Friday, September 20, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XX Thường niên | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 6, 51-59

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

SUY NIỆM

Liên tiếp 4 Chúa Nhật từ 17 – 20 Thường niên năm B, bài đọc Tin mừng đổi từ tác giả Maccô sang Gioan để nói về “Bánh Trường Sinh”. Điều đó cho chúng ta thấy xác quyết của Chúa Giêsu muốn khẳng định về thứ lương thực thần linh là chính thịt và máu Ngài mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại.

Điều quan trọng là con người ý thức thế nào về sự sống thần linh của mình để họ biết tìm thứ lương thực cho sự sống ấy.

Có những người không tin có sự sống thần linh, mà chỉ có sự sống tự nhiên, miễn bàn!

Có những người miễn cưỡng dù không muốn tin nhưng vì lý do nào đó (để lập gia đình, hay vì mục đích cá nhân nào đó) cũng nói mình tin để đón nhận lương thực thần linh một cách bất xứng. Đây là sự báng bổ và đáng lên án.

Có những người tin có sự sống thần linh nhưng họ chưa nuôi dưỡng nó bằng lương thực Thần Linh vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do cơ bản nhất là vì họ chưa đủ sức mạnh để lướt thắng những cám dỗ của ma quỷ về thứ lương thực tự nhiên.

Có những người tin và đón nhận nhưng chưa đủ sức sống cho chính mình nên chưa có khả năng lan tỏa sức sống của Chúa.

Có những người tin và xác quyết vào sức mạnh của Bí tích Thánh Thể, nên họ có một đời đức tin sống sung mãn, từ đó họ được hạnh phúc.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con xác quyết lại niềm tin của mình, để con tìm đến lương thực thần linh một cách xứng đáng và thường xuyên hơn.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mt 19, 16-22

Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Điều răn nào? ” Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? ” Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”  Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

SUY NIỆM:

“Chỉ có Chúa là Đấng Thánh!” Đúng thế, Ngôi Lời Thiên Chúa đã xác nhận điều đó: “Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi”. Tuy nhiên con người chúng ta được mời gọi nên thánh, nghĩa là tiến gần đến sự thánh thiện của Thiên Chúa ngày một hơn để được vẻ thánh thiện của Ngài bao phủ. Chính vì thế, thước đo của sự thánh thiện là thuộc về Thiên Chúa bao nhiêu.

Ngoài việc tuân giữ những giới luật của Thiên Chúa, sự thánh thiện hệ tại ở việc dám từ bỏ tất cả để dấn thân cho Chúa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

“Bán tài sản cho người nghèo” là lời mời gọi ra khỏi chính mình để quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của tha nhân. Chính vì thế không lạ gì khi thánh Phaolô đã nói: “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7), vì hành động cho đi, dâng hiến là hành động của Đức Giêsu, Đấng tự hiến bản thân mình cho Thiên Chúa và nhân loại. Khi dâng hiến, khi cho đi ta trở nên thánh thiện là vì ta nên giống Đức Giêsu.

CẦU NGUYÊN:

Lạy Chúa, trong thời buổi con người bị cám dỗ hưởng thụ, sống cho riêng mình, Lời Chúa vang lên mời gọi chúng con hãy biết hy sinh, cho đi để sống cho người khác. Khi trao hiến chính bản thân mình là lúc con trở nên giống Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 19, 23-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

SUY NIỆM:

Đức Giêsu nói lên sự thật: chỉ có Chúa là điểm tựa duy nhất của đời ta. Khi người ta thay đổi điểm tựa đó, mọi thứ sẽ trục trặc. Người giàu có cậy vào tiền bạc nên bản thân họ “phình to” ra không thể đi vào thiên đàng. Ngược lại con lạc đà dù có to lớn, nhưng nó “bước cứ bước, đi cứ đi”, mặc kệ vì nó không suy nghĩ gì khác ngoài việc làm sao “đi về phía bên kia”. Hành động chui qua lỗ kim cách dễ dàng không phải là hành động của con lạc đà, nhưng là hành động của Thiên Chúa, vì “đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”

