Monday, September 16, 2024
spot_img

[Phim] Công vụ Tông đồ | Ch.1-10

Chương 1

Chương 1: Những sự kiện trước Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Chương này được chia làm 3 phần: 

1. Lời tựa (1,1-5): Giống như quyển Tin mừng thứ ba, Luca mở đầu sách Tông Đồ Công Vụ bằng một lời tựa theo cách viết của các nhà văn Hy lạp thời bấy giờ. Ông đề tặng sách cho Thêôphilô, một nhân vật có địa vị trong xã hội đã được biết về Tin mừng. Trong lời tựa này, Luca tóm lược lại nội dung quyển Tin mừng mà ông gọi là “quyển thứ nhất” để sau đó ông trình bày tiếp tục nội dung của “quyển thứ hai”, sách Tông Đồ Công Vụ.

2. Chúa Giêsu thăng thiên (1,6-14): Đây là một sự kiện quan trọng, kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu tại trần gian và bước vào vinh quang với Chúa Cha. Vì khi Chúa Giêsu ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.  

3. Chọn Mátthia (1,15-26): Phêrô đề nghị chọn người thay thế Giuđa dựa theo hai tiêu chuẩn: người ấy đã từng ở với Chúa Giêsu và là chứng nhân sự phục sinh của Người. Hai người được đề cử là Giuse và Mátthia. Sau khi cầu nguyện và rút thăm, Mátthia đã trúng thăm. Ông được kể vào số 12 môn đệ của Đức Giêsu. 

Chương 2

Chương 2: Những hoạt động tại Giêrusalem – (Phần 1)

Chương này được chia làm 3 phần: 

1. Lễ Ngũ Tuần (2,1-13): Lễ Ngũ Tuần là một trong ba lễ lớn của người Do thái (lễ Lều, lễ Vượt Qua), được cử hành vào ngày thứ năm mươi sau lễ Vượt Qua. Đây là lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa ban Lề Luật và thiết lập Giao Ứớc với dân Israel tại núi Xinai. Chính trong lễ này, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ. Vì vậy, lễ Hiện Xuống là lễ Ngũ Tuần mới.

2. Bài giảng của Phêrô (2,14-41): Phêrô là người rao giảng nhưng với tư cách là người đứng đầu và là đại diện cho các Tông Đồ. Nội dung rao giảng của ông trở thành bài giáo lý căn bản của giáo lý Kitô giáo: Đức Giêsu là Đấng Kitô. Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Ai tin vào Người và chịu phép rửa thì được cứu độ. Sau bài giảng đó, 3000 người đã trở lại. 

3. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên (2,42-47): Đây là một trong những bảng tóm lược sinh hoạt của Hội thánh sơ khai được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ. Cộng đoàn tín hữu thể hiện một cộng đoàn lý tưởng sống theo Tin mừng. Đó là một cộng đoàn phụng vụ, bác ái và truyền giáo.

Chương 3

Chương 3: Những hoạt động tại Giêrusalem – (Phần 2)

Chương này được chia làm 2 phần

1. Phêrô chữa một người què (3,1-10): Anh què từ khi lọt lòng mẹ ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp của Đền Thờ đã được Phêrô chữa lành nhờ Danh Đức Giêsu Kitô. Phép lạ này không chỉ mang đến hiệu quả cho anh què mà còn làm nhiều người tin nhận Chúa.

2. Phêrô giảng cho dân chúng (3,11-26): Chứng kiến anh què được chữa lành, dân chúng rất đỗi kinh ngạc, tôn vinh Thiên Chúa và họ chạy đến với Phêrô và Gioan để xem tại hành lang Salômôn. Nhân cơ hội này, Phêrô giảng về Chúa Giêsu Kitô cho họ. Nội dung của bài giảng giống như bài giảng đầu tiên ngày lễ Ngũ Tuần. 

Chương 4

Chương 4: Những hoạt động tại Giêrusalem – (Phần 3)

Chương này được chia làm 2 phần:

1. Phêrô và Gioan trước Thượng Hội Đồng (4,1-22): Giới lãnh đạo Do Thái cho bắt Phêrô và Gioan vì hai lý do: hai ông đã giảng dạy về sự sống lại cho dân chúng và lôi kéo nhiều người. Nhờ Thánh Thần nói thay cho hai ông trước hội đồng xét xử, hai ông được đánh giá là khôn ngoan và mạnh dạn. Cuối cùng, họ đã thống nhất chỉ đe dọa và sau đó thả hai ông ra. 

