CHÚA NHẬT:
TIẾNG VỌNG TÌNH THƯƠNG
Tin Mừng: Mc 10, 46-52
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Suy niệm:
Có những tiếng gọi trong cuộc đời:
- Tiếng gọi của anh mù mang tên Bartimê đang ngồi ăn xin bên vệ đường: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tiếng gọi này đối với nhiều người là sự xúc phạm vì họ đang trông chờ lắng nghe từng lời giáo huấn thánh thiêng của Chúa Giêsu; bỗng vang lên tiếng gọi của một con người phàm tục, hơn nữa là một người bệnh hoạn mà theo quan niệm của họ là do tội lỗi. Tiếng gọi của anh mù là tiếng gọi của kẻ thấp cổ bé họng.
- Tiếng gọi của đám đông bảo anh mù im đi để họ lắng nghe lời giáo huấn Chúa Giêsu. Đây là tiếng gọi của những kẻ vô tâm, vô tình, hờ hững với những con người đau khổ, yếu thế. Tiếng gọi trấn áp: im đi! Câm đi!
- Tiếng gọi của Chúa Giêsu: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Tiếng gọi của sự thông cảm, thấu hiểu, biết được nhu cầu của người khác. Và còn hơn thế nữa: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tiếng gọi quyền năng, giải thoát anh mù khỏi đau khổ của anh ta.
Có những tiếng gọi của chính ta:
- Lúc đau khổ, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Tiếng thở dài hỡi ôi! Trời ời!
- Lúc có thế giá, có tiền, có tài… điều khiển, xúi giục, ngăn cấm, quát nạt, kẻ cả.
- Tiếng vọng tình thương từ sự quan tâm, thông cảm, muốn sẻ chia nỗi đau với người khác. Tiếng gõ cửa nài van không biết ngại ngùng để mong tìm cho người đau khổ được sự giúp đỡ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là tiếng vọng tình thương. Quyền năng của Chúa cũng chỉ để phục vụ cho bản chất yêu thương của Ngài. Vì vậy xin cho trong suốt cuộc đời của con luôn vang lên tiếng vọng của Chúa: Tiếng vọng tình thương, để cung cách sống của con luôn toát lên một tình yêu thương giống Chúa. Amen.
THỨ HAI:
TỰ DO TUNG BAY KHĂP TRỜI
Tin Mừng: Lc 13, 10-17
Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.
Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”
Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.
Suy niệm:
18 năm bị khuất phục bởi chứng “khòm lưng”. Hậu quả của nó khiến người đàn bà “hoàn toàn không thể trông lên được”.
Căn bệnh này không chỉ đơn giản là khòm lưng, mà đau khổ nhất chính là việc một con người không thể “trông lên” mà chỉ “nhìn xuống”. Từ đó cho ta hai thái cực trong cuộc đời: “trông lên” và “nhìn xuống”.
“Trông lên” sẽ thấy một khung trời bao la rộng lớn. Phía cuối chân trời đó chính là hạnh phúc tuyệt đối, là cùng đích của cuộc đời chúng ta.
“Trông lên” để nhìn thấy còn có một Đấng cao cả trong cuộc đời, giúp ta ít là biết “sợ” mà tránh những sai trái, gian ác trong cuộc đời.
“Trông lên” còn thể hiện ước mơ cao đẹp của con người, một lý tưởng sống thật mênh mông, luôn hướng về những lợi ích cao đẹp cho đời, cho người.
“Trông lên” còn là phong cách sống tử tế như chim, như hoa, như ong để bay bổng, để góp hương, góp mật cho đời…
“Nhìn xuống” khiến tầm nhìn của ta bị giới hạn vì quanh quẩn chỉ có thế. Có muốn nhìn xa hơn, cao hơn, rộng hơn cũng khônng được vì ta đã bị khuất phục bởi một chứng bệnh gọi là “khòm lưng”.
“Nhìn xuống” khiến ta chỉ nhìn thấy một màu đen xám xịt, u ám gây nên cảm giác khó chịu vì không thể nhìn chung quanh; từ đó mất dần cảm xúc, trở nên vô cảm, không còn nhận ra những đau khổ, hạnh phúc của người bên cạnh.
“Nhìn xuống” khiến ta không còn lý tưởng sống vì chỉ thấy đất đai, cát bụi là nơi ta sẽ trở về.
…
Chúa Giêsu đã giúp người đàn bà vươn mình đứng thẳng để đón ánh mặt trời, để rão tầm nhìn lên tận trời cao.
