Saturday, November 23, 2024
spot_img

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Lc 8,11b-17

A. Hạt giống…

1. Đức Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống :

– Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí của người gieo giống : gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng nảy mầm rất ít.

– Cũng hãy để ý đến những loại đất xấu : a/ Đất vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay ; b/ Đất sỏi đá là người không kiên trì trong gian nan thử thách ; c/ đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

– Đất tốt là “những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

2. Sau khi giải thích dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu khuyến dụ : Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác : Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.

– “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” : Những chữ “gì” này nói đến các mầu nhiệm Nước Chúa ấy. Trong thời kỳ của Chúa Giêsu thì chúng còn được che giấu, còn là bí ẩn. Nhưng đến thời các tông đồ và thời của Giáo Hội, chúng phải được loan truyền, tỏa lan rực rỡ như ánh sáng của ngọn đèn đặt trên nơi cao.

B. … nảy mầm.

1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này : không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô : “Tôi trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.

2. Hãy suy gẫm kỹ những điều kiện làm cho hạt giống nảy mầm :

– “Nghe Lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo” : lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.

– “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn” : không bỏ cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách ; không để mình bị phân tâm vì những lo toan và đam mê việc đời.

3. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc : bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải chỉ trong Thánh lễ, mà còn lúc nguyện gẫm, lúc đọc Thánh Kinh…

4. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Góp nhặt) 

5. Lời Chúa là chiếc đèn soi sáng cho tôi và cho mọi người. Mỗi ngày ngọn đèn Lời Chúa được thắp sáng trong Thánh lễ và lúc nguyện gẫm. Để đèn trên giá cao là tôi sống Lời Chúa và nói Lời Chúa cho nhiều người khác được nghe. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa.

6. Thực tế của các Kitô hữu Việt Nam là đọc kinh, dự lễ nhiều nhưng chưa có thói quen học hỏi và sống Lời Chúa.

7. Thánh Giacôbê đã viết : “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hằng ngày phải chăng không là đức tin chết ? (“Mỗi ngày một tin vui”) 

8. “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. (Lc 8,17)

Với ước mong “làm được cái gì đó” cho những người dân quê, chúng ta lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè ở biên giới Tây Ninh. Lòng nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ khiến chúng tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những giới hạn của mình. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật lớn lao cho họ nhưng đành bất lực.

Xin cảm tạ Cha vì Ngài đã cho con biết rằng : không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Chúa, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con : kể một câu chuyện, tập hát cho lũ trẻ, nghe và chia sẻ cùng thanh niên, đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Cha cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người. (Hosanna)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here