SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA NHẬT
LỜI CHÚA: Mt 21, 33-43
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.
Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: ‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!’ Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.
SUY NIỆM:
Được ông chủ cho thuê vườn nho là một hạnh phúc, vì nhờ vườn nho này mà họ sẽ được làm việc để bảo đảm cho cuộc sống của mình.
Tuy nhiên những người tá điền đã không biết ơn mà còn muốn chiếm đoạt luôn vườn nho của ông chủ. Hành động gian ác của họ xuất phát từ việc không ý thức mình là ai; giống như Adam và Eva trong vườn địa đàng thuở xưa; và cũng như Luciphe đã không ý thức mình là ai, để muốn cho mình những gì là của Thiên Chúa.
Khi ý thức mình là ai, người ta sẽ rất bình an và lo sống tốt với những gì mình đang có, vì họ biết như vậy là họ đang “nộp hoa lợi” cho ông chủ.
Khi người ta bất an, còn so đo, hơn thua nhau… là khi người ta không muốn “nộp hoa lợi” cho ông chủ. Họ thích sống theo ý mình, họ muốn quản lý vườn nho cuộc đời theo ý họ.
Khi cao ngạo muốn chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, người ta sẽ trở nên gian ác vì họ không đủ khả năng quản lý. Khi khiêm tốn biết quý trọng những gì Chúa ban, người ta sẽ lo sinh lợi cho Thiên Chúa từ những gì Ngài ban.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết mình là ai để có thể sống tốt hơn cuộc sống của mình. Xin cho con biết mình là thụ tạo của Chúa để lo thờ phượng Chúa cho tốt. Xin cho con biết mình là anh chị em với mọi người để lo sống yêu thương nhau.
THỨ HAI
TIN MỪNG: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”
Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông’.
“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
SUY NIỆM:
Đức Giêsu đã cho người thông luật biết điều cốt yếu của Tin mừng là sống tình yêu thương một cách cụ thể giống người Samari dù anh ta không có đạo, chứ đừng nệ vào luật lệ như ông tư tế và trợ tế là những người lãnh đạo tôn giáo.
Sống đạo là sống theo Tin mừng của Đức Giêsu, vì Người “là đường, là sự thật và là sự sống”. Tin mừng đó chính là tình yêu muốn cứu độ nhân loại. Tin mừng đó được thể hiện cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô “là họa ảnh của lòng thương xót”. Tin mừng đó được diễn tả trong chính cuộc đời của người môn đệ Đức Giêsu.
“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” cũng phải là tâm nguyện từng giây từng phút trong suốt cuộc đời chúng ta. Và câu trả lời đã được chính Đức Giêsu nói lên trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót”. Khi biết xót thương, chúng ta đang tìm sự sống đời đời và làm cho đời thêm tươi đẹp.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được sứ điệp chính yếu trong Tin mừng của Đức Giêsu là con được Chúa yêu thương. Từ đó mời gọi con hãy trở nên giống Đức Giêsu trong tình yêu thương cụ thể, biết hạ mình xuống để đến với mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Xin đừng để bất cứ điều gì cản trở bước đường yêu thương của con. Amen.
THỨ BA
TIN MỪNG: Lc 10, 38-42
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.
Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
SUY NIỆM:
Phác họa vài hình ảnh những người bạn của Đức Giêsu:
- Đón tiếp Ngài: Khi đến nhà ai, lẽ thường tình ta xem họ là người thân, hoặc trước lạ sau quen. Đức Giêsu đến ngôi nhà ở Bêtania rất nhiều lần và xem đây như nhà của mình. Chính vì vậy 3 chị em Matta, Maria, Lazarô xem Ngài như người nhà của họ. Mỗi khi Ngài đến họ rất vui mừng, mỗi khi Ngài đi họ nhớ, và mong ngày Ngài trở lại. Cho nên thái độ đầu tiên của những người bạn thân là mong được đón tiếp nhau.
- Phục vụ: Mỗi người một cách thức khác nhau, Matta phục vụ bằng những lo lắng bên ngoài như chuyện ăn uống, nghỉ ngơi cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, vì tính cách của bà là một người hoạt động ; Maria phục vụ bằng việc ngồi tâm sự với Chúa vì tính cách của cô là một người sống nội tâm ; còn Lazarô chắc chắn cũng có cách thức phục vụ của anh, thân thiết đến mức khi hay tin anh chết, Chúa Giêsu phải rơi lệ. Nói chung, mỗi người một tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều là phục vụ Chúa Giêsu.
Như vậy những người bạn của Chúa Giêsu là những người có liên hệ và sống mối thân tình với Ngài; sẵn sàng dùng hết khả năng và sức lực để phục vụ Ngài.
Thực sự Đức Giêsu không cần được phục vụ, vì Ngài là đến là “để phục vụ”, nhưng phục vụ Đức Giêsu ở đây là chia sẻ sứ mạng với Ngài, được làm việc với Ngài cho Nước Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa cho con được biết Đức Giêsu. Con xin Chúa cho con được yêu mến những lời Ngài giảng dạy. Con tha thiết được dành mọi ưu tiên trong cuộc đời cho đối tượng duy nhất của lòng con. Con xin Chúa bảo vệ con, đừng để những xáo trộn bên ngoài làm con xa cách Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài! Amen.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Lc 11, 1-4
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
” ‘Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’ “.
