Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | CN IV MC | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV MÙA CHAY NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 3, 14-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

SUY NIỆM:

Gioan nói “Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi”, kiểu như Thiên Chúa ép buộc con người. Chúng ta cần phải hiểu theo hướng tích cực hơn, nghĩa là những ai nhờ tin vào Thiên Chúa, sẽ được Ngài dẫn đi trong ánh sáng. Còn những ai không tin sẽ đi trong bóng tối; tác giả ám chỉ bóng tối là sự luận phạt của Thiên Chúa.

Đúng vậy, nhờ biết Thiên Chúa mà con người sẽ đi trong ánh sáng của sự thật; nếu không, người ta sẽ sống trong bóng tối, nghĩa là những tội lỗi, những xấu xa của mình.

Thiên Chúa là Ánh Sáng thật, nên mọi đường lối của Ngài đều ngay thẳng. Còn ma quỷ là chúa của bóng tối, nên nó sẽ lối kéo những người làm những điều xấu núp bóng của nó.

Ánh sáng và bóng tối là cuộc chiến liên lỉ trong cuộc đời mỗi người. Bản chất con người vốn thích những thứ dễ chịu, nhưng thường điều đó lại thuộc về bóng tối, vì nó rất sâu, rất tối, không ai nhìn thấy.

Chúa Giêsu đã dùng cây thập giá để chiếu sáng những chỗ tăm tối mịt mù của chúng ta và dẫn chúng ta đến vùng trời rực sáng qua sự Phục sinh của Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết can đảm bước ra bóng tối để được sống trong ánh sáng. Dám chấp nhận sự khó chịu, ngỡ ngàng, chói chang của ánh sáng… nhưng đó mới là bản chất thật sự của Kitô hữu chúng con.

THỨ HAI

LỜI  CHÚA: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

SUY NIỆM:

Giờ khỏi bệnh của người con đúng giờ Chúa Giêsu nói: “Con ông mạnh rồi”. Vì lẽ đó, cả gia đình ông tin vào Chúa Giêsu.

Đôi khi đúng giờ đó, đúng sự kiện đó, đúng biến cố đó đã giúp chúng ta nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, vì thế củng cố them niềm tin cho chúng ta.

Những thời khắc, những sự kiện đó giúp chúng ta nhận ra rằng Chúa luôn yêu thương và muốn cứu chữa chúng ta.

Mùa Chay là thời gian để Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Đây không chỉ là tâm tình sám hối, nhưng còn là, và nhất là thời điểm mời gọi chúng ta có quyết tâm sửa đổi con người của mình.

Hoán cải không phải chỉ là sám hối về tội lỗi, mà còn là sự khiêm tốn nhìn nhận mình còn yếu kém, còn dở và sẵn sàng đón nhận góp ý của  người khác để chỉnh sửa lại cho đúng hơn, cho hay hơn, cho tốt đẹp hơn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Chúa cho con quá nhiều những cơ hội để giúp con trở nên tốt hơn. Xin cho con nhận ra những thời khắc đó để con biết hoán cải mình.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 5, 1-3a. 5-16

Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh. Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.

SUY NIỆM:

Tôi thấy được ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn về phía người bất toại trong số những người bất hạnh. Ngài biết rõ sự khốn khổ cũng như khao khát được chữa lành của anh ta, nên chính Ngài đã ngỏ lời trước với anh.

Chính anh ta cũng đã trình bày về sự bất lực của mình với Chúa Giêsu. Qua đó cho thấy nhãn quan muốn buông xuôi tất cả: còn gì nữa đâu mà phải cố gắng.

Tuy nhiên Chúa Giêsu cho anh thấy còn một tia sáng, một điểm tựa, một ân huệ… đó chính là lòng thương xót Chúa; và quyền năng của Ngài đã giúp anh từ một người bại liệt, đứng lên “Vác chõng mà đi?”

Mùa Chay thánh là cơ hội Giáo hội dành cho chúng ta để nhìn rõ lòng thương xót của Chúa hơn. Đôi khi chúng ta bất lực, muốn buông xuôi tất cả, nhưng Chúa cho chúng ta thấy vẫn còn cơ hội… Và đó chính là hồng ân hoán cải.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, dẫu cuộc đời có đen tối, và dẫu con có tội lỗi đến mức nào, nhưng nếu biết tin vào Lòng thương xót của Chúa, thì con vẫn con cơ hội để “chỗi dậy”. Xin cho con tin tưởng vào Chúa để đứng lên mỗi ngày.

THỨ  TƯ

LỜI CHÚA: Ga 5, 17-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

“Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta”.

SUY NIỆM

Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Đó là sự thật mà Đức Giêsu đã mặc khải trong suốt cuộc đời của Ngài.

