Thursday, March 28, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN A

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.   

SUY NIỆM:

Bối cảnh hiện tại của các môn đệ về không gian: Những cửa nhà đóng kín ; về tâm trạng : Vì sợ người Do Thái.

Chúa Giêsu hiện đến giữa các ông dù cửa nhà đóng kín: Ngài phá vỡ sự khép kín ; Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ: Ngài làm cho các ông không còn sợ hãi.

Sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho các môn đệ là kết quả của những vết thương trên thân xác Ngài, thân xác đã Phục Sinh, để cho các môn đệ biết rằng Ngài đã chiến thắng tất cả, nên không còn lý do gì để sợ hãi.

Sự bình an đó hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh trao ban cho các môn đệ qua việc: “Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như vậy Thánh Thần mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ hôm nay là chính sự bình an; hay nói cách khác có bình an là có Thánh Thần, có Thánh Thần là có bình an.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự xuống tràn ngập tâm hồn chúng con, để chúng con can đảm vượt qua mọi sợ hãi trong đời sống hằng ngày vì tin rằng Chúa đã Phục Sinh.

THỨ HAI – Đức Maria, Mẹ Giáo Hội

LỜI CHÚA: Ga 19: 25-34

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

SUY NIỆM:

Trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã trao Gioan cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Gioan là hình ảnh của Giáo hội. Trong ý định thâm sâu, Chúa Giêsu muốn nói: “Thưa Mẹ, đây là Giáo hội của Mẹ“.

Quả thật, Đức Maria đã yêu mến Chúa Giêsu thế nào thì Mẹ cũng yêu mến Giáo hội như thế, vì Giáo hội chính là thân thể có Chúa Giêsu là đầu.

Mẹ đã luôn hiện diện với các Tông đồ từ khi Chúa Giêsu về trời, thì Mẹ cũng sẽ hiện diện với Giáo hội cho đến ngày tận thế, và sau ngày tận thế chắc chắn Mẹ sẽ lại tiếp tục hiện diện với chúng ta trên Nước Trời.

Mẹ hiện diện với Hội thánh lữ hành để chuyển cầu cho Hội thánh: “Họ hết rượu rồi“. Và Mẹ cũng nói với Hội thánh: “Người bảo gì các con cứ việc làm theo“.

Có Mẹ là Mẹ, chắc chắn Hội thánh sẽ luôn được vòng tay yêu thương từ mẫu của Mẹ chở che để Hội thánh vui sống và loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu xin cho Hội thánh luôn bình an giữa sóng gió của cuộc đời hôm nay.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mc 10, 28-31 

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Chẳng ai từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng nương gấp trăm” (Mc 10, 29-30). Kitô hữu có thể bị thiệt thòi khi theo Chúa khi bị gia đình từ chối, khi bị anh chị em ngăn cản và khước từ, khi mất mát quyền lợi… nhưng đổi lại họ được gia nhập vào một gia đình rộng lớn hơn đó là Giáo Hội. Họ có thể mất tất cả mọi sự ở đời này, kể cả mạng sống mình, nhưng họ sẽ được hạnh phúc đích thực ở đời sau, họ sẽ có được sự sống muôn đời…

Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng đã nói thêm: “cùng với sự ngược đãi”. Rõ ràng Chúa Giêsu không cho chúng ta một con đường dễ dãi, một lời hứa giả dối với những tốt đẹp bên ngoài, mà Ngài thẳng thừng để nói đến con đường thập giá. Qua đó chúng ta thấy Kitô giáo không phải là thứ thuốc phiện để dụ dỗ người khác, không phải là mật ngọt làm chết ruồi. Muốn có được điều quý giá phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết rằng con đường theo Chúa không phải là một con đường trải thảm, nhưng đầy dẫy những chông gai; không phải toàn những điều thuận lợi tốt đẹp, nhưng còn có những trái ngang, nghịch lý… Biết được như vậy để con không sợ, mà càng phải phấn đấu nhiều hơn để vững vàng trên con đường theo Chúa.