Trước hết đó là quyền năng của Chúa để giải phóng con người từ cái nhìn hạn hẹp đến cái nhìn rộng lớn hơn. Kế đến Ngài giải phóng họ khỏi những ràng buộc của những gì thấp kém đến những giá trị cao cả.
Và nhất là tình yêu được tung bay khắp nơi như tự do của một con người được giải thoát để họ có thể xoay chuyển con người của mình đến những nơi mình muốn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã chữa lành và giúp người phụ nữ được tự do, nhất là tự do trong lý trí, ý chí và tình yêu của bà. Chắc chắn bà ý thức tự do này phát xuất bởi Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho bà, nên bà sẽ dùng tự do đó để phục vụ Chúa. Xin Chúa cũng giải thoát con như đã giải thoát người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay. Amen.
THỨ BA:
CHO NƯỚC TRỜI MAI SAU
Tin Mừng: Lc 13, 18-21
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.
Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.
Suy Niệm:
Nước trời là nơi cho người ta nương náu dù khởi đầu nó hết sức nhỏ bé như hạt cải. Quá trình nảy mầm, mọc lên, thành cây, mang lại lợi ích… lại là một quá trình tiềm ẩn và lâu dài. Có khi kết quả của nó không thấy ở thời đại chúng ta, nhưng thời sau và sau sau nữa.
Hiện tại việc loan báo Tin Mừng gặp rất nhiều khó khăn trắc trở vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là tự do của con người không muốn Thiên Chúa hiện hữu, hoặc loại trừ Thiên Chúa để họ tự do làm điều mình muốn.
Điều đó như hạt cải bị sỏi đá, cỏ rác, gai góc xung quanh che phủ. Hạt giống không chết. Chắc chắn nó sẽ sống vì nó là mầm mống của Nước Trời, nhưng nhiều khi sự chờ đợi quá lâu, có thể nó nằm đó một cách âm thầm hàng trăm năm.
Giáo hội và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta cũng chính là hạt giống nhiều khi đã âm thầm từ rất lâu; và hiện tại này lại chính là hạt giống cho Giáo hội và Nước Trời ở tương lai rất lâu nữa.
Nước Trời chính là Tình Yêu hoàn hảo. Chính Tình Yêu hoàn hảo đó làm nên ý nghĩa cuộc đời ta vì ta được Chúa yêu thương. Và hiện tại loan báo Tin Mừng chính là cố gắng sống tình yêu mỗi ngày mỗi trọn vẹn, mỗi đẹp hơn.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết gieo hạt giống Nước Trời vào thế giới hôm nay bằng chính cuộc sống yêu thương của con, để qua tình yêu lan tỏa, Nước Trời cũng sẽ dần rõ nét hơn trong chính những gian nan thử thách của thời đại hôm nay. Amen.
THỨ TƯ:
ĐỪNG HỜ HỮNG VỚI ƠN CỨU ĐỘ
Tin Mừng: Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
Suy Niệm:
Ngay từ đầu mọi sự đều tốt đẹp, vì những gì thuộc về Thiên Chúa đều là Chân – Thiện – Mỹ. Sự dữ đã vào thế gian hòng phá hủy công trình tốt đẹp của Thiên Chúa. Chính vì thế những gì tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa, ngược lại những gì xấu xa đều thuộc về thế lực của sự dữ.
Chính vì thế đừng giới hạn Thiên Chúa trong nhà thờ, trong Giáo hội, nơi những con người mà ta cho là có đạo. Thiên Chúa hiện diện nơi mọi sự tốt đẹp.
Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hờ hững với ơn cứu độ, nghĩa là làm sao cho cuộc sống của ta được trở nên tốt đẹp với những giá trị của Tin Mừng mà Đức Giêsu đã đến để loan báo, đó chính là tinh thần của tám mối phúc: Khó nghèo, hiền lành, sầu khổ, khao khát sự thiện, thương xót, trong sạch, hòa giải, chịu bách hại vì lẽ công chính.
Hãy sống và lan tỏa những giá trị của 8 mối phúc ấy là lúc chúng ta đang biết quý trọng ơn cứu độ.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin đừng để con sống xa lạ với những giá trị của Nước Trời, nhưng xin qua cách sống của con cho mọi người xung quanh biết rằng Nước Trời rất đẹp, Vương Quốc của Chúa rất hấp dẫn. Amen.
