Tuesday, January 21, 2025
spot_img

[Phim] Công vụ Tông đồ | Ch.21-28

Chương 21

Chương 21: Hành trình truyền giáo thứ ba – Phần 2

Chương này chia làm 2 phần

1. Phaolô đến Giêrusalem (21,1-16): Rời Milêtô, Phaolô và các anh em xuống tàu đi đến đảo Cô, sau đó đến đảo Rôđô và Patara. Sau khi ghé Patara, đoàn lại tiếp tục xuống tàu đi Phênixi, rồi đến Xyria. Vì phải đổ hàng tại cảng, nên tàu cập bến Tia (Tirô). Tại đây, Phaolô và các bạn đồng hành gặp các tín hữu. Họ khuyên ông đừng lên Giêrusalem vì người Do Thái đang tìm cách bắt ông. Tuy nhiên, ông rất quyết tâm lên Giêrusalem. Thế là các tín hữu chia tay Phaolô và tiễn ông lên đường. Rời Tia, Phaolô đến Ptôlêmai, sau đó ông đến Xêdarê và lưu lại tại nhà phó tế Philípphê ít ngày. Nghe lời tiên tri của Agabô, các tín hữu khuyên Phaolô đừng lên Giêrusalem, giống như các tín hữu tại Tia. Không khuyên được ông, các tín hữu đành tiễn ông lên đường đi Giêrusalem. 

Phaolô tại Giêrusalem – Phần 1

Phaolô đến Giêrusalem và bị bắt (21,17-40): Tại Giêrusalem, Phaolô đã gặp gỡ Giacôbê, vị lãnh đạo Giáo hội tại Giêrusalem và các tín hữu. Ông tường thuật lại những gì đoàn truyền giáo đã làm và những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong chuyến đi. Các kỳ mục cho ông biết những rắc rối có thể ông sẽ gặp phải vì vấn đề liên quan đến Lề luật. Họ đưa ra giải pháp thực hiện nghi thức thanh tẩy và Phaolô đã thi hành đúng như lời khuyên của các kỳ mục. Tuy nhiên, việc làm của Phaolô vẫn không xoa dịu được những người Do Thái quá khích, và thế là ông đã bị bắt. Vì sợ dân chúng náo động trong dịp lễ Ngũ Tuần, chính quyền Rôma đã can thiệp.  

Chương 22

Chương 22: Phaolô tại Giêrusalem – Phần 1 tiếp theo

Phaolô nói với người Do thái (22,1-30): Vì nói được tiếng Hy Lạp, Phaolô chiếm được cảm tình của viên chỉ huy và ông ta cho phép Phaolô ngỏ lời với dân chúng. Phaolô đã ngỏ lời với họ bằng một bài biện hộ khá dài. Từ việc trình bày lý lịch của một người Biệt phái nhiệt thành đi bắt các Kitô hữu, ông kể về biến cố tại Đamát, nơi Chúa Giêsu đã hiện ra với ông. Tiếp theo, ông kể về thị kiến ông đã thấy trong Đền thờ đang khi cầu nguyện; Chúa đã hiện ra với ông. Tuy nhiên, dân chúng chẳng những không nghe, mà họ hò hét và la to tiếng phản đối. Khi quân lính chuẩn bị đánh đòn, Phaolô đã nại đến quyền công dân Rôma. Thế là ông thoát nạn và tiếp tục bị giam để chờ ngày ra trước Thượng Hội đồng.

Chương 23

Chương 23: Phaolô tại Giêrusalem – Phần 2

Chương này gồm 3 phần: 

1. Phaolô trước Thượng Hội đồng (23,1-11): Mở đầu phiên xử là những lời tranh luận giữa Phaolô và thầy Thượng tế. Sau đó, Phaolô biện hộ cho mình trước toàn thể Thượng Hội đồng. Ông đã lấy cớ rao giảng về kẻ chết sống lại nên ông bị điệu đến đây. Vì thế, những người Pharisêu đã bênh vực ông. Thế là những người Pharisêu và Xađốc tranh luận với nhau. Càng lúc tình hình càng trở nên căng thẳng, nên viên chỉ huy cho quân lính đưa Phaolô về đồn. Đêm ấy, Chúa đã hiện ra với ông qua thị kiến và khích lệ ông vững lòng làm chứng cho Người. 

2. Người Do Thái âm mưu giết hại Phaolô (23,12-22): Ngày kế tiếp, 40 người Do Thái từ Asia thề lập mưu giết Phaolô. Họ phối hợp với Thượng Hội đồng bằng cách nhờ Thượng Hội đồng cho gọi Phaolô sang để điều tra cho cặn kẽ. Trên đường áp giải Phaolô đi, họ sẽ phục kích và giết Phaolô. Nhờ đứa cháu trai con người chị ông Phaolô nghe được, cậu bé đã đến gặp Phaolô. Phaolô nhờ viên cai ngục dẫn cậu ta đến gặp vị chỉ huy. Sau khi biết được âm mưu của người Do Thái, vị chỉ lên kế hoạch giải Phaolô đến tổng trấn Phêlích đang ở Xêdarê. 

