SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT
Tin Mừng: Lc 2, 41-52
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy niệm:
Khó khăn trong gia đình Thánh Gia Thất luôn có từ ngày đầu đón nhận thánh ý Chúa cho đến ngày các Ngài hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, chính Ngài đã gây nên khó khăn cho cha mẹ Ngài.
Lạc mất đứa con giữa đám đông hàng ngàn người là khó khăn lớn nhất của những bậc làm cha mẹ, khó khăn này sẽ dẫn đến đau khổ, và có khi là tuyệt vọng.
Điều đáng nói là khó khăn này lại đến từ sự chủ động của Chúa Giêsu: ở lại đền thờ “ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông”. Có thể gọi đây là sự phá vỡ truyền thống khó ai chấp nhận được. Chính cha mẹ Ngài cũng đã thốt lên: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.
Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn bình thản vì Ngài biết mình đang làm gì. Điều quan trọng nhất là: “Con phải lo công việc của Cha Con”. Ngài chấp nhận công việc này gây phiền toái cho nhiều người, nhưng tất cả là để làm theo ý Cha.
Sự khởi đầu này đã làm nên sự phá cách nơi con người của Chúa Giêsu để gạn đục khơi trong, để mang luồng gió mới, để giới thiệu một đạo yêu thương đôi khi còn xa lạ với giới truyền thống. Chính sự phá cách đó đã dẫn đến cái chết cho Ngài, nhưng Ngài đã đón nhận tất cả miễn sao Ngài làm theo ý Cha.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, gia đình chúng con cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng trong mọi sự xin cho chúng con luôn làm theo thánh ý Chúa, vì chúng con biết rằng hạnh phúc đích thực của chúng con là sống theo đường lối Chúa.
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT- 27/12: THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
Tin Mừng: Ga 20, 2-8
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Suy niệm:
Tất cả mọi con đường ngay chính đều dẫn đến Chúa, nhưng con đường tình yêu sẽ đến với Chúa gần hơn, vì “Thiên Chúa là tình yêu”.
Con đường đó cho Gioan được phúc tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, nghĩa là ông rất gần với trái tim của Chúa. Ở đó có những điều ông chưa hiểu, nhất là những Chân lý cao siêu, nhưng ông cảm được những gì Chúa thao thức, ấp ủ để bằng tất cả tình yêu của mình ông cộng tác để Tình Yêu Chúa được lan tỏa.
Con đường đó cũng đã thúc bách ông dùng hết sức lực của tuổi trẻ để chạy đến mồ. Ông không nghĩ đến việc đến trước hay đến sau, nhưng phải đến vì nó liên quan đến Thầy mình.
Cũng chính tình yêu đã làm cho ông nhạy bén nhận ra ngay tức khắc Thầy mình sống đã lại: “ông đã thấy và đã tin.”
Mừng lễ thánh Gioan, nhắc chúng ta về một tình yêu dành cho Chúa vì Chúa đã yêu ta trước, để ta dùng tất cả năng lực tích cực của mình mà đáp trả lại tình yêu của Chúa để mong cho tình yêu được bay cao, bay xa và lan tỏa khắp.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con tin Chúa bằng tất cả lý trí, ý chí và nhất là con tim, để con dùng cả cuộc đời mình mà chuyển tải thông điệp yêu thương của Chúa.
THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT – 28/12: CÁC THÁNH ANH HÀI
Tin Mừng: Mt 2, 13-18
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Suy niệm:
Có những người chẳng biết Chúa Giêsu là ai, nhưng họ đã sống đúng với những con đường của Chúa, thậm chí có những người đã chết vì Chúa; trong số đó phải kể đến các Thánh Anh Hài, là những trẻ thơ đã phải chết oan ức vì cuộc truy sát Hài Nhi Giêsu của những thế lực độc ác muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ đó cho ta một cái nhìn phổ quát về Hội thánh của Chúa Giêsu. Nó chẳng những là những người tin và tham gia vào Hội thánh đó, mà còn là những người “liên lụy” trong ơn cứu độ. Họ là những người thành tâm thiện chí để sống bác ái yêu thương, cộng tác với Giáo hội trong nhiều việc dù họ không ghi danh vào Giáo hội, và có cả những người phải hy sinh, bị bách hại vì liên đới với Hội thánh Chúa.
Cầu nguyện:
“Lạy Chúa, các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa, xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin như chúng con vẫn tuyên xưng ngoài miệng”.
THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT
Tin Mừng: Lc 2, 22-35
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”.
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
Suy niệm:
Đối với ông già Simêon, được bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, nghĩa là đụng chạm đến ơn cứu độ, là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ông. Ông đã chờ đợi điều này, đã dấn thân, đã sống trọn vẹn cho sứ mạng vì điều này.
Khi đạt được hạnh phúc lớn nhất, ông sợ nó mất đi nên đã xin Chúa: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Từ hình ảnh của ông cho chúng ta biết dấn thân cả cuộc đời cho những giá trị cao cả. Điều đó khiến chúng ta phải hy sinh, phải hao mòn, phải mất mát. Và như một xác quyết, giá trị quý giá nhất chính là ơn cứu độ của Chúa ban cho ta.
