SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN DUNG
LỜI CHÚA: Mt 17, 1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
SUY NIỆM:
Khi gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi. Thực ra biến đổi ở đây không phải giống như một phép màu hoặc ảo thuật, nhưng là tình trạng con người được lột trần, được ánh sáng Thiên Chúa phơi bày cho đến tận cốt cõi; và trong Thiên Chúa, con người ở tình trạng tốt đẹp nhất.
Biến cố biến hình diễn ra sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Tại đỉnh núi Tabor này, Chúa Giêsu được Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con Ta”. Nhớ lại lúc khởi đầu sứ mạng, Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, ở đây Ngài được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Messia, và cũng xác quyết: “Con là Con của Cha”. Nối kết hai biến cố này, chúng ta thấy Đấng Messia là một vị tôi tớ đau khổ, phải đi trên con đường thập giá. Chỉ khi Đức Giêsu chấp nhận đi theo chương trình của Chúa Cha, Ngài mới đươc vinh quang, mới được xác nhận là “Con của Cha”.
Thế nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều tối tăm, mê muội. Biến cố biến hình hôm nay nhắc tôi chưa dành “Một cõi riêng tư” cho Chúa. Tôi cứ bị dòng đời cuốn trôi vào những nghiệt ngã, không bám víu vào ánh sáng lời Chúa nên tôi cứ múa may quay cuồng.
Chỉ khi tôi biết bình tĩnh dừng lại dành “một cõi rất riêng tư” cho Giêsu thì tôi sẽ thấy những suy nghĩ của tôi chưa thoát khỏi những toan tính của kiếp người, những lời nói của tôi còn trần tục nhiều quá, và nhất là những hành động của tôi cũng chỉ dừng lại ở một cái tôi ích kỷ.
Khi thấy được những điều đó là tôi đang được ánh sáng Chúa soi dọi vào tận cốt lõi, được quyền năng Chúa lột trần những xấu xa… Và tôi đang biến hình.
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con biết dành một cõi riêng tư cho Chúa, ở đó Chúa với con, con với Chúa. Một ngày với biết bao những suy nghĩ, lời nói, hành động, chỉ trong ánh sáng riêng tư với Chúa, con mới nhìn thấy được đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Và cũng xin cho con luôn nhớ mình là con Chúa, để biết sống theo những gì Chúa chỉ dạy, chứ đừng dạy Chúa phải làm gì.
THỨ HAI
LỜI CHÚA: Mt 14, 13-21
Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.
Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.
Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.
Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
SUY NIỆM
“Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, đấng giàu lòng thương xót”. Vì vậy mọi hành động của Đức Giêsu đều là thương xót. Hôm nay thấy đám đông theo mình, Ngài cũng “chạnh lòng thương”. Thế mới thấy cái nhìn, cảm xúc của Chúa Giêsu cũng vượt xa cái nhìn và cảm xúc của con người.
Lẽ tự nhiên, khi thấy người ta kéo đến với mình, mình sẽ tự hào vì được nhiều người ủng hộ, thần tượng. Nhưng Chúa Giêsu thì siêu nhiên. Ngài thấy được cái đói, cái khát, nhất là đói khát về phần thiêng liêng của dân chúng, nên thay vì tự hào khi dân chúng kéo đến với mình, thì Ngài lại “chạnh lòng thương” họ.
Nếu con người có chạnh lòng thương, thì cũng chỉ dừng lại trong khả năng của mình chứ không thể làm thêm được nữa. Cho năm ngàn người ăn cùng một lúc thì các môn đệ đành “bó tay”. Thế nhưng với quyền năng của Chúa Giêsu “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Kết quả là “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Thế mới khen Chúa hay!
Phụng vụ lời Chúa hôm nay để tôi kiểm điểm lại bản thân mình. Tôi đã biết quan tâm đến phần hồn phần rỗi của người khác chưa hay chỉ quan tâm để mình được lợi gì khi có nhiều người quen biết?
Tôi cũng xét lại tinh thần cục bộ, óc bè phái trong khi phục vụ. Phục vụ thì không muốn phục vụ, hoặc không chu toàn, nhưng chỉ muốn tìm kiếm thêm cho thật nhiều những liên hệ và quyền lợi cho mình.
