SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT – NĂM B
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
TIN MỪNG: Ga 20, 1-9
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
SUY NIỆM:
Đối với Maria Mađalêna, một phụ nữ yêu mến Chúa chân thành đã sống với cảm tính khi thấy ngôi mộ trống; với bà, ai đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu.
Còn với các môn đệ, khi các ông còn chưa hiểu những lời Kinh Thánh về sự sống lại của Chúa Giêsu, thì nhờ những gì diễn ra trước mắt như khăn liệm, dây băng… được xếp gọn gàng, các ông đã tin Thầy mình sống lại.
Thực ra tất cả những gì liên quan đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đều đã được Kinh Thánh và chính Chúa Giêsu nói trước, nhưng vì mọi người không chú tâm và có sự liên kết mà thôi.
Vì thế, lịch sử của một đời người đều là đan xen những dấu chỉ về sự hướng thiện, hình bóng của sự phục sinh. Vì thế, nếu bình tâm nhìn lại lịch sử cuộc đời mình, mỗi người đều thấy Chúa hướng chúng ta đến điều tốt bằng mọi cách, chỉ có điều là chúng ta không để ý mà thôi.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, mầu nhiệm Phục Sinh là sự biến đổi từ tình trạng xấu trở thành tình trạng tốt. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra bàn tay yêu thương của Chúa trong từng biến cố của cuộc đời, để biết rằng vì Chúa đã Phục Sinh, nên con thấy mình chẳng lo sợ chi.
THỨ HAI
TIN MỪNG: Mt 28, 8-15
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.
Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
SUY NIỆM:
Sự gian dối chính là giấu diếm, che đậy, chôn vùi mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, tức là người ta không muốn tin và tìm cách ngăn cản người khác tin vào sự sống lại của Chúa. Họ muốn Chúa Giêsu mãi mãi chết.
Sự gian dối lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta là cố tình không để Chúa sống lại nơi chính tâm hồn mình qua sự biến đối của cuộc đời mình.
Chính lúc đó, con người đi vào trong bóng tối, họ an tâm với sự giả dối vì nghĩ rằng không ai thấy, không ai biết. Tất cả những gì giấu diếm, dối trá rồi sẽ được đưa ra ánh sáng Phục Sinh.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con sống lại thật về phần linh hồn qua sự biến đổi của con người con.
THỨ BA
TIN MỪNG: Ga 20, 11-18
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
SUY NIỆM:
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc bà Maria chạy ra mồ lần thứ ba. Vì yếu ớt, chậm chạp lại thức suốt đêm nên bà chạy chậm hơn hai môn đệ kia. Hai ông đến trước nên đã chứng kiến tất cả những sự việc đã xảy ra. Còn Macđala thì “Đứng ở ngoài, gần bên mộ mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ” (Ga 20,11). Tuy nhiên Chúa lại không hiện ra cho hai môn đệ đến trước, mà lại hiện ra cho người phụ nữ chân yếu tay mềm. Điều đó cho chúng ta thấy: “Tình yêu đáp lại tình yêu”.
Nhưng Maria không nhận ra người đang nói chuyện với mình là Đấng Phục Sinh, vì bà còn đang bị đắm chìm trong tình cảm riêng tư. Con tim bà đang tức tưởi. Tình cảm của bà đang nghẹn ngào đến mức có thể gục ngã. Chính vì vậy mà không nhận ra Chúa. Chỉ đến khi Chúa gọi đích danh bà: “Maria!” bà mới nhận ra người này là Thầy mình. Chính tiếng gọi của Chúa đã kéo bà ra khỏi cơn mê của tình cảm. Chính tiếng gọi thân quen này đã đem đến cho bà một động lực sống khi bà còn là người tội lỗi.
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, qua đoạn Tin Mừng hôm nay con xin bái phục chị Maria và hiểu rõ hơn về câu nói của Chúa: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7, 47). Và cũng chính nhờ chị yêu mến nhiều nên chị đã được tha, dù tội của chị thật tày trời. Bằng chứng của tình yêu mến đó đã được thể hiện bằng những hành động của chị trong biến cố Tử Nạn và Phục Sinh.
THỨ TƯ
TIN MỪNG: Lc 24, 13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
SUY NIỆM:
Có lẽ trong cuộc đời có những lúc chúng ta cũng giống như 2 môn đệ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: chới với, chơi chơi.
Chới với vì mình vừa bám vào một điểm tựa, lại vụt mất. Các môn đệ đi theo Thầy Giêsu trong thời gian tương đối đủ để các ông quyết định dấn thân theo Ngài. Mặc dù chưa hiểu biết nhiều, nhưng các ông có một linh cảm nơi Thầy Giêsu có thể mang lại cho các ông một định hướng mới tốt đẹp hơn cho tương lai. Thế nhưng…
Chơi vơi vì sau khi các ông không còn điểm tựa, các ông không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Thầy Giêsu vừa mang đến cho các ông một niềm vui, tức khắc mang lại một nỗi buồn man mác do cái chết của Ngài.
Đường xưa lối cũ, dù là lối mòn vẫn là nơi an toàn khi chơi vơi giữa dòng đời. Vì vậy, quyết định về quê là một quyết định sáng suốt nhất của 2 ông.
Thế nhưng Đấng Phục Sinh đã mang lại cho các ông một niềm hy vọng mới, khác hẳn với động lực ngày xưa các ông muốn bước theo Ngài. Niềm hy vọng này không chỉ mang lại cho các ông niềm vui, hạnh phúc ở đời này, nhưng là niềm vui, hạnh phúc đời đời.
