Tuesday, January 21, 2025
spot_img

Ôn tập Tin mừng Gioan

ÔN TẬP TIN MỪNG GIOAN

Tài liệu học hỏi chuẩn bị cho lễ Bổn mạng Ban Kinh Thánh

Thứ Bảy ngày 18. 05. 2024

DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

I. TÁC GIẢ VÀ ĐỘC GIẢ

1. Gioan là con ai? Quê ở đâu?
– Con ông Dêbêđê, quê ở Bétxaiđa.

2. Gioan cùng ai là nhóm môn đệ thân tín của CGS? Nhóm thân tín này thường hiện diện trong những biến cố quan trọng nào?
– Cùng với Phêrô và Giacôbê.
– Nhóm này thường hiện diện với CGS khi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô, khi CGS hiển dung, trong vườn cây dầu.

3. Trong tin mừng Máccô, Gioan được gọi với biệt danh gì?
– Con thiên lôi (Mc 3,17).

4. Trong tin mừng thứ tư, Gioan được gọi với biệt danh gì?
– Người môn đệ Chúa yêu mến.

5. Về già, Gioan sống ở đâu? Chết cách nào và tại đâu?
– Sống tại Êphêxô. Ông chết trong tuổi già tại đảo Pátmô.

6. Ngoài quyển Tin mừng thứ tư, Gioan còn viết những sách thánh nào?
– Sách Khải huyền và các thư 1,2,3 Gioan.

7. Gioan viết tin mừng cho các tín hữu vùng nào? Họ chịu ảnh hưởng những gì?
– Vùng Tiểu Á.
– Họ chịu ảnh hưởng: Văn hóa Hy lạp, quan niệm Do thái giáo và thuyết ngộ đạo.

II. NƠI, THỜI GIAN BIÊN SOẠN VÀ MỤC ĐÍCH.

1. Gioan viết Tin mừng thứ tư ở đâu và lúc nào?
– Viết tại Êphêxô vào cuối thế kỷ I scn.

2. Mục đích viết Tin mừng là gì?
Nhằm hai mục đích:
(1) Ghi lại một số dấu chỉ CGS đã làm.
(2) Qua các dấu chỉ CGS làm, Gioan muốn mời gọi tín hữu tin vào CGS để được sự sống đời đời.

3. Trong Gioan, Tin là gì?
– Tin là hành động, Tin vào CGS chính là Con Thiên Chúa và nhờ tin vào Ngài, con người được ơn cứu độ.

CHƯƠNG 1

I. LỜI TỰA (1,1-18).

1. Gioan dùng từ gì của ngôn ngữ Hy lạp để gọi Chúa Giêsu?
– Logos, nghĩa là Ngôi Lời

2. Theo ngôn ngữ Hy lạp, từ “Logos” diễn tả điều gì?
– Logos mang ý nghĩa một sứ điệp, là căn nguyên của thế giới.

3. Theo Gioan, Logos diễn tả điều gì về CGS?
– GS là Lời của Thiên Chúa vì qua Ngài, Thiên Chúa bày tỏ đầy đủ chính Người cho nhân loại.

4. CGS là Ngôi Lời hằng hữu nghĩa là gì?
– Ngài đã hiện hữu từ ban đầu, luôn hiện hữu với Thiên Chúa.

5.CGS, Ngôi Lời là sự sống nghĩa là gì?
– Ngài là Đấng sáng tạo và là nguồn sự sống như Ngài đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (11,25).

6. CGS, Ngôi Lời là sự sáng nghĩa là gì?
– Vì Ngài hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa, là nguồn sự sống thật: “Tôi là ánh sáng thế gian để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (12,46).

7. Con người phản ứng thế nào trước ánh sáng của Ngôi Lời?
Có hai phản ứng:
– Đón nhận: Nghĩa là tin vào Ngài.
– Từ chối: Không tin vào Ngài.

8. CGS, Ngôi Lời đến với con người để làm gì?
– Để nói cho con người biết về Thiên Chúa.
– Để thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho con người.

II. GIOAN TẨY GIẢ (1,6-8.15.19-34).

1. Vài trò của Gioan Tẩy Giả là gì?
– Làm chứng cho Ánh Sáng (Đức Kitô) nhằm giúp con người tin vào CGS.

2. Nhóm người Do thái chất vấn Gioan Tẩy Giả thế nào về con người của ông: “ông là ai”?
– Chất vấn về ba danh hiệu: (1) Có phải là ĐKT; (2) Êlia; (3) Ngôn sứ nào đó.

3. Gioan trả lời thế nào?
– Phủ định: Không phải là ĐKT, Êlia hay ngôn sứ.
– Khẳng định: Chỉ là người dọn đường và làm chứng cho Ánh Sáng.

4. Gioan Tẩy Giả trả lời thế nào khi người Do thái hỏi: tại sao ông làm phép rửa?
– Ông chỉ nói đến cách làm phép rửa và qua đó giới thiệu phép rửa mà CGS sẽ thực hiện: trong Thánh Thần.

5. Gioan Tẩy Giả giới thiệu CGS với  tước hiệu gì? Nghĩa là gì?
– Chiên Thiên Chúa. Nghĩa là CGS dùng chính máu mình để giải cứu nhân loại.

III. CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN (1,35-51).

1. Trong Gioan, hai môn đệ đầu tiên theo CGS là ai?
– Anrê và một người giấu tên, đó là Gioan Tông Đồ.

2. Họ đã làm gì sau khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu về CGS?
– Họ theo Ngài và ở lại với Ngài trong ngày hôm đó: Họ trở thành môn đệ của Ngài.

3. Anrê giới thiệu thế nào về CGS cho Simon?
– Chúng tôi đã gặp được Đấng Mêsia.

4. CGS làm gì với Simon khi Anrê giới thiệu?
– Ngài đổi tên ông thành Kêpha.

5. Việc đổi tên trong Thánh Kinh có nghĩa gì?
– Nói lên sự thay đổi cuộc sống của người ấy hoặc nói lên vai trò mới mà Chúa trao cho người ấy.