SUY NIỆM:
Tất cả môn đệ Đức Giêsu đều được mời gọi nhằm làm cho “Danh Cha cả sáng”. Chính vì thế nhiệt thành trong công việc truyền giáo là rất tốt, nhưng phải làm sao để người ta nhận ra “Danh Cha” trong từng lời nói, việc làm của mình kẻo như chính lời của thánh Phaolô đã nói: “E rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng”
Lời kinh Lạy Cha vang lên hằng ngày từ giờ kinh sáng, Thánh lễ, kinh chiều và những việc đạo đức khác… nhắc nhở người môn đệ của Chúa Giêsu phải biết làm cho “Danh Cha cả sáng” để họ luôn ý thức trong từng lời ăn tiếng nói và công việc mình làm sao cho đúng tư cách là những Kitô hữu, những người thuộc “Nước Chúa”, mà “Nước Chúa” phải thật đẹp, thật hấp dẫn.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, hạnh phúc đích thực của con là được sống trong “Nhà Chúa”. Xin cho con thể hiện hạnh phúc đó qua chính cách sống yêu thương, phục vụ của mình, để qua đó sẽ làm cho “Danh Cha cả sang, Nước Cha trị đến”. Amen
THỨ NĂM
PHÚC ÂM: Lc 11, 5-13
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
SUY NIỆM:
Mục đích của dụ ngôn này là muốn nói lên kết quả của sự kiên trì, nhẫn nại cầu nguyện. Cứ van xin, một người không có tình cảm cũng sẽ cho vì sự quấy rầy của mình; huống hồ chi Thiên Chúa.
Đức tin xác quyết Thiên Chúa là người Cha nhân từ, yêu thương, nên chắc chắn Ngài không bỏ rơi những con cái liên lỉ cầu xin với Ngài.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nói: “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”. Nghĩa là chúng ta phải biết cách thức xin.
Xin không phải theo nhu cầu chúng ta, nhưng xin điều đẹp lòng Chúa, vì Chúa biết mọi sự trước khi chúng ta xin. Xin là để bày tỏ tâm tình khiêm tốn của chúng ta muốn tín thác vào Ngài; cho thấy sự bất lực của con người để chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, “Xin cho con luôn nhận thấy được rằng, tình Ngài thương hơn trời cao đất sâu. Đã từ lâu Chúa hằng ủ ấp con, đã từ lâu Ngài chở che giữ gìn”… Để con luôn tín thác vào Ngài mà thôi.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Lc 11, 15-26
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
“Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: ‘Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi’. Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước”.
SUY NIỆM:
Bằng những lời quyền năng, Đức Giêsu cho “mấy người trong dân chúng” phải tâm phục khẩu phục bởi quyền năng có thể xua trừ ma quỷ của Ngài. Và xác quyết một điều chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự sự dữ.
Kế đến Đức Giêsu cho biết chia rẽ là sống trong thế lực của ma quỷ, vì chính nó đã chia rẽ với Thiên Chúa cũng như không muốn con người được hiệp thông với Ngài: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau”
Sau cùng Đức Giêsu nhắc ta phải cảnh giác luôn luôn, đừng nghĩ rằng mình đã “an toàn” khi sạch tội, khi có sự hăng say nhiệt thành và quyết liệt với tội lỗi… vì chính khi mất cảnh giác ma quỷ sẽ len lõi trở lại nơi mảnh đất màu mỡ của tâm hồn ta và dễ dàng gieo những hạt giống độc hại vào đấy.
Điều quan trọng trong đời sống đức tin là hãy luôn hiệp nhất với nhau với chống lại ma quỷ, chống lại sự dữ, vì nếu một mình ta dù có mạnh đến đâu cũng không thắng nỗi thế lực của ma quỷ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, ma quỷ rất tinh vi, lợi hại để gieo vào lòng con những điều con nghĩ là tốt. Ví dụ đứng trước việc lành của người khác con cũng bị cám dỗ nghĩ rằng họ làm như vậy cũng có mục đích nào đó… Thế cho nên xin Chúa cho con một cái nhìn đầy “quyền năng” để nhận ra mọi sự tốt đẹp đều bởi Chúa, và đủ cảnh tỉnh trước những cám dỗ xấu xa của ma quỷ. Amen.
THỨ BẢY
PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28
Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.
SUY NIỆM:
Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang giảng, dân chúng thán phục Ngài và tận thâm tâm họ mến mộ Ngài. Vì vậy câu nói: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” là để tỏ lòng thán phục theo tình cảm tự nhiên của con người.
Nhưng Đức Giêsu đã hướng họ đến cái nhìn siêu nhiên: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Ngài mời gọi họ đừng nhìn Ngài bằng tình cảm, nhưng hãy lắng nghe lời giảng dạy của Ngài vì đó là lời của Chúa; và quan trọng hơn cả là biết thực hành những lời đó.
Chúng ta được hấp dẫn bởi linh mục này giảng hấp dẫn, cha xứ kia khéo nói, cha sở nọ làm việc từ thiện giỏi, cha “người ta” như tài tử… Tất cả đó là cái nhìn tự nhiên của con người không có gì là xấu, cái nhìn thán phục thực sự.
Nhưng Chúa muốn người Kitô hữu qua tất cả những điều tốt đẹp đó có còn nhận ra được điều gì Chúa muốn gửi đến chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghe được những lời êm dịu, những cái nhìn “đã con mắt”…
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết vượt qua những tình cảm tự nhiên của con người để khám phá ra những chân lý sâu xa trong từng lời nói, việc làm và những sự kiện đang diễn ra xung quanh con. Amen.