Friday, September 20, 2024
spot_img

[Bài viết] Kinh Thánh: cột trụ căn bản trong đời sống Kitô hữu

Lm. Thiên Vy

Trong bài nói chuyện: Thăng tiến việc rao giảng và sống Lời Chúa trong các xứ đạo của Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên ngày 19.2.2019 tại Đại hội Kinh Thánh Toàn quốc, TGM – TTMV Giáo phận Nha Trang, Đức cha nêu lý do tại sao đời sống đức tin của các Kitô hữu Việt Nam vững mạnh. Trước hết, ngài đưa ra ba cột trụ chính nâng đỡ đức tin của người Công giáo Việt Nam: (1) các cha quan tâm đến việc cử hành các bí tích (2) các lớp giáo lý, (3) các kinh đọc. Tiếp đó, ngài đề nghị thêm một cột trụ nữa, đó là cột trụ thứ tư: (4) Kinh Thánh.

Trong những lúc khó khăn nhất, các Kitô hữu Việt nam đã quan tâm đến các kinh đọc hằng ngày. Họ học thuộc các kinh, đọc hằng ngày và dạy con cháu họ thuộc lòng những kinh đó. Trong hoàn cảnh ấy, các giáo xứ còn chú trọng đến việc dạy và học giáo lý. Nhiều thành phần trong các giáo xứ, từ cha mẹ trong gia đình cho đến các vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ đều là những giáo lý viên. Tại các giáo xứ, khi có sự hiện diện của các linh mục, các Thánh lễ luôn được cử hành hằng ngày. Nhờ đó, đức tin của người Công giáo Việt Nam được nâng đỡ rất nhiều.

“Giáo hội Công giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng”.[i] Việc mong muốn cho thành phần giáo dân học hỏi Kinh Thánh không phải là chuyện mới trong Giáo hội, nhưng đối với người Công giáo Việt Nam, đây là chuyện tương đối xa lạ.

Có thể nói, việc thêm vào một cột thứ tư: Kinh Thánh là đáp ứng mong mỏi của Giáo hội bấy lâu nay, vì đây là cột trụ căn bản cho đời sống đức tin của các tín hữu. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.[ii]

I. Kinh Thánh trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam

1. Tín hiệu đáng mừng

Ngày 12.10.2007, HĐGMVN đã phê chuẩn thành lập Ủy ban Kinh Thánh do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh làm chủ tịch. Ủy ban được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu và trình bày ý nghĩa Kinh Thánh theo quan điểm mục vụ; cổ võ và hướng dẫn việc trình bày giáo lý Kinh Thánh cho thích hợp; phát huy và phối hợp những sáng kiến về học hỏi và phổ biến Lời Chúa; phiên dịch và soạn những tài liệu liên quan đến mục vụ Kinh Thánh.[iii]

Sau 12 năm, ngày 19-21.02.2019, Đại hội Kinh Thánh Toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại TGM – TTMV Giáo phận Nha Trang. Mục đích của Đại hội giúp các tham dự viên cùng nhau tái khám phá sự phong phú thiêng liêng của Lời Chúa, cổ võ và mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam đọc, học hỏi, suy niệm và thực hành Lời Chúa.

Trên thực tế, trước khi có Ủy ban Kinh Thánh, tại một số giáo phận, các lớp Kinh Thánh đã được tổ chức, chẳng hạn: lớp Kinh Thánh 100 tuần của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, lớp Kinh Thánh tại TGM Cần Thơ của Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, lớp Kinh Thánh cho các bạn trẻ của cha Antôn Nguyễn Cao Siêu… Song song đó, các nhóm nhỏ cũng được thành lập tại một vài thành phố lớn, hoạt động chủ yếu của các nhóm này là đọc Lời Chúa và chia sẻ