6. Philípphê quê ở đâu? Ông giới thiệu CGS cho ai?
– Quê ở Bétxaiđa. Ông giới thiệu CGS cho Nathanaen.

7. CGS dùng cách gì để thuyết phục Nathanaen?
Ngài dùng hai cách:
– Biết rõ lòng ông thế nào: người “lòng dạ không có gì gian dối”.
– Biết rõ điều ông đang suy nghĩ: “Tôi thấy anh đang ngồi dưới cây vả”.

8. Nathanaen tuyên xưng vào CGS thế nào?
– Bằng hai danh hiệu: Con Thiên Chúa và vua Israel.

9. CGS hứa với Nathanaen rằng sẽ thấy “thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”, nghĩa là gì?
– CGS là trung gian, nối kết trời và đất. Qua Ngài, Thiên Chúa đến với con người; và nhờ Ngài, con người sẽ đến với Thiên Chúa.

CHƯƠNG 2

I. TIỆC CƯỚI CANA (2,1-12)

1. Cana ở đâu?
– Thuộc miền Galilê (Bắc Palestin) cách Nadarét khoảng 6km.

2. Đức Maria làm gì khi thấy chủ tiệc hết rượu?
– Trình bày cho CGS: “Họ hết rược rồi”.
– Dặn dò gia nhân: “Người bải gì, các anh cứ làm theo”.

3. CGS nói với Maria: “chuyện đó can gì đến bà” có nghĩa là gì?
– Là bày tỏ sự hiểu lầm: Đức Maria chưa hiểu hết việc của CGS.

4. CGS làm gì sau khi đáp lại lời thỉnh cầu của Đức Maria?
– Ra lệnh cho các gia nhân: đổ nước đầy các chum và múc đem cho người quản tiệc. Phép lạ đã xảy ra.

5. Với CGS, phép lạ này có ý nghĩa gì?
– Đây là dấu lạ đầu tiên nhằm: bày tỏ vinh quang và thuyết phục các môn đệ tin Ngài.

II. THANH TẨY ĐỀN THỜ (2,13-22).

1. Tại sao CGS đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ?
– Vì hai lý do: (1) Họ lợi dụng đền thờ nhằm trục lợi. (2) Họ chiếm phần đất của dân ngoại đến thờ Thiên Chúa.

2. CGS nói với người Do thái: “Cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Đền thờ mà CGS muốn nói đến là gì? Ý nghĩa thế nào?
– Đó là thân thể của Ngài.
– Ý nghĩa: Ngài sẽ bị giết chết (phá hủy) và trong bà ngày sẽ sống lại (xây dựng lại).

CHƯƠNG 3

I. CGS VÀ NICÔĐÊMÔ (3,1-21).

1. Nicôđêmô là ai?
– Pharisêu, một thành viên của Thượng Hội Đồng.

2. Tại sao ông đến gặp CGS vào ban đêm?
– Vì thận trọng với các thành viên khác trong Thượng Hội Đồng.
– Vì đó là thời gian thuận tiện.

3. CGS nói với Nicôđêcô là “cần phải tái sinh”. Tái sinh nghĩa là gì? Và phải tái sinh thế nào?- Tái sinh là sinh lại bởi ơn Chúa Thánh Thần: phải chết đi con người cũ của tội lỗi và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
– Phương cách để tái sinh: Tin vào CGS và tin vào Chúa Cha.

4. CGS mạc khải cho Nicôđêmô thế nào về Chúa Cha?
– Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (2,13).

5. CGS lấy lại hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc để ám chỉ điều gì?
– Ám chỉ cái chết của Ngài trên thập giá để mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài.

CHƯƠNG 4

I. CGS VÀ NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARI (4,1-42)

1. CGS khởi đầu câu chuyện với người phụ nữ Samari bằng cách nào? Phản ứng của người phụ nữ thế nào? Vì sao?
– Bằng cách xin chị nước uống.
– Người phụ nữ: từ chối vì người Samari và người Do thái có mâu thuẫn xâu xa từ lâu đời.

2. CGS muốn giới thiệu cho người phụ nữ loại nước gì? Hiệu quả của loại nước này?
– Nước hằng sống, thứ nước làm cho đời sống thiêng liêng không còn khát nữa.

3. Tại sao CGS lại nói đến vấn đề hôn nhân của người phụ nữ?
CGS muốn:
– Người phụ nữ thấy rằng Ngài thấu suốt lòng chị.
– Người phụ nữ nhận ra tình trạng tội lỗi của mình.

4. Kết quả cuộc đối thoại giữa CGS và người phụ nữ?
– Chị tin CGS là Đấng Kitô.

5. CGS lưu lại Samari bao lâu?
– hai ngày.

6. Dân làng tin vào CGS nhờ đâu?
Nhờ hai nguyên nhân:
– Nhờ lời người phụ nữ nói.
– Nhờ chính họ đã nghe và thấy việc CGS làm trong hai ngày Ngài lưu lại với họ.

7. CGS nói với các môn đệ về lương thực của Ngài. Lương thực đó là gì?
– Đó là thánh ý Thiên Chúa Cha: mang Tin mừng cứu độ đến cho mọi người.

II. CHỮA LÀNH ĐỨA CON VIÊN CẬN VỆ (4,43-54).

1. CGS chữa phép lạ này khi Ngài đang ở đâu?
– Cana.

2. CGS mời gọi viên cận vệ điều gì?
– Tiến xa trong đức tin: Đó là tin không dựa vào dấu lạ mà chỉ dựa vào lời nói của CGS.

3. Kết quả của phép lạ chữa đứa con viên cận vệ là gì?
– Con ông được khỏi.
– Ông và cả gia đình tin vào Chúa.

CHƯƠNG 5

I. CHỮA NGƯỜI BỆNH TẠI HỒ BẾTDATHA (5,1-18).

1. CGS chữa một người bệnh tại hồ Bếtdatha. Tên Bếtdatha nghĩa là gì?
– Nghĩa là “nhà tình thương”.

2. Người bên hồ Bếtdatha bị bệnh bao nhiêu năm?
– 38 năm.

3. Việc chữa lành người bệnh bên hồ Bếtdatha do lòng tin của người bệnh hay quyền năng của Chúa?
– Do quyền năng của CGS.

4. Việc CGS chữa lành người bệnh bênh hồ Bếtdatha gây nên việc chống đối từ phía người Do thái. Tại sao?
– Vì CGS chữa bệnh trong ngày Sabát.