Tôi cũng phải biết giới hạn của mình. Dù tôi có làm được thật nhiều việc thì cũng không bao giờ là đủ, là hết, để tôi không buồn phiền với những đòi hỏi của người khác mà mình không đáp ứng được; cũng không tự mãn với những gì mình đã làm cho xã hội, cho Giáo Hội.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết “Chạnh lòng thương” như Chúa, để con làm “Mọi sự vì Đức Ái”.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Mt 14, 22-36
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”
Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.
SUY NIỆM:
Thầy Giêsu không muốn cho các môn đệ của mình sống trong vinh quang ảo, vinh quang xuất phát từ việc được “ăn bánh no nê”, nên sau phép lạ hóa bánh ra nhiều “lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.”
Chính Ngài cũng giữ mình khỏi những vinh quang ảo, nên sau phép lạ đó, Ngài đã “lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình”. Một mình để tâm hồn lắng đọng, để nhận rõ sứ mạng của mình là gì.
Ngay sau khi thấy dấu lạ bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu, Ngài để các môn đệ trãi qua thử thách, khi sóng gió cuộc đời nổi lên. Tuy nhiên, Ngài không để họ chìm trong sợ hãi, mà Ngài đã đến can thiệp, để một lần nữa họ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa.
Đời người Kitô hữu không phải lúc nào cũng gặp những chuyện thuận lợi, dễ chịu, nhưng cũng có lúc họ gặp sóng gió. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là họ có nhận ra Thiên Chúa luôn bên cạnh mình hay không.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm vinh quang ảo, nhưng biết tìm để thực thi ý Chúa trong cuộc đời. Vì dù có như thế nào đi chăng nữa, có Chúa là có tất cả.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Mt 15, 21-28
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.
Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.
Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.
Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
SUY NIỆM
Chúa đã phải “đầu hàng” trước lòng tin mạnh mẽ của người đàn bà xứ Canaan chứ không phải sự kiên trì của bà ta. Nói như vậy không phải Chúa miễn cưỡng làm phép lạ cho con gái bà ta được khỏi bệnh, nhưng đó là một sự vui mừng, một sự bất ngờ vì có người đón nhận ơn cứu độ của Chúa một cách xứng đáng như vậy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào sẽ được như vậy” (Mt15,28).
Nhìn lại mình, chúng ta cũng là “dân ngoại” được Chúa yêu thương ban ơn cứu độ, nhưng đòi hỏi chúng ta phải biết “ra khỏi” bóng đêm tội lỗi, ra khỏi những sự bất chính của con người mới có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người phụ nữ hôm nay đã mạnh dạn ra khỏi ranh giới của mình để đón gặp Chúa, thì chúng ta cũng hãy biết bắt chước bà để “ra khỏi” con người cũ của chúng ta.
Bà là người “ngoại giáo” nhưng rất am hiểu Thánh Kinh, chính nhờ Thánh Kinh mà bà đã biết được chương trình cứu độ của Chúa. Là người “có đạo” chúng ta đã xem Thánh Kinh như kim chỉ nam cho cuộc đời của mình chưa? Thử hỏi một ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho Lời Chúa? Thật xấu hổ vì có những ngày chúng ta không có giây phút nào để tiếp cận với Thánh Kinh, hoặc nếu có chỉ là dịp nghe trong Thánh lễ vậy thôi.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chính lòng tin của người đàn bà xứ Canaan đã cứu con gái của bà. Lòng tin đó được soi sáng nhờ bà biết yêu mến Thánh Kinh. Xin cho con biết năng đọc, học hỏi, lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của mình, để nhờ đó, con biết sống theo thánh ý của Chúa luôn luôn.
THỨ NĂM – 10/08: THÁNH LÔRENXÔ PHÓ TẾ TỬ ĐẠO
LỜI CHÚA: Ga 12, 24-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
SUY NIỆM:
Đọc đoạn Tin Mừng này trong ngày lễ kính thánh Laurensô, Tử đạo cho chúng ta thấy được niềm vui đích thực của kitô hữu.
