Tuesday, October 15, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 23 | Năm B

TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN NĂM B


CHÚA NHẬT:
BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI MỆT

Tin Mừng: Mc 7,31-37
Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.

Suy Niệm:
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là hình ảnh đôi chân không mệt mỏi của Đức Giêsu: “bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”. Đôi chân ấy rảo quanh khắp các nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, từ nơi Đền Thờ đến vùng ngoại giáo…
Đôi chân ấy rảo bước khắp nơi để làm gì? Đoạn Tin Mừng hôm nay minh chứng cho ta biết đôi chân ấy ra đi là để “chữa lành” và “mở ra”.
Và đó chính là Tin Mừng của Đức Giêsu. Ngài đến thế gian này là để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nhất là bệnh tật trong tâm hồn. Những con người cô đơn, mệt mỏi, chán nản, thất vọng; những con người đang lún sâu trong tội lỗi, trong cách sống ích kỷ, hận thù, ghen ghét… Tất cả được Ngài chứa lành bằng cách “đụng chạm” đến họ, hoặc nếu không thì qua cái chết sinh ơn cứu độ của Ngài.
Ngoài việc chữa lành, Đức Giêsu còn đến để “mở ra” cho nhân vật Tin mừng hôm nay nghe được, nói được và chắc chắn anh sẽ nhìn thấy được một giá trị mới, giá trị mang lại niềm vui, hạnh phúc cho anh.
Đôi chân của Đức Giêsu cũng đã rảo bước đến bên cuộc đời chúng ta để “chữa lành” và “mở ra” những giá trị mà chính bản thân chúng ta cảm nghiệm được, không chỉ một lần mà dường như từng ngày và mãi đến tận bây giờ, vì đôi chân ấy là đôi chân không biết mệt mỏi.
Đôi chân của Đức Giêsu vẫn bước đi trong hiện tại, và mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy bước theo ngay bây giờ. Đừng phân biệt tôn giáo, thành phần giai cấp, chính trị xã hội… nhưng hễ thấy những con người, những tâm hồn được chữa lành bằng nhiều hình thức khác nhau thì biết đôi chân Đức Giêsu đang ở đấy vì Ngài đang “chữa lành”; hễ thấy những con người nói lời tốt đẹp, loan truyền chân thiện mỹ thì biết bước chân Đức Giêsu đang ở đấy vì Ngài đang “mở ra”.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, dù xã hội Việt Nam chúng con đang bị “đóng lại” vì dịch bệnh, nhưng Chúa vẫn đang lên đường bằng chính những đôi chân không mệt mỏi của những người tuyến đầu chống dịch, của những tình nguyện viên, của những người thiện nguyện, và cả những lời cầu nguyện trong âm thầm nhưng hướng cả tâm hồn về khắp chốn. Xin cho những Kitô hữu là môn đệ của Chúa không biết mệt mỏi để hăng say lên đường bằng mọi cách để đem Tin Mừng chữa lành và giải thoát đến khắp mọi nơi. Amen.

THỨ HAI:
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT

Tin Mừng: Lc 6, 6-11
Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

Suy Niệm:
Người ta bệnh không lo chữa bệnh, lại lo rình xem người khác có giữ luật hay không, nhưng lại là thứ luật khắt khe mà họ cho là luật của Thiên Chúa.
Quả thật luật của Thiên Chúa là giữ ngày Sabat với mục đích tôn vinh những kỳ công của Thiên Chúa đã dành cho vũ trụ và nhân loại. Chính vì thế mọi hành động tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Sabat là được phép và phải làm.
Thế nhưng những người Biệt Phái và Pharisêu lại nhìn luật ngày Sabat ở khía cạnh khác, đó là khía cạnh cấm cản và không được phép làm, để dựa vào đó bắt bẻ người khác. Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, họ lại muốn tôn vinh bản thân mình qua việc dò xét và bắt bẻ người khác, một hình thức cho mình đứng trên lề luật.
“Thiên Chúa là Tình Yêu”, vì vậy lề luật của Ngài cũng phải là tình yêu để những ai sống trong lề luật để cảm thấy mình được yêu thương trọn vẹn. Đó là ý nghĩa của ngày Sabat, ngày Chúa lập nên để con người được hạnh phúc.
Hành động của Đức Giêsu trong ngày Sabat là để làm cho người bại tay được lành. Điều đó mang lại niềm vui, hạnh phúc cho anh ta, thì đó là điều được làm và đáng làm.
Trong khi suy nghĩ của những người Biệt Phái và Pharisêu là không được phép làm việc trong ngày Sabat, mặc kệ người ta sống trong ràng buộc của bệnh tật và đau khổ. Luật của Thiên Chúa đâu muốn giam hãm con người như vậy!
“Yêu thương là chu toàn lề luật”. Khi ta biết yêu thương mọi người để làm cho cuộc đời này nên đẹp bằng chính những hành động cụ thể dù rất nhỏ của chúng ta, thì dường như lúc đó ta không màng đến lề luật; không phải là sự phớt lờ lề luật, nhưng lề luật đã trở thành tình yêu để ta chỉ lo sống cho tình yêu và làm lan tỏa tình yêu.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ có thái độ xét đoán người khác, nhất là khi cho rằng mình hiểu biết và có quyền như thế. Chỉ có Chúa mới có quyền trên mọi sự, nhưng mọi sự nơi Chúa lại là tình yêu để con luôn cảm thấy mình được yêu thương chứ không phải bị ngột ngạt, gò bó. Xin cho con yêu thương chân thành để làm lan toàn tình yêu đến mọi nơi.