5. Đáp lại sự chống đối của người Do thái cho rằng CGS phạm luật Sabát, Ngài trả lời thế nào? Ý nghĩa của câu trả lời đó?
– Trả lời: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (5,17). Nghĩa là Ngài tiếp nối công việc bảo vệ và yêu thương tạo vật mà Chúa Cha luôn làm.

6. Người Do thái không chỉ chống đối CGS mà còn muốn giết Ngài nữa. Tại sao?
– Vì hai lý do: (1) CGS vi phạm luật Sabát; (2) CGS tự xưng mình là Con Thiên Chúa.

7. Trong diễn từ về Chúa Con (5,19-47), CGS nói lên sự hiệp nhất của Ngài và Chúa Cha trong hai việc làm nào?
– (1) Ban sự sống; (2) Xét xử.

8. Trong diễn từ về Chúa Con (5,19-47), CGS nói đến 4 nhân chứng cho Ngài. Đó là những nhân chứng nào?
– (1) Chúa Cha; (2) Gioan Tẩy Giả; (3) Các việc Chúa Con làm; (4) Thánh Kinh-Môsê.

9. Trong diễn từ về Chúa Con (5,19-47), Chúa Cha làm chứng cho CGS khi nào?
Trong hai biến cố quan trọng: Phép rửa và hiển dung.

CHƯƠNG 6

I. CHÚA GIÊSU HÓA BÁNH RA NHIỀU (6,1-15).

1. Trong Gioan, phép lạ hóa bánh ra nhiều xảy ra ở đâu, vào dịp nào?
– Bên kia biển hồ còn họi là hồ Galilê hay Tibêria. Vào lúc gần lễ Vượt Qua.

2. CGS nói gì với Philípphê và Ngài nói với ý gì?
– “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”.
– Ngài hỏi nhằm thử Philípphê và cũng để nhắc nhở đến trách nhiệm của các môn đệ.

3. Ai giới thiệu em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá cho CGS? Và bao nhiêu người được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá này?
– Anrê.
– 5000.

4. Phản ứng của dân chúng như thế nào sau khi chứng kiến phép lạ? Và CGS làm gì?
– Dân chúng: Nhìn nhận CGS là ngôn sứ và muốn tôn Ngài lên làm vua.
– CGS: Lánh đi nơi khác vì không muốn dân chúng tôn mình là vua.

II. DIỄN TỪ BÁNH HẰNG SỐNG (6,22-71).

1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, CGS trình bày diễn từ về chủ đề gì?
– Bánh Hằng Sống.

2. Diễn từ Bánh Hằng Sống có thể chia làm mấy đoạn? Mỗi đoạn gồm những gì?
– 6 đoạn.
– Mỗi đoạn gồm: một lời của dân chúng và câu trả lời của CGS.

3. Khởi đầu diễn từ bánh hằng sống (6,22-66), CGS mời gọi người Do thái điều gì?
– Hãy ra công làm việc vì lương thực trường tồn. Đó là lương thực Ngài ban cho họ và mang lại cho họ sự sống đời đời.

4. Bánh hằng sống là gì và khác Manna thế nào? Bánh ấy ám chỉ điều gì cho ngày hôm nay?
– Bánh hằng sống chính là Mình và Máu của CGS.
– Manna chỉ nuôi phần xác. Còn bánh hằng sống mang đến sự sống đời đời.
– Bánh Hằng Sống ám chỉ đến Thánh Thể của ngày hôm nay.

5. Phản ứng về diễn từ Bánh hằng sống, dân chúng nói: “Lời này chướng tai quá! Ai nghe cho nổi?” nghĩa là gì?
– Nghĩa là họ không tin. “Chướng tai” không phải là khó hiểu mà là khó chấp nhận.

6. Phản ứng sau diễn từ Bánh Hằng Sống, Phêrô nói gì với CGS?
– Phêrô tuyên xưng: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (6,68-69).

CHƯƠNG 7

I. CGS DỰ LỄ LỀU (7,1-13).

1. Lễ Lều bắt đầu từ ngày nào? Kéo dài bao lâu? Ý nghĩa của ngày lễ? Ba lễ lớn của người Do thái là những lễ nào?
– Bắt đầu từ ngày 15 tháng 7 và kéo dài một tuần.
– Ngày lễ nhắc nhớ thời gian dân Israel đi trong sa mạc để vào đất hứa.
– 3 lễ lớn: Vượt Qua, lễ Lều và lễ Ngũ Tuần.

2. Anh em CGS đề nghị Ngài lên Giêrusalem dự lễ nhằm mục đích gì? CGS đáp trả thế nào?- Đề nghị của anh em CGS: Có thể đề nghị mang tính mỉa mai hoặc họ muốn CGS chứng tỏ quyền năng để họ thơm lây.
– Đáp trả của CGS: (1) Nói “giờ tôi chưa đến”; (2) Vạch ra sai trái của họ: Họ thuộc về thế gian.

II. CGS GIẢNG DẠY TRONG ĐỀN THỜ (7,14-52).

1. Người Do thái ngạc nhiên nói về CGS: “ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!” (7,15b). CGS trả lời thế nào?
– CGS trả lời: Những gì Ngài nói không phải là kiến thức mà là đạo lý. Đạo lý này xuất phát từ Thiên Chúa Cha.

2. Người Do thái dựa vào những chứng cứ nào để phủ nhận CGS là Đấng Kitô (7,27)?
– Họ dựa vào chứng cứ là họ biết rõ nguồn gốc của CGS, con ông Giuse ở Nadarét.  Còn ĐKT thật thì không ai biết rõ nguồn gốc.

3. CGS nói: “ít lâu nữa Ngài sẽ về cùng Chúa Cha” có nghĩa là gì (7,33-34)?
– Nghĩa là sau cái chết và phục sinh Ngài sẽ lên trời cùng Thiên Chúa Cha.

4. Trong dịp bế mạc lễ Lều, CGS tuyên bố điều gì (7,37-39)? Lời tuyên bố ấy liên hệ đến ai?- CGS tuyên bố: Ngài là Nước Hằng Sống.
– Nước Hằng Sống mà CGS sẽ ban cho con người đó chính là Chúa Thánh Thần.

CHƯƠNG 8

I. NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH (8,1-11).

1. Động cơ của Kinh sư và Biệt phái khi dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với CGS là gì?
– Họ muốn gày bẫy nhằm có bằng cớ để tố cáo CGS.

