SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM B
CHÚA NHẬT
LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu là nền tảng và gương mẫu của sự tham gia khi Ngài đến với nhân loại, đến với con người, đến với từng mảnh đời cụ thể, nhất là những người bệnh tật, nghèo khó và bị quỷ ám.
Sự tham gia của Ngài bằng việc đụng chạm cụ thể đến từng hoàn cảnh chứ không phải là lý thuyết suông, và sự đụng chạm đó là để chữa lành chứ không phải để thêm tổn thương.
Tuy nhiên sự tham gia của Chúa Giêsu luôn luôn được tiếp thêm động lực nhờ việc cầu nguyện với Chúa Cha. Vì vậy Ngài luôn ưu tiên cho việc cầu nguyện, dù công việc có bộn bề, dù dân chúng có lôi kéo…
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn có thứ tự ưu tiên trong đời sống là: CẦU NGUYỆN và PHỤC VỤ để có thể bắt chước Chúa Giêsu tham gia vào đời sống Giáo hội.
THỨ HAI
LỜI CHÚA: Mc 6, 53-56
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.
SUY NIỆM:
Một cảnh tượng bát nháo? Một nguy cơ mất an ninh trật tự? Một tình huống “cuồng lãnh tụ”?
Thưa không, tất cả đều là sự thật về ơn cứu độ cho con người. Chúa Giêsu đã đến, và Ngài trở thành nguyên nhân khuấy động tâm hồn, khuấy động cuộc đời của nhân loại.
Đó là một sự khuấy động cần thiết để người ta được giải thoát khỏi những gì là cũ kỹ, nô lệ, tội lỗi. Tìm đến với Chúa Giêsu để được hạnh phúc đích thực.
Nhân loại đang bị đè nặng bởi những đam mê, những lo toang, tính toán để thống trị, để hưởng thụ. Càng quy hướng về mình, thì họ càng bị đè nặng.
Tìm đến với Chúa Giêsu để học nơi Ngài một sự cho đi, để tìm nơi Ngài nguồn ơn sức mạnh để nhẹ nhàng không phải vương vấn.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm về bên Chúa để con được bình an, vì con bị xáo động bởi nhiều thứ trong cuộc đời hôm nay.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Mc 7, 1-13
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.
SUY NIỆM:
Mục đích của việc tham gia đời sống nhân loại của Chúa Giêsu là để mang lại hạnh phúc cho con người. Hạnh phúc đó xuất phát bởi tình yêu của Thiên Chúa Cha được thể hiện qua Đức Giêsu. Vì vậy mọi hành động của Chúa Giêsu đều là Tình Yêu.
Những người biệt phái và luật sĩ cũng tham gia đời sống của Giáo hội thời bấy giờ, với tư cách là những người lãnh đạo, nhưng hình như họ không mang lại hạnh phúc cho người khác vì nơi họ không phát xuất tình yêu.
Tham gia mà còn dò xét để lên án, kết tội người khác, thì sự tham gia đó chỉ gây nên đau khổ cho nhau. Do đó người môn đệ của Chúa Giêsu phải tránh mọi hình thức dò xét, kết án trong tiến trình Hiệp hành, Tham gia.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết chiêm ngắm Chúa để thấm nhuần tư tưởng và đường lối của Ngài, để con chỉ biết sống dựa trên nền tảng yêu thương.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Mc 7,14-23
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”.
Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.
SUY NIỆM:
Đừng nhìn bề ngoài con người mà xét đoán, vì nó không thể hiện bản chất thật của con người.
Chính Chúa Giêsu cũng bị người ta hiểu lầm về những gì là dáng vẻ và hành động bên ngoài, còn bản thất thực sự của Chúa Giêsu thì họ không biết đến hoặc biết chưa đủ.
Cái mà Chúa Giêsu gọi là “bên trong” của mỗi con người chính là điều riêng tư mà chỉ họ và Thiên Chúa biết. Do đó, không thể kết án một người tội lỗi hay biểu dương một người đạo đức do những gì họ làm bên ngoài.
