SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA NHẬT – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
LỜI CHÚA: Mt 10,17-22
LỜI CHÚA: Mt 10,17-22
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì.
Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.
Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu cảnh báo những nguy hiểm ảnh hưởng đến đời sống đức tin của các môn đệ, mà đỉnh điểm là việc bị người ta giết chết vì tin theo Chúa: “Các con hãy coi chừng!”.
Như vậy có thể người đời sẽ không chấp nhận Thiên Chúa hoặc muốn một Thiên Chúa theo bản vẽ của họ. Do đó những ai tin và theo Thiên Chúa sẽ bị người đời loại trừ; hoặc tin theo Thiên Chúa không như họ mong muốn sẽ bị cho là u mê tăm tối.
Người môn đệ trong mọi hoàn cảnh phải cảnh giác những cám dỗ khiến họ chối bỏ đức tin của mình; ngược lại phải làm chứng cho niềm tin của mình trong mọi cơ hội.
Những hình thức bách hại đức tin rõ ràng ngày nay hiếm thấy, nhưng sẽ có những cám dỗ tinh vi để làm lung lạc đức tin người môn đệ.
Mọi hình thức đó sẽ tấn công vào sự dễ dãi của bản thân. Vì dễ dãi nên người ta sẽ sẵn sàng nói không sao đâu.
Do đó tử đạo hay vác thập giá theo Chúa ngày nay chính là tinh thần hy sinh, khổ chế, kết hợp với việc cầu nguyện. Nếu không có hy sinh và cầu nguyện, người môn đệ sẽ không giữ được đức tin của mình.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin ban đức tin cho đoàn con cháu. Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt nam, xin thương chúc lành cho Giáo Hội Việt Nam.
THỨ HAI
LỜI CHÚA: Lc 18, 35-43
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
SUY NIỆM:
Trong thân phận khốn khổ do mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường. Anh ngồi đó không phải chỉ chờ người ta thương tình cho mình cái ăn, cái mặc để lo cho thân xác, nhưng chắc chắn đó còn là thời gian để anh chiêm niệm về sự giải thoát cho tâm hồn.
Trong sự chiêm niệm đó có lẽ một con người đang nổi tiếng lúc bấy giờ đã chiếm đoạt toàn thể con người anh, nên khi vừa nghe biết Đức Giêsu đi ngang qua, anh đã vùng trỗi dậy và dùng hết sức bình sinh để kêu xin Ngài. Nhờ thái độ cần đến Chúa, nên anh đã được Chúa chữa cho sáng mắt.
Từ anh mù này chúng ta thấy được ơn chữa lành nhờ đức tin, mà đức tin có được trước hết nhờ Chúa ban, nhưng cũng nhờ anh mù biết chiêm niệm để nhận ra ai là Đấng có thể cứu mình.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết chiêm niệm để cầu nguyện trong mỗi cảnh huống của cuộc đời, để qua đó con nhận ra được sự chữa lành của Chúa.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Lc 19, 1-10
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.
SUY NIỆM:
Hình ảnh một Giakêu thấp bé đã đánh động tôi thật nhiều. Vì sự thấp bé mà ông phải trèo lên cây sung để có thể nhìn thấy Đức Giêsu. Nhờ hành động đó mà Đức Giêsu đã ưu ái ghé lại nhà ông và còn dùng bữa với ông nữa.
Ông phải trèo lên. Chúa Giêsu phải nhìn lên. Đó là nổ lực của cả 2 để được gặp gỡ nhau. Và dĩ nhiên cái nhìn lên của Chúa có giá trị hơn để có thể lôi kéo ông đến một vị trí cao cả hơn bàn thu thuế.
Chúa Giêsu nhìn lên để ông “trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người”. Cái nhìn của Chúa giải thoát ông khỏi mặc cảm của sự thấp bé và nhất là giải thoát ông khỏi sự quyến luyến của bàn thu thuế.
Sự biến đổi là thể hiện rõ ràng nhất của ánh nhìn của Chúa. Giakêu đã sẵn sàng bù đắp những thiệt hại ông gây ra, đồng thời bố thí những gì ông đang có cho người nghèo. Khi biết cho đi là dấu đã ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đấng Toàn Năng.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết “trèo lên” mỗi ngày không phải ở cây sung, nhưng trèo lên những quyến luyến của thế gian để vượt lên trên mọi sự, con có thể gặp gỡ Chúa để con được biến đổi cuộc đời.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Lc 19 11-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:
“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: ‘Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về’. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi’. Được phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.
“Người thứ nhất đến và thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén’. Nhà vua bảo: ‘Được, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành’. Người thứ hai đến thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén’. Nhà vua đáp: ‘Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành’.
“Người thứ ba đến thưa: ‘Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo’. Vua phán rằng: ‘Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời’.
“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén’. Họ tâu rằng: ‘Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi’. Vua đáp: ‘Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.
SUY NIỆM:
Chúa ban cho khả năng mỗi người khác nhau, nhiều ít là tùy Chúa. Chúng ta phải biết làm lợi từ những gì Chúa ban, ít nhiều tùy khả năng mỗi người, tuyệt đối không được chôn giấu.