2. Cử chỉ CGS lấy tay viết trên đất có ý nghĩa gì?
– Cử chỉ này biểu lộ sự từ chối, không đồng tình và không muốn can dự vào.

3. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (8,7b). Câu nói này của CGS có ý nghĩa gì?
CGS muốn nói hai điều:
– Người ném đá đầu tiên phải là người vô tội.
– Là câu chất vấn mọi người về tội của mình: ai cũng có tội.

4. CGS nói với người phụ nữ: “từ nay đừng phạm tội nữa” nhằm mục đích gì?
– Nói lên sự tha thứ của CGS.
– Khuyến khích người phụ nữ sống tốt hơn.

II. TRANH LUẬN VỚI NGƯỜI DO THÁI (8,12-59).

1. CGS tuyên bố: “Tôi là Ánh Sáng thế gian” (8,12) muốn nói điều gì? Điều kiện để con người có được Ánh Sáng này?
– CGS muốn nói: (1) Ngài soi dẫn con người hiểu ý nghĩa và mục đích của đời sống, và dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa. (2) Với cái chết và phục sinh, CGS đánh tan thế lực của bóng tối là Satan.
– Điều kiện để con người có được Ánh Sáng: là “đi theo” nghĩa là đến với CGS, tin và phó thác vào Ngài.

2. CGS nói về tự do  và nô lệ (8,33-38): Nô lệ và tự do theo CGS là gì?
– Nô lệ: Đó là khi người ta sống trong tình trạng tội lỗi: Nô lệ cho sự dữ.
– Tự do: Đó là tin tưởng vào CGS, trở nên môn đệ đích thực của Ngài.

3. Theo CGS, con cháu đích thực của Abraham dựa trên tiêu chuẩn nào (8,39-41)?
– Con cháu đích thực của Abraham không dựa trên huyết thống nhưng dựa trên đức tin: Ai tin vào Chúa thì trở thành con cháu của Abraham.

4. CGS nói với người Do thái rằng họ không phải là con Thiên Chúa. Tại sao (8,41-47)?
– Vì họ không yêu mến Đấng Thiên Chúa sai đến và không nghe lời của Ngài.

5. Người Do thái nguyền rủa CGS điều gì (8,48)? Ý nghĩa thế nào?
Họ nguyền rủa CGS 2 điều:
– Người Samari: nghĩa là dân lai căng, không chính thống.
– Người bị quỷ ám: Nghĩa là không thuộc về Thiên Chúa.

CHƯƠNG 9

CHỮA NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH

1. Các môn đệ hỏi nguyên nhân nào làm cho anh này bị mù: tội của anh hay của cha mẹ anh. CGS trả lời thế nào?
– CGS không nói đến nguyên nhân của căn bệnh. Ngài chỉ khẳng định: Đây là cơ may để Thiên Chúa tỏ mình.

2. CGS nói anh mù là cơ may. Cơ may cho ai?
– Cơ may cho Thiên Chúa: Thiên Chúa bày tỏ vinh quang qua việc chữa lành.
– Cơ may cho anh mù và mọi người: Việc chữa lành là dấu chỉ mời gọi họ tin vào CGS.

3. Việc chữa lành anh mù xảy ra gần hồ Silôác. Chữ Silôác nghĩa là gì? Ám chỉ đến ai?
– Chữ Silôác nghĩa là “người được sai phái”.
– “Người được sai phái” ám chỉ đến CGS, Đấng được Thiên Chúa sai phái.

4. Những người Pharisêu hỏi cha mẹ anh mù điều gì (9,18-23)? Cha mẹ anh trả lời thế nào?
– Họ hỏi 3 điều: (1) Anh mù đúng là con của họ không? (2) Anh có bị mù từ nhò không? (3) Tại sao anh lại được sáng mắt.
– Cha mẹ anh mù trả lời: Anh ấy đúng là con của họ và đã bị mù từ nhỏ, nhưng tại sao anh lại sáng mắt thì họ không dám nói.

5. Cha mẹ anh mù không dám nói sự thật vì sợ bị hình phạt. Đó là hình phạt gì?
– Họ sợ bị loại ra khỏi hội đường, nghĩa là bị loại khỏi cộng đoàn.

6. Đối diện với nhóm Pharisêu, anh mù khẳng định thế nào về CGS (9,28-33)?
– Xác tín: Phải là Đấng đến từ Thiên Chúa mới có khả năng mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.

7. CGS nói Ngài đến để “cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù”. Câu này muốn nói điều gì (9,39)?
Muốn nói: những ai khiêm tốn đón nhận mình đui mù mà tin vào CGS thì được sáng như anh mù. Còn ai tự mãn và từ chối Ngài như nhóm Pharisêu, thì vẫn đui mù.

CHƯƠNG 10.

I. MỤC TỬ NHÂN LÀNH (10,1-21).

1. Nhiệm vụ chính của người mục từ là gì?
– Tìm đồng cỏ, suối nước để chiên được no đủ.
– Bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm của sói dữ.

2. CGS nói đến người mục tử xấu và mục tử tốt với những đặc điểm nào?
a. Mục tử xấu:
– Họ không qua cửa;
– Chiên không nghe tiếng của họ và không theo họ;
– Họ đến để cướp và sát hại chiên. Khi gặp nguy hiểm, họ bỏ trốn.
b. Mục tử tốt:
– Đi vào lối chính.
– Biết từng con chiên và chiên nghe tiếng họ.
– Giúp chiên sống sung mãn.
– Tìm kiếm chiên thất lạc và bảo vệ chiên khi có nguy hiểm.

3. Hình ảnh mục tử xấu và tốt ám chỉ đến ai?
– Mục tử xấu chính là giới lãnh đạo Do thái: Họ chỉ lo cho chính mình, bắt nạt chiên.
– Mục tử tốt chính là CGS: Ngài biết từng con chiên, nuôi chiên no đủ, luôn đi tìm những chiên thất lạc và sẵn sàng chết vì chiên.

4. Lời nào của CGS chứng tỏ Ngài chính là mục tử tốt sẵn sàng chết để bảo vệ chiên?
– Lúc Ngài nói với quân lính đến bắt Ngài: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (18,8).