THỨ BA:
“CON LÀ CỦA RIÊNG TA”

Tin Mừng: Lc 6,12-19
Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. Ðó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
Ðức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Suy Niệm:
Mỗi con người là một huyền nhiệm riêng biệt trong cái nhìn của Chúa. Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện hầu chọn 12 Tông đồ là những người sẽ chung vai sát cánh với Ngài trên bước đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho thấy mỗi người là một cá vị trong cái nhìn của Chúa.
Nhưng cái nhìn này cũng rất mầu nhiệm vì 12 Tông đồ không phải là những con người xuất sắc, nhưng rất bình thường, thậm chí tầm thường và có nhiều khiếm khuyết trong cái nhìn của người đời. Ấy vậy mà Đức Giêsu lại chọn họ làm nền tảng xây dựng Hội thánh của Ngài ở trần gian.
Dù người đời có nhìn như thế nào đi chăng nữa, thì các Tông đồ vẫn mãi mãi là những người được Ngài yêu thương, tin tưởng và chọn gọi. Ngài nhìn họ bằng một tình yêu và hy vọng. Những ai sống trong tình yêu để dấn thân cho huyền nhiệm của tình yêu đó thì chắc chắn họ sẽ là tương lai tốt đẹp cho niềm hy vọng của Thiên Chúa, bằng ngược lại họ sẽ làm cho niềm hy vọng của Ngài trở nên vô hiệu.
Chắc chắn trong khi cầu nguyện, khuôn mặt của Giuđa cũng hiện lên như khuôn mặt Simon Phêrô, Gioan và các môn đệ khác. Tất cả họ đều có cái đáng yêu riêng trong cái nhìn đầy yêu thương của Chúa; và chắc chắn Ngài cũng biết khuyết điểm riêng của từng người, nhưng Ngài vẫn tôn trọng và chờ đợi họ trong tương lai.
Mỗi người là một cá vị trong tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa, vì theo sinh học không ai giống nhau dù thế giới có hàng tỉ người. Họ là riêng tư trong hồng ân cứu độ vì Thiên Chúa có cách cứu độ của Ngài cho từng người. Họ là từng người một trong tác động của Thánh Thần, vì Thánh Thần “thổi” mỗi người một cách khác nhau.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm để sống tình yêu riêng tư với Ngài, vì Ngài đã nói với con : “Con là của riêng ta”. Đừng để con phân bì với những may mắn của người khác, hoặc tự cao với những khả năng Chúa ban, vì mỗi người đều có chương trình của riêng Chúa dành cho họ. Hãy sống và làm lan tỏa nét đẹp của Chúa nơi chính bản thân mình bằng tất cả những gì Chúa trao. Amen.

