Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần IV Phục sinh | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV PHỤC SINH NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 10, 11-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu nói đến 2 loại người chăn chiên trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Mục tử tốt lành và kẻ làm thuê.

Kẻ làm thuê khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn, đơn giản vì nó chỉ là kẻ làm thuê và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên.

Mục tử tốt lành thì thí mạng sống vì chiên, sẵn sàng chiến đầu với thú dữ để bảo vệ chiên, đơn giản vì chiên là của anh, anh và chiên có mối liên hệ sâu xa, thâm tình và nghĩa thiết.

Chúa Giêsu khẳng định: “Ta là mục tử tốt lành”, bằng chứng là Chúa Cha yêu mến Ngài vì Ngài đã dám thí mạng sống vì đàn chiên.

Việc chăm sóc chiên đàng hoàng tử tế thể hiện được mối tương quan với Thiên Chúa Cha. Vì yêu mến và muốn làm theo thánh ý Chúa Cha nên người mục tử đã sống hết lòng với đàn chiên, vì đàn chiên chính là tài sản quý giá của Cha.

Trong tất cả mọi bổn phận, khi ý thức mình đang làm theo ý Chúa, đang làm cho Chúa thì công việc sẽ được tốt hơn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con thực hiện chức năng mục tử của mình bằng tất cả tình yêu vì đã tin tưởng và bước đi theo Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Ga 10, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu nói đến phẩm cách của người lãnh đạo đoàn chiên. Muốn là người chăn chiên chân chính họ phải học theo vị Mục tử nhân lành. Còn ai không học theo vị Mục tử nhân lành, họ chỉ là những người lợi dụng đàn chiên.

Và Ngài đã khẳng định: “Ta là cửa chuồng chiên”, để từ đây về sau, Ngài dành đàn chiên lại từ tay những mục tử giả. Chúa Giêsu rất can đảm để lên án những vị lãnh đạo trước Ngài là những mục tử giả: ”Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp”, bằng chứng là chiên rất sợ và không nghe theo họ.

Một thời kỳ mới đã được mở ra nơi vị Mục tử Giêsu, Ngài mang đến sự giải phóng cho đàn chiên, để họ được ăn uống no nê, được chăm sóc cẩn thận. Đổi lại, vị Mục tử Giêsu đã phải sẵn sàng chết cho đàn chiên.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết học nơi Chúa Giêsu phẩm cách của người lãnh đạo, để con có thể hướng dẫn đàn chiên mình được giao phó trong ơn gọi của mình.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 10, 22-30

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

SUY NIỆM:

Người Do Thái bắt Chúa Giêsu phải xác nhận về thân thế của Ngài. Họ muốn đích thân Ngài phải công bố Ngài là Đức Kitô, nghĩa là Đấng được Chúa Cha sai đến.

Chúa Giêsu không mở một diễn đàn để tuyên bố về thân thế, cũng không cần một hội nghị để thẩm định tư cách, nhưng Ngài muốn họ phải biết nhìn, biết nghe, biết quan sát.

Qua những việc Chúa Giêsu làm, nếu họ có cái nhìn linh thánh cũng đủ để nhận biết Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Và hơn thế nữa, thấy đám đông tuôn đến với Ngài cũng đủ biết Ngài là một mục tử đáp ứng được nhu cầu của đàn chiên.

Tuy nhiên, họ không nhận ra được những điều đó với lý do đơn giản như Chúa Giêsu đã nói: “vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi”. Do đó đôi khi cũng ở trong đàn, nhưng lại là những kẻ phá hoại, là sói dữ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con là đàn chiên của Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng của Mục Tử Giêsu nhiều hơn để chúng con có thể bước theo Ngài mỗi ngày cách trọn vẹn hơn.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 12, 44-50

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.

SUY NIỆM:

Sự sáng mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay là Ánh Sáng Phục Sinh, thứ ánh sáng đã được tinh luyện qua đau khổ thử thách, nhất là cái chết để dẫn đưa nhân loại đến giá trị vĩnh cửu đó là ơn cứu độ cho con người.

Vì thế, tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh là để cho Ánh Sáng của Chúa soi dẫn. Đây không còn là lời mời gọi, nhưng là sự khẳng định sống còn dành cho nhân loại. Tin hoặc không tin; sống hoặc chết; ánh sáng hay bóng tối thế thôi chứ không còn là sự phân vân, lưỡng lự.

Do đó Kitô hữu phải có đời sống mới sau biến cố tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Đời sống mới đó là lối sống được Ánh Sáng của Chúa soi dẫn để không còn những mây mù, đen tối của bóng đêm tội lỗi, thay vào đó là rực sáng tình yêu thương của Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Chúa đến để cứu độ con, xin cho con chấp nhận bước đi trong Ánh Sáng của Chúa để đẩy lui những tối tăm mê muội ra khỏi cuộc đời con, nhờ đó mà con được bước vào vùng Ánh Sáng mới.

