Saturday, December 21, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 3 | Mùa Vọng | Năm C

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Tin Mừng: Lc 3, 10-18

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng. 

Suy niệm:

Hình ảnh một Hội Thánh Hiệp Thánh khi mọi thành phần trong dân đều đến hỏi Gioan: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Họ muốn Hiệp Thông – Tham gia để thực hiện Sứ vụ.

Hiệp thông khi họ cảm nhận, cùng chung một suy nghĩ và cái nhìn với Gioan để thấy cách sống hiện tại của họ chưa phù hợp với đường lối của Đấng Messia, thậm chí mắc nhiều sai lỗi.

Tham gia để họ cùng làm. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng từ đây họ cùng làm một hành động mà Gioan mời gọi; tất cả đều là bác ái, quên đi chính bản thân mình để sống cho sứ vụ và biết lo cho người khác.

Sứ vụ của mọi người là được cứu độ là loan truyền ơn cứu độ. Khi dân chúng sám hối và quyết tâm hoán cải theo lời mời gọi của Gioan, họ sẽ tìm được ơn cứu độ, khởi đi từ chính tâm hồn bình an của họ, và chắc chắn họ sẽ còn nói cho nhiều người khác trong nhóm của họ về những gì họ cảm nhận.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, sự sám hối, canh tân là điều quan trọng nhất trong mọi bậc sống để nhìn lại cách sống của chúng con. Những điều Gioan cho chúng con thấy là chúng con còn sống thiếu bác ái, thiếu công bằng với người khác. Xin giúp con hoán cải tận căn để có thể thực hiện công bằng, bác ái trong xã hội hôm nay để giới thiệu Vương quốc Tình yêu của Chúa.

THỨ HAI

Tin Mừng: Mt 21, 23-27

Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.    

Suy niệm:

Rõ ràng dân chúng thời bấy giờ đều nhận ra phép rửa của Gioan là bởi trời, nghĩa là nhìn nhận Gioan có một sứ mạng siêu nhiên.

Điều quan trọng là sự cứng lòng của một số người, cụ thể là các thượng tế và kỳ lão trong dân, dẫu biết Gioan có một sứ mạng siêu nhiên, và lời rao giảng của ông có sức hấp dẫn nhưng họ vẫn không chịu sám hối theo lời mời gọi của Gioan, trong khi nhiều người đã tỏ lòng sám hối ăn năn bằng những việc cụ thể.

Ở đây không nói đến việc ép buộc người khác phải làm giống tập thể, nhưng nói đến việc rõ ràng biết mình sai mà không chịu sửa sai.

Từ chỗ không chịu sửa sai dẫn đến tội ác khác là muốn tiêu diệt người nói lên sự thật, cản trở hành động sai trái của họ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, mùa Vọng hướng con đến sự bình an đích thực. Sự bình an chỉ có khi con biết nhìn ra sự thật nơi bản thân mình và dám chấp nhận sống theo sự thật đó. Xin cho con biết chân thành sửa đổi cuộc sống của mình để tìm về với Chúa là nguồn bình an đích thực của con.

THỨ BA

Tin Mừng: Mt 21, 28-32 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Suy niệm:

Gioan đã rao giảng và nhiều người đã tin vào ông. Điều đáng nói những người tin vào lời rao giảng của Gioan là “những người thu thuế và gái điếm”; còn các thượng tế và kỳ lão trong dân lại không tin vào ông.

Được nên công chính, được cứu độ, được giải thoát có phải nhờ cái mác bên ngoài? Thưa không? Dù là ai, làm gì, như thế nào vẫn được nên công chính, được giải thoát, được cứu độ…, nghĩa là làm nên ý nghĩa cho cuộc đời mình nhờ biết hoán cải.

Những người thu thuế và gái điếm dù cái mác được gắn là sự xấu xa, tội lỗi… nhưng họ lại làm nên ý nghĩa cho cuộc đời của họ, ít là chính bản thân họ được bình an, hạnh phúc khi họ biết từ bỏ đường tội lỗi.