Khi con người cậy dựa vào tiền bạc, của cải vật chất thì họ không thể nào bước vào “vùng đất dành cho kẻ sống”, vì của cải vật chất chỉ là những phương tiện ở đời này, khi nào con người chịu buông bỏ thì họ mới có thể bước vào sự sống vĩnh cửu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, người môn đệ của Đức Giêsu  không được bám víu vào bất cứ giá trị nào ngoài một sức mạnh của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng tất cả những gì Chúa ban như phương thế giúp chúng con sống tốt cuộc đời này. Và quan trọng nhất xin cho chúng con luôn biết hướng lòng về giá trị đích thực là sự sống đời sau.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

“Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

“Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

SUY NIỆM:

Chúng ta đừng tính chuyện công bằng với Thiên Chúa, vì chẳng những công bằng mà Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đối xử với chúng ta bằng lòng thương xót.

Vì thương xót nên Ngài đã kêu người làm vườn nho vào lúc sáng sớm. Lòng thương xót thôi thúc để ông chủ luôn nghĩ đến những người không có việc làm mà tiếp tục đi tìm kiếm và mời gọi họ vào làm vườn nho vào lúc giờ thứ ba, giờ thứ mười một… Giờ khắc khác nhau nói lên sự liên lỉ của Thiên Chúa luôn mong muốn cho con người được hạnh phúc.

Hạnh phúc đích thực là khi ta được làm vườn nho cho Chúa. Nhưng có những người đã không nghĩ đến hạnh phúc đó, mà lại kiếm tìm hạnh phúc bởi tiền công. Thiên Chúa đối xử với họ bằng tình nghĩa, họ đối xử với Ngài bằng công trạng. Như thế khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người ngày càng xa nếu ta chỉ nghĩ đến những việc mình làm.

Đừng bao giờ kể công với Chúa, vì những gì ta làm được trước hết cũng chính là ân ban của Thiên Chúa. Ta bố thí thật nhiều là do Chúa ban cho ta có điều kiện. Ta đọc kinh, cầu nguyện, đến nhà thờ thường xuyên là do Chúa ban cho ta lòng đạo đức. Ta phục vụ cách miệt mài là do Chúa ban cho ta niềm vui… Vậy thì hãy lo làm tốt những gì trong khả năng của ta, chứ đừng nhắm đến công trạng và đừng phân bì với người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng tìm cách “bốc lột”, bớt xén những ân huệ của Chúa để sống cho riêng mình, mà hãy biết sống quảng đại để phục vụ mọi người từ những gì mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mt 22, 1-14

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!” Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.

SUY NIỆM:

Tiệc cưới của hoàng tử mà nhà vua tổ chức có ảnh hưởng gì đến dân chúng? Thưa vua là người đứng đầu của một nước, niềm vui trong hoàng tộc cũng phải là niềm vui chung cho mọi người. Điều này nói lên sự hiệp thông với ơn cứu độ.

Nhân loại được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi làm dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã trao ban tất cả mọi sự cho con người, nhưng dường như họ đã không đón nhận, ngược lại còn xua đuổi và thậm chí muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ.

Dụ ngôn những người đã được mời lại khước từ đi dự tiệc, và còn có hành động giết chết sứ giả của nhà vua nói lên thực tại đời sống đức tin của chúng ta khi chúng ta muốn loại trừ Thiên Chúa, loại trừ những giá trị linh thánh ra khỏi cuộc đời mình.

Lý do để khách được mời khước từ dự tiệc là “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”, chỗ khác còn thêm lý do : mới cưới vợ. Những lý do này tựu trung ở việc họ đam mê tiền bạc vật chất, dục vọng và những giá trị của trần gian.

Quả thật ngày hôm nay con người đang gánh lấy những hậu quả nặng nề do việc khước từ Thiên Chúa và những giá trị linh thánh. Vì kiếm tìm những giá trị phàm tục mà gây nên biết bao nhiêu hậu quả cho chính mình và ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại.