5. Những chiên thất lạc tiêu biểu được nói trong tin mừng là những ai?
– Mátthêu, Giakêu, người phụ nữ Samari, những người thu thuế và tội lỗi…

II. CGS XƯNG MÌNH LÀ CON THIÊN CHÚA (10,22-42).

1. Lê Cung Hiến bắt nguồn từ thời nào? Cử hành vào ngày nào? Và ý nghĩa của lễ?
– Bắt nguồn từ thời Macabê.
– Cử hành vào ngày 25 tháng 12 (tháng Kisleu).
– Ý nghĩa: Tưởng nhớ ngày Macabê chiến thắng và cử hành nghi lễ thánh hiến đền thờ đã bị tục hóa bởi Antiôchus.

2. CGS nói: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin” (10,25). Tại sao người Do thái không tin CGS là Đấng Kitô?
– Vì họ không thuộc đàn chiên của CGS. Họ đui mù trong tâm hồn.

CHƯƠNG 11

I. ANH LADARÔ SỐNG LẠI (11,1-44).

1. Khi hai tin Ladarô đau nặng, CGS nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, những là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa” (11,4). Ý CGS muốn nói gì?
– Không phải Ladarô không chết nhưng là dịp để Thiên Chúa bày tỏ vinh quang giống trường hợp anh mù từ thuở mới sinh.

2. Khi hai tin Ladarô bệnh nặng, lại là người CGS thương mến, tại sao Ngài không đến ngay mà nán lại thêm hai ngày (11,5-6)?
– Trong Gioan, CGS không bao giờ làm phép lạ theo cách người ta xin.
– Lưu lại 2 ngày chứng tỏ Ladarô thật sự chết.
– CGS trì hoãn chứ không phải từ chối.

3. CGS nói: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao…(11,9-10)?” có ý nghĩa gì?
– Nghĩa là thời gian để CGS tiếp tục làm công việc của Chúa Cha vẫn còn (ban ngày) thì Ngài vẫn làm và không thế lực nào có thể ngăn cản, ngay cả Hêrôđê hay sự thù ghét của người Do thái.

4. CGS nói: Ladarô yên giấc và Ngài đến để đánh thức ông ấy: “Yên giấc” và “đánh thức” có nghĩa gì?
– Yên giấc: Nghĩa là đã chết;
– Đánh thức: Nghĩa là cứu sống.

5. Điểm đặc biệt nào trong lời nói của CGS với Mácta: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa” (11,40).
– CGS mời gọi Mácta trước hết là tin: Tin rồi sẽ thấy chứ không phải đòi hỏi thấy mới tin.

6. Trước khi cứu sống Ladarô, CGS cầu nguyện với Chúa Cha điều gì (11,41)?
CGS cầu nguyện hai điều:
– Cảm tạ Chúa Cha.
– Việc Ngài sắp làm là dấu chỉ để nhiều người tin rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến.

II. THỦ LÃNH DO THÁI QUYẾT ĐỊNH GIẾT CHÚA GIÊSU (11,45-57).

1. Giới lãnh đạo Do thái có thái độ nào trước sự kiện CGS cứu sống Ladarô? Họ đi đến quyết định gì?
– Họ công nhận CGS đã làm nhiều dấu lạ. Nhưng những dấu lạ đó không phải là dấu chỉ để họ tin vào CGS, trái lại chúng là cớ gây nguy hiểm cho họ.
– Họ quyết định họp Thượng Hội Đồng để tìm cách chống đối CGS.

2. Ai đã đưa ra giải pháp trong Thượng Hội Đồng để đối phó với CGS? Giải pháp đó là gì (11,49-50). Gioan đã giải thích giải pháp này thế nào (11,51-52)?
– Đó là Caipha. Ông đưa ra giải pháp: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (11,50).
– Theo Gioan: Lời nói của Caipha là lời tiên tri về cái chết của CGS: Ngài chết cho muôn dân và chết để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.

CHƯƠNG 12

I. XỨC DẦU TẠI BÊTANIA (12,1-11).

1. Sự kiện này xảy ra ở đâu? Khi nào?
– Nơi chốn: Trong nhà Mácta và Maira, thuộc làng Bêtania, một làng nhỏ cách Giêrusalem khoảng 3km.
– Thời gian: 6 ngày trước lễ Vượt Qua.

2. Người xức dầu cho CGS là ai? Người này làm thế nào? Việc làm của cô có ý nghĩa gì?
– Đó là Maria, em của Mácta.
– Chị đổ dầu trên chân CGS và lấy tóc mà lau.
– Ý nghĩa: Một hành động tôn trọng, nhất là ám chỉ việc mai táng CGS.

3. Ai phản đối hành động của người phụ nữ này? Lý do gì?
– Đó là Giuđa Iscariốt. Lý do: Hoang phí.

4. CGS đáp trả thế nào trước sự phản đối của Giuđa Iscariốt?
– Đánh giá hành động của Maria: Đó là việc nghĩa vì ám chỉ đến mai táng Chúa. Hãy dành ưu tiên làm việc nghĩa cho Chúa.
– Đề cao việc làm của Maria: qua bao thế hệ, việc làm này sẽ được loan truyền.

5. Tại sao giới lãnh đạo Do thái quyết định giết cả Ladarô (12,9-11).
Có lẽ vì hai lý do:
– Vì Ladarô mà nhiều người tin vào CGS.
– Vì Ladarô được cứu sống ảnh hưởng đến giáo lý của nhóm Sađốc: không tin có sự sống lại.

II. CGS VÀO THÀNH GIÊRUSALEM (12,12-19).

1. CGS cởi lừa vào thành Giêrusalem: Hình ảnh này ứng nghiệm lời ngôn sứ nào và ý nghĩa gì?
– Ứng nghiệm lời ngôn sứ Dcr 9,9: Nói lên vị vua khiêm nhu.
– CGS cởi lừa: Ngài là vị vua khiêm nhu và hòa bình.

2. Hình ảnh dân chúng cầm cành lá tung hô CGS khi Ngài vào thành gợi lại hình ảnh nào trong Cựu Ước? Ý nghĩa là gì?
– Gợi lại hình ảnh dân chúng tung hô Macabê khi ông vào thành để thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.
– CGS vào thành với tư cách là vua hòa bình và cũng để thanh tẩy đền thờ.

