SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN X THƯỜNG NIÊN – NĂM C
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
LỜI CHÚA: Ga 20, 19-23
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
SUY NIỆM:
Con người không thể nhìn thấy Chúa Thánh Thần bằng mắt thường, nhưng mọi người đều nhìn thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội, trước hết thời Giáo hội sơ khai, nơi các Tông đồ.
Hoạt động đó thể hiện bản chất của Giáo hội là loan báo Tin Mừng mà chính các Tông đồ đã thực hiện không phải bằng khả năng của họ, nhưng chắc chắn do tác động của Thánh Thần.
Hàng ngàn, hàng triệu và rồi hàng tỉ người đã tin vào Chúa Giêsu, thì đó là gì nếu không phải là tác động của Thần Linh.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để Kitô nhớ lại sứ mạng của mình, sứ mạng đó như tiếng vọng tình thương của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Ý thức được sứ mạng của mình để trong mọi hoạt động Kitô hữu phải luôn nhớ mình đang là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, để qua dụng cụ đó, nhiều người được biết đến Chúa Giêsu.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cộng tác với Chúa Thánh Thần để thực hiện điều Chúa muốn.
THỨ HAI SAU LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG: Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội
LỜI CHÚA: Ga 19: 25-34
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
SUY NIỆM:
Nền tảng của lễ Đức Maria, Mẹ Giáo hội là việc Chúa Giêsu đã trao Giáo hội cho Đức Maria và Đức Maria cho Giáo hội, qua đại diện là Thánh Gioan trong những câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Và “Đây là mẹ của anh.”
Trao Giáo hội cho Mẹ muốn nói lên ý định của Thiên Chúa đã chọn Mẹ ngay từ đầu trong chương trình cứu độ của Ngài và Mẹ đã thực hiện trọn vẹn ý định đó qua việc nói tiếng Xin vâng.
Tiếng xin vâng không chỉ trong ngày truyền tin, mà trong từng giây phút cuộc đời của Mẹ, đặc biệt là lúc đứng dưới chân thập giá.
Việc trao Đức Mẹ cho Giáo hội muốn khẳng định cho mọi Kitô hữu về sức chuyển cầu của Mẹ. Chắc chắn rằng những ai yêu mến Mẹ thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương và ban thưởng hạnh phúc như đã từng làm cho Mẹ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước Mẹ nói tiếng xin vâng bằng cách luôn lắng nghe và thực hành ý Chúa trong cuộc đời.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Mt 5, 13-16
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu muốn các môn đệ trở thành ánh sáng thế gian, cụ thể là làm những việc lành để qua đó mọi người nhận ra và ngợi khen Thiên Chúa.
Ánh sáng không tỏ hiện cho mình, nhưng anh sáng để giúp ích cho đời và cho người. Những việc tốt của Kitô hữu cũng không nhằm làm tỏ rạng bản thân, nhưng để làm vinh danh Chúa.
Ánh sáng của Kitô hữu được lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội, được mạnh hơn ngày lãnh nhận Bí tích Thêm Sức; và ánh sáng đó được rõ ràng quan những việc tốt hằng ngày mà họ thực hiện.
Vì thế, Kitô hữu không được ngần ngại trong việc tốt. Đừng phân vân, sợ sệt nhất là trong những cái nhìn trái chiều của người đời hay các ý thức hệ; trong mọi sự việc tốt cứ làm, vì nó là ánh đèn phản chiếu hào quang của Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con nhớ mình là ngọn đèn để luôn tỏa rạng ánh sáng đức tin bằng những việc làm cụ thể của mình.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu nói rõ: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.”
Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách đặt vào trong đó giá trị tuyệt đối là tình yêu. Làm mọi việc mà không có tình yêu thì cũng như chẳng làm gì, vì những việc không có tình yêu chẳng mang lại kết quả gì, thậm chí còn thêm gánh nặng cho mọi người, kể cả người làm.