CẦU NGUYÊN:

Lạy Chúa, xin Chúa sửa đổi ý hướng và hành động của chúng con để chúng con có thể được vào dự tiệc vui muôn đời.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Ðoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

SUY NIỆM

Thời nào cũng vậy, giới luật của Thiên Chúa được tóm gọn lại trong hai điều : mến Chúa và yêu người.

Giới luật này được Đức Giêsu sống trọn vẹn bằng tất cả tình yêu thương. Trước hết đối với Thiên Chúa là Cha. Ngài đã thực hiện ý Cha trọn vẹn “dưới đất cũng như trên trời”. Ngài hành động mọi sự theo chương trình, ý hướng của Cha: “Một theo ý Cha, đừng theo ý con”. Tình yêu mến dành cho Thiên Chúa được thể hiện cụ thể qua việc luôn nghe là làm theo ý Chúa.

Tình yêu thương đó còn được thể hiện cho những con người mà Ngài được sai đến. Ngài rao giảng chân lý, Ngài an ủi, cứu giúp những người đau khổ, Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, Ngài thông cảm, tha thứ cho những người tội lỗi…

Nhân loại chúng ta đang rất cần một niềm tin và một tình yêu thương san sẻ với nhau. Vì không có niềm tin nên một số quốc gia đã hành động theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ gây nên biết bao điều tệ hại ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Vì không có tình yêu thương nên người ta trở nên cảm làm cho thế giới thật buồn tẻ vì đã bị “đóng cửa”

Tin tưởng vào Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, luôn yêu thương và ban ơn cứu độ cho con người, để chúng ta cố gắng sống theo những gì Chúa chỉ dạy, chính lúc đó hạnh phúc sẽ đến với chúng ta và toàn thể nhân loại.

Yêu thương nhau vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa. Tình yêu để luôn sống cần nhau, sống cho nhau và vì nhau.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con tin quyền năng Chúa sẽ biến đổi chúng con nên những con người mới, những con người biết sống yêu thương. Xin cho chúng con biết nghe lời Chúa để yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người khác như chính mình.

THỨ BẢY- 24/8: THÁNH BATÔLÔMEÔ TÔNG ĐỒ

LỜI CHÚA: Ga 1, 45-51

Một hộm, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! “ Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “ Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

SUY NIỆM:

Một lời mời gọi quyết liệt là cảm nghiệm của chính bản thân để không cần phải nói nhiều, cứ “đến mà xem!”

Đó vừa là thách thức, vừa là khơi lên sự tò mò, vừa là câu trả lời hiệu quả nhất : “đến mà xem!”

Từ lời mời gọi cũng chính là kinh nghiệm của Philipphê: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp”, ông Nathanael (Batôlômêô) đã “đến mà xem” và đã gặp Đấng ấy, Đấng làm cho ông có cảm giác “rất lạ” trong buổi đầu gặp gỡ.

Lạ vì Đấng ấy biết rất rõ về mình dù chưa một lần gặp gỡ. Lạ vì nơi Đấng ấy toat ra một sự thân thương, trìu mến…  để rồi Batôlômêô muốn đi theo để được ở bên cạnh Đấng ấy. Và quả thật, ông đã trở thành môn đệ và Tông đồ của Đức Giêsu.

“Điều lạ”, sự hấp dẫn nơi một con người, hơn nữa nơi Đấng Thánh của Đức Giêsu thực sự là rất quen, vì nó xuất phát bởi tình yêu cứu độ, tình yêu luôn hướng đến và muốn người khác được hạnh phúc tròn đầy, viên mãn.

Thế cho nên qua chính cách sống tuy quen nhưng lạ, tuy lạ nhưng rất quen của chúng ta sẽ trở thành lời mời gọi “đến mà xem!” đối với mọi người.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con diễn tả cách trung thực tình yêu mà chúng con đã được lãnh nhận để tiếp tục trở thành lời mời gọi “đến mà xem!” cho mọi người.

bài viết mới