III. CGS LOAN BÁO GIỜ TÔN VINH (12,20-50).

1. Một số người Hy lạp đến gặp CGS. Tại sao CGS nói đây là giờ Ngài sắp được tôn vinh (12,23)?
Vì những người Hy lạp đại diện cho dân ngoại đến gặp CGS. Đó là dấu hiệu chương trình hoạt động của Ngài sắp kết thúc, là thời gian được tôn vinh qua cái chết trên thập giá.

2. Hình ảnh hạt lúa mì nói lên điều gì về sứ mạng của CGS (12,24)?
– Như hạt lúa mì, CGS chấp nhận cái chết. Cái chết của Ngài dẫn đến sự sống và quy tụ mọi dân nước thành cộng đoàn đông đảo: đó là hoa trái.

3. Nhân sự kiện người Hy lạp đến gặp, CGS dạy điều gì về người môn đệ (12,26)?
– Người môn đệ của CGS chỉ tìmgặp thôi chưa đủ mà còn phải theo Ngài.
– Theo CGS: Sống theo lời Ngài dạy, bước theo đường Ngài đi (con đường khổ giá).

4. Tiếng từ trời: “Ta đã tôn vinh Danh Ta và Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (12,28-30): Lời này của ai và nhằm mục đích gì?
– Đây là lời của Thiên Chúa Cha.
– Lời này nhắm đến dân chúng nhằm kêu gọi họ tin nhận CGS là Đấng mà Thiên Chúa sai đến.

5. CGS nói: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12,32). “Được giương cao” ám chỉ điều gì?
– “Được giương cao” ám chỉ 2 điều: (1) Việc CGS chịu đóng đinh trên thập giá; (2) Việc CGS được tôn vinh, nghĩa là được phục sinh và lên trời vinh hiển.

CHƯƠNG 13

I. RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ (13,1-20)

1. Nghi thức rửa chân ý nghĩa thế nào đối với người Do thái và thường ai làm?
– Là việc làm tôn trọng khách (hoặc chủ) và do chính các đầy tớ làm.

2. CGS rửa chân cho các môn đệ để làm gì?
– Để dạy các ông bài học phục vụ: Cúi mình phục vụ anh em như đầy tớ phục vụ chủ.

3. CGS nói với Phêrô: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (13,8). “Chung phần với thầy” nghĩa là gì?
– Có nghĩa là được liên kết hoặc chia sẻ với Ngài: Liên kết và chia sẻ với Ngài trong thân phận đau khổ và cùng được hưởng vinh quang.

4. CGS nói với các môn đệ: “Ai tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu” (13,10). Câu này nghĩa là gì?
Có hai nghĩa:
– Thứ nhất: CGS nói các môn đệ đã được sạch cách thiêng liêng, chỉ cần thanh luyện thêm một ít, đó là thanh luyện cái nhìn về Đức Kitô chịu đau khổ.
– Thứ hai: Không phải tất cả được sạch ám chỉ sự phản bội của Giuđa Iscariốt.

II. TIÊN BÁO GIUĐA PHẢN BỘI (13,21-30).

1. CGS dùng dấu hiệu “chấm bánh và trao” để chỉ Giuđa là người phản bội. Dấu hiệu này thường được dùng với ý nghĩa gì? CGS làm cử chỉ này để làm gì?
– Chấm bánh và trao, đó là việc làm của chủ nhà đối với vị khác danh dự: một hành động tôn trọng.
– CGS làm cử chỉ này nhằm nhắc nhở Giuđa ăn năn sám hối.

2. CGS nói với Giuđa: “Anh làm gì hãy làm đi” (13,27). Câu này nhắm ý gì? Giuđa đáp lại thế nào?
– CGS nói như là lời nhắc nhở cuối cùng dành cho Giuđa để kêu gọi ông chọn lựa: ăn năn hay theo ma quỷ.
– Đáp trả của Giuđa: Ông chọn con đường riêng, con đường của đồng tiền và của bóng tối.

II. MỆNH LỆNH MỚI (13,31-38).

1. Ga 13,31-17,26 được gọi là gì?
– Được gọi là “diễn từ giã biệt” vì CGS nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất trước khi bước vào cuộc khổ nạn.

2. Đoạn 13,31-38, CGS nói với các môn đệ điều gì?
– CGS nói đến 3 điều: (1) Giờ tôn vinh; (2) Điều răn mới; (3) Tiên báo Phêrô chối Chúa.

3. Cốt lõi của điều răn mới là gì? Tại sao CGS phải ban cho các môn đệ điều răn mới?
– Cốt lõi của điều răn mới là sống yêu thương.
– Vì trong lúc Ngài vắng mặt, điều quan trọng của các môn đệ phải có là sống yêu thương.

4. Đâu là điểm mới của giới răn mà CGS để lại cho các môn đệ?
– Đối tượng yêu thương: Yêu thương hết mọi người.
– Mức độ yêu thương: Yêu như Chúa yêu, nghĩa là yêu đến dám hiến thân vì bạn hữu.

CHƯƠNG 14

1. CGS kêu gọi các môn đệ đừng xao xuyến (14,1-3). Tại sao và cách nào để tránh xao xuyến?
– Các môn đệ đừng xao xuyến vì CGS đi dọn chỗ và trở lại đón các môn đệ.
– Cách tránh xao xuyến là tin vào CGS và tin vào Chúa Cha.

2. CGS nói: “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở” (14,2). “Chỗ ở” ám chỉ điều gì?
– Chỗ ở: Chính là cuộc sống hạnh phúc trên thiên đàng.

3. CGS nói với Tôma: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (14,6): Đường, sự thật, sự sống nghĩa là gì?
CGS là đường: Nghĩa là Ngài dẫn con người đến với Thiên Chúa, về quê hương đích thực là hạnh phúc thiên đàng.
CGS là sự thật: Vì Ngài đến từ Thiên Chúa Cha, nói cho con người biết về Thiên Chúa và chỉ cho con người cách để sống đẹp lòng Chúa Cha.
CGS là sự sống: Vì chính Ngài là nguồn sự sống thật.

4. Dấu hiệu chứng thực người môn đệ CGS thật sự yêu mến Ngài là gì (14,15.21)?
– Đó là giữ các điều răn của Ngài, nhất là giới răn yêu thương mà Ngài vừa trao ban.

