Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 25 | Năm B

Chúa Nhật
Đồng sàng, dị mộng

Lời Chúa: Mc 9, 29-36

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Suy Niệm:

Trong khi Thầy Giêsu rao giảng về việc “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người”, thì các môn đệ lại “tranh luận xem ai là người lớn nhất”. Họ “đồng sàng dị mộng”, cùng đi chung một con đường, nhưng lại không chung đích đến.

Phương thế Đức Giêsu dành để cứu độ nhân loại là thập giá, còn việc các môn đệ hướng đến lại là vinh quang, quyền lực theo kiểu con người. Họ “đồng sàng dị mộng” với Đức Giêsu.

Tuy nhiên cũng dễ hiểu thôi, vì chân lý của Đức Giêsu rao giảng còn mới mẻ và hoàn toàn xa lạ không chỉ với các môn đệ, mà còn với mọi người; hơn nữa các ông lại “sợ không dám hỏi Người’, nên các ông cứ sống trong vô tri. Chỉ khi nào các ông chấp nhận giới hạn của mình và dám mở lòng, mở trí, mở tâm để tìm hiểu thì các ông mới biết được đường lối của Thiên Chúa.

“Đồng sàng dị mộng” cũng có nghĩa là việc Kitô hữu ngày nay không sống đúng với đường lối của Chúa do thiếu hiểu biết hoặc do những lợi ích riêng tư.

Thiếu hiểu biết khi không chịu tìm hiểu về Giáo lý, Thánh kinh và những giáo huấn của Hội thánh; Trong khi thích và dường như đam mê những giáo huấn trần tục như phim ảnh nhảm nhí, những cuộc tranh luận vô bổ trên mạng xã hội…

Những lợi ích riêng tư như tiền bạc, chức quyền, đam mê… chính những điều đó khiến cho người môn đệ Chúa phớt lờ những giáo huấn của Chúa dù họ dư hiểu biết.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, bước theo Chúa là phải đi theo con đường Ngài đã đi một cách sát gót. Xin cho con biết dõi theo chân Ngài dù đôi khi phải dẫm lên gai, phải bường mình trong lầy lội… nhưng đó là con đường đi về cõi sống; còn những con đường khác dù trãi thảm, dù hoa thơ cỏ lạ, nhưng tất cả chỉ là lường gạt để con rơi vào chỗ diệt vong. Amen.

Thứ Hai
Ánh sáng yêu thương không bao giờ che khuất

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”.

Suy niệm

Đời sống người môn đệ Đức Giêsu phải tỏa rạng như ánh đèn. Trước hết bởi vì họ đã được ánh sáng của Đức Giêsu soi dẫn để bước ra khỏi bóng đêm tội lỗi; kế đến vì Tin Mừng không thể giữ riêng cho mình mà phải được loan báo. Vì vậy những ai bước đi theo Đức Giêsu, việc trở thành ánh sáng không phải là một lời mời gọi, mà là một đòi buộc, vì nếu không thì họ chẳng khác gì “con cái thế gian”.

Môn đệ Đức Giêsu đã được kéo ra khỏi bóng đêm nhờ sự chết và Phục Sinh của Ngài. Ánh sáng ân phúc đã được thắp lên trên chính cuộc đời của họ, nhưng họ phải biết gìn giữ, bảo vệ và khơi lên ánh sáng đó để mỗi ngày mỗi bùng lên.

Ánh sáng của người môn đệ chính là sự thánh thiện được thể hiên qua đời sống bác ái, yêu thương, phục vụ vô vị lợi.  Hình ảnh ngọn nến được thắp lên, ánh sáng được soi tỏa cho nhiều người, nhưng chính ngọn nến phải chịu hao mòn, cho đến tận cùng là khi ngọn nến đã tiêu hao tất cả, lúc đó ánh sáng mới không con nữa. Người môn đệ Chúa phải là ánh sáng cho đến chết.

Có những người “lấy thùng úp lên ngọn nến” thể hiện một đời sống ích kỷ, muốn giữ cho riêng mình, hoặc phục vụ mà phải có điều kiện…  Ánh sáng đó dù có mạnh đến đâu, có sáng như thế nào thì cũng chẳng ích gì vì chỉ giữ riêng cho nó và còn có nguy cơ gây hại khi ngọn nến bị “úp lên”, bị gò bò trong một phạm vi nhỏ hẹp.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con biết nghe lời Chúa dạy để ý thức rằng đời sống đức tin của chúng con chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự có ánh sáng; và ánh sáng đó phải mang lại lợi ích cho người khác, cho cuộc đời, chứ không phải giữ riêng cho mình.  Xin cho con chấp nhận hao mòn qua việc hy sinh phục vụ, nhất là những người gặp khó khăn vì dịch bệnh trong lúc này. Amen.