THỨ NĂM: 28/10 – THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ
ĐÁP LẠI SỰ TIN TƯỞNG CỦA THIÊN CHÚA
Tin Mừng: Lc 6, 12-19
Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
Suy niệm :
Chọn 12 Tông đồ là việc làm quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, vì họ sẽ là nền tảng để Thiên Chúa xây dựng Hội thánh của Ngài. Chính vì thế Đức Giêsu đã phải cầu nguyện suốt đêm.
Việc chọn gọi này cho thấy chức vụ trong Hội thánh không phải do con người mà do Thiên Chúa muốn. Nó cho thấy Thiên Chúa tin tưởng, cho con người được cộng tác với Ngài chứ không phải vì con người đủ tài đức. Việc chọn 12 Tông đồ cho biết ý định cứu độ của Thiên Chúa trong lòng Giáo hội.
Tuy nhiên việc chọn gọi này cũng có sai lầm do con người không biết sử dụng tự do đúng đắn. Giuđa Iscaiôt là kẻ đã phản bội vì ông muốn theo chương trình của riêng ông mà không đi theo chương trình của Thiên Chúa.
Mỗi người đều được Chúa chọn gọi trong một ơn gọi khác nhau ; đặc biệt với những ai sống đời tận hiến. Họ được Thiên Chúa cho tham dự vào sứ mạng đặc biệt của Ngài không phải vì họ xứng đáng, không phải vì có đủ tài đức, nhưng chỉ vì Ngài muốn. Vì thế hãy cố gắng sống tốt ơn gọi của mình.
Có những người đã không cộng tác mà còn phá hoại chương trình của Thiên Chúa vì họ sống theo ý riêng của mình. Hãy biết hoán cải để quay trở lại phục vụ Nước Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã ban con được sống trong bậc sống của mình. Trong mỗi bậc sống Chúa đều muốn chúng con cộng tác với Chúa để mang lại phần rỗi cho mình và cho tha nhân. Xin cho con luôn nổ lực hết mình để cho ơn cứu độ được thực hiện.
THỨ SÁU:
TÌNH YÊU KHÔNG GIỚI HẠN
Tin Mừng: Lc 14, 1-6
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Đoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
Suy niệm:
Tình yêu không giới hạn. Yêu thương không gì ngăn cách đó là sự thật về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Đến dùng bữa nhà người thủ lãnh biệt phái thì lẽ ra Đức Giêsu phải cẩn thận vì “nhập gia tùy tục”. Biết người ta giữ luật cách khắt khe thì ít nhất làm thinh cho đến khi ra khỏi nhà người ta muốn làm gì làm. Biết người ta hạn chế tiếp xúc với những người mang danh là tội lỗi thì ít ra cũng phải dè chừng với những người đang đi theo mình.
Đức Giêsu không bị chi phối bởi điều gì khiến tình yêu của Ngài giảm bớt. Mọi lúc, mọi nơi Ngài là tình yêu, vì thế phải thực thi tình yêu. Dù bất cứ thế lực nào cũng không thể ngăn cản được Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, vì tình yêu vô biên của Chúa mà con được sống, được tồn tại. Con xin tạ ơn Chúa và xin cho con cũng bắt chước Chúa có một tình yêu tương đối để có thể đối xử tốt với người khác. Amen.
THỨ BẢY:
CON ĐƯỜNG KHIÊM TỐN
Tin Mừng: Lc 14, 1. 7-11
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.
“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Suy niệm:
Bài học về chỗ ngồi không chỉ là bài học nhân bản, mà còn là bài học tu đức. Đức Giêsu dạy cho mọi người con đường để về trời. Đó là con đường khiêm tốn.
Ngài cho biết “chỗ ngồi” không do ta chọn, mà do chủ nhà xếp đặt cho. Cũng vậy, Thiên Chúa dựng nên con người và đặt họ ở những vị trí khác nhau.
Thái độ khiêm tốn là không mong muốn được ngồi ở vị trí của người khác vì nó đẹp, nó sang, nó vinh dự… Khiêm tốn cũng là sẵn sàng ngồi ở vị trí mà chủ nhà đã định cho ta. Không từ khước vì làm khó cho chủ nhà, không “giả bộ” xin chỗ khác để nhằm đề cao bản thân… nhưng trong mọi sự hãy ngồi đúng và bình dị trong chỗ của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con đừng quan tâm đến vị trí, mà hãy lưu tâm đến trách nhiệm, để dù ở đâu, làm gì con cũng chỉ lo chu toàn và đẹp ý Chúa mà thôi. Amen.