Phaolô tại Xêdarê

3. Phaolô bị giải đến Xêdarê (23,23-35): Viên chỉ huy đã tập hợp một đội quân hùng hậu để áp giải Phaolô an toàn đến tổng trấn Phêlích. Đoạn đường áp giải được chia làm hai chặng. Chặng 1: từ Giêrusalem đến Antipátri. Đây là đoạn đường nguy hiểm và dễ bị người Do Thái phục kích, nên cần nhiều quân hộ tống áp giải. Chặng 2: từ Antipátri đến Xêdarê, đoạn đường này bằng phẳng và an toàn hơn. Vì thế, viên chỉ huy và quá một nửa đoàn quân trở về Giêrusalem. Đến Xêdarê, đoàn hộ tống giao Phaolô và bức thư của vị chỉ huy cho tổng trấn. Phaolô và đoàn hộ tống đến nơi bình an. Tổng trấn Phêlích tiếp Phaolô cách hững hờ và cho giam ông vào dinh Hêrôđê chờ ngày xét xử.

Chương 24

Chương 24: Phaolô tại Xêdarê – Phần 1

Phaolô và tổng trấn Phêlích (24,1-27): 5 ngày sau khi đến Xêdarê, tổng trấn Phêlích đem vụ án ra xét xử. Bên nguyên cáo gồm thượng tế Khannania, các kỳ mục và luật sư Téctulô; bên bị cáo chỉ có một mình Phaolô. Luật sư Téctulô tố cáo Phaolô 3 tội: (1) thứ ôn dịch và chuyên gây bạo loạn; (2) đầu xỏ phái Nadarét; (3) xúc phạm Đền thờ; ông tố cáo luôn vị chỉ huy Rôma ngăn cản họ xét xử Phaolô theo Lề Luật. Ở phần bị cáo biện hộ, Phaolô đã vạch trần sự cáo gian, ông nói thẳng vào vấn đề rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại. Sau đó, Phaolô đã bênh vị chỉ huy. Kết cục, tổng trấn đã cho ngưng phiên tòa chờ ngày tiếp tục xét xử.

Ít ngày sau cuộc xét xử, tổng trấn muốn nghe Phaolô nói về Đức Giêsu. Khi Phaolô nói về đức công chính, sự tiết độ và cuộc phán xét mai sau, Phêlích đã khiếp sợ. Sau đó, Phaolô tiếp tục bị giam. Trong thời gian đó, Phêlích cũng mất chức tổng trấn.

Chương 25

Chương 25: Phaolô tại Xêdarê – Phần 2

Chương này gồm 2 phần:

1. Phaolô và tổng trấn Phéttô (25,1-12): Sau khi nhậm chức được ba ngày, tổng trấn Phéttô từ Xêdarê xuống Giêrusalem. Tại đây, ông gặp giới lãnh đạo Do thái và họ yêu cầu vị tổng trấn ban cho họ ân huệ là mang Phaolô về Giêrusalem để xét xử. Thật ra, họ lại muốn mai phục dọc đường để giết Phaolô. Tuy nhiên, nhờ sự khôn ngoan của tổng trấn Phéttô, Phaolô lại thoát khỏi âm mưu của người Do thái. Tám ngày sau, phiên tòa diễn ra ở Xêdarê. Người Do Thái lại tố cáo Phaolô, và Phaolô mạnh dạn bác bỏ những lời tố cáo của họ. Khi vị tổng trấn hỏi Phaolô rằng: ngài có muốn được xét xử ở Giêrusalem không? Phaolô muốn kháng cáo lên hoàng đế Rôma và tổng trấn Phéttô đã chấp nhận. 

2. Phaolô trình diện vua Acríppa (25,13-27): Trong thời gian ấy, vua Acríppa và bà Bécnikê cũng đến Xêdarê. Tổng trấn mới đem chuyện ông Phaolô thuật lại cho họ nghe từ đầu đến cuối. Nghe những lời ấy xong, vua Acríppa muốn gặp Phaolô. Thế là Phaolô lại có dịp rao giảng về Đức Giêsu Kitô cho họ.

Chương 26

Chương 26: Phaolô tại Xêdarê – Phần 3

Diễn từ của Phaolô trước vua Acríppa và Phéttô (26,1-32): 

Phaolô khởi đầu bài diễn từ đúng với nghệ thuật hùng biện qua cách nói lịch sự, với hy vọng vua Acríppa can thiệp vụ án của ông. Sau lời chào hỏi lịch sự, Phaolô nói về lý lịch của mình, kể lại biến cố Đamát và giải thích tại sao ông trở thành chứng nhân lãnh nhận sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Đức Kitô. Nội dung giáo lý ông trình bày cũng giống như những lần ông đã nói ở nhiều nơi trước đó. 

