Sunday, December 22, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | CN Lễ Hiển Linh| Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH VÀ TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM B

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

LỜI CHÚA: Mt 2, 1-12

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

SUY NIỆM:

Chủ đề năm mục vụ 2024 của Giáo hội Việt Nam là “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Muốn tham gia, mỗi người chúng ta phải lên đường như Thiên Chúa đã đến với con người, như Mẹ Maria đã vội vã đi thăm người chị họ…và như các nhà đạo sĩ theo ánh sao lạ tìm đến hang đá Belem.

Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta một cuộc lên đường mới: Lên đường với sự hướng dẫn của Ngôi sao, với sự đồng hành của anh em.

Ngôi sao tượng trưng cho giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Chúng  ta lên đường không phải để tìm kiếm, nhưng để sống những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời mà bấy lâu nay bị vùi lắp, bị bỏ quên hay đôi khi còn lẫn lộn.

Anh em tượng trưng cho Hội thánh. Lên đường cùng với Hội thánh để nhắm đến mục đích cuối cùng là tìm gặp ơn cứu độ. Để sửa lại thái độ đôi khi còn nhầm lần trước giờ của chúng ta. Chúng ta cũng lên đường với Hội thánh, nhưng không cùng nhau tìm ơn cứu độ, lại lẻ loi một mình tìm Thiên Chúa của riêng ta.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con lên đường mỗi ngày trong đức tin, đức cậy và đức mến để con được gặp Chúa là ơn cứu độ đời con.

THỨ HAI – LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

LỜI CHÚA: Mc 1,7-11

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

SUY NIỆM:

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi ta một cuộc Tham Gia mới theo gương mẫu của Chúa Giêsu.

Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã tham gia vào đời sống của con người, để mời gọi con người dù ở vị trí nào cũng đừng bao giờ kiêu ngạo.

Ngài ở nơi cao, nhưng sẵn sàng xuống thấp để đồng phận với con người, để nhắc nhở con người phải biết tìm đến với những mảnh đời bất hạnh.

Ngài đến thế gian này, sống giữa con người, giống hệt con người, ngoại trừ tội lỗi, để mời gọi con người một cuộc tham gia, nhưng không vì thế làm mất đi những giá trị tốt đẹp: đồng cảm chứ không đồng hóa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tham gia vào đời sống Giáo hội bằng sự khiêm nhượng, lưu ý đến hạng người thấp kém và luôn giữ được bản chất Kitô hữu tốt đẹp của mình.

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

(Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

SUY NIỆM:

Sự hiện diện của Chúa Giêsu thể hiện được quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Quyền năng để tiêu diệt sự dữ, nhất là những thứ trói buộc con người, khống chế họ, làm cho họ trở thành nô lệ.

Sự thánh thiện để hấp dẫn, lôi kéo mọi người xung quanh.

Sự tham gia vào đời sống Giáo hội của Kitô hữu cũng giống như sự hiện diện của Chúa Giêsu; tham gia để cùng nhau đẩy lùi bóng tối ra khỏi cuộc sống, ra khỏi Giáo hội; tham gia để giới thiệu nét đẹp của người Công giáo.

Vì thế trong Giáo hội tôi phải quyết tâm thánh hóa mình để thánh hóa tha nhân; tôi phải cố gắng để nên tốt hơn mỗi ngày để góp phần đẩy lùi sự dữ.

Khi tham gia vào đời sống Giáo hội tôi phải lan tỏa hương thơm của đạo Đức Chúa Trời, mà hương thơm nguyên tuyền của đạo Chúa chính là Tình Yêu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con sống trong Chúa mỗi ngày, để cùng với Chúa con tham gia vào đời sống Giáo hội bằng sự cố gắng nên thánh và sống yêu thương.

THỨ TƯ TUẦN I TN

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”.

Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu tham gia vào đời sống nhân loại bằng cách lên đường để đến với mọi phận người. Ngài không đi ngang qua, nhưng đến với. Ngài không ở bên ngoài, nhưng ở bên trong. Ngài không chỉ nói, mà còn đụng chạm…

Như vậy Chúa Giêsu đến với nhân loại bằng trọn vẹn thần tính và nhân tính đầy yêu thương của Ngài. Nhờ tham gia bằng tình yêu mà Ngài đã chữa lành cho con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, giải thoát khỏi ma quỷ và hướng họ đến với một giá trị cao cả là ơn cứu độ.