5. CGS hứa ban CTT cho các môn đệ. Trong 14,16-17, Ga dùng từ hy lạp nào để nói về CTT và gọi CTT với danh hiệu gì ?
– Gioan dùng từ Hy lạp parakletos, nghĩa là trạng sư, người bào chữa , người trợ giúp, người bênh vực, người an ủi và chuyển cầu.
– CTT được gọi là “Đấng Bảo Trợ”.

6. Giuđa thắc mắc với CGS: “Tại sao Thầy tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian? (14,22). “Tỏ mình” có nghĩa là gì? Điều kiện để được Thiên Chúa tỏ mình?
– “Tỏ mình” có nghĩa là đến và ở lại. CGS tỏ mình ra nghĩa là Ngài đến và ở lại với các môn đệ.
– Điều kiện để được Thiên Chúa tỏ mình: Chỉ có ai yêu mến và giữ lời Chúa dạy.

7. Ga 14,25-56 nói lên vai trò gì của CTT?
– Giúp các môn đệ nhớ lại những điều CGS đã dạy, nghĩa là giúp họ hiểu ý nghĩa lời nói và việc làm của CGS.

8. CGS hứa ban bình an cho các môn đệ (14,27). Bình an của CGS là gì?
– Đó là bình an thật trong tâm hồn dù cuộc sống có gặp những khó khăn gian khổ.

CHƯƠNG 15

I. CÂY NHO VÀ CÀNH NHO (15,1-11).

1. Chương 15 tin mừng Gioan nói lên những mối quan hệ nào của người môn đệ?
3 mối quan hệ sau:
– Quan hệ với Thiên Chúa.
– Quan hệ với nhau.
– Quan hệ với thế gian.

2. CGS dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên điều gì?
– Để nói lên mối quan hệ giữa các môn đệ với Ngài: CGS là cây nho, các môn đệ là cành.

3. Điều kiện để người môn đệ sinh hoa trái là “ở lại” trong CGS. Ở lại nghĩa là gì? Ở lại bằng cách nào?
– Ở lại: nghĩa là yêu thương và kết hiệp mật thiết với CGS.
– Ở lại trong CGS bằng cách giữ các giới răn của Ngài.

4. Người môn đệ phải làm gì để vinh danh Thiên Chúa?
– Phải sinh và sinh nhiều hoa trái. Đó là hoa trái của CTT: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.

5. Điều căn bản người môn đệ phải có trong mối quan hệ với nhau là gì (15,12-17)
– Đó là phải sống yêu thương nhau như Chúa yêu, một tình yêu dám hiến thân cho bạn hữu.

6. Ga 15,18-27 nói lên mối quan hệ của người môn đệ với thế gian. Họ bị thế gian thù ghét và bách hại. CGS dạy các môn đệ có thái độ nào khi đứng trước hoàn cảnh đó?
Người môn đệ phải tâm niệm:
– Họ đang chia sẻ số phận với thầy Giêsu vì “tôi tớ không lớn hơn chủ”.
– Đó là cơ hội để họ làm chứng cho Thầy.

CHƯƠNG 16

1. CGS nói trước các môn đệ phải chịu sự bách hại của thế gian. Bách hại thế nào? Đâu là sai lầm của thế gian? Thí dụ tiêu biểu cho sai lầm này là ai?
– Bách hại: Loại trừ các môn đệ ra khỏi hội đường.
– Sai lầm của thế gian: Bách hại các môn đệ CGS mà tưởng rằng phụng thờ Thiên Chúa. Tiêu biểu cho sự sai lầm này Phaolô, người hăng say bách hại các Kitô hữu.

2. CTT đối với thế gian thế nào (16,8-11)?
CTT vạch ra 3 sai lầm của thế gian:
– Từ chối và giết chết CGS.
– Chứng minh sự công chính của CGS.
– Xét xử: Thế gian sẽ bị đánh bại và bị xét xử.

3. Ga 16,12-15, CTT làm gì cho các môn đệ?
Giúp các môn đệ 2 điều:
– Hướng dẫn các ôn đến sự thật toàn vẹn, nghĩa là hiểu và sống những gì CGS đã nói.
– Giúp các ông hiểu tương lai: Nghĩa là dần hiểu rõ mầu nhiệm CGS.

4. CGS nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ thấy Thầy” (16,16). “Ít lâu nữa” nói đến điều gì?
Nói đến 2 điều:
– Ám chỉ đến cái chết của CGS.
– Ám chỉ đến phục sinh của CGS.

CHƯƠNG 17

1. Chương 17 của Tin mừng Gioan được gọi là gì?
– Được gọi là “lời nguyện tư tế” vì CGS dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha.

2. Trong “lời cầu nguyện tư tế”, CGS cầu nguyện với Chúa Cha cho ai?
CGS cầu nguyện:
– Cho chính mình.
– Cho các môn đệ.
– Cho những người nhờ lời các môn đệ mà tin vào Ngài.

3. Trong “lời cầu nguyện tư tế”, CGS cầu nguyện điều gì cho chính mình (17,1-5)?
– Xin Chúa Cha tôn vinh mình: Đó là nhân loại nhận biết Ngài chính là Đấng Thiên Chúa sai đến.
– Xin cho Danh Cha được tôn vinh bằng cách Ngài vâng phục Chúa Cha chu toàn kế hoạch cứu độ.

4. Trong “lời cầu nguyện tư tế”, CGS cầu nguyện cho các môn đệ điều gì (17,6-8)?
CGS cầu nguyện cho các môn đệ 2 điều:
– Gìn giữ: (1) Gìn giữ họ trong danh Cha, nghĩa là giúp họ tin nhận Thiên Chúa và trung kiên trong niềm tin. (2) Gìn giữ họ khỏi ác thần, nghĩa là đứng vững trước sự tấn công của thế gian.
– Thánh hiến họ để họ thuộc trọn về Chúa.

5. Trong “lời cầu nguyện tư tế”, CGS cầu nguyện cho những người nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa điều gì (17,20-26)?
– CGS cầu nguyện cho họ được hiệp nhất cũng như Ngài với Chúa Cha: “nên một như chúng ta là một”.

CHƯƠNG 18-19

1. Giuđa Iscariốt “đứng chung” với quân lính khi bắt CGS (18,2-5). Hành động này ý nghĩa gì?
– Nghĩa là Giuđa đã quyết chọn con đường đối nghịch với Chúa.