Tổng trấn Phéttô cảm thấy thất vọng vì Phaolô cứ mải mê trình bày về Đức Giêsu Kitô mà chẳng quan tâm đến chuyện biện hộ cho mình. Vì thế ông bực mình và nói với Phaolô: “Ông điên thật rồi!” Ngược lại, những điều Phaolô giảng lại có vẻ tác động đến vua Acríppa. Sau đó, mọi người trong buổi họp đều khẳng định Phaolô vô tội. Tuy nhiên, vì đã kháng cáo lên hoàng đế, nên ông sẽ bị giải về Rôma để chờ ngày xét xử.

Chương 27

Chương 27: Hành trình đến Giêrusalem – Phần 1

Từ Giêrusalem đến đảo Manta: Gặp bão tố (27,1-44): Đoàn người lên tàu có tất cả 276 người, họ gồm nhiều thành phần khác nhau mà Luca không kể ra cụ thể. Những nhóm người chúng ta có thể kể ra đây là Phaolô và các anh em, trưởng cơ đội Giuliô và các binh lính, một số tù nhân khác và những người khác nữa. Tàu khởi hành từ Giêrusalem đến Xiđon, từ Xiđon đến Myra miền Lykia, từ Alexanria đến Bến Lành gần thành Laxaia. 

Gần đến ngày lễ Xá tội, Phaolô khuyên viên đội trưởng đừng ra khơi. Ông còn tiên báo có điềm chẳng lành. Nhưng viên đội trưởng không nghe theo lời khuyên của Phaolô, mà tin lời tài công và chủ tàu. Thế là họ quyết định ra khơi. Tàu khởi hành thuận lợi, nhưng chẳng được bao lâu, bão bắt đầu xuất hiện. Thế là con tàu cứ trôi dạt theo gió. Thủy thủ vứt đồ đạc và các trang bị xuống biển cho tàu nhẹ bớt. Họ sợ hãi và nhiều ngày chẳng ăn uống gì. Bấy giờ, Phaolô lên tiếng: sau vài lời trách cứ, ông mời gọi họ tin vào ông vì Thiên Chúa đã cho ông thấy thị kiến: ra trước tòa án Xêda. Sau 14 ngày không ăn uống, Phaolô đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Đây là cử chỉ chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa mọi người. Thế là mọi người bắt đầu ăn uống trở lại. 

Sau 14 đêm vất vả, họ tiến vào đảo Manta. Khi đang tiến vào đảo, tàu bắc kẹt trên dải cát ngầm, phần đuôi tàu bị sóng đánh vỡ tan. Các binh lính định giết các tù nhân vì sợ họ nhảy xuống biển bơi vào bờ trốn thoát. Biết vậy, viên đội trưởng đã can ngăn và ra lệnh cho mọi người bơi vào bờ; ai không biết bơi thì bám vào các mảnh vỡ của tàu. Dù tàu bị vỡ, nhưng mọi người vẫn giữ được mạng sống.

Chương 28

Chương 28: Hành trình đến Giêrusalem – Phần 2

Từ đảo Manta đến Rôma (28,1-31): Bơi vào bờ, mọi người được dân địa phương đối xử rất nhân đạo. Người ta đốt đống lửa cho họ sưởi vì trời mưa và lạnh. Chẳng những dân trên đảo, mà cả quan lớn nhất đảo tên là Púpliô cũng vui vẻ đón tiếp những người kém may mắn này. Sau phép lạ chữa cho thân sinh của quan Púpliô, Phaolô và mọi người được đối xử trọng hậu. Họ đã lưu lại đây suốt cả mùa đông.

Hết mùa đông, đoàn áp giải Phaolô lại lên đường đi Rôma. Từ Manta đến Xyracuxa, rồi đến cảng Putêôli trong vịnh Napôli, từ cảng Putêôli đến Rôma. Đến nơi, các tín hữu tại Rôma đã ra đón Phaolô và các anh em. Ông không bị giam giữ trong tù, nhưng được hưởng chế độ nhà riêng; vẫn bị xiềng xích, nhưng được gặp gỡ những người thân quen. 

Hai năm tại Rôma, Phaolô đã gặp gỡ những người Do Thái hai lần. Ông tranh luận với họ về những điểm giáo lý mà ông đã trình bày về Đức Giêsu Kitô. Một số đã tin lời ông, một số lại không tin. Công việc chủ yếu của ông vẫn là rao giảng và giảng dạy. Rao giảng cho những người chưa biết Đức Kitô, và giảng dạy để củng cố đức tin cho các tín hữu. Dù lâm cảnh tù tội, nhưng Tin mừng của Đức Kitô vẫn được rao giảng cho đến tận cùng trái đất.

bài viết mới