2. Cộng đoàn các tín hữu (4,23-37): Công đoàn tín hữu dâng lời ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì Phêrô và Gioan đã được thả ra. Nhờ ơn Thiên Chúa và sự lãnh đạo của các Tông đồ, cộng đoàn Kitô hữu một lòng một ý, để mọi sự làm của chung, mạnh dạn làm chứng và số tín hữu mỗi ngày một thêm đông.

Chương 5

Chương 5: Những hoạt động tại Giêrusalem – (Phần 4)

Chương này được chia làm 2 phần:

1. Khanania và Xaphira gian lận (5,1-11): Khanania và vợ là Xaphira đã bán thửa đất và đem dâng cho các Tông đồ một phần, nhưng lại nói dối là dâng tất cả. Thời Giáo hội sơ khai, việc dâng cúng là tự nguyện, vợ chồng ông hoàn toàn không bị ép buộc. Khanania và vợ đã phạm tội lừa dối Thánh Thần và cộng đoàn. Cả hai đã bị Chúa phạt.

2. Truyền giáo và bị bách hại (5,12-42): Nhờ lời rao giảng về Đức Kitô và các phép lạ, các Tông đồ đã tạo được ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Vì thế, họ đã bị giới lãnh đạo Do Thái bắt và bị tống giam. Khi bị đem ra xét xử, Thiên Chúa lại cho một người trong Thượng hội đồng tên là Gamaliên can thiệp. Các Tông đồ bị đánh đón và sau đó được thả ra. 

Chương 6

Chương 6: Nhóm bảy người – (Phần 1)

Chương này được chia làm 2 phần:

1. Lập Nhóm bảy người (6,1-7): Số người tin vào Chúa Giêsu ngày càng đông, thuộc nhiều tầng lớp, giai cấp và nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì thế, trong cộng đoàn nảy sinh vài vấn đề. Cụ thể là sự tranh cãi giữa các tín hữu Do thái bản xứ và các tín hữu theo văn hóa Hy lạp trong việc phân phối lương thực hằng ngày. Đứng trước sự tranh chấp giữa nhóm tín hữu Do Thái bản xứ và Do thái Hy Lạp, các Tông đồ đưa ra cách giải quyết: chọn 7 người để chuyên lo việc phục vụ. 

2. Giới thiệu phó tế Stêphanô (6,8-15): Stêphanô là một trong 7 phó tế mà các Tông đồ đã đặt tay cầu nguyện. Ông là người được đầy Thánh Thần và có tài ăn nói. Ông đã tranh luận với năm nhóm đối thủ khác nhau về Đức Kitô và ơn cứu độ. Đối thủ của ông không địch nổi những lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Vì thế, họ vu cáo ông xúc phạm Đền thờ và Lề luật, và ông đã bị bắt.

Chương 7

Chương 7: Nhóm bảy người (Phần 2)

Chương này được chia làm 2 phần: 

1. Diễn từ của Stêphanô (7,1-54): Trước sự cáo buộc của Thượng hội đồng Do thái, Stêphanô trả lời bằng một bài giảng, tóm lược lại lịch sử cứu độ như sau: Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, được ban trước hết cho người Do thái và giờ đây phải được loan truyền cho muôn dân. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, Israel được đặt làm ánh sáng muôn dân để mang ơn cứu độ đến cho mọi người (Cv 13,47). Nhưng họ chẳng những không chu toàn vai trò đó mà còn từ chối Đấng Kitô và cản trở công việc rao giảng Tin mừng. 

2. Stêphanô tử đạo (7,55-60): Không địch nổi với những lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông. Toàn thể hội đồng lớn tiếng, bịt tai và lôi Stêphanô ra ngoài ném đá mà bỏ qua thủ tục tuyên án. Những gì diễn ra trong cuộc tử đạo của Stêphanô cho thấy: cái chết của ông mô phỏng theo cái chết của Chúa Giêsu: tha thứ cho kẻ bách hại mình trước khi chết và chết trong sự phó thác vào Thiên Chúa. 