THỨ TƯ – Đức Mẹ thăm bà Êlisabet

LỜI CHÚA: Lc 1, 39-56

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

“Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

SUY NIỆM:

Việc Đức Mẹ đi thăm bà Eelisabet không chỉ là một bài học bác ái về việc Mẹ đến giúp đỡ người chị họ mang thai trong lúc tuổi già. Thực sự ra với tư cách là vợ của ông thượng tế, lại mang thai một cách kỳ lạ thì có hàng khối người xếp hàng chờ được phục vụ cho bà Êlisabet, không cần đến Đức Maria.

Nhưng việc Đức Maria lặn lội đường xa hiểm trở đến thăm người chị họ của mình còn có ý nghĩa mong muốn được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ.

Quả thật không ai hiểu nỗi lòng của người đàn bà lớn tuổi mà chưa có con. Cũng chẳng ai hiểu được một cô trinh nữ mà mang thai, lại mang thai Đấng Cứu Thế. Chỉ có họ mới hiểu nhau, và chỉ có họ mới có thể san sẻ với nhau mà thôi. Chính vì vậy khi gặp nhau chẳng những hai người đàn bà này vui mừng, mà “Đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng”.

Thử hỏi Đức Maria làm gì trong khoảng thời gian 3 tháng với người chị họ mình? Điều chính yếu trong khoảng thời gian này là họ cùng nhau cảm nghiệm hồng ân Chúa ban, cùng nhau chia sẻ niềm vui lớn lao này. Cảm nghiệm của Mẹ được dệt kết trong bài ca nổi tiếng “Magnificat”. Cảm nghiệm của bà Êlisabet được thể hiện trong niềm vui khôn tả.

Mừng lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet là phải cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn tuôn đổ trên cuộc đời mình, và niềm vui này phải được lan tỏa cho những người xung quanh. Hành động bác ái không chỉ là làm điều này điều nọ cho người khác, mà còn là hiện diện bên cạnh trong mọi tình huống của cuộc đời, nhất là cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin Chúa cho con một quả tim thánh thiện, để tình yêu của con được vươn cao, bay đến mọi người.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mc 10, 46-52

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh”? Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

SUY NIỆM

Ánh sáng của Đức Kitô là rất cần thiết cho cặp mắt đức tin, cặp mắt tâm hồn của chúng ta. Vì nhờ ánh sáng này chúng ta sẽ thấy được thế giới linh thánh của Thiên Chúa, thấy được thực tại tội lỗi nơi bản thân mình, thấy được những quyến rũ bất chính và sự nguy hại cho mình.

Giống như anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay đã van xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhùng thấy được” (Mc 10, 51b). Anh ta đã khốn khổ trong sự mù tối. Anh ta muốn thoát khỏi đó.

Ánh sáng mà Đức Kitô ban cho anh mù chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Vì nhờ Lòng Thương Xót này mà anh mù được giải thoát khỏi bóng tối của thể xác, nhất là khỏi mặc cảm tội lỗi.

Cũng chính nhờ ánh sáng Lòng Thương Xót này mà chúng ta được đưa đến gần với tình yêu của Chúa hơn; nhờ Lòng Thương Xót này mà chúng ta được tha tháo gỡ khỏi những trói buộc của đam mê; nhờ Lòng Thương Xót này mà chúng ta có thêm sức mạnh để chiến đấu…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, xin xót thương con. Xin cho con thấy được tư cách cao cả của mình, để cố gắng sống sao cho xứng với tư cách đó. Xin cho con nhận thấy được những gì làm tổn hại đến tư cách cao cả mà Chúa đã ban cho con. Khi đã thấy rồi, xin cho con sức mạnh để dám dứt khoát từ bỏ.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mc 11, 11-26

(Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: “Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa”. Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: “Nào chẳng có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dận tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Ðiều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi”. Chúa Giêsu đáp: “Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: “Hãy dời đi và gieo mình xuống biển”, mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con”.

SUY NIỆM

Cuộc đời mỗi người là một ân ban của Thiên Chúa. Chúng ta làm cho ân ban đó trở nên hữu hiệu hay vô hiệu là do chúng ta “khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4, 10b).