Chính vì thế, những việc Chúa Giêsu làm hoàn toàn là hành động của Chúa Cha, để con người biết được mình có một Thiên Chúa yêu thương.

Hành động yêu thương cho đến tận cùng của Thiên Chúa là chết vì yêu, là hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Do đó căn bản của việc sống đạo là biết mình được yêu và cố gắng để sống cho tình yêu đó. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu hướng thượng, tình yêu giải phóng để ta nên tốt hơn. 

Chính tình yêu đó cho chúng ta cơ hội để tham gia đời sống Giáo hội, nghĩa là được hoạt động trong tình yêu và cho tình yêu Chúa qua Giáo hội. Vì thế hãy biết tích cực, chủ động và nhiệt tình để tham gia đời sống Giáo hội trong khả năng của mình.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, có đôi khi con sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình mà quên rằng Chúa đã sống vì con và vì mọi người. Xin cho con biết quảng đại để hướng đến một tình yêu cao thượng, tình yêu của Chúa đã dành cho con, và tình yêu của tha nhân mà con được mời gọi để chia sẻ.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Ga 5, 31-47

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.

Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”

SUY NIỆM

Chứng cớ để chứng minh mình là ai, mình như thế nào là rất quang trọng. Chúa Giêsu có lời chứng của Gioan và nhiều người uy tín khác về thân thế và sự nghiệp của Ngài, nhưng với Ngài lời chứng quan trọng nhất chính là những việc Ngài làm.

Quả thật Ngài đã cho người điếc nghe được, người mù thấy được, người què đi được và thậm chí người chết sống lại… đó là minh chứng về quyền năng của Đấng được xức dầu mà kinh thánh đã nhắc đến.

Ngoài ra minh chứng quan trọng nhất trong thời của Chúa Giêsu là những lời rao giảng cuốn hút đám đông và chính sự hiện diện mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.

Không cần nói tôi là ai, mà chỉ cần sống bằng tình yêu thương chân thành, một tình yêu có khả năng cuốn hút mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu đó khiến người khác cảm thấy gần gũi, dễ sẻ chia, dễ thay đổi những bất toàn trong cuộc sống, và nhất là dễ hướng đến một giá trị cao cả hơn.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của con, vì như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay không cần thầy dạy, nhưng cần chứng nhân”.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

SUY NIỆM

Có nhiều người tưởng rằng Đấng Cứu Thế xuất hiện theo những gì họ suy đoán, tưởng tượng ra, nhưng Đấng Cứu Thế là chính Đức Giêsu ở giữa họ, thì họ lại không chấp nhận. Rõ ràng người ta đi tìm một Thiên Chúa hợp với nhãn quan, dễ dàng xui khiến. Thiên Chúa đó chẳng khác gì con rối của họ.

Thiên Chúa là Đấng đưa ta từ một giá trị xấu trở nên tốt hơn, hay nói cách khác, Ngài giúp ta trở về nguồn cội của mình, mà nguồn cội của con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng vô cùng tốt đẹp.

Chính vì thế, tin Chúa không phải để thỏa mãn những nhu cầu vật chất, nhu cầu chóng qua, nhưng là để ta làm cho mình mỗi ngày mỗi đẹp hơn, cho đến khi ta hoàn thiện như Cha trên trời.

Những gì Chúa Giêsu mời gọi và dạy ta sống là để ta nên trở nên đẹp hơn mỗi ngày.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm kiếm Chúa bằng lý trí hiếu kỳ, nhưng bằng tất cả tấm lòng để hướng đến một chân trời mới, chân trời mang lại sự giải thoát toàn diện cho con người của con.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Ðấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.

SUY NIỆM:

Dân chúng bất đồng ý kiến về Chúa Giêsu. Đáng chú ý là các thượng tế và biệt phái đã có cái nhìn định kiến về Ngài khi cho rằng từ Galilêa thì không thể xuất hiện một nhân vật được coi là tiên tri; trong khi đó Chúa Giêsu là người Galiêa.

Điều thứ hai là họ xúc phạm người khác và cho cái nhìn của họ là luôn đúng: “Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”.

Chưa nói đến niềm tin, một tập thể tự cho mình là chân lý và coi người khác chẳng ra gì, thì một tập thể đó không đáng tin và không đáng theo.

Khi thiết lập Giáo hội, Chúa Giêsu luôn tôn trọng nhân phẩm con người và sẵn sàng hạ mình xuống để phục vụ họ. Qua đó muốn giới thiệu cho nhân loại một Thiên Chúa yêu thương.

Chính tình yêu sẽ có sức quyến rũ và lôi kéo con người để nâng cao giá trị của họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm đến với Lời Chúa, để chúng con biết rõ về Chúa hơn, hầu chúng con có thể yêu mến, tôn thờ Chúa cho phải đạo.

bài viết mới