2. CGS nói với quân lính: “Nếu các anh tìm tôi, thì hãy để cho những người này đi” (18,8). Câu này nói lên hình ảnh gì của CGS?
– CGS là mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ chiên.

3. Người đầy tớ vị thượng tế bị Phêrô chém đứt tai tên là gì?
– Mankhô.

4. Tại sao quân lính dẫn CGS đến Khanna khi ông này không còn quyền hạn (18,19-24)?
– Vì thù ghét cá nhân của Khanna khi CGS dám đụng chạm đến quyền lợi của ông qua việc đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ.

5. Tại sao giới lãnh đạo Do thái phải nhờ đến Philatô để xét xử CGS?
– Vì thời ấy, người Do thái không có quyền quyết định giết một phạm nhân. Quyền này thuộc thẩm quyền Rôma mà Tổng trấn Philatô là đại diện.

6. Khi điệu CGS đến Philatô, tại sao giới lãnh đạo Do thái không vào dinh của Philatô (18,28)?
– Vì họ sợ bị ô uế. Như thế họ không đủ điều kiện để mừng lễ Vượt Qua.

7. Thái độ của Philatô thế nào trong khi xử án CGS?
– Ông biết rõ CGS vô tội, nhưng không đủ can đảm để bênh vực và tha cho Ngài.

8. CGS bị đóng đinh ở đâu?
– Đồi Calvariô hay theo tiếng Hipri là Gôngôtha.

9. Trong Gioan, tấm bảng trên thập giá viết bằng những ngôn ngữ nào? Nhằm mục đích gì?
– Viết bằng 3 ngôn ngữ: Hipri, Hy lạp và Latinh.
– Mục đích: Philatô muốn cho nhiều người qua lại có thể đọc được dễ dàng nhằm chế nhạo CGS.

10. Trước khi chết, CGS trao phó Đức Maria cho Gioan, và trao Gioan cho Đức Maria (19,26-27). Điều này có ý nghĩa gì?
– Nói lên tấm lòng cao thượng của CGS dù trong hoàn cảnh đau đớn và cái chết gần kề, Ngài vẫn lo lắng cho Mẹ (trao Mẹ Maria cho Gioan) và cho Giáo Hội (trao Gioan cho Mẹ Maria).

11. Trước khi chết, CGS nói: “Ta khát” và “mọi sự đã hoàn tất”. Những lời này có ý nghĩa gì?
– “Ta khát”: Tượng trưng cho lòng CGS khao khát thực hiện trọn vẹn ý Chúa Cha.
– “Mọi sự hoàn tất”: Nghĩa là sứ mệnh của Ngài đã hoàn thành. Cái chết là hoàn thành sự nghiệp: thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

12. CGS không bị đánh dập ống chân gợi lên hình ảnh gì trong Cựu Ước và muốn nói lên điều gì về CGS 919,31-37)?
– Gợi lên hình ảnh con chiên chịu sát tế trong lễ Vượt Qua: con chiên phải nguyên vẹn, không tì vết.
– Hình ảnh này nói: CGS chính là Chiên Vượt Qua, chịu sát tế để cứu nhân loại.

13. Máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn của CGS. Hình ảnh này được nói ở đâu trong Cựu Ước và ý nghĩa thế nào đối với CGS?
– Được nói trong Dacaria 12,10: một nạn nhân vô tội bị sát hại nhưng từ cái chết của người ấy, một nguồn nước được khai thông để rửa sạch tội lỗi.
– CGS: Với cái chết của Ngài nguồn mạch sự sống được tuôn tràn cho nhân loại chúng ta.

CHƯƠNG 20-21

1. Tại sao người môn đệ CGS thương mến đến mộ trước nhưng lại không vào mà để Phêrô vào trước (20,6-7)?
– Vì ông muốn nhường bước cho Phêrô. Chi tiết này nhấn mạnh vai trò thủ lãnh của Phêrô dù trước đây ông từng chối Chúa.

2. Thấy băng vài và khăn liệm trong một được xếp ngăn nắp, phản ứng của Phêrô và môn đệ CGS thương mến thế nào?
– Phêrô: Ông ngạc nhiên.
– Người môn đệ CGS thương mến: Thấy và tin. Đó là dấu chỉ để ông tin vào CGS phục sinh.

3. CGS nói với Maria Mácđala “đừng giữ Thầy lại”. Lời này muốn nói điều gì?
– Việc quan trọng bây giờ không phải là níu kéo CGS mà là đi loan báo Ngài đã phục sinh.

4. CGS  phục sinh ban Thần Khí cho các môn đệ có ý nghĩa gì?
– Khi tạo dựng, Thiên Chúa thổi sinh khí vào con người và ban sự sống. Nay CGS phục sinh cũng ban Thần Khí cho các môn đệ để các ông tiếp tục sứ mệnh của Ngài là rao truyền và thông ban tin mừng sự sống.

5. Phép lạ mẻ cá lạ lùng, các môn đệ bắt được 153 con (21,11). Số 153 này có ý nghĩa gì?
– 153 là số loại cá dưới nước thời bấy giờ. Số 153 ám chỉ “tất cả”: Giáo Hội là nơi tập hợp tất cả mọi người.

6. Tại sao CGS chất vấn Phêrô 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không?”.
– CGS muốn tha thứ cho Phêrô vì ba lần chối Chúa. Bây giờ ông có cơ hội ba lần bày tỏ lòng yêu thương dành cho Ngài.

7. CGS nói với Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” (21,15-17). Chúa muốn điều gì nơi Phêrô?
– CGS muốn Phêrô yêu mến Ngài hơn bất cứ người nào yêu Ngài và hơn bất cứ thứ gì.

8. CGS nói với Phêrô rằng “ông giang tay để người ta thắc lưng” và “ông bị dẫn đến nơi mà ông ông muốn” (21,18-19). Những lời này có ý nghĩa gì?
– “Ông giang tay để người ta thắc lưng”: Nghĩa là ông không còn làm chủ đời mình mà phải theo con đường của Chúa.
– “Ông bị dẫn đến nơi mà ông ông muốn”: Ám chỉ đến cuộc tử đạo của ông vì chu toàn sứ mệnh Chúa trao.

bài viết mới