THỨ NĂM – 25/04 : THÁNH MACCÔ

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

SUY NIỆM:

Sứ điệp của Đấng Phục Sinh là muốn mọi người được ơn cứu độ. Vì thế mọi môn đệ của Ngài được mời gọi lan tỏa tỏa Tin mừng Phục Sinh như một thứ động lực không thể cưỡng lại trong cuộc đời.

Động lực đó mời gọi họ phải lên đường đi khắp thế gian. Chắc chắn đi khắp thế gian ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng là nghĩa bóng, với mong muốn mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh đều phải loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Giêsu đã gởi cho các môn đệ những dấu chỉ để Tin mừng của họ mạnh thế hơn: trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn, uống chất độc mà không bị hại, đặt tay chữa lành…

Những dấu lạ đó hôm nay vẫn đi theo người môn đệ khi họ trừ quỷ bằng cách ngăn ngừa những tội lỗi; nói tiếng lạ chính là lời yêu thương, động viên, nâng đỡ; uống chất độc mà không bị hại là họ đề kháng được với những sự dữ, gần bùn mà chẳng hội tanh mùi bùn; chữa lành người khác bằng sự hàn gắn, nối kết…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám sống và loan báo Tin mừng Phục Sinh bằng chính đời sống đúng Tin mừng của chúng con. Đó cũng chính là cách chúng con viết Tin Mừng bằng chính cuộc đời của chúng con.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Ga 14, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

SUY NIỆM:

Tôma là một con người theo trực giác. Điều gì rõ ràng ông mới chấp nhận, mới tin. Vì vậy khi Chúa Giêsu nói về việc ra đi dọn chỗ cho các môn đệ, Tôma muốn Thầy chỉ rõ ràng Thầy đi đâu, chỗ nào để ông với các anh em mới biết đường đi theo.

Chúa Giêsu đã nói lên chân lý của đạo là con đường, con đường của đạo Chúa chính là Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế chỉ cần biết rõ Chúa Giêsu thì sẽ biết con đường để đi và đi như thế nào.

Con đường Chúa Giêsu là con đường thánh ý Chúa Cha. Ngài đến thế gian này là để làm theo thánh ý Chúa Cha; và tất cả mọi việc Ngài làm đều để cho Danh Cha được cả sáng.

Con đường Chúa Giêsu là con đường yêu thương, phục vụ. Ngài không làm gì cho bản thân, nhưng hoàn toàn cho người khác, nhất là người cùng khổ, người nghèo, người bệnh tật và người ngoại.

Bước theo Chúa Giêsu là đi trên con đường của Ngài, con đường làm theo thánh ý Chúa Cha và con đường yêu thương phục vụ. Càng biết Chúa Giêsu bao nhiêu thì càng phải trở nên giống Ngài bấy nhiêu.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con loay hoay để tìm đường đi vì tưởng con đường của Chúa là con đường lạ lẫm hoặc rất khó đi, nhưng thực ra con đường của Chúa rất gần gũi và dễ đi, đó là con đường yêu thương. Vì vậy xin cho con biết rèn luyện con tim của mình để yêu Chúa hết lòng và yêu anh em hết tình.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 14, 7-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

SUY NIỆM:

Các môn đệ đã chọn Thầy Giêsu là lý tưởng, là con đường để bước đi thì phải “ở lại trong tình yêu của Thầy”. Dấu hiệu để người môn đệ “ở lại trong tình yêu của Thầy” là “yêu như Thầy”. 

Tình yêu cũng chính là lệnh truyền của Thầy Giêsu: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.”

Vì thế, nét đặc trưng của đạo Chúa cũng chính là tên gọi của đạo ấy: đạo yêu thương. Yêu không phải theo cảm xúc tự nhiên, nhưng là yêu như Chúa đã yêu, một tình yêu đơn sơ và không tính toán, một tình yêu chân thành chỉ lo điều tốt cho người khác.

Kết quả để đánh giá mức độ sống đạo của người môn đệ hay còn gọi là hoa trái trong đời sống đức tin chính là tình yêu nơi người ấy và sự lan tỏa tình yêu của người ấy đến xung quanh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, đã đến lúc phải vượt qua ranh giới của lề luật, của định chế con người để hướng đến giới luật duy nhất của đạo Chúa là giới luật yêu thương. Xin Chúa cho con biết hướng đến giới luật đó và đánh giá mọi sự cũng chỉ bằng giới luật mà Chúa đã dạy: “các con hãy yêu mến nhau”.

bài viết mới