Kế đến phải bằng mọi giá để gìn giữ, bảo vệ những giá trị cao đẹp mà chúng ta dấn thân tìm kiếm, thậm chí phải hy sinh mạng sống mình. Ông già Simêon xin Chúa cho mình chết đi vì quá hạnh phúc, ông sợ những hạnh phúc khác lôi kéo khiến ông nao lòng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con nổ lực cả cuộc đời để làm gì? Con được gì sau cái chết này khi sự dữ đang lan tràn khắp nơi: bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, tranh giành, bất công…? Tất cả mọi thứ sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu ở lại. Tình yêu trong Chúa, tình yêu với mọi người. Chính tình yêu đó sẽ lưu giữ cho con hạnh phúc trong vương quốc Tình Yêu.
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Tin Mừng: Lc 2, 36-40
Khi ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Suy niệm:
Bà Anna là mẫu gương cho những người sống công chính, thánh thiện vì bà có lòng trung tín trong mọi sự.
Trung tín trong đời sống gia đình thể hiện qua việc giữ lòng trung trinh với người chồng, kể cả khi ông đã qua đời: “Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi.”
Đặc biệt lòng trung tín của bà đối với Chúa: “Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa.”
Bà là tấm gương để chúng ta trau dồi lòng trung tín trong cuộc đời. Trung tín với mọi người xung quanh, nhất là những người chúng ta có liên đới. Đặc biệt trung tín với Chúa, vì Chúa thương ta và ban hạnh phúc đời đời cho ta.
Chữ tín là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, vì dù có mất hết mọi sự, nhưng còn chữ tín chúng ta vẫn còn liên đới với nhau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước bà tiên tri Anna để sống tốt trong mọi hoàn cảnh để thể hiện lòng trung tín với Chúa, với sứ mạng và với mọi người.
THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Tin Mừng: Ga 1, 1-18
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Đây là Đấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.
Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Suy niệm:
“Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người.” Nhân loại mong chờ Đấng Mesia, vị cứu tinh nhân loại, nhưng khi Ngài đến, họ đã không nhận ra hoặc xua đuổi Ngài.
Không nhận ra bởi họ định hình một vị cứu tinh theo khuôn khổ, theo cái nhìn của họ. Xua đuổi vì họ cứ mong chờ một vị cứu tinh cao sang lộng lẫy, nên hình dáng nghèo hèn khốn khổ thì sẽ bị loại trừ…
Chung quy lại của ơn cứu độ là tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người không phân biệt ai: “Phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa”. Tuy nhiên có những người nghĩ rằng ơn cứu độ chỉ dành cho những thành phần nào đó theo cái nhìn của họ.
Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm ánh sáng. Suy cho kỹ thì chỉ nơi nào tối mới cần sáng, còn nơi đã sáng thì ánh sáng sẽ dư thừa. Vì thế ai tự cho mình “sáng” là đã xua đuổi “Ánh Sáng” ơn cứu độ, còn ai khiêm tốn nhìn nhận mình “tối” là mặc nhiên đang cần “Ánh Sáng”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết mình còn tối tăm để mở rộng tâm hồn cho ánh sáng Chúa soi dọi vào, để từ đó con trở thành ánh sáng của Chúa dẫn lối cho nhiều người tiến về vùng Ánh Sáng thật. Ánh sáng nơi con chỉ có thể là tình yêu.
THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Tin Mừng: Lc 2, 16-21
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Suy niệm:
Những tâm hồn nhạy bén chỉ cần nghe, nhìn họ cũng dễ dàng nhận ra điều Chúa muốn.
Những người chăn chiên sau khi thấy những dấu chỉ thiên thần loan báo, “họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này”.
“Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng”. Mẹ luôn để tâm tìm hiểu để nghiệm xem Chúa muốn gì.
Chính vì thế trong đêm Giáng Sinh lời thiên thần vang lên: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Lời đó được dành cho những người chăn chiên, cho Đức Maria và mọi người có tâm hồn thiện tâm, nghĩa là những người nhạy bén với thánh ý Chúa.
Những người thiện tâm, những người nhạy bén với ý Chúa thường lại rất đơn sơ trong tâm trí của mình, để họ thấy mọi sự đều nhẹ nhàng, thanh thản.
Ngược lại những ai không có tâm thiện, chai lì trước thánh ý Chúa thì lại rất phức tạp trong mọi sự. Điều phức tạp đó do tâm trí nặng nề, tình cảm u mê… Nói chung nhiều điều cản lối để họ ít thấy những giá trị cao cả, mà chỉ tìm những gì phù hợp với cái nhìn của mình mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con được hưởng sự bình an mà các thiên thần đã loan báo: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Muốn vậy thì con phải gạt bỏ những u mê, những tham sân si trong cuộc đời để được thanh thoát nhẹ nhàng mà nhận ra Chúa trong mọi sự.