LỄ THÁNH GIA
Mt 2,13-15.19-23
A. Hạt giống…
Bài Tin Mừng thuật chuyện Thánh Gia gặp khó khăn nguy hiểm : Vì sợ ngai vàng mình bị đe dọa, nên vua Hêrôđê đã ra lệnh giết các hài nhi ở vùng Bêlem từ hai tuổi trở xuống. Bởi đó, Thánh Giuse phải đem gia đình trốn sang Ai cập tị nạn cho đến khi Hêrôđê băng hà thì mới trở về quê hương Nagiarét.
B. … nảy mầm.
1. Thánh Gia dù là một gia đình thánh thiện và tràn đầy ơn Chúa nhưng cũng không tránh khỏi những lúc khó khăn gian khổ. Vì thế chúng ta đừng ngạc nhiên khi gia đình mình gặp cảnh khó khăn, và cũng đừng ngã lòng vì cho rằng Chúa không thương gia đình mình.
Điều mà các gia đình nên học nơi thánh gia Nagiarét là cách giải quyết những khó khăn đó theo sự hướng dẫn của Chúa, cũng như thánh Giuse luôn làm theo lời Chúa dạy qua miệng thiên thần.
2. Một thanh niên Scốtlen tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi :
– Có phải công việc quá cực nhọc không ?
– Không, công việc rất nhàn.
– Có phải lương quá ít không ?
– Không, lương khá lắm.
– Hay anh không thích đồ ăn ở đó ?
– Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.
– Vậy tại sao anh thôi việc ?
– Vì nhà đó không có mái che.
Đối với người Scốtlen, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện. (Tonne).
3. Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Tin Mừng. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia sẻ : Ở xứ tôi, khi muốn loan Tin Mừng cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng. (Barclay)
4. Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm cặp.
Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói : “Con trẻ ngày càng khôn lớn”. (Góp nhặt).
5. Trong khi người Ấn độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người Do thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu ? Nhờ người cha Do thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình Do thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.