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong những lúc chán nản, thất vọng… xin cho con biết tìm đến Lời Chúa để được an ủi, dạy dỗ, và Mình Thánh Chúa để được thêm sức mạnh.
THỨ NĂM
TIN MỪNG: Lc 24, 35-48
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
SUY NIỆM
Chỉ nghe những người phụ nữ, nghe hai môn đệ kể, chỉ thấy ngôi mộ trống… thì làm sao các ông có thể tin Thầy mình sống lại được. Chỉ khi Đấng Phục Sinh hiện diện, ban bình an, chất vấn, chứng mình… thì lòng tin của các ông mới được củng cố: “Sao lại hoảng hốt? sao lòng anh em còn ngờ vực? nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!”(Lc 24, 38-39).
Chỉ khi Thầy trò thân tình với nhau: “Người hỏi: ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24, 41-43), Đấng Phục Sinh mới trao cho các ông sứ mạng của Ngài. Bởi vì chỉ trong tình thân mới có thể san sẻ điều mình tâm huyết nhất.
Hơn thế nữa, trước khi trao sứ mạng, Đấng Phục Sinh đã: “Mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc24, 45), vì nền tảng Kinh Thánh đã mặc khải về sứ mạng của Ngài rất rõ: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc4, 18-19).
CẦU NGUYỆN:
Lạy Đấng Phục Sinh, ngày hôm nay Chúa vẫn gần gũi với chúng con trong Bí Tích Thánh Thể, qua thánh lễ hàng ngày, nơi nhà tạm, trong nhà chầu… Ngài vẫn ở giữa chúng con để ban bình an, để củng cố niềm tin và nhất là trao cho chúng con sứ mạng: “Sám hối để được ơn tha tội”. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa.
THỨ SÁU
TIN MỪNG: Ga 21, 1-14
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
SUY NIỆM:
Khi niềm tin bị hụt hẫng, khi lý tưởng bị lu mờ, khi cuộc đời như vô nghĩa… chỉ cần một thứ gì để bám víu vào, thì người ta sẵn sàng nắm chặc lấy nó. Đó là tâm trạng của các môn đệ khi nghe ông Phêrô nói lên nỗi chán chường của mình: “Tôi đi đánh cá đây!” (Ga 21, 3a). Họ cảm thấy việc cấp thiết ngay bây giờ là thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại của mình, không biết đó là việc gì, chỉ cần đừng ở đây nữa. Vì vậy họ đã đồng thanh hưởng ứng ngay: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21, 3b)
Chính trong hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã hiện diện, càng đặc biệt hơn khi hiện trong chính môi trường mới mà các ông tìm đến để thay thế môi trường cũ: “Đức Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga21, 4), vì các môn đệ của Ngài đã bỏ căn phòng buồn chán mà đi đánh cá.
Trong khi các môn đệ không nhận biết bóng người lang thang trên bãi biển kia là ai, thì Gioan, “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21, 7). Đơn giản bởi vì Gioan yêu mến Chúa, ông luôn nhớ từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt của Chúa…
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, có những lúc niềm tin của con bị thử thách. Những lúc đó con cảm thấy Chúa xa vời, Chúa không ở bên cạnh con, những công việc con làm trở nên vô nghĩa…Xin cho con nhận ra Chúa vẫn đang hiện diện trong chính cuộc đời của con.
THỨ BẢY
TIN MỪNG: Mc 16, 9-15
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
SUY NIỆM:
Maccô đã chịu khó liệt kê lại tất cả những lần hiện ra của Chúa Giêsu: với mấy người phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmau, và sau cùng với chính nhóm mười một trên bãi biển. Điểm đặc biệt là sau mỗi lần liệt kê, thánh Maccô đều kết luận: “Các ông vẫn không tin” (Mc 16, 11); “nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16, 13). Đặc biệt lần thứ ba với chính các môn đệ, “Người khiển trách các ông không tin, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người” (Mc 16, 14b).
Cuối cùng Chúa Giêsu sai các ông đi và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc16, 15). Nghĩ cũng mắc cười, Chúa vừa “khiển trách các ông không chịu tin những kẻ đã thấy Người”, thì lại sai “những kẻ không chịu tin” đó đi nói cho người khác. Nó là cấp số nhân của tình trạng “không chịu tin”. Nếu theo tình hình này thì sẽ nhân rộng ra một đám dân không chịu tin.
Tuy nhiên chắc chắn lúc này các môn đệ đã xác tín niềm tin của mình, đang cúi đầu để nghe Đấng Phục Sinh sửa dạy. Vì vậy mệnh lệnh này xem như là cách để các ông “Chuộc lại lỗi lầm”. Các ông hứa trong bụng là “Thầy xem chúng con làm đây!”
Quả thật với sự xác tín, với ước muốn chuộc lại lỗi lầm, với lới hứa với bản thân và nhất là trước một sự thật vô cùng lớn lao là Đức Giêsu đã Phục Sinh để đem đến ơn cứu độ cho nhân loại, các môn đệ đã làm hết sức mình để “Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Các ông đã sẵn sàng hy sinh để cho người khác tin những điều mình nói là sự thật. Từ những con người “không chịu tin”, sau khi “chịu tin” thì đã “sống niềm tin” và “loan báo niềm tin” cách hiệu quả.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho chúng con tích cực loan báo Tin Mừng Phục Sinh bằng chính đời sống của chúng con.