Tuy nhiên, dù tham gia vào đời sống con người cách trọn vẹn, nhưng Ngài vẫn giữ được sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, và đó chính là nguồn lực để Ngài có thể tham gia vào đời sống của nhân loại chúng ta.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết dành thời giờ cho Chúa và cho nhau để đời sống của con sẽ phát triển cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

THỨ NĂM TUẦN I TN

LỜI CHÚA: Mc 1, 40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

SUY NIỆM:

Tham gia vào đời sống nhân loại, Chúa Giêsu không lựa chọn cho mình sự gặp gỡ những con người sạch (cả bên trong lẫn bên ngoài), mà Ngài đã chấp nhận đến với những người “dơ” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Không chỉ đến một cách hời hợt, e dè, nhưng Ngài đã đến trọn vẹn bằng cách giơ tay đụng chạm đến người dơ (anh cùi).

Theo lẽ thường, một người thường đụng chạm đến người dơ, anh ta sẽ bị lây nhiễm cái dơ dó, còn Chúa Giêsu thì không. Sự dơ bẩn, ô uế không thể lây nhiễm được Ngài vì Ngài là Đấng Thánh. Ngược lại quyền năng nơi Ngài còn có khả năng thanh tẩy để người dơ nên sạch.

Noi gương Chúa Giêsu, tham gia vào đời sống Giáo hội cách trọn vẹn, chấp nhận cả cái sạch lẫn cái dơ, đón nhận cả những điều tích cực lẫn tiêu cực, mở lòng cả những ý kiến thuận chiều lẫn trái chiều…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức thân phận tội lỗi của mình để chạy đến với Chúa xin được chữa lành. Từ đó con có thể tham gia vào đời sống Giáo hội bằng một tâm hồn đơn sơ, rộng mở.

THỨ SÁU TUẦN I TN

LỜI CHÚA: Mc 2, 1-12

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”.

Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

SUY NIỆM:

Có nhiều trường hợp không tham gia vào đời sống Giáo hội. Đó là những người bất toại, và nhất là những người ngăn cản người ta tham gia vào đời sống Giáo hội.

Giáo hội không phải là của riêng ai, nhưng là chính đời sống của mỗi có dính dáng đến Giáo hội. Vì thế tham gia đời sống Giáo hội là sống chính của sống của mỗi người chúng ta.

Một người bị bại liệt không phải là vấn đề của riêng họ, nhưng là chuyện của mỗi người trong Giáo hội. Do đó việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt là việc Ngài đang tham gia vào đời sống Giáo hội lúc bấy giờ.

Ngược lại, người bại liệt vì những bất toàn của mình nên không thể tham gia vào đời sống Giáo hội cách trọn vẹn.

Những người khiêng người bất toại cũng là những người đang tham gia vào đời sống Giáo hội bằng việc giúp người khác tìm đến với Chúa Giêsu, và nhờ đó cộng đoàn của họ ngày tốt đẹp hơn.

Riêng những người ngăn cản, không muốn người ta tìm đến với Chúa Giêsu dù họ là những người lãnh đạo trong Giáo hội lại là những người không tham gia dù cho họ đang ở trong Giáo hội.

Nhiều lý do khiến họ không tham gia, nhưng quan trọng nhất vẫn là họ muốn mình ở vị trí số 1, vì khi tham gia vào đời sống Giáo hội đòi buộc mọi người phải bình đẳng, chức vụ là để phục vụ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn để nhìn nhận mình còn những bất toàn và chấp nhận để anh chị em giúp con tốt hơn, hầu con có thể tham gia cách trọn vẹn vào đời sống Giáo hội.

THỨ BẢY TUẦN I TN

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

SUY NIỆM:

Một hình ảnh đẹp cho tiến trình hiệp hành của Hội thánh lúc bấy giờ.

Trước hết là việc Chúa Giêsu luôn đi bước trước, nên Ngài nhìn thấy ông Lêvi và biết rõ hoàn cảnh của ông. Ngài không muốn bỏ rơi một ai trong chương trình cứu độ của Ngài.

Đồng thời Lêvi cũng là người đã biết Chúa Giêsu một cách nào đó, dù đôi khi chỉ là âm thầm vì hoàn cảnh của ông. Họ biết nhau để gặp nhau. Đó là kết quả của sự hiệp thông.

Khi đã gặp nhau, Chúa Giêsu đã sẵn sàng đến nhà ông và còn dùng bữa với ông. Còn Lêvi chẳng những đón Chúa, mà còn mời gọi những người bạn vốn “tội lỗi” của ông đến với Chúa. Đó là sự tham gia vào đời sống của nhau, vì từ đây họ chỉ là một.

Và sau đó, ở một đoạn Tin mừng song song, chúng ta được biết Lêvi đã đền bù thiệt hại cho người khác, đã bố thí cho người nghèo và từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu… Đó là việc sống sứ vụ cụ thể của Lêvi.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, trong tiến trình hiệp hành, chúng con phải Hiệp thông, Tham gia và sống Sứ vụ. Xin cho con biết bắt chước Lêvi để Chúa có thể đến với con hầu thực hiện tiến trình Hiệp Hành nơi chính bản thân con.

bài viết mới