Vui vì cái chết đời này dù nặng nề, gây nên buồn phiền với người đời, nhưng với Kitô hữu thì rất nhẹ nhàng. Thánh Laurensô vẫn hài hước khi nằm trên giường sắt đỏ lửa. Sau một thời gian bị thiêu, nhưng nhờ ơn Chúa Ngài vẫn vui vẻ và còn nói với lý hình: “Lưng của tôi chín rồi, lật tôi lại để thiêu bụng tôi đi!”. Chắc chắn vì thánh nhân biết được sự sống đời sau, nơi Thiên Chúa cho nảy mầm hạt giống đã chịu mục nát ở đời này: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24 – 26).
Vui vì được phục vụ Giáo hội, phục vụ những con người của Giáo hội, nhất là những người nghèo, để nhờ việc phục vụ đó chúng ta xứng đáng là những môn đệ của Đức Kitô: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 26).
Thánh Laurensô là người phục vụ Giáo Hội, phục vụ người nghèo. Ngài là một phó tế ở kề cận bên Đức Giáo Hoàng Sixtô II. Người ta đã chặt đầu Đức Giáo Hoàng cùng với 4 phó tế khác khi họ đang dâng thánh lễ. Riêng Laurensô bị bắt giam vì ngài nắm giữ tài sản của Giáo Hội. Nguời ta bắt ngài trong vòng 4 ngày phải giao nộp tất cả tài sản. Trong thời gian đó, ngài lấy tiền phân phát cho người nghèo. Đủ kỳ hẹn 4 ngày, ngài đến tòa án cùng với đám đông dân nghèo. Ngài chỉ vào họ và nói: “Đây là tài sản của Giáo Hội, ráng gìn giữ cẩn thận vì chúng tôi không có mặt ở đây để giữ họ nữa”. Qua đó cho chúng ta thấy Laurensô là một con người trung thành phục vụ Giáo hội và hết lòng với người nghèo.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, qua lời bầu cử của thánh Laurensô, xin cho chúng con biết yêu mến Hội thánh và yêu mến những con người của Hội thánh; lòng yêu mến xuất phát từ việc yêu mến Đức Kitô.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.
SUY NIỆM
Sau khi đã quở mắng Phêrô ngăn cản không cho Chúa đi trên con đường thập giá, Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Qua đó cho thấy Chúa đã quyết liệt từ chối con đường Phêrô vạch ra cho Chúa, và khẳng định con đường mà Chúa và những ai muốn làm môn đệ Ngài phải theo là con đường thập giá.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một sứ điêp rõ ràng: Con đường Chúa đi là con đường thập giá. Chúa là Thầy đã đi trên con đường thập giá, thì đương nhiên các môn đệ cũng phải đi trên con đường thập giá. Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, là con đường duy nhất để theo Chúa. Vì vậy chúng ta phải chọn đi trên con đường duy nhất này.
Thập giá ở đây Chúa nói rõ ràng: “thập giá mình mỗi ngày” chứ không phải thập giá người khác và một lần cho cả đời. Vì vậy, từng ngày sống của chúng ta phải là từng giây phút vác thập giá theo Chúa.
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con xin hát lên bài ca “Từng Ngày Theo Chúa” của Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên như một lời cầu nguyện: “Từng ngày qua đời con vui dấn thân, trong tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi, sống cho Ngài vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con. Có nhiều phen sức con đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả, để chẳng có gì còn lại ở trong con”.
THỨ BẢY
LỜI CHÚA: Mt 17, 14-19
Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.
SUY NIỆM:
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này diễn ra khi Chúa Giêsu dắt ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi để cho các ông thấy dung nhan của Chúa. Trong khi đó, dưới chân núi, các môn đệ còn lại cũng bày đặt trổ tài trừ quỷ, nhưng khổ nổi quỷ không nghe lời các ông.
Lý do căn bản được Chúa Giêsu tiết lộ: “Vì các con yếu lòng tin”. Ghê chưa! Đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa, nhân danh Chúa trừ quỷ mà lại không có lòng tin.
Như vậy có thể các môn đệ trừ quỷ chỉ để làm sáng danh mình. Các ông quên cậy dựa vào quyền năng của Chúa, mà trừ quỷ như thể đó là đặc quyền của những ai được làm môn đệ Chúa.
Thưa không, dù là ai đi chăng nữa, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đức tin. Vì chỉ khi tin vào Chúa chúng ta mới có thể tiến bước và tiến bước vững vàng.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con lo củng cố niềm tin vào Chúa chứ đừng lo phô diễn đức tin của mình.