CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Tin Mừng: Lc 3, 15-16. 21-22
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Suy niệm:
Chúa Giêsu không mắc tội, nhưng Ngài vẫn sẵn sàng đứng chung hàng với tội nhân để chờ Gioan làm phép rửa cho Ngài.
Khai mở sứ vụ của Ngài là khai mở hình ảnh của Giáo hội hiệp hành, Thiên Chúa sẵn sàng cùng đi với con người trong mọi hoàn cảnh để cùng nhau tiến về vương quốc ngập tràn hạnh phúc.
Trong tiến trình cùng đi đó, Chúa Giêsu luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và giải quyết mọi vấn đề cho con người, bất chấp cả cái chết của Ngài để con người được nâng lên một tầm mức mới.
Tiếng từ trời của Chúa Cha xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” vì Ngài đã vâng lời Chúa Cha đến cùng, nghĩa là mặc lấy thân phận con người trọn vẹn, kể cả hậu quả của tội lỗi.
Hành trình đức tin là tiến trình cùng đi với Đức Giêsu trên mọi nẻo đường, trong mọi hoàn cảnh, để không phải Chúa nói với chúng ta từng chi tiết phải làm gì, nhưng trong mọi sự chúng ta biết phải làm gì cho đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn cố gắng sống đẹp lòng Chúa trong mọi tư tưởng, lời nói, việc làm để con cũng trở thành con yêu dấu của Chúa như Chúa Giêsu, Đấng luôn đồng hành với con trên mọi nẻo đường sứ vụ.
THỨ HAI
Tin Mừng: Mc 1, 14-20
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Suy niệm:
Việc đầu tiên trong sứ mạng của Chúa Giêsu là kêu gọi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ăn năn sám hối là nền tảng của mọi sự đổi mới, vì có nhìn rõ bản thân mình trong hiện tại thì mới có thể hướng đến tương lai. Điều quan trọng của sám hối là metanoia (thay đổi cái nhìn). Chính cái nhìn sẽ định hình cho mọi hoạt động của chúng ta.
Với một tâm thế sẵn sàng mở ra cho những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ có một cái nhìn tích cực trong mọi sự. Còn bao lâu nghĩ rằng mình là chân lý, mình đứng trên mọi sự để phán quyết thì ta sẽ khó chấp nhận những điều hay, nhất là chân lý mang lại ơn cứu độ cho bản thân.
Ngoài việc kêu gọi sám hối, Chúa Giêsu còn kêu mời người ta tin vào Tin mừng, là chính chân lý và cách sống của Ngài. Tất cả mọi sự đều hướng đến niềm vui, nên mới gọi là Tin mừng.
Người tội lỗi được tha thứ, người nghèo được lo lắng, người bất hạnh được chăm sóc, và nhất là thân phận con người sẽ được nâng cao, trả lại đúng tự do thuở ban đầu trong hạnh phúc Thiên đàng.
Một mặt người môn đệ thực hiện sám hối mỗi ngày để canh tân, đổi mới bản thân, đồng thời xác tín hơn Tin mừng đã được loan báo.
Mặt khác người môn đệ cũng phải giúp người ta sám hối để nhận ra giá trị tốt đẹp và vĩnh cửu trong cuộc đời, vượt qua những giá trị phàm tục và chóng qua; mang đến niềm vui trong cuộc sống bằng tất cả nổ lực của bản thân để trở thành Tin mừng của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa vẫn cất lời mời gọi mỗi người chúng con cộng tác với Chúa để loan báo Tin mừng, như xưa Chúa đã kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên. Xin cho con trở thành tiếng nói của Chúa trong cuộc sống hôm nay để đưa mọi người hướng đến nguồn Chân- Thiện- Mỹ.
THỨ BA
Tin Mừng: Mc 1, 21-28
(Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Suy niệm:
Các luật sĩ vẫn được mời giảng dạy trong hội đường của người Do Thái, nhưng dường như lời giảng dạy của họ chỉ là lý thuyết.
Hôm nay Đức Giêsu cũng được mời giảng dạy trong hội đường, nhưng lời giảng dạy của Ngài được người ta nhìn nhận “như Đấng có uy quyền”. Sự khác biệt ở chỗ nào?
Người ta nhận ra uy quyền nơi Chúa Giêsu vì Ngài thực hành những gì Ngài giảng, và giảng những gì xuất phát từ trời cao.
Thiên Chúa Cha sai Ngài xuống thế gian để loan báo Tin mừng cứu độ cho nhân loại. Tin mừng đó được thực hiện nơi chính bản thân Ngài.
Minh chứng cho Tin mừng đó chính là sự dữ sẽ bị xua trừ như thần ô uế phải xuất khỏi người bị nó ám.
