Saturday, November 23, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 31| Thường niên | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

SUY NIỆM:

Qua lời dạy hôm nay, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ hình ảnh một vì Thiên Chúa hạ mình xuống, đồng phận với con người, trở nên giống hệt con người để chia sẻ thân phận làm người.

Sự hạ mình của Ngôi Hai Thiên Chúa là để phản ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài muốn chung chia phận người để nâng con người lên một địa vị mới nhờ ơn cứu chuộc.

Qua đó Ngài cũng muốn dạy các môn đệ bài học khiêm tốn, đừng ham hố những danh, lợi, thú là những thứ thuộc về thế gian này, nhưng hãy yêu thích tinh thần cua Nước Trời, đó là hạ mình để phục vụ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con học được tinh thần của Đức Kitô để ham thích việc phục vụ, hầu bản thân trở nên nhỏ bé mà dễ dàng vào Nước Chúa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 14, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”. 

SUY NIỆM:

Dĩ nhiên đây không phải là chỉ dẫn về nhân bản hay cách đối nhân xử thế trong xã hội, nhưng là chỉ dẫn để có được hạnh phúc đời đời, nghĩa là liên quan đến đời sống đức tin.

Trong đời sống đức tin, người môn đệ được mời gọi phải quan tâm đến những phận đời bé bỏng, bị bỏ rơi, là con số không trước mặt mọi người.

Tuy nhiên chính những phận đời đó lại là tất cả trước mặt Thiên Chúa; và nhờ những phận đời đó mà Kitô sẽ được đền đáp.

Hay nói cách khác, Chúa Giêsu dạy ta cách để có thể vào thiên đàng, là hãy sống bác ái, yêu thương.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con làm mọi sự mà không mong được đền đáp, vì con biết rằng khi có tình yêu  thương là con sẽ có tất cả.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 14, 15-24

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. Người phán cùng kẻ ấy rằng: “Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: ‘Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người thứ hai nói: ‘Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người khác lại rằng: ‘Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được’.

“Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt’. Người đầy tớ trở về trình rằng: ‘Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ’. Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi'”.

SUY NIỆM:

“Một người đồng bàn”, chắc chắn đó là một người bạn, người thân với Đức Giêsu. Người này trở thành người thân của Đức Giêsu vì anh ta đã hiểu những gì Đức Giêsu giảng dạy nên đã nói: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”.

Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu như vậy nên Đức Giêsu đã kể câu chuyện về người dọn tiệc và mời thực khách, nhưng những người được mời đã khước từ vì nhiều lý do khác nhau. Những lý do như mua đất, mua bò, cưới vợ… cho thấy những bận tâm của họ chỉ là chuyện vật chất, đam mê xác thịt, những chuyện thuộc về trần gian này.

Có một thứ hạnh phúc lớn lao vô cùng mà nhiều người chưa biết đến, đó là được “dự tiệc trong Nước Trời”. Đức Giêsu đã đến để loan báo về bữa tiệc ấy, các Tông đồ đã sống chết vì sứ mạng ấy, và Hội thánh đến nay vẫn luôn luôn giới thiệu và mời gọi con người đến với hạnh phúc ấy.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra hạnh phúc lớn hơn những niềm vui chóng qua ở thế gian này. Mọi thứ vui thú ở thế gian không thể nào sánh bì được với hạnh phúc Nước Trời. Xin cho con cảm nghiệm và sống niềm vui đó trong sự hiệp thông với Chúa và thực thi lời Chúa dạy bằng giới luật yêu thương.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 14, 25-33

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”. 

SUY NIỆM:

Thực tế là “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu”, nhưng quan trọng là họ đi với mục đích gì?  Có khi vì hiệu ứng đám đông, thấy người ta đi nên tôi cũng đi ; có khi đi vì “ăn bánh” của ông Giêsu ; có khi vì được chữa bệnh cách lạ lùng ; cũng có những người đi theo để dò xét xem ông Giêsu làm gì, nói gì? Nhưng cũng có những người đi theo vì đón nhận lời giảng dạy của Thầy Giêsu.

Trong một đám đông hỗn tạp như thế, Đức Giêsu nói lên đòi hỏi của việc làm môn đệ. “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Đi theo Đức Giêsu phải chấp nhận khổ cực, rủi ro, bấp bênh trong cuộc sống, và cả những nguy hiểm cho bản thân. Đức Giêsu cho thấy hạnh phúc Nước Trời phải được đánh đổi bằng một giá vô cùng lớn lao, giống như Ngài đã phải hy sinh cả mạng sống mình để mang đến ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày hôm nay vẫn còn nhiều người bước theo Đức Giêsu vì những lý do khác nhau không vì niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Có người muốn tìm vật chất, có người muốn bảo đảm cuộc sống, có người muốn Thiên Chúa như một vị thần để họ xui khiến những gì họ muốn, có người muốn dò xét đạo Chúa…

Tất cả những lý do đó đều không xứng đáng làm môn đệ Đức Giêsu, mà chỉ có niềm tin và sự dấn thân cho đòi hỏi của Tin mừng. Chính sự dân thân đó là việc vác thập giá hằng ngày theo Chúa.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, con đã bước theo Chúa vì con tin Chúa, yêu mến Chúa. Điều quan trọng là xin cho con biết vác thập giá hằng ngày chính là những hy sinh, những từ bỏ để sống cho giá trị của Nước Trời.