Giả dụ họ thực sự làm những điều tội lỗi, nhưng có chỉ Chúa mới biết được khuynh hướng và những điều ảnh hưởng đến hành động tội lỗi của họ.
Cũng chưa chắc hành động tốt của một con người lại xuất phát bởi ý tưởng tốt, biết đâu họ đang che dấu một sự thật nào đó…
Vì vậy, hãy nhìn một con người bằng cái nhìn yêu thương của Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày vì có thể con đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hoàn cảnh, bởi môi trường, bởi những gương xấu, khiến con bị ngập chìm trong cái xấu. Cố gắng vươn lên Chúa là Đấng Thánh.
THỨ NĂM
LỜI CHÚA: Mc 7, 24-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.
SUY NIỆM:
Một người đàn bà ngoại giáo đến phục lạy dưới chân Chúa Giêsu, đó là hình ảnh chúng ta cần suy niệm
Trước hết người phụ nữ trong xã hội Do Thái ít được quan tâm, họ bị xem thường trong cuộc sống hằng ngày.
Hơn nữa, người đàn bà này lại là người ngoại giáo, bà không biết Thiên Chúa và có thể bà tôn thờ những vị thần minh khác mà đạo Do Thái gọi là ngẫu tượng.
Điều lạ lùng là bà đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là từ nay bà tin Chúa Giêsu trỗi vượt hơn các vị thần bà tôn thờ từ trước đến giờ.
Điều này cũng giúp chúng ta nhận biết Chúa không chỉ ban ơn cho những người có đạo, mà cả những người lương dân, miễn là làm sao họ tin vào Ngài.
Nhưng sâu xa nhất chúng ta nên nhìn đến động lực để bà tìm đến với Chúa Giêsu. Chắc chắn là vì đứa con gái của bà đang cần người cứu chữa, nghĩa là tình thương của người mẹ đã thôi thúc bà tìm đến với Chúa Giêsu.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con có được tình yêu thương trong cuộc đời, để trở thành động lực cho con dám sống và dám làm mọi sự vì đức ái.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
SUY NIỆM:
Quyền năng của Chúa Giêsu là chuyện hiển nhiên với những kẻ tin vào Ngài, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, với người dân vùng thập tỉnh, là những người ngoại giáo, họ cần thấy quyền năng đó một cách cụ thể, vì đối với họ, chưa bao giờ họ thấy quyền năng nơi một người phàm.
Qua những việc làm của con người Giêsu, họ nhân ra Chúa Giêsu vì con người không thể làm được những điều như thế.
Rõ ràng, việc mở tai cho người điếc, nhất là người lương dân, để họ có thể nghe được tiếng nói của Thần Linh qua Chúa Giêsu. Mở mắt cho người mù, để họ có thể nhìn thấy những việc lạ lùng của Chúa mà suy tôn Thiên Chúa chủ tể cuộc đời họ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin mở tai con, để con nghe lời Chúa. Xin mở mắt con, để con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong anh em và trong mọi biến cố của cuộc đời.
THỨ BẢY
LỜI CHÚA: Mc 8,1-10
Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”.
Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”. Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ.
Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.
SUY NIỆM:
Sâu xa của việc theo Chúa Giêsu không phải là được ăn uống no nê, nhưng là được Ngài “thương” như chính Ngài đã chia sẻ với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ta thương đám đông”.
Một khi đã thương thì Chúa sẵn sàng làm mọi sự “để chiên được sống và sống dồi dào”. Dĩ nhiên sự sống đó không phải là sự sống đời này, vì nó đã bị ảnh hưởng của tội nguyên tổ, nên chắc chắn phải mất đi.
Đổi lại, Chúa cho những kẻ theo Ngài sự sống đời đời sau cái chết đời này. Chúa thương nên Chúa đã phục hồi sự sống cho ta.
Vì vậy, tin tưởng và bước đi theo Chúa mỗi ngày, bất chấp đường xa, vất vả, mệt nhọc. Theo Chúa để được Chúa thương.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Chúa đã phép lạ để nuôi dưỡng đám đông đi theo Chúa. Xin Chúa cho con cũng biết theo Ngài để được Ngài nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.