Friday, April 26, 2024
spot_img

[Bài viết] Làm sao để tra cứu một câu Kinh Thánh?

Các Kitô hữu thường trích dẫn những câu Kinh Thánh trong nhiều trường hợp khác nhau, ví dụ như trong một bài giảng, trong một bài viết hay trong một status được đăng trên mạng xã hội… Sẽ có lúc bạn cần tra cứu lại những phần trích dẫn đó, vậy bạn sẽ phải làm cách nào? Bài viết này sẽ giúp bạn điều đó.

I. Phân tích
Trước khi bắt đầu tra cứu một trích dẫn Kinh Thánh, chúng ta cần tìm hiểu về cách trình bày của nó. Mỗi trích dẫn Kinh Thánh được xác định như sau:

<Sách> <chương>, <câu> – <câu>.
Ví dụ: St 2,3-5.

Đầu tiên là tên của cuốn sách. Nó thường được viết tắt. Trong ví dụ ở trên, St là viết tắt của Sáng thế.

Sau tên sách chúng ta có số chương. Trong ví dụ trên là chương 2; theo sau nó là dấu phẩy (,).

Con số đứng sau dấy phẩy xác định câu hoặc các câu được trích dẫn. Trong ví dụ trên là từ câu 3 đến câu 5.

Tóm lại, mỗi trích dẫn Kinh Thánh sẽ có 3 phần: Tên sách, số chương và số câu. Cần xác định chính xác điều này để có thể tra cứu một cách dễ dàng một câu hoặc một đoạn Kinh Thánh nào đó.

II. Tra cứu
Sau khi phân tích và xác định được tên sách, chương và câu, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu các bước tra cứu:

Bước 1: Tìm sách
Tên sách thường được viết tắt. Nếu bạn còn phân vân hoặc không nhớ tên sách, bạn có thể tra cứu nó ngay ở đầu hoặc cuối quyển Kinh Thánh.

Bước 2: Tìm chương
Sau khi tìm được tên sách, bạn cần tìm số chương. Cách đơn giản nhất là bạn cứ mở từng trang sách hoặc vài trang sách một lần cho đến khi thấy số chương cần tìm.

Bước 3: Tìm câu
Số câu rất dễ tìm. Bạn sẽ bắt đầu từ câu số 1 ngay ở đầu chương và sau đó định vị được câu hoặc những câu bạn cần tìm.

Ví dụ: Tìm Mt 4,1-3 – Tin mừng Mát-thêu, đoạn 4, từ câu 1 đến câu 3

Một trang Tin mừng Mát-thêu minh họa

III. Tên sách
Mỗi bản dịch Kinh Thánh có một kiểu đặt tên sách và lối viết tắt hơi khác nhau một chút. Nói chung, trừ một vài tên sách đặc biệt như: sách Sáng thế (St) còn có tên khác là Sáng thế ký hay Khởi nguyên (Kn); sách Giôsuê (Gs) còn gọi là Yôsua (Yôs); sách Sử biên niên (Sb) còn gọi là Ký sự (Ks); Nơkhemia (Nk) còn gọi là Nêhêmia (Nê); sách Châm ngôn (Cn) còn gọi là Cách ngôn (Cn) và còn một vài sách nữa có nhiều hơn một tên, với các sách còn lại, nhìn vào ký hiệu để chúng ta tìm ra tên sách thực sự không khó. Cách đơn giản nhất là mở ngay những trang đầu của sách Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy bảng ký hiệu các sách Kinh Thánh ngay.

Tâm Minh

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here