Làm lợi chứng tỏ sự tin tưởng vào ông chủ vì ông đã yêu thương trao cho mình những nén bạc. Nó cũng thể hiện một niềm trông cậy, đợi chờ ngày ông chủ về để “báo công”, nhưng nhất là nó gói ghém tất cả tình yêu của người đầy tớ trung thành dành ho ông chủ.
Chôn giấu chứng tỏ không tin tưởng vào ông chủ, có khi là anh ta đang làm giàu cho ông chủ khác. Chôn giấu cũng có khi do lười biếng, muốn nằm không chờ sung rụng; nhưng nên nhớ ơn cứu độ phải có sự cộng tác của mỗi người.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng để trông chờ ngày Chúa trở về. Trong khi chờ đợi, xin cho con một tình yêu đủ để sinh lợi từ những nén bạc Chúa trao.
THỨ NĂM
LỜI CHÚA: Lc 19, 41-44
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.
SUY NIỆM:
Trong Thánh Kinh rất ít khi bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu khóc; nhưng ít nhất 3 lần Ngài đã khóc khi chứng kiến cái chết của đứa con trai bà góa thành Naim; khóc thương người bạn thân là Lazarô; và hôm nay, khóc thương thành Giêrusalem.
Tất cả những lần khóc này đều vì xót thương. Nhưng xót thương những con người thì dễ cảm thông, ở đây Chúa Giêsu lại xót thương một thành phố.
Thực sự ra Chúa Giêsu không chỉ xót thương vật chất, vì không phải chỉ thành Giêrusalem mà tất cả những gì là vật chất đều sẽ bị biến tan. Sâu xa hơn, Chúa Giêsu khóc thương cho những con người trong thành phố đó vì họ đã không nhận ra được sứ điệp mang lại hòa bình cho họ.
Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là sự cứng lòng của dân thành Ninivê vì họ đã không tin vào lời rao giảng của các ngôn sứ, nhất là không tin nhận Ngài là Đấng Messia.
Ước gì?! Ước gì?!…
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết xót thương thân phận của chính mình vì Chúa đã rơi lệ vì con. Xin cho con biết ăn năn sám hối mọi lỗi lầm của mình.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Lc 19, 45-48
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Đền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu muốn trả lại cho nơi thờ phượng sự trang nghiêm thánh thiện đúng với ý nghĩa của Đền Thờ. Vì vậy Ngài không ngần ngại “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ”.
Phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến chúng sứ điệp về sự bảo vệ Đền Thờ. Ông Giuđa và anh em ông đã phải chiến đấu để bảo vệ đền thờ. Chúa Giêsu cũng vì lòng nhiệt thành mà mà phải thiệt thân.
Mỗi người chúng ta là ngôi Đền Thờ để Chúa ngự. Chúng ta có bổn phận gìn giữ cho sạch đẹp. Chúng ta phải can trường chiến đấu với thế lực kẻ thù muốn chiếm lấy Đền Thờ chúng ta. Chúng ta phải mạnh mẽ để đánh đuổi những kẻ làm chuyện ô uế, phàm tục ra khỏi Đền Thờ này.
Chúng ta gìn giữ Đền Thờ này bằng hàng rào vững chắc của đức tin. Chúng ta đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Đền Thờ này bằng vũ khí sắc bén của lòng trông cậy. Chúng ta bảo vệ Đền Thờ này bằng vật liệu kiên cố của lòng mến.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, hằng ngày xin cho con gặp Chúa trong các giờ cầu nguyện, thánh lễ và các bí tích để Chúa thanh tẩy tâm hồn con sạch mọi vết nhơ; đồng thời tăng thêm sức mạnh để con mạnh mẽ loại trừ những sự phàm tục, bất xứng ra khỏi Đền Thờ tâm hồn con.
THỨ BẢY
LỜI CHÚA: Lc 20, 27-40
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu với nhóm Xa đốc, là nhóm không tin có sự sống lại. Họ đặt ra câu chuyện hoàn toàn giả tưởng về việc một người phụ nữ lần lượt lấy 7 anh em trong gia đình, mà không có còn để nối dõi. Vậy nếu có sự sống đời sau, thì người phụ nữ này sẽ là vợ của ai?
Để trả lời, Chúa Giêsu đã dựa vào Thánh Kinh để nói về sự sống mai sau, sự sống đó chỉ được dành cho những con người xứng đáng, và trong sự sống đó, hạnh phúc của con người là sống trong tình yêu của Chúa, chứ không phải là những giá trị theo kiểu phàm tục.
Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến cho một người trong nhóm kinh sư lên tiếng khen: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm”.
Vấn đền chính yếu ở đây là cuộc chiến của niềm tin, mà hậu quả của những kẻ không tin, còn xúc phạm đến Thiên Chúa là phải khốn khổ, mất đi hạnh phúc đời đời.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho con đừng cứng lòng, xúc phạm đến Chúa, nhưng cho con biết tìm cách để ngợi khen và phụng sự Chúa trong suốt cả cuộc đời. Sống như vậy là con đang sống tương lại hạnh phúc trong chính giây phút hiện tại này.