THỨ TƯ : 08.09.2021 – SINH NHẬT ĐỨC MARIA –
KHI ĐỜI TA CÓ CHÚA

Tin Mừng: Mt 1, 1-16.18-23
Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Suy Niệm:
Tại sao ngày sinh nhật của Đức Maria, Lời Chúa cho chúng ta gia phả của Chúa Giêsu? Thưa vì cả Đức Maria và Chúa Giêsu đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại.
Ngày sinh của Mẹ cũng sẽ bình thường như bao nhiêu thiếu nữ khác nếu ngày sinh đó không được tiếp nối bởi việc “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô”; nghĩa là ngày sinh nhật của Mẹ vĩ đại vì Mẹ đã được diễm phúc sinh ra Đấng Cứu Thế.
Nhờ việc đón nhận lời truyền tin, cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu, và nhất là cùng bước đi trên con đường khổ nạn của Con Mẹ mà cả cuộc đời của Mẹ được Giáo hội tôn vinh, trong đó có ngày sinh của Mẹ.
Từ nơi Mẹ chúng ta nhận ra một con đường để trở nên vĩ đại. Đó không phải do học thức vì Mẹ là một thiếu nữ nhà quê, đó không phải do địa vị vì Mẹ chỉ là một phụ nữ sống trong xã hội còn nhiều định kiến, đó không phải do giàu sang vì gia đình của Mẹ là một gia đình đơn sơ thậm chí nghèo khó… nhưng Mẹ vĩ đại vì cuộc đời của Mẹ gắn liền với cuộc đời của Đấng Cứu Thế.
Con đường để trở nên vĩ đại là bước vào cuộc đời của Đức Giêsu như Đức Maria. Khi ta bước vào cuộc đời của Đức Giêsu là ta liên lụy đến mọi thứ thuộc về Ngài: cách sống của Ngài, con đường khổ nạn của Ngài, và dĩ nhiên cũng sẽ là vinh quang của Ngài.
Những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay mời gọi ta hãy cùng sống với Đức Giêsu, nghĩa là làm cho ta dính líu đến cuộc đời của Ngài, nhất là trên con đường thập giá và trong cuộc khổ nạn, để rồi chắc chắn ta cũng sẽ được vinh quang Phục sinh với Ngài.
Những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay mời gọi ta hãy cùng sống với Đức Giêsu trên con đường phục vụ. Ngài đã rảo bước khắp nơi để chữa lành những người đau ốm, an ủi kẻ ưu phiền, cho kẻ đói ăn… Hình ảnh của Ngài nơi những nhân viên y tế đang ngày đêm lo cho người nhiễm bệnh. Hình ảnh Ngài cũng được thấy rõ nơi những con người vất vả để chia sẻ những miếng cơm manh áo cho những người đói khổ trong lúc này. Hình ảnh của Ngài cũng được phát họa qua những ai đang cố gắng an ủi, động viên, khích lệ những người đang đau khổ, mệt mỏi, chán chường vì cơn dịch bệnh này…

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho con người Mẹ vĩ đại vì đã sống trọn vẹn con đường của Chúa. Từ đó mở ra con đường để chúng con nên vĩ đại, đó là con đường gắn bó với Đức Giêsu. Xin cho chúng con dù bất cứ cảnh ngộ nào cũng có thể liên kết với Đức Giêsu: khi vui, khi thương, khi mừng, và nhất là khi sáng danh.

THỨ NĂM:
ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI

Tin Mừng : Lc 6, 27-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Suy Niệm:
Giáo huấn xem ra nghịch lý của Đức Giêsu nói lên sự thật về Thiên Chúa của chúng ta: “Cha các con là Ðấng nhân từ”. Chỉ có sự nhân từ của Thiên Chúa mới có thể làm được những việc mà với tính cách tự nhiên con người không thể làm được : “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.”…
Thiên Chúa là Đấng Thánh, nơi Ngài tự bản chất có sự nhân từ, vì vậy Ngài sẵn sàng yêu thương tha thứ với hết mọi người, dù họ có là người xấu. Điều đó được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.
Sự thật về Thiên Chúa là thế. Còn con người chúng ta vốn yếu đuối mỏng giòn, nhưng đã được ánh sáng của Đức Giêsu soi dẫn, nên chúng ta đang tiến về miền ánh sáng để chiêm ngắm, học hỏi và bắt chước cung cách của Đức Giêsu, là cung cách của Thiên Chúa nhân từ. Ai bắt chước được nhiều thì nên giống Đức Giêsu hơn.
Chính vì thế, lời dạy của Đức Giêsu hôm nay không phải là nghịch lý, nhưng chính là lý tưởng để chúng ta tiến đến. Điều quan trọng là tập yêu thương ngay từ bây giờ và mỗi ngày thêm một chút để hy vọng đến cuối cuộc đời chúng ta càng trở nên giống Chúa nhiều hơn.