Các thượng tế và kỳ lão trong dân được gắn cái mác rất vinh dự, được nhiều người tôn trọng, thậm chí chiều chuộng… nhưng họ lại không tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình khi họ có những điều sai lỗi mà không biết hoán cải. Chính lương tâm của họ đã bị dằn vặt và họ mất bình an trong tâm hồn.

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón Vua Hòa Bình. Hòa bình chỉ đến với những tâm hồn thiện tâm, nghĩa là những tâm hồn biết phân biệt điều tốt xấu và chọn làm điều tốt. Nếu có lỡ theo con đường lầm lạc, thì tâm hồn thiện tâm là tâm hồn biết quay trở lại với nẻo chính đường ngay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Gioan đã rao giảng và người ta đã nghe. Một số người nghe nhưng không thực hiện. Một số người nghe và thực hiện điều Gioan dạy, cụ thể là sám hối. Xin cho con biết sám hối thường xuyên để thực hiện việc hoán cải kịp thời. 

THỨ TƯ

Tin Mừng: Lc 7, 19-23 (Hl 18b-23)

Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Ngài là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Đấng nào khác?” Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: “Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta”.

Suy niệm:

Chính Gioan cũng ý thức mình đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông biết rõ sứ mạng của mình là tiền hô. Và ông càng nhận rõ Đấng ông loan báo, dọn đường cho chính là Chúa Giêsu.

Thế nhưng cái nhìn về Đấng Cứu Thế của ông cũng bị ảnh hưởng bởi dân chúng thời bấy giờ. Đấng Cứu Thế theo kiểu vương quyền trần gian đẻ dẹp bỏ những bất công, loại trừ những gian ác, trừng phản quân phản nghịch… Những điều đó đang diễn ra nhan nhản trước mắt ông, dù ông đã hết tình rao giảng về Đấng Cứu Thế làm cho ông nghi ngờ về sứ mạng của Chúa Giêsu.

Sự nghi ngờ đó được đích thân ông sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giêsu. Và câu trả lời chính là những việc làm của Ngài.

“Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng”

Đấng Cứu Thế không đến theo kiểu trần gian, nhưng là sức mạnh của sự giải thoát; và đường lối của Ngài chính là việc yêu thương, phục vụ.

Và Ngài đã nhắn với môn đệ của Gioan: “phúc cho ai không vấp phạm vì Ta”. Nghĩa là đừng tìm kiếm một Đấng Cứu Thế khác, mà hãy nhìn vào cung cách của Ngài.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con đừng thất vọng, nhưng những khi gặp đau khổ, bệnh tật, thất bại, chán nản… thì xin cho con biết hướng đến hang đá Bêlem năm xưa để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng đang mỉm cười trong lạnh giá, để con biết buông bỏ mọi sự mà tìm kiếm bình an đích thực trong tâm hồn, sự bình an chỉ có nơi những con người biết làm điều thiện.

THỨ NĂM

Tin Mừng: Lc 7, 24-30

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: ‘Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con’. Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông”.

Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.  

Suy niệm:

Gioan đã sống trọn vẹn cho sứ mạng của mình đến mức Đức Giêsu khen ngợi ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan”.

Gioan được nhiều người hâm mộ, nên ông hoàn toàn có thể sống xa hoa, ăn sung mặc sướng như người ở trong cung điện của nhà vua…

Nhưng không, ông đã chọn lối sống khắc khổ: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc da thú… Sự khắc khổ đó là vì ông muốn đời sống mình có một kỷ luật để người ta có thể tin tưởng hơn về Đấng mà ông rao giảng.

Vì vậy trong đời sống có những chuyện làm không sai, nhưng không làm vì một giá trị tốt hơn. Có những thứ tôi có quyền hưởng, nhưng tôi nhường quyền đó cho người khác… Hy sinh cho một giá trị tốt hơn là hy sinh cao cả. Chịu đựng cho một lý tưởng cao vời là chịu đựng tuyệt vời.