Việc quản lý ân huệ của Thiên Chúa chính là sự khôn ngoan để tránh những gì nguy hiểm, và phát huy những gì tốt đẹp cho tòa nhà tâm hồn của chúng ta, để “khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4, 13b)

Hôm nay khi lên Đền Thờ Giêrusalem, Đức Giêsu đã: “Đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ” (Mc 11, 15-16). Đức Giêsu không chấp nhận hình ảnh ngổn ngang, hỗn độn trong Đền Thờ. Ngài không muốn Đền Thờ trở thành nơi mua bán lộn xộn. Ngài muốn “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc” (Mc 11, 17b).

Hành động của Đức Giêsu chính là gương mẫu cho việc “Khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”. Nếu để cho tâm hồn của mình ngổn ngang, lộn xộn, đầy dẫy những mưu toan, tính toán, tìm lợi ích riêng tư, thì ân huệ của Thiên Chúa không thể trổ sinh hoa trái trong cuộc đời chúng ta. Bằng ngươc lại, để cho tâm hồn của mình trầm lắng, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, thì qua đời sống của mình, người khác có thể nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa qua chính cách sống bình an, vui tươi, hạnh phúc.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, còn nhiều thứ ngổn ngang trong tâm hồn chúng con. Còn nhiều những đam mê bất chính đang lộn xộn trong con người chúng con. Xin Chúa hãy đến thanh tẩy để tâm hồn chúng con được trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ, hầu ơn Chúa có thể tác động để đời sống chúng con được trổ sinh hoa trái.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mc 11, 27-33

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?” Đức Giê-su đáp : “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !” Họ bàn với nhau : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói : ‘Do người ta’ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ : “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

SUY NIỆM

Đứng trước hành động thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem của Đức Giêsu, “Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến hỏi người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mc 11, 27b-28).

Việc làm của Đức Giêsu không chỉ xuất phát bởi quyền năng, Ngài là chủ Đền Thờ, mà còn xuất phát bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha, muốn nơi thờ phượng Thiên Chúa phải hoàn toàn trong sạch.

Để có thể giải thích cho họ về sự thật đó, Đức Giêsu đã đặt ra cho họ một câu hỏi: “Phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta?” ( Mc 11, 30).

Đứng trước câu hỏi này, họ đã tính toán rất kỹ lưỡng để vừa không đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu, vừa khỏi bị dân chúng chống đối. Thái độ an toàn của họ là: “Chúng tôi không biết” (Mc 11, 33).

“Không biết” ở đây là chúng tôi không muốn biết, chúng tôi để ngoài tai Lời Chân Lý để chúng tôi sống mãi trong sự sai lầm của mình.

Thái độ của họ cũng chính là thái độ của một số người chúng ta. Chúng ta được Lời Chúa, được người khác nhắc nhở cho những sai trái của mình, nhưng chúng ta không muốn sửa đổi, chúng ta cứ ở mãi trong những đam mê của mình. Vì vậy mà Đền Thờ tâm hồn của chúng ta không thể nào xứng đáng cho Chúa ngự vào. Chúng ta cứ sống đơn độc một mình và chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.

Lòng Thương Xót của Chúa vẫn đang chờ đợi chúng ta để cho quyền năng của Ngài thanh tẩy. Đừng nói: “Chúng tôi không biết”, nhưng hãy nói: “Chúng tôi biết mình bất xứng xứng”. Đó là cơ hội để Lòng Thương Xót Chúa sẽ đổ đẩy ơn thánh của Ngài hầu thanh tẩy tâm hồn chúng ta được trong sạch, xứng đáng cho Chúa ngự vào.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết rằng quyền năng và lòng thương xót ccuar Chúa không bao giờ muốn chúng con phải chết, nhưng muốn chúng con được sống. Xin cho chúng con biết sợ hãi trước những sai trái của mình, biết tin tưởng để chạy đến với Chúa, biết khiêm tốn để Chúa biến đổi chúng con.

bài viết mới