt tham gia đích thực là nhìn đến hoa quả của sự tham gia. Nếu nó đem đến niềm vui, hạnh phúc cho con người thì là tham gia thực sự. Còn mọi hạnh phúc gây chia rẽ, đau khổ, và bất hạnh là sự ngụy biện của tham gia.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con loan truyền sự tốt lành của Chúa đã dành cho con bằng một đời sống tham gia nhiệt tình, chủ động và tích cực vào mọi công việc của Giáo hội.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 5, 21-43

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi “Ai chạm đến Ta?” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

SUY NIỆM:

Quyền năng nơi Chúa Giêsu là để chữa lành, để phục sinh. Những ai đụng chạm đến Ngài, hoặc được Ngài đụng chạm đều được chữa lành.

Sự chữa lành phần xác hướng chúng ta đến sự chữa lành tâm hồn, vì phần xác dù được chữa nhiều lần cũng sẽ chết; Chúa Giêsu muốn chữa lành tâm hồn chúng ta để ta được sống vĩnh viễn với Ngài trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Muốn được Chúa Giêsu chữa lành, cứu sống, chúng ta phải tìm mọi cách để đụng chạm đến Ngài như người đàn bà bị bệnh và đứa bé đã chết trong đoạn Tin mừng này.

Cố gắng của bản thân như người đàn bà còn có thể đi được. Cố gắng của người thân trong sự hiệp thông, cầu nguyện của người thân đứa bé đã chết. Tất cả đều nhằm để tiếp cận đến quyền năng của Chúa Giêsu.

Sự tham gia mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến những anh chị em “đã chết” (theo nghĩa bóng) để giúp đưa Chúa Giêsu đến với họ bằng cách trước hết là cầu nguyện cho họ, sau nữa “lấy lời lành mà khuyên người” để giúp họ có thể tự tìm đến với Chúa Giêsu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tham gia vào đời sống Giáo hội bằng việc giúp nhau tìm đến với Chúa trong những việc đạo đức và bác ái.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA:

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

SUY NIỆM:

Thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu làm cho chính Ngài ngạc nhiên, đến mức Ngài không thể làm phép lạ nào vì họ không tin.

Yếu tố quan trọng nhất của dấu lạ là lòng tin. Những người đồng hương với Chúa Giêsu không phải là không thấy dấu lạ Ngài làm; Họ thấy dấu lạ, nhưng họ không chấp nhận người thực hiện dấu lạ đó là người quen biết với họ.

Rõ ràng con mắt phàm tục đã che khuất sự thánh thiêng của Chúa Giêsu nơi họ. Hay nói cách khác họ muốn người làm dấu lạ phải là người có thân thể trỗi vượt, chứ không thể là người hèn kém như Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, dù không thể làm phép nơi những người cứng lòng tin, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm những việc bác ái dành cho họ, vì Ngài là tình yêu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con có cái nhìn linh thánh trong mọi việc, để con nhận ra Chúa trong mọi sự.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mc 6, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu quan tâm đến yếu tố cộng đoàn trên bước đường truyền giáo nên mới sai các tông đồ đi từng hai người một. Quả thật đi chung với nhau để nâng đỡ nhau. Đi chung với nhau để không tự hào về những gì mình làm được, vì đó là thành quả của chung.

Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của mình không dính bén đến vật chất trong việc truyền giáo. Tất cả mọi sự Chúa đã lo lắng, định liệu cho họ. Họ cảm thấy thiếu thốn và bận tâm để tìm kiếm với danh nghĩa lo cho việc truyền giáo, trong khi khả năng của họ có ít hơn những gì họ muố, thì rõ ràng họ chưa làm theo ý Chúa mà đang muốn biểu dương bản thân mình.

Tiến trình hiệp hành của Hội thánh cần sự cộng tác của mọi người, nhưng là cộng tác mang tính cộng đoàn, để đừng bao giờ lầm tưởng thành quả là của riêng mình.

Sự cộng tác của mọi người được mời gọi làm theo ý Chúa, với những gì Chúa muốn và định liệu, đừng để vấn đề vật chất làm mất tính hiệp thông trong cộng đoàn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con được thanh thản trên bước đường truyền giáo vì luôn xác tín rằng Chúa ở với con, và con làm việc là để sáng danh Chúa.

THỨ SÁU – DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-32

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng với thân phận con người, Ngài vẫn được cha mẹ Ngài dâng vào Đền Thờ theo đúng luật dạy.

Điều đó trước hết cho thấy gia đình là nền tảng đức tin cho con cái. Chính cha mẹ phải hướng dẫn con cái mình vào con đường linh thánh ngay từ nhỏ.

Kế đến việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh cũng nhắc nhở mọi người phải biết dâng mình cho Chúa mỗi ngày trong suốt đời sống họ, để họ ý thức giá phải hướng về giá trị linh thánh luôn luôn.

Và sau cùng, việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh nhắc nhở chúng ta một sự tham gia trọn vẹn, tích cực và hiệu quả bằng chính cuộc đời của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa xin cho con một sự vâng lời giống như Chúa Giêsu để luôn tuân phục thánh ý Chúa Cha mà sẵn sàng làm những gì Chúa muốn.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu là nhà sư phạm siêu phàm khi biết điều hướng các môn đệ của Ngài đi vào trong chương trình của Thiên Chúa.

Chương trình đó không thể có những con người kiêu căng để khoe khoang về thành quả của mình, nhưng biết nhận ra mọi sự đều do bởi ơn Chúa.

Chương trình của Thiên Chúa trên hết cần sự sung mãn trong đời sống nội tâm. Vì vậy các môn đệ phải có sự nghỉ ngơi bên Chúa để được Chúa ban thêm sức mạnh.

Đường lối sư phạm của Chúa Giêsu nhắc nhở người môn đệ phải có những giây phút riêng tư bên Chúa để có thể cộng tác với Giáo hội cách đúng đắn hơn.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con biết dành cho Chúa một cõi riêng tư giữa những bộn bề lo lắng, giữa những ồn ào náo động, nhất là những sôi động của tâm hồn.

bài viết mới