Cầu nguyền:

Lạy Chúa, xin cho đừng rao giảng bằng lời, nhưng hãy rao giảng bằng chính đời sống của con. Xin cho con bắt chước Gioan để có kỷ luật bản thân, nghiêm khắc với chính mình, nhưng thân tình với kẻ khác. Sẵn sàng nhường quyền lợi và ưu tiên của mình để chứng minh cho Thiên Chúa là Tình yêu, đã hiến mình vì yêu.

THỨ SÁU – 17/12

Tin Mừng: Mt 1, 1-17 

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara †bởi bà Thamar‡; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.

Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.    

Suy niệm:

Bước vào giai đoạn hai của Mùa Vọng với tuần cửu nhật chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, Phụng vụ Lời Chúa của Giáo hội muốn giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, những con người gần kề với Đấng Cứu Thế.

Hôm nay Mathêu trình bày gia phả của Đức Giêsu với nhiều những con người thuộc nhiều thành phần khác nhau, trong đó có cả những người tội lỗi, những kẻ thời cơ… nhưng cũng không thiếu những con người tốt bụng, những thành phần ưu tú…

Đấng Cứu Thế là thế đó, Ngài sẵn sàng đến với mọi người, mọi thành phần, và Ngài đã trở nên một phần với họ khi chấp nhận thuộc về gia phả của họ. Như vậy Ngài cứu độ từ bên trong con người chúng ta, dù chúng ta có như thế nào đi chẳng nữa, miễn là chấp nhận để cho Ngài ngự đến trong cuộc đời mình, như việc Ngài giáng sinh đến với nhận loại chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, dù con có như thế nào, con vẫn tin Chúa thương con. Và con tin như thế với anh chị em con, những người thù nghịch, chống đối con, những người không cùng chung quan điểm, hay bất cứ một thành phần nào. Những con người con gặp gỡ chưa phổ quát bằng gia phả mà Chúa đã chấp nhận để sinh ra. Vì vậy, xin cho con biết cộng tác với ơn cứu độ của Chúa bằng chính cuộc đời của con, dù còn nhiều yếu đuối thấp hèn, khuyết điểm, tội lỗi, nhưng trên hết con còn có tình yêu. 

THỨ BẢY – 18/12

Tin Mừng: Mt 1, 18-24

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Suy niệm:

Nhân vật kế tiếp trong giai đoạn hai của Mùa Vọng mà Lời Chúa muốn giới thiệu với chúng ta là Giuse, người được Thiên Chúa chọn để cho Ngôi Hai Thiên Chúa danh phận chính thức của một con người, dù ông chỉ là cha nuôi của Đấng Cứu Thế.

Giuse được Matthêu gọi là người công chính vì lý do không muốn tố cáo Maria trong câu chuyện thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần để đầy huyền bí dù cô đã đính hôn với Giuse. Nếu tố cáo thì Maria sẽ phải đối diện với hình phạt ném đá cho đến chết.

Sự công chính của ông được diễn tả ở đây là người luôn muốn điều tốt cho người khác, vì lúc đó ông chưa biết ý định của Chúa dành cho Đức Maria.

Quả thật, Thiên Chúa đã chọn cho Con của Ngài một người cha luôn muốn điều tốt cho người khác, để từ đó định hình cho nhân cách con người của Đức Giêsu qua sự giáo dục của người cha Giuse, một con người luôn muốn điều tốt cho người khác.

Dù cuộc sống của chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, nhưng điều làm cho chúng ta được tỏa rạng chính là việc luôn muốn điều tốt cho người khác, dù họ có như thế nào đi chăng nữa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con luôn noi gương thánh Giuse để âm thầm giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Khi có những việc khiến con không thể tiếp tục, thì cũng biết bắt chước Giuse để vẫn mong muốn điều tốt cho người khác.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here