Friday, September 20, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 5 | Mùa Thường niên Năm A   

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V THƯỜNG NIÊN – NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 5, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. 

“Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.   

SUY NIỆM:

Thầy Giêsu dạy Kitô hữu phải là “muối” và “ánh sáng”.

Muối để ướp thực phẩm khỏi bị hư thối, để làm gia vị cho món ăn thêm ngon.

Như vậy bản chất của muối là sự mặn mà của biển cả được chất chứa, tinh kết qua quá trình tích lũy và thanh luyện của thời gian.

Vị mặn của Kitô hữu chính là đời sống thấm nhuần Tin Mừng của Thầy Giêsu. Tin Mừng yêu thương và cứu độ.

Nhân loại hôm nay có khả năng bị nhạt đi bởi những ích kỷ, hận thù, ganh ghét, sự dữ… nói chung là thiếu vắng tình yêu thương.

Môn đệ Chúa Giêsu phải là người ướp mặn đời, phải là người mang tình yêu thương đến những nơi còn thiếu vắng.

Khi sống tốt bản chất của muối, là lúc Kitô hữu đang trở thành ánh sáng.

CẦU NGUYỆN:

Xin cho con luôn mặn, vị mặn của người môn đệ Đức Kitô.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.  

SUY NIỆM:

Bên kia biển hồ, người ta háo hức đợi chờ Chúa Giêsu như Đấng giải thoát họ khỏi mọi sự dữ. Và Chúa Giêsu với quyền năng của mình dư sức để đáp ứng những nhu cầu của họ. Tuy nhiện ý định sâu xa của Thiên Chúa, của sự giải thoát là làm cho con người được hạnh phúc thực sự, tròn đầy, viên mãn. Hạnh phúc trong Vương Quốc của Tình Yêu.

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”. Muốn được giải thoát, điều kiện cần thiết là phải chạm tới Chúa Giêsu. Sự đụng chạm là biểu tượng của ý định phó thác cuộc đời ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa để sẵn sàng sống theo đường lối của Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều khi con đến với Chúa chỉ vì muốn được giải gỡ khỏi những khó khăn ở trần gian này, chứ chưa hiểu đến ngọn nguồn của ơn giải thoát là được sống bên Chúa. Xin Chúa cho con để Chúa giải thoát khỏi mọi sự dữ bằng cách để Chúa định liều, điều khiển cuộc đời mình vì Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 7, 1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi.

Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.   

SUY NIỆM:

Một số biệt phái và luật sĩ lo giữ luật bên ngoài và xem đó chiếc áo nhân đức khoác trên người làm cho họ trở nên đẹp, và họ muốn mọi người phải chiêm ngắm, ngưỡng mộ họ. Họ lo giữ luật rửa tay chân, chén bát mà không lo thanh tẩy tâm hồn mình cho được sạch.

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách giữ luật nội tâm. Những hình thức bên ngoài nhằm diễn tả tâm hồn của mình. Vì vậy điều cốt lõi là nội tâm hóa mọi việc mình làm. Hình thức rửa tay chân chén bát phải thể hiện được sự trong sạch của tâm hồn.

Dĩ nhiên bên ngoài có thể rửa sạch nhưng tâm hồn khó mà được tinh tuyền vì ảnh hưởng của tội nguyên tổ, nên đừng bao giờ kết án người khác, mà phải lo cố gắng nhiều hơn để trau dồi đức hạnh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, vì hậu quả của tội nguyên tổ làm chúng con dễ hướng chiều về sự dữ. Xin cho chúng con biết tẩy rửa tâm hồn mình nơi việc cầu nguyện, phút hồi tâm, sám hối và nhất là nơi Bí tích Giải tội.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 7, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. 

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

SUY NIỆM:

Đừng để ý đến hình thức bên ngoài, vì đôi khi bên ngoài rất đẹp với những lời nói hoa mỹ, hành động lịch lãm… nhưng bên trong lại chứa đầy những ý định đen tối.

Chúa Giêsu nói lên sự thật như thế qua câu nói: “Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.”

Chính vì vậy, điều hệ trọng trong lối sống kitô giáo là nội tâm hóa, hướng vào trong sâu thẳm của con người để thanh luyện mình hằng ngày cho được tốt đẹp từ cái cốt lõi của con người.

