Monday, December 9, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Tuần 30 | Mùa Thường niên năm C

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 18,9-14

A. Hạt giống…

Hai người lên Đền thờ cầu nguyện là hai hình ảnh minh họa cho câu nói trên của Hôsê :

 Người Biệt phái : anh có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng thiếu tình yêu. Thứ nhất là anh không yêu người khác (“tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”) ; thứ hai là anh cũng không yêu Chúa : anh giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết anh là người đàng hoàng và do đó Chúa phải yêu thương anh, ban thưởng anh.

– Người thu thuế : anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màn của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa (“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”).

B. … nảy mầm.

Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta :

1. Lời của một bản thánh ca : con chẳng có gì dâng lên Chúa hôm nay…

2. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa. Ngài hỏi thánh nhân :  

– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?  

– Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.  

– Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ?  

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể. 

– Con còn điều gì khác nữa không ? 

– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo :  

– Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa. 

– Ôi lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?  

– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.  

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”).

3. Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”. 

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”. 

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích “Món quà giáng sinh”). 

4. “Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng : Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. (Lc 18,11)

Chẳng phải có những lúc tôi đã gân cổ tranh cãi với người khác : “Tôi đúng, anh sai” sao ?

Chẳng phải có những lúc tôi bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa sao ?

Chẳng phải có những lúc tôi hài lòng khi thấy mình hơn người nào đó về nhiều mặt sao ?

Như vậy tôi chính là người Pharisêu đứng thẳng người trong Đền thờ và khoe với Chúa công trạng của mình.

Chúa không cần những cái đấm ngực thình thịch “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Chúa chẳng cần công trạng nhưng cần tấm lòng khiêm cung của tôi.

Xin cho con biết khiêm cung để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, để hiểu và cảm thông với anh em, và để có thể cất lời ngợi khen Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh. (Epphata)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here