THỨ NĂM – 09/11 : CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

LỜI CHÚA: Ga 2, 13-22

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Ngưòi Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

SUY NIỆM:

Đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhưng có những người đã lạm dụng để làm lợi cho bản thân mình, thậm chí còn dùng cả việc lường gạt, trộm cắp….

Đứng trước thái độ đó Đức Giêsu không thể làm ngơ, Ngài thanh tẩy Đền Thờ của Cha Ngài cho sạch mọi ô uế do chính những con người trong Đền Thờ làm ra. Ngài muốn con người phải trả lại mục đích và vẻ đẹp của Đền Thờ.

Có người nói “Trước khi họp chợ, thì lòng người ta đã là cái chợ”. Vì thế mọi ngổn ngang là do lòng người gây ra. Lòng đầy những tham lam, những tính toán, những đố kỵ hơn thua… nên họ đã hành động bất chấp cả lương tâm, cả nơi thánh.

Tâm hồn ta là một Đền Thờ. Đức Giêsu cũng muốn ta giữ gìn vẻ đẹp cho Đền Thờ ấy bằng việc thanh tẩy thường xuyên và tránh xa những sự xấu xa của thế gian.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin gìn giữ tâm hồn con, đừng để những ham hố của thế gian xâm chiếm làm con trở nên dơ bẩn. Và nếu con có dơ bẩn, xin cho con biết đến với Chúa để được Ngài thanh tẩy.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Lc 16, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

SUY NIỆM:

Đức Giêsu không dạy ta bắt chước tên đầy tớ trong câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài chỉ muốn qua đó dạy ta sự khôn ngoan đích thực là gì.

Tên đầy tớ xử sự khôn khéo theo kiểu thế gian. Cái khôn này đã giúp anh bảo đảm cuộc sống về sau khi anh bị cắt chức quản lý. Anh ta đã lấy tài sản của ông chủ để mua tình cảm của người khác.

Con cái Thiên Chúa cũng phải biết khôn ngoan, nhưng không theo kiểu của tên đầy tớ. Khôn ngoan của môn đệ Đức Giêsu là biết sử dụng tất cả những gì Chúa ban để đổi lấy hạnh phúc Nước Trời. Sự khôn ngoan này đòi buộc chúng ta phải biết nhìn xa trông rộng để xử sự. Ví dụ có nhiều tiền bạc thì biết giúp đỡ người nghèo vì tiền của sẽ hết, còn công phúc thì còn mãi…

Chỉ sợ người môn đệ không đủ “tầm cỡ” để nhìn xa trông rộng nên chỉ thấy những cái lợi trước mắt và chúi đầu vào đó, đến một ngày họ sẽ mất hết tất cả. Cái tầm này chỉ có khi người môn đệ biết cầu nguyện và sống gắn bó với Chúa.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, xin Chúa xin ban cho sự khôn ngoan để con tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 16, 9-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”.

SUY NIỆM:

Trước hết Đức Giêsu nói về việc trung tín trong việc sử dụng Tiền Của của người khác. Đây là điều răn thứ Mười : chớ tham của người; và còn hơn thế là lòng tin của người khác đã trao gởi cho ta.

Những ai càng trung thực thì sẽ càng được người ta tin tưởng, trao gửi tiền bạc, của cải để nhờ ta làm việc gì đó. Vì thế nếu để lòng tham xen vào khiến ta ăn chận bằng bất cứ hình thức nào là ta đang xúc phạm đến niềm tin của người khác.

Hơn nữa, lời dạy trung tín của Đức Giêsu còn là đòi buộc để ta biết sử dụng cuộc đời mình theo đúng ý Chúa. Đừng để những giá trị hấp dẫn của ma quỷ khiến cuộc đời ta bị nghiêng về phe nó. Cuộc đời người Kitô hữu chỉ có ý nghĩa khi đi ngay đường thẳng lối.

Đôi khi trên đường đi đó ta sẽ bị sức hút của đồng tiền, sự hấp dẫn của quyền lực và sự lôi kéo của sắc dục khiến ta bất trung với chính cuộc đời của mình, cũng là bất trung với chính Chúa.

CẦU NGUYỆN : Lạy Chúa, xin cho con tránh mọi thứ tham lam để sử dụng của cải vật chất theo đúng ý Chúa và những người tin tưởng mình. Xin cho con biết dùng chính cuộc đời mình để mang lại lợi ích như lòng Chúa mong muốn, nhất là lợi ích cho phần rỗi của con.

bài viết mới