Để giúp Kitô hữu nội tâm hóa, như Chúa Giêsu đã gặp gỡ, giải thích riêng cho các môn đệ, thì chúng ta cần có những giây phút ở riêng với Chúa. Nếu không có những giây phút dành riêng cho Chúa, Kitô hữu chỉ lo sống cho những hình thức bên ngoài: Đi lễ cũng vì để cho đẹp đạo tốt đời, bác ái cũng để cho thấy mình tốt, đọc kinh cũng để chứng tỏ mình đạo đức…   

Ở riêng với Chúa trong cầu nguyện chân thành, đọc, lắng nghe, suy niệm lời Chúa với một tâm hồn mở rộng để được Chúa sửa dạy, uốn nắn và dẫn đến việc cải hóa tâm hồn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều khi quá vội vã nên chúng con không còn thời gian cho Chúa, chúng con bị quay cuồng vào cuộc sống tự nhiên đến mức quên đi cuộc sống siêu nhiên… Hậu quả là chúng con chỉ chú trọng đến những thứ bên ngoài. Xin cho chúng con biết quay về với Chúa trong sâu thẳm tâm hồn mình.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

SUY NIỆM:

Sự thật là đôi khi những người ngoại đạo lại có lòng tin hơn những người Kitô hữu. Đôi khi những người ngoại giáo lại mong muốn sống tốt hơn cả những người tin Chúa…

Chúng ta không chỉ trích chê bai, nhưng là nói lên sự thật, vì chính sự thật đó khiến ta phải giật mình để ăn năn sám hối.

Đôi khi chúng ta có thành kiến với một số người mà chúng ta cho là “ngoại đạo”, trong khi họ thành tâm thiện chí; để từ thiện cảm họ dành cho chúng ta trở thành ác cảm với thứ đạo loại trừ.

Chúa Giêsu sẵn sàng ban ơn cứu độ cho tất cả những ai đến với Ngài, còn chúng ta thẳng thừng từ chối. Chúa Giêsu mở rộng vương quốc của Ngài, còn chúng ta xây tường rào một cách chắc chắn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con một tâm hồn cởi mở để đón nhận sự phong phú của Chúa; và để có thể mở rộng vòng tay đón tiếp thêm nhiều anh chị em một cách hài hòa, chân thành.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

SUY NIỆM:

Mọi người nhìn nhận Chúa Giêsu: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được.” Và đó là sự thật về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Sự thật đó đôi khi bị chúng ta phản bác bằng chính đời sống của chúng ta. Chúa Giêsu làm mọi sự tốt đẹp, nhưng một số Kitô hữu lại làm những chuyện hết sức xấu xa. Người ta thán phục Chúa Giêsu, nhưng đời sống của một số con cái Chúa lại làm cho người ta ngán ngẫm…

Kitô hữu hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu thật nhiều để thấy vẻ đẹp của Ngài rạng ngời, vẻ đẹp khiến mọi người khâm phục để chúng ta sống như thánh Irene đã nói: “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”

Vinh quang của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Thiên Chúa được thể hiện qua chính cung cách sống của người Kitô hữu khi họ cảm nhận được chính nét đẹp của Thiên Chúa, để họ sống theo lời Chúa dạy, để họ làm những điều có ích cho đời, cho người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con có những giây phút lắng đọng của tâm hồn để thấy Chúa trong mọi sự hầu cảm nhận nét đẹp của Ngài trong tất cả

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mc 8, 1-10

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no!” Và Người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền mà đến miền Đal-ma-nu-tha.   

SUY NIỆM:

Sự thật về Thiên Chúa được Maccô ghi nhận trong 4 từ: “Ta thương đám đông”. Chính sự thật này mà Chúa Giêsu đã chấp nhận xuống thế làm người để cứu chuộc loài người sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội. Cũng chính sự thật này đã khiến Chúa Giêsu chấp nhận tất cả thân phận của con người ngoại trừ tội lỗi.

Vì thương con người mà Chúa Giêsu đã rao giảng Tin mừng cứu độ để họ biết, tin và sống theo đường lối của Tin mừng đó. Ngài  cũng chấp nhận mọi vất vả, mệt nhọc cùng với tất cả mọi cung bậc cảm xúc khi thi hành sứ vụ. Ngài đã cảm nhận và thấu hiểu mọi hoàn cảnh, nhất là những hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn.

Ngài cần các môn đệ cộng tác dù khả năng của họ rất ít ỏi: bảy chiếc bánh và ít cá nhỏ so với thực tế quá lớn lao: 4.000 người đang đói bụng.

Nhưng sự ít ỏi của con người cộng với quyền năng của Thiên Chúa sẽ giải quyết được tất cả: “Dân chúng ăn no nê”.

Chúng ta tin và chấp nhận làm môn đệ Chúa Giêsu không phải để được ăn no nê, nhưng vì chúng ta biết Ngài thương chúng ta và Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc lớn lao hơn là cái no vật chất, Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc đời đời, được no đầy mãi mãi những phúc lộc.

Muốn thế, chúng ta hãy cộng tác với Chúa từ những phần ít ỏi có được của chúng ta. Hãy mạnh dạn trao cho Chúa những gì Chúa cần để Ngài làm dấu lạ chẳng những cho bản thân mà còn cho thế giới hôm nay.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều người đói khát vật chất và tinh thần cùng nhiều thiếu thốn khác, xin cho con dám cho Chúa mượn phần nhỏ bé của mình để anh chị em con được no đầy. Cái no vật chất rồi sẽ hết, nhưng cái no yêu thương sẽ còn mãi khi con biết sẻ chia.

bài viết mới