Cầu Nguyện:
Lạy Thiên Chúa là Đấng Thánh. Sự thánh thiện của Ngài không làm con xa cách Chúa nhưng để con cố gắng mỗi ngày trở nên giống Chúa là vẻ đẹp vĩnh cửu của cuộc đời con. Xin cho con tập sống yêu thương hết mình dù con còn nhiều ích kỷ nhỏ nhen chỉ yêu chính mình. Xin cho con biết tha thứ bỏ qua những điều trái ý dù bản thân con còn nhiều tham sân si…Và quan trọng nhất, xin cho con luôn hướng về Chúa là Đấng Thánh.

THỨ SÁU:
CHỈ MONG LÀM BẠN ĐỒNG HÀNH

Tin Mừng: Lc 6, 39-42
Khi ấy, Đức Giêsu kể cho môn đệ nghe dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn Thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng Thầy mà thôi.  Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Suy Niệm:
Giáo huấn của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay là chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng dẫn đường sáng suốt vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”; chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng có quyền phán xét vì mọi sự đều bởi Ngài mà ra.
Vì thế là con người với nhau chúng ta không được lên mặt dạy đời, không được muốn “làm thầy thiên hạ” vì chúng ta đều là những người “mù” như nhau, không khéo cả 2 đều rơi “xuống hố”; cũng không được tài khôn sửa dạy người khác vì chính bản thân chúng ta cũng đầy chuyện xấu.
Như vậy chẳng lẽ chúng ta làm ngơ? chúng ta “mạnh ai nấy sống”? Thưa không phải thế, Đức Giêsu dạy chúng ta phải biết yêu thương nâng đỡ lẫn nhau. Không phải dẫn đường nhưng là người đồng hành, cùng đi; không phải dạy dỗ theo kiểu kẻ cả, nhưng là chân thành góp ý với mong muốn người khác tốt hơn.
Giáo huấn của Đức Giêsu luôn là tình yêu của Ngài gửi đến mỗi chúng ta để nhận biết rõ ràng hơn về Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa là Thầy thực sự nhưng Ngài lại sai Con của Ngài để làm gương trước cho chúng ta về những gì Ngài chỉ dạy. Thiên Chúa có quyền phán xét nhưng Ngài lại chậm bất bình và giàu lòng nhân ái.
Từ giáo huấn của Đức Giêsu cho chúng ta cách sống khiêm tốn như cung cách của Con Thiên Chúa làm người để không bao giờ nghĩ mình là người dẫn lối, là người phán xét, nhưng trước hết là người được Chúa yêu thương để yêu thương lại mọi người; chỉ cầu mong được cùng nhau đồng hành, cùng nhau vượt qua những gian khổ, thách thức của cuộc đời.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã khiêm tốn rửa chân cho các môn đệ, đã mang vào mình cuộc thương khó và cái chết đau thương trên thập giá. Xin cho chúng con biết khiêm nhường để sống với nhau hầu thông cảm, tha thứ và nâng đỡ nhau. Amen.

THỨ BẢY:
CÂY NÀO, TRÁI ẤY


Tin Mừng: Lc 6,43-49
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.
“Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy?
“Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.

Suy Niệm:
Môn đệ của Đức Giêsu phải được chứng minh bằng hành động qua chính cách sống của mình. Không thể nào nói tôi là môn đệ Đức Giêsu trong khi cách sống của tôi lại đi ngược với Tin Mừng; như “Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho”. Cách sống của chúng ta sẽ cho biết chúng ta là ai.
Là con cái Chúa mà tôi không có niềm tin vào Chúa, lại tin tưởng vào những thế lực khác dẫn đến hành động của tôi y như người ngoại giáo: mê tín dị đoan, cúng bái khắp tứ phương thiên hạ, nghe theo lời thầy bói…
Là môn đệ Đức Giêsu mà tôi lại không sống theo Tin Mừng, đôi khi còn mang tin buồn cho người khác bằng việc chẳng có yêu thương, chẳng hề phục vụ; ngược lại còn ganh ghét, hận thù, làm hại người khác.
Miệng lưỡi “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” của chúng ta phải phát xuất từ niềm tin chân thành để nhìn nhận Chúa là chủ tể cuộc đời mình.
Hành động trong đời sống chúng ta phải thấm nhuấn Tin Mừng của Đức Giêsu để luôn sống khiêm nhường, yêu thương, phục vụ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, đời sống đức tin của chúng con chỉ có thể trổ sinh hoa trái tốt khi chúng con thực sự tin tưởng vào Chúa. Khi đã có niềm tin thì tự khắc chúng con sẽ cố gắng để thực hành những điều Chúa dạy. Vì thế xin Chúa cho chúng con mỗi ngày biết chạy đến van xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here