Uy quyền của Chúa Giêsu vẫn hiện diện nơi mỗi chúng ta, những người tin và sống theo sức mạnh Thần Linh của Chúa, để dùng chính cuộc đời của mình góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Mỗi một hành động tốt xuất phát từ sự thúc bách của người Kitô hữu để cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời đau khổ chính là một lời quyền năng cụ thể của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con để quyền năng Chúa tẩy trừ sự dữ nơi chính bản thân mình trong những giây phút hồi tâm, sám hối, đặc biệt nơi Bí tích Giải tội; và xin cho con góp phần của mình để làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.
THỨ TƯ
Tin Mừng: Mc 1, 29-39
Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Suy niệm:
Đôi chân của Chúa Giêsu là đôi chân không mỏi mệt. Ngài rảo khắp nơi để loan Tin mừng cứu độ.
Đôi tay của Chúa Giêus là đôi tay không ngừng ban phát. Ngài chữa lành, nâng đỡ những con người đau yếu, bệnh tật và bất hạnh.
Đôi môi của Chúa Giêsu là đôi môi không ngớt lời. Ngài nói lời ban sự sống và mang đến phước lành cho kẻ khác.
Đôi mắt của Chúa Giêsu là đôi mắt không bao giờ khép lại. Ngài nhìn mọi nơi, thấy tất cả và không làm ngơ với bất cứ ai.
Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim trong lồng ngực, nhưng nhịp đập ở mọi nơi: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”.
Sứ mạng của Chúa Giêsu là mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhân loại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con được chia sẻ sứ mạng của Chúa để cố gắng trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn trong mọi cung cách của con.
THỨ NĂM
Tin Mừng: Mc 1, 40-45
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Suy niệm:
Lại một lần nữa Chúa Giêsu dùng quyền năng của Ngài để chế ngự sự dữ. Quyền năng đó là để xót thương thân phận người bị phong hủi. Quyền năng đó để cho thế lực của ma quỷ biết rằng sức mạnh của Thiên Chúa sẽ chế ngự được nó.
Hằng ngày chúng ta cũng có thể dùng quyền năng của Thiên Chúa để thể hiện lòng thương xót với anh chị em mình, nhất là với những mảnh đời bất hạnh khi biết cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ họ trong khả năng của mình.
Trong mọi sự chúng ta cũng có thể cho mọi người biết sức mạnh nơi bản thân mình là chính quyền năng của Chúa, khi xác quyết mọi việc mình làm đều xuất phát từ niềm tin vào Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã muốn người phong hủi dâng lễ vật để tạ ơn Thiên Chúa sau khi đươc chữa lành. Xin cho từng giây phút trong cuộc đời của con, luôn biết dâng lời tạ ơn vì mọi việc Chúa đã làm cho con.
THỨ SÁU
Tin Mừng: Mc 2, 1-12
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.
Suy niệm:
Hành động những người bạn khiêng người bại liệt đến với Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay là hình ảnh Giáo hội hiệp hành.
Hiệp hành là cùng nhau đi về một hướng. Trong tiến trình hiệp hành, có sự lắng nghe, nâng đỡ, vượt qua khó khăn để tiến đến cùng Chúa Giêsu.
Không thể đi một mình vì có đôi khi ta yếu nhược và bại liệt. Không thể nhụt chí, lùi bước trước những khó khăn, mà đôi khi cần sự đột phá, mạnh mẽ để vượt chướng ngại vật.
Và quan trọng nhất trong tiến trình hiệp hành là không thể đi với sức mạnh tự nhiên của con người, mà cần phải có sức mạnh Thần Linh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Giáo hội đang sống chủ đề Hiệp Hành. Xin cho con biết hiệp thông với giáo hội để chia sẻ sứ vụ của mình hầu cùng với mọi người tiến về nhà Chúa trên con đường duy nhất, thánh thiện và tông truyền.
THỨ BẢY
Tin Mừng: Mc 2, 13-17
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.
Suy niệm:
Sứ mạng của Chúa Giêsu là không bỏ rơi một ai. Vì thế không ai nằm ngoài cái nhìn của Chúa, kể cả người tội lỗi.
Chúng ta chỉ nắm tay và cùng đi với những người hợp với nhãn quan của mình, còn những đối tượng khác chúng ta gạt ra một bên.
Có đôi khi những người “bên ngoài” rất muốn bước vào “bên trong”, khao khát được đi chung đường… nhưng chúng ta dứt khoát gạt ra, vì cho rằng họ không xứng đáng. Vô tình chúng ta đã đóng cửa Nước Trời và giới hạn con đường thênh thang của ơn cứu độ.
Chúa Giêsu đã mang đến niềm vui cho Lêvi khi Ngài đích thân nhìn và cất lời kêu gọi anh ta: “Hãy theo Ta”. Vui lắm khi biết mình không xứng đáng mà lại được cho vé vớt. Hạnh phúc ngập tràn khi thấy mình tội lỗi mà được đi chung với những con người thánh thiện.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tầm nhìn để thấy lòng thương xót của Chúa phổ quát hơn. Xin cho con biết yêu, yêu thật nhiều, dù người khác không đáng yêu, như Chúa đã yêu con dù con tội lỗi.