Nổ lực của Kitô hữu là sống tình yêu trong mọi sự chứ không chỉ trong lề luật. Giữ luật mà không có tình yêu thì luật đó rất độc ác. Ngược lại, với tình yêu thì không còn gì là luật lệ mà chỉ là biểu hiện của yêu thương.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con cố gắng trau giồi tình yêu trong đời Kitô hữu bằng việc đọc lời Chúa để biết Chúa nhiều hơn, bắt chước Chúa để yêu thương nhiều hơn, và loan báo Chúa để nhiều nhân loại sống với nhau bằng tình yêu nhiều hơn.
THỨ NĂM
LỜI CHÚA: Mt 5, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái. Vì nếu chỉ công chính như họ thì chẳng được vào Nước Trời.
Công chính như các luật sĩ và biệt phái là giữ luật trên mặt chữ một cách khắt khe. “Công chính hơn” là đặt vào đó một cái nhìn linh thánh và yêu thương.
Ví dụ việc giết người thì rõ ràng theo lề luật, làm cho một người chết là mắc tội. Còn “công chính hơn” thì không cần làm cho người ta chết, mà chỉ cần xúc phạm đến họ bằng những lời nói tổn thương, gây đau buồn, xúc phạm thì cũng đã là vi phạm lề luật.
Xem ra luật mới còn khắt khe hơn, nhưng luật đó chứa đựng tình yêu thương tròn đầy, và con người được tôn trọng trọn vẹn.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì đã yêu con không phải vì con làm những gì theo luật dạy, mà yêu con vì con là chính con. Xin cho con cũng biết sống trọn vẹn với những gì mà Chúa đã trao ban.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Mt 5, 27-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
“Có lời dạy rằng: ‘Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu dạy các môn đệ mình đừng phạm tội bằng cách tránh dịp tội. Dịp tội là những vật, nơi chốn, hoàn cảnh, con người dễ đưa ta đến phạm tội. Ở đây, Chúa Giêsu dạy ta biết làm chủ trọn vẹn con người của mình.
Như Chúa Giêsu luôn ý thức mình được sai đến thế gian này là để làm theo thánh ý Chúa Cha. Vì vậy dù có bị cám dỗ đến mức tận cùng, Ngài cũng nghĩ đến sứ mạng của mình.
Là môn đệ Chúa Giêsu, chắc chắn Kitô hữu cũng bị cám dỗ về nhiều phương diện khác nhau, nhưng trong mọi sự, nếu họ còn nghĩ đến mục đích cuộc đời mình là gì thì họ mới có thể vượt qua, nếu không họ sẽ để con người của mình chạy theo những hấp dẫn khác.
Do đó, phạm tội hay không phạm tội là do con người có đủ xác quyết về những gì mình đã tin hay không; vì chính do đức tin sẽ thôi thúc lòng mến để con người luôn thỏa mãn về những gì mình đã tin.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, con yếu đuối mỏng giòn vì đức tin còn non yếu. Xin Chúa gia tăng đức tin cho con để con yêu mến Chúa nhiều hơn, từ đó không gì có thể tách con ra khỏi tình yêu của Chúa.
THỨ BẢY – 11/06/2022: Thánh Barnaba, tông đồ
LỜI CHÚA: Mt 10,6-13
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ : “Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu muốn các môn đệ rời khỏi môi trường thân quen để đến với “các con chiên lạc”, điều đó đòi hỏi sự mạnh dạn, ra khỏi bản thân mình.
Nhiều khi tôi cũng nói là loan báo Tin mừng, nhưng tôi chỉ đến với những người thân quen, những người mang lại cảm giác an toàn, dễ chịu cho tôi chứ chưa dám đến với “các con chiên lạc”, nghĩa là những người đã rời xa Giáo hội, thậm chí là chống đối Giáo hội, vì tôi chỉ muốn an toàn.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ đừng tìm danh lợi cho bản thân, để tận tâm lo cho người khác, vì nếu cứ tìm lợi ích bản thân mình thì không bao giờ người môn đệ toàn tâm để loan báo Tin mừng.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy quý trọng và cộng tác với những người hết mình với sứ mạng. Cùng với họ để làm cho Danh Cha cả sáng.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ sứ mạng loan báo Tin Mừng để dùng hết sức, hết khả năng mà làm cho nhiều người được biết Chúa.