Thứ Ba – 21/09: Thánh Matthêu
Năng lực giải phóng

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

Suy Niệm:

“Một người ngồi ở bàn thu thuế”.  Nghề thu thuế theo quan niệm thời bấy giờ là nghề tội lỗi, và người thu thuế cũng mang mặc cảm mình tội lỗi. Ông Matthêu ngồi “ở bàn thu thuế” ám chỉ ông đã “chai lì” trong tình trạng tội lỗi. Ông đã vô cảm với nhiều thứ kể cả tội lỗi vì nhiều thứ đó trở thành áp lực cho ông. Bản thân ông cũng muốn ‘đứng lên”, rời khỏi chiếc bàn thu thuế đó nhưng có nhiều vấn đề khiến ông phải “ngồi ở bàn thu thuế” tận cho đến bây giờ.

Thế nhưng chỉ cần như vô tình “Chúa Giêsu đi ngang qua”, Ngài đã làm cho tình thế thay đổi, đã khiến cho Matthêu “đứng dậy”, và hơn thế nữa còn “đi theo Người”; đặc biệt đã “đồng bàn” với Đức Giêsu. Hành động này là một vinh dự cho ông, nhưng lại trở thành cớ cho những cuộc tấn công vào Đức Giêsu.

Một khi muốn nâng người khác lên thì phải chấp nhận đau thương. Tình yêu giải phóng là như thế. Không có sự giải phóng nào mà không đánh đổi: mồ hôi, nước mắt, công sức, máu, thậm chí cả mạng sống… Nhưng đó mới là tình yêu chân thật.

Đức Giêsu đã giải phóng Matthêu để mở ra chân trời mới cho ông, để ông không còn sống trong tội lỗi và mặc cảm với tội lỗi, nhưng sẽ trở thành một con người mới, con người có ích cho xã hội, cho người khác, nhất là có ích cho Nước Trời.

Đức Giêsu có một năng lực giải phóng. Năng lực đó không phải là một sức mạnh khủng khiếp như súng đạn, nhưng là một sự mềm mại để hạ mình xuống, giả bộ đi ngang qua, lên tiếng bắt chuyện… Năng lực đó vượt qua rào cản của dư luận, nhất là của những người lãnh đạo tôn giáo để sẵn sàng đến nhà của người tội lỗi, và chấp nhận “đồng bàn” với họ.

Chính năng lực của Đức Giêsu đã làm cho không chỉ Matthêu mà còn cả “một đám” những người tội lỗi tìm thấy chân trời mới. Nhưng cũng chính thái độ của Đức Giêus đã làm cho một số người đi vào ngõ cụt, đó là những người tự cao, tự mãn, luôn cho mình là người công chính và đứng ở trên để xét đoán.

Đức Giêsu đã nói rõ ràng: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Vì thế khi ta tự liệt kê mình vào hạng người công chính, thì ơn cứu độ không thể đến với ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã đi ngang qua cuộc đời con, làm cho con có một năng lực để trỗi dậy, bắt đầu cho một hành trình mới.  Xin cho con luôn khiêm tốn để đón nhận ơn cứu độ của Chúa, và để nâng đỡ nhau cùng trỗi dậy trong cuộc đời đầy sóng gió này. Amen.

Thứ Tư
Hành trang… là không hành trang

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Suy niệm:

“Khi đi đàng, các con đừng mang theo gì cả”.

Đây là thái độ khôn ngoan của người môn đệ Đức Giêsu. Vì nếu người môn đệ bị vướng bận bởi những sự thế gian, thì họ không bao giờ lo chu toàn bổn phận mình được trao; hoặc nếu có thì cũng chỉ để tìm kiếm những giá trị của thế gian.

Hành trang của người môn đệ là niềm tin vào Thiên Chúa là Cha quan phòng, và trái tim yêu thương cùng nhịp đập với Thầy Giêsu để chỉ lo kiếm tìm hạnh phúc cho người khác; từ đó hướng họ đến hạnh phúc đích thực, hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.

Với niềm tin, sự tín thác và trái tim yêu thương, người môn đệ không ngại khó, không sợ thiếu và không lo trước nghịch cảnh. Họ ung dung bước đi với tất cả những gì Chúa muốn, Chúa trao, và Chúa thực hiện.

Người môn đệ phải hoàn toàn phó thác để họ ý thức Thầy Giêsu, người đã sai mình mới là chủ nhân đích thực của mình.

Ngày hôm nay, cũng vì những giá trị vật chất, cơm áo gạo tiền mà nhiều Kitô hữu đã quên đi con đường về trời của mình, đã làm cho mình bị nặng nề bởi những sự thế gian.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con ý thức mọi sự thuộc về thế gian này rồi sẽ qua đi, để con biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu. Một trong những giá trị đó chính là cộng tác với Chúa để đem tình yêu thương đến trong thế gian này, nhất là môi trường con đang hiện diện.

Thứ Năm
Gặp Chúa để làm gì?

