Tuesday, December 24, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 2 | Mùa Thường niên | Năm C

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II THƯỜNG NIÊN NĂM C

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 2, 1-12

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.    

SUY NIỆM:

Trong niềm vui bỗng xuất hiện sự lo lắng. Vui vì đám cưới, lo lắng vì tiệc cưới mà hết rượu thì làm sao niềm vui được trọn vẹn?!

Mẹ Maria là người đầu tiên khám phá ra sự lo lắng này vì Mẹ là người tinh ý, tế nhị, biết quan tâm, biết quan sát.

Trong hoàn cảnh này Mẹ chỉ biết trình bày cho Con của Mẹ; và dù Chúa Giêsu có thản nhiên trước sự lo lắng này, nhưng Mẹ tin chắc Ngài sẽ can thiệp nên mới căn dặn gia nhân: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”.

Tiệc cưới Cana là hình ảnh cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Vui buồn lẫn lộn, những thăng trầm, thành bại cứ pha trộn lẫn nhau…

Trong mọi hoàn cảnh, hãy bắt chước Mẹ Maria để trình bày với Chúa Giêsu. Cứ trình bày, nhưng chắc chắn Chúa có chương trình của Chúa. Trình bày trong sự tin tưởng Chúa sẽ can thiệp theo cách thức của Ngài.

Sự “trình bày” trong cuộc sống chính là mối tương quan giữa ta với một đối tượng khác. Đôi khi chỉ là một lời hỏi thăm, một sự động viên, khích lệ, một chia sẻ ưu tư, tâm tình… Chúng ta đã mạnh dạn trình bày với Chúa tất cả chưa?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con sống mối tương quan thân tình với Chúa như Mẹ Maria đã từng sống và thể hiện tại tiệc cưới Cana. Dẫu biết rằng Chúa biết tất cả trước khi con biết, nhưng đức tin đòi con phải có thái độ cần đến Chúa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Mc 2, 18-22 

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

SUY NIỆM:

Không nói chuyện đúng sai trong việc ăn chay, chỉ nhìn đến thái độ lên án người khác của môn đệ Gioan và các người biệt phái, đủ để ta suy gẫm về lối sống của người môn đệ Chúa Giêsu.

Ăn chay là một trong những thực hành tốt của mọi tôn giáo, và Do Thái giáo cũng vậy. Tuy nhiên có phải mọi người ăn chay đều tốt?

Mục đích chính của ăn chay là sự hy sinh hãm mình, làm chủ bản thân để hướng đến việc bác ái, sẻ chia.

Nhưng có một số người đã xem việc ăn chay của họ là để chứng tỏ mình đạo đức; còn tệ hơn khi họ cho những người không làm giống họ là thiếu đạo đức. 

Đời sống Kitô hữu là mối tương quan bác ái đối với mọi đối tượng. Bác ái với Chúa, không phải là ta làm điều tốt cho Ngài, nhưng là ta làm mọi sự vì Chúa thương ta. Bác ái với mọi người vì mỗi người là một cá vị riêng biệt. Đừng lấy những gì thuộc về ta mà trùm lên người khác.

Một người đạo đức thực sự là một người không bao giờ tự hào, tự mãn về những việc mình làm; và càng không dùng tiêu chuẩn đạo đức của mình để quy chụp người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con không hiểu hết đường lối của Chúa. Con chỉ xin cho mình khiêm tốn trong mọi sự, bác ái với mọi người và chân thành trong mọi việc.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 2, 23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

SUY NIỆM:

Cùng đi trên một con đường nhưng có nhiều ngăn cách.

Ngăn cách do chướng ngại vật: đất đá, hố sâu, vật cản…

Ngăn cách do người đông chen nhau cản lối.

Ngăn cách do nhóm người gây rối loạn, khủng bố.

Nhưng…

Sợ nhất là ngăn cách do khoảng cách hẹp hòi của con tim.

Cùng đi nhưng không để tiến,

Đi chung chỉ để dè chừng, dò xét…

Đi chung chỉ để thừa cơ hội tấn công nhau.

Đi chung để gài bẫy, bắt bẻ nhau…

Tuy nhiên…

Trên mọi nẻo đường nếu có Chúa cùng đi, mọi ngăn cách sẽ bị phá vỡ,

Vì Chúa làm chủ tất cả.

Ngài nhìn biết, thấu hiểu và quyền năng để dọn dẹp mọi con đường,

Để sự hiệp hành trở nên thông thoáng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con cùng đi với Chúa và cùng bước với nhau.

Với Chúa để biết rõ mục đích của mọi bước đường.

Với nhau để mọi bước đường không đơn độc và lệch hướng.

Xin cho con biết nâng đỡ những bước chân mỏi mệt,

Và lắm lúc biết dừng lại với nhau để tiếp sức cho nhau.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mc 3, 1-6 

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.       

SUY NIỆM:

Người tốt không phải lúc nào cũng gặp may mắn, và người công chính không nhắm tìm thuận lợi trong cuộc đời, nhưng trong mọi sự thực hành thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật cho người ta, lẽ ra phải được tán dương, khen ngợi; ngược lại còn bị ghét, chống đối ra mặt và còn bị người ta tìm cách hãm hại.

Có nhiều lý do khiến con người trở nên nham hiểm như vậy, mà một trong những lý do chính yếu là sự ganh tị và cái nhìn cục bộ.

Ganh tị vì thấy người khác làm được điều tốt, được khen ngợi, có sức ảnh hưởng hơn mình… Cái nhìn cục bộ để không mở ra tầm nhìn rộng lớn, chỉ thấy những gì hạn hẹp và hợp với mình mà thôi.

Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả để thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài không bị ảnh hưởng bởi cái nhìn tung hô, tán thưởng của người đời; cũng không để cho sự ganh ghét, thù hằn cản bước chân Ngài.

Cũng thế, Kitô hữu sống đời đức tin không nhằm được khen ngợi và cũng không vì những lời nói vào nói ra làm cho mình bị nao lòng, chán nản mà từ bỏ. Kiên cường vươn lên, mạnh dạn tiến bước, cậy dựa vào ân sủng Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, có nhiều lúc con chán nản vì bị chỉ trích, chê bai, nói hành, nói xấu, thậm chí bị trù dập… Nhưng con nhớ lại Chúa cũng đã bị như vậy và hơn thế nữa, thì con là gì mà lại muốn mình hơn Chúa. Xin cho con sự can đảm dấn thân, nhất là luôn biết trông cậy vào Chúa.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mc 3, 7-12 

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.  

SUY NIỆM:

Một sự nhỏ bé bên cạnh sự vĩ đại. Sự nổi tiếng của Chúa Giêsu với một chiếc thuyền nhỏ. Thân phận ngôn sứ với tiếng nói con người. Con Thiên Chúa cần sự cộng tác của loài xác thịt…

Chính trong sự vĩ đại mới nhận ra giá trị của những điều hết sức nhỏ bé, tầm thường. Chính khi sự việc gì đó xảy ra mới biết đâu là điều quý giá.

Sự nhỏ bé của kiếp người được bao bọc chở che bởi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Con người vồn vã, đón tiếp nhau những khi mang lại lợi ích cho nhau. Nhưng khi hoạn nạn hoặc lúc bình thường thì chỉ một tin nhắn, một lời hỏi thăm cũng trở nên vĩ đại.

Mầu nhiệm Nhập thể giúp ta nhận ra giá trị cao quý của những điều hết sức bình thường, thậm chí rất nhỏ bé trong cuộc đời.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết trân quý những giá trị linh thánh mà Chúa đã dùng giá máu của Con Chúa mang lại cho con và toàn thế giới.

Xin cho con biết trân trọng những tình cảm chân thành, dù hết sức nhỏ bé của con người dành cho nhau, để luôn cần đến nhau như Chúa cần chiếc thuyền của các môn đệ để giảng dạy.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19 

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.   

SUY NIỆM:

Chúng ta hay nói ơn gọi là một mầu nhiệm, và quả thật đúng như vậy! Chúa muốn chọn gọi ai là tự do trong cái nhìn quan phòng của Chúa.

Mọi bậc sống đều xuất phát từ lời mời của Thiên Chúa. Nó là lời mời gọi yêu thương. Không chỉ riêng bậc sống nào mới là “Chúa yêu thương con cách đặc biệt”, mà Chúa đều yêu thương trọn vẹn trong mọi ơn gọi. Yêu thương cách đặc biệt là do cảm nhận riêng của mỗi người.

Một lời mời gọi chỉ có hiệu quả khi có tiếng hoặc hành động đáp trả: “dạ!”, “con đây!”, “và họ đến cùng Người”.

Trong mọi ơn gọi, mọi bậc sống đều là để “sống với Chúa”. Vì thế dù là ơn gọi tu trì, lập gia đình, sống độ thân; dù là làm gì, ở đâu, ra sao… thì điều quan trọng nhất là Kitô hữu có “sống với Chúa” hay không.

Cuộc sống của chúng ta dù có thành công rực rỡ, nhưng nếu không “sống với Chúa”, thì cũng chỉ là vô ích, vì những cái gọi là thành công đó sẽ qua đi. Ngược lại dù cuộc sống gặp toàn những thất bại, nhưng người ta luôn “sống với Chúa” thì chắc chắn họ sẽ được bình an và tìm được hạnh phúc đích thực của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con ý thức mình đã được Chúa gọi và đã đáp lời trong chính ơn gọi và bậc sống hiện tại của con, để con không so đo, hoặc “đứng núi này trông núi nọ”, mà lo sống trọn vẹn với bậc sống của mình, trước hết trong việc luôn có sự hiệp thông với Chúa là nguồn mạch của mọi bậc sống.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”.       

SUY NIỆM:

Người thì kéo đến vì sự nổi tiếng bởi những việc Ngài làm, kẻ thì nói Ngài bị mất trí…  Cùng một sự kiện, một con người nhưng có nhiều cái nhìn, đánh giá khác nhau. Điều quan trọng là đương sự biết mình làm ai, làm gì, và sống cho ai. Không để dư luận chi phối và lôi kéo.

Đôi khi sự điên dại của người đời chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Điên dại vì Chúa Giêsu đã sống hết mình với ơn gọi của Ngài, đến mức không có giờ ăn uống, nghỉ ngơi… Người đời cho như vậy là điên, là khùng. Với người đời, sống là phải biết nghĩ cho mình.

Như vậy điều làm cho Kitô khác với người đời là họ sống không chỉ cho mình, mà còn phải biết sống cho người khác. Sự quan tâm trước hết đến gia đình, sau nữa là những người lân cận,  mở rộng ra đến với những người nghèo khổ, bất hạnh.

Sự quan tâm đó chắc chắn sẽ làm cho anh chị em lương dân “lấy làm lạ”, sẽ làm cho một số người “đặt vấn đề”, và nhiều người “không thể hiểu nổi”… Khi sống trọn vẹn như vậy cho ơn gọi Kitô hữu của mình, là chúng ta đang trở nên giống Chúa Giêsu: “Mọi sự cho mọi người”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết sống trọn vẹn với Chúa và sứ mạng của mình. Xin cho con hết tình với Chúa và hết mình với mọi sự. Dù con sẽ mệt mỏi, mất mát, nhưng đổi lại, chắc chắn con sẽ có niềm vui trong tâm hồn.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here