Chương 8

Chương 8: Tin mừng đến Samari (8,1-40)

Chương này được chia làm 3 phần:

1. Philípphê đến Samari (8,1-8): Hội thánh tại Giêrusalem bị bắt bớ dữ dội sau cái chết của phó tế Stêphanô. Một người bắt đạo khét tiếng được nhắc ở đây là Saolô. Ông đã đi lùng sục để bắt các Kitô hữu ở khắp nơi. Vì thế, phó tế Philípphê đã đến Samari. Ông không chỉ rao giảng Chúa Giêsu Kitô, mà còn thực hiện nhiều dấu lạ như chữa lành nhiều bệnh nhân và trừ quỷ. Dân chúng vui mừng và Tin mừng lan rộng.

2. Phù thủy Simon (8,9-25): Thấy những dấu lạ điềm thiêng Philípphê đã thực hiện, thầy phù thủy Simon đã tin theo. Tuy nhiên, lòng tin của ông không chân thật và bị lộ rõ khi đem tiền đặt dưới chân các Tông đồ để mua quyền được đặt tay ban Thánh Thần. Ông đã bị Phêrô và Gioan quở trách. Sau đó ông đã sám hối. 

3. Philípphê rửa tội cho viên thái giám (8,26-40): Thánh Thần đã thúc giục Philípphê tiến lên để đuổi kịp viên thái giám người Êthiốp. Sau khi lên xe và cắt nghĩa đoạn sách Isaia nói về Đấng Kitô cho viên quan nghe, tới chỗ có nước, Philípphê đã rửa tội cho ông.

Chương 9

Chương 9: Ơn gọi của Saolô (9,1-31)

Chương này được chia làm 3 phần:

1. Saolô được gọi làm Tông Đồ (9,1-19a): Trên đường đi Đamát để bắt các tín hữu, Saolô đã gặp Đấng Phục Sinh. Một luồng sáng từ trời quật ông từ trên ngựa ngã xuống đất, và ông nghe lời Đức Giêsu chất vấn ông. Sau biến cố ấy, Saolô đã bị mù. Đức Giêsu đã hiện ra với Khanania và sai ông đến đặt tay trên Saolô để ông được sáng mắt. 

2. Saolô rao giảng tại Đamát (9,19b-25): Saolô đã bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô. Ông giảng dạy về Chúa Giêsu trong các hội đường Do Thái ở Đamát. Sau đó, người Do Thái âm mưu bách hại Saolô. Tuy nhiên, nhờ các đồ đệ, ông đã trốn thoát. 

3. Saolô tới thăm Giêrusalem (9,26-31): Ra khỏi Đamát, ông thẳng tiến Giêrusalem để trình diện và nhập đoàn với các tín hữu. Ông muốn liên kết với giáo đoàn mẹ và trình diện với những vị hữu trách của Hội thánh. Nhờ Barnaba bảo lãnh, các Tông đồ tại Giêrusalem đã đón nhận ông một cách nồng nhiệt. Ông tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu cho những người Do Thái.  

Hoạt động của Phêrô và những sự kiện khác

Phêrô làm phép lạ (9,32-43): Phêrô tiếp tục rao giảng Tin mừng và đi thăm các vùng lân cận Giêrusalem. Ông cũng làm nhiều dấu lạ để củng cố cho lời rao giảng. Ông đã chữa một người tê bại tại Lốt và cứu sống bà Tabitha tại Giaphô.

Chương 10

Chương 10: Hoạt động của Phêrô và những sự kiện khác – (Phần 1)

Chương này kể về hoạt động truyền giáo của Phêrô và sự trở lại của viên đại đội trưởng Cornêliô. Cả hai cùng được Chúa cho nhìn thấy thị kiến. Với Cornêliô, Chúa cho thiên thần báo cho ông biết: phải cho người đi tìm Simon để được nghe những lời đem lại sự sống đời đời; còn với Simon Phêrô, Chúa cho ông thấy thị kiến một tấm khăn buộc bốn góc với đủ các sinh vật bốn chân, rắn rết và chim trời từ trên trời thả xuống và ông được lệnh giết mà ăn. 

Khi được người của Cornêliô mời, ông đã lên đường đi với họ. Đến nơi, cả hai cùng được nghe thị kiến của nhau. Bấy giờ Phêrô mới nghiệm ra rằng: Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Ông đã giảng Tin mừng Đức Kitô cho cả nhà Cornêliô, và tất cả đã chịu phép rửa. 

bài viết mới