Monday, September 16, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần X Thường niên | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN X THƯỜNG NIÊN – B

CHÚA NHẬT

TIN MỪNG: Mc 3,20-35

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

“Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

SUY NIỆM:

Chống lại Thánh Thần là cố tình không đi theo con đường ngay chính. Hay nói cách khác là dù biết con đường tốt đẹp, nhưng người ta vẫn cố chấp đi vào con đường khác do sự cứng lòng của họ.

Đó chính là tội của các kinh sư trong đoạn Tin mừng hôm nay khi nói những dấu lạ của Chúa Giêsu làm là do dựa vào quyền năng của chúa quỷ. Đó là một sự “phạm thượng phi lý”, vì làm sao quỷ lại tiêu diệt quỷ.

Các kinh sự nói vậy là để phủ nhận những dấu lạ của Chúa Giêsu, nhưng sâu xa hơn là vì họ không muốn có một ông Giêsu có tầm ảnh hưởng hơn họ.

Quả thật, kiêu ngạo là mối tội đầu. Vì kiêu ngạo mà người ta sẵn sàng chống đối tất cả, kể cả Thiên Chúa. Vì kiêu ngạo mà người ta sẵn sàng đi vào con đường chết; và do đó họ tự nguyện chứ không phải do Chúa phạt.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết khiêm tốn để sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

THỨ HAI

TIN MỪNG: Mt 5, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.

SUY NIỆM:

Cái nghèo của Tin mừng là nhận thấy biết giới hạn của mình để cần đến Chúa.

Cái hiền của người môn đệ là không phản kháng trước bất cứ sức mạnh nào, vì trong họ đã có sức mạnh của Chúa.

Cái đau buồn của Kitô hữu là vì những tội lỗi của mình chứ không phải vì những tác động của thế gian.

Người Kitô hữu được mời gọi khao khát nên người công chính, nghĩa là khao khát nên thánh thiện, tốt lành giống Thiên Chúa là Cha.

Người môn đệ Chúa Giêsu thật là có phúc khi biết thương xót giống Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót.

Lòng trong sạch của con cái Chúa là không vướng mắc tội lỗi, dành trọn tâm hồn, thân xác cho Ngài thì sẽ được nhìn thấy Ngài.

Người xây dựng hòa bình là người biết hòa giải với Chúa và với nhau. Họ biết nhanh chóng sám hối những tội lỗi của mình, cũng như biết là người xây dựng bình an cho nhau, hoặc đứng ra làm trung gian hòa giải những người bất hòa.

Mối phúc cuối cùng là mối phúc lớn nhất khi con người ta vì Chúa, vì Tin mừng mà chấp nhận tất cả, vì chính lúc đó họ trở nên giống Chúa Giêsu hơn hết.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm những hạnh phúc thế gian, nhưng biết tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời.

THỨ BA

TIN MỪNG: Mt 5, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

SUY NIỆM:

Muối là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, không phải chỉ để thức ăn được thêm mặn mà, mà còn để giữ cho thực phẩm được tươi; và đặc biệt nếu thiếu muối sẽ làm cho sức khỏe bị sa sút…

Ánh sáng là yếu tố cần thiết cho cuộc sống con người. Có nhiều loại ánh sáng, nhưng anh sáng nào cũng là quan trọng: ánh sáng mặt trời giúp cây quang hợp và quá trình phát triển; Ánh sáng của các loại bức xạ điện từ giúp sinh hoạt hằng ngày được trở nên thuận tiện hơn…

Người môn đệ được ví như muối vì chính họ phải mặn và còn giúp ướp mặn cho người khác. Vị mặn của người môn đệ là sức mạnh Thần Linh ở nơi con người họ, giúp họ có thể bước theo Đức Kitô và trở nên giống Ngài. Sức mạnh Thần Linh đó chẳng những giúp họ mà còn giúp người khác sống đạo cho tốt.

Ánh sáng chính là kết quả của một đời sống thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, là tình yêu thương được tỏa rạng. Chính tình yêu thương đó sẽ soi đường dẫn lối cho người khác có thể cùng đi với họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến với Chúa trong cầu nguyện và các Bí tích để con có thể thêm mặn mà và tỏa sáng ánh sáng Chúa Kitô.