Phúc Âm: Lc 9, 7-9

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.

Suy niệm :

« Và vua tìm cách gặp Người »

Có những lúc chúng con tìm gặp Chúa vì lý do tốt: để tâm sự, chia sẻ với Chúa mọi buồn vui của cuộc đời ; hay đơn giản là tâm tình của người con an tâm, hạnh phúc khi được kề bên cha mẹ chúng…

Nhưng cũng có khi chúng con tìm gặp Chúa vì lý do xấu : để kêu trách Chúa, để thách thức Chúa phải làm cho con việc này, việc kia; thậm chí tìm đến để quả quyết từ nay không còn cần đến Chúa nữa…

Hiện tại con có muốn tìm gặp Chúa không ? và con muốn tìm gặp Chúa vì lý do gì ?

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, có những lúc trong cuộc đời con sống mà không cần đến Chúa, để được ở trong tự do của đam mê xấu. Có những lúc con cần Chúa nhưng đơn giản như một ông thần tài, ban cho con những điều con cần. Xin cho con biết tìm đến Chúa bởi vì đơn giản Chúa thương con.

Thứ Sáu
Với tôi, Đức Giêsu là ai?

Tin mừng: Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Suy Niệm:

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai? Trả lời được câu hỏi này là trả lời được cho cùng đích đời kitô hữu.

Đức Giêsu là ai trong cuộc đời tôi? Ngài là một vĩ nhân, một con người nổi tiếng?

Đức Giêsu là ai trong cuộc đời tôi? Ngài như một vị thần để cần gì cứ đến xin?

Đức Giêsu là ai trong cuộc đời tôi? Ngài là một thứ thuộc phiện để mị dân. Ngài không có thật?

Mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình, và chính câu trả lời sẽ định hình tích cách của người đó.

Nếu Đức Giêsu chỉ là một người nổi tiếng thì tôi hâm mộ Ngài và tìm đọc những tác phẩm viết về Ngài để nâng cao kiến thức và biết đâu tìm được những câu nói hay của Ngài để tôi suy tư.

Nếu Đức Giêsu chỉ như một ông thần thì trong cuộc đời tôi sẽ có nhiều thần mình lắm, để ai “linh” hơn tôi sẽ tìm đến. Cuộc đời tôi sẽ là mớ lộn xộn trong cuộc chiến giữa các thần minh.

Nếu Giêsu chỉ như thuốc phiện để gây mê, nghĩa là Ngài không có thật thì tôi mặc tình sống theo sự phóng túng của con người, sống theo lợi ích của cá nhân, của phe nhóm vì không có ai để tôi phải sợ…

Vậy Đức Giêsu quả thật là ai? Chính Ngài đã nói với chúng ta sự thật về Ngài “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Đức Giêsu là Đấng cứu độ ta bằng con đường thập giá. Không có Đức Giêsu vinh quang nếu không có Đức Giêsu vác thập giá. Vì vậy nếu chỉ tìm vinh quang, tìm sung sướng theo kiểu thế gian mà không chấp nhận đau khổ, thập giá trong cuộc đời thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ chẳng có hạnh phúc.

Hạnh phúc thật sự sẽ được dệt kết trong mồ hôi nước mắt, trong những hy sinh quên mình, trong những âm thầm phục vụ… nhưng phải được thực hiện trong tình yêu; vì trong tình yêu một cách vô hình chính là sự hiện diện của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm một Đức Kitô nào khác ngoài Đức Kitô vác thập giá để khi biết liên kết với thập giá Đức Kitô con sẽ làm cho cuộc đời mình được hạnh phúc, vì thập giá chỉ nở hoa khi có tình yêu tưới gội. Amen.

Thứ Bảy
Một Đức Kitô chịu đóng đinh

Lời Chúa: Lc 9, 44b-45

Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Suy niệm:

Trong khi con người thán phục trước những việc Đức Giêsu đã làm, thì Đức Giêsu muốn cho các môn đệ của mình phải biết sự thật về Đấng Kitô: “Con người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”, để họ khỏi tìm kiếm một Đức Kitô vinh quang, một Đức Kitô được thán phục, mà phải là một Đức Kitô chịu đóng đinh.

Trong đời sống thường ngày, không ai dại dột đi tìm cho mình những chuyện trái ý, những điều không vừa lòng, nhưng những việc đó cũng sẽ xảy ra như là chuyện đương nhiên của cuộc sống. Vì vậy người môn đệ phải chuẩn bị để đón nhận tất cả.

Ai đó đã nói: nếu đi tìm một Đức Kitô không thập giá, thì sẽ gặp một thập giá mà không có Đức Kitô. Những đau khổ trong cuộc sống của chúng ta đã được Đức Kitô chia sẻ một cách trọn vẹn trong cuộc khổ nạn của Ngài, vì vậy, khi gặp những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, thì chỉ một mình Đức Kitô mới chia sẻ với chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here