THỨ TƯ

TIN MỪNG: Mt 5, 17-19 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

SUY NIỆM:

Tất cả mọi lề luật của Chúa là phương thế giúp con người sống tốt đời sống của mình. Nhưng nếu không có tình yêu như động lực để bước đi theo Chúa, thì dù có bao nhiêu lề luật cũng không thể giữ được họ, vì họ không có động lực nền tảng.

Mọi giới răn, lề luật của đạo Do Thái đã được Đức Giêsu kiện toàn bởi giới luật căn bản là giới luật yêu thương. Có tình yêu sẽ làm được tất cả, còn nếu không có tình yêu tất cả trở nên vô nghĩa.

Điều Kitô hữu nhắm đến không phải là thực hiện những lề luật như cuộc thi đấu để xem ai là người chu toàn tốt nhất, nhưng là được trở nên thánh thiện như Cha trên trời. 

Chính Đấng Thánh như là đối tượng yêu thương trọn vẹn, nên người môn đệ cố gắng mỗi ngày để tiến đến gần Đấng Thánh đó hơn, dù nhiều khi cũng có những vấp váp, những bất toàn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con cố gắng hằng ngày để được tiến đến gần Chúa hơn không phải bởi những lề luật, nhưng bởi động lực tình yêu thúc đẩy con.

THỨ NĂM

TIN MỪNG: Mt 5, 20-26 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: “Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án”. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”

SUY NIỆM:

Sự công chính của các luật sĩ và biệt phái như là hào quang bên ngoài bởi những lề luật và các việc đạo đức.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải công chính hơn, nghĩa là không phải chỉ nhắm đến những thứ bên ngoài, nhưng cần phải có tâm tình bên trong.

Nhiều khi bên ngoài họ không được đẹp bởi tính tình họ còn nóng nảy, nhưng họ cố gắng uốn mình để trở nên hiền lành như Đức Kitô.

Họ không có hào quang bởi việc mỗi ngày đọc thật nhiều kinh vì họ bận bịu để đi làm, nhưng mỗi tối họ cố gắng đọc một kinh nào đó dù ho rất mệt mỏi.

Họ không được thánh thiện bởi bản thân còn nhiều đam mê, tội lỗi, nhưng hằng ngày họ sám hối chân thành và xin Chúa giúp sức để họ bớt những đam mê, tật xấu…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm nên thánh theo người khác, nhưng nên thánh bởi chính tâm tình yêu mến và khả năng của con.

THỨ SÁU

TIN MỪNG: Mt 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: “Chớ ngoại tình”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

“Có lời dạy rằng: “Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu muốn kiện toàn lề luật của người Do Thái, để từ đây họ giữ luật không phải chỉ vì luật, nhưng giữ luật để thăng tiến bản thân, để trả lại nét đẹp của Thiên Chúa nơi chính con người của họ.

Chính vì thế, cần phải xác quyết rằng: càng giữ trọn vẹn lề luật của Chúa, còn người ta sẽ trở nên hoàn hảo hơn; chỉ vì sự yếu đuối mà con người chưa thể giữ trọn lề luật của Chúa, hoặc cố gắng chỉ giữ bên ngoài.

Cần phải có chiều sâu cô đọng, tức là sự kết hợp sâu xa với Chúa thì con người mới có thể được trọn vẹn lề luật.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con thấm nhập tinh thần và con tim của Chúa, để con có thể nên giống Chúa mỗi ngày một hơn hầu có thể tuân giữ lề luật của Chúa.

THỨ BẢY

TIN MỪNG: Mt 5, 33-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: “Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.

SUY NIỆM:

Lời Chúa hôm nay dạy ta sống dưới cái nhìn của Chúa thì chúng ta không cần bất cứ điều gì làm bảo chứng.

Người ta thề thốt là do sợ người khác không tin tưởng mình. Sống dưới cái nhìn của Chúa thì họ chỉ sợ thất tín với Chúa mà thôi chứ không sợ thất tín với ai.

Người ta thề thốt đôi khi thề dối vì muốn đề cao bản thân. Sống dưới cái nhìn của Chúa thì họ nhận ra sự bé nhỏ của mình vì thấy Chúa là Đấng cao cả.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn đặt mình dưới cái nhìn yêu thương của Chúa chứ không lệ thuộc bất cứ điều gì, để con luôn bình an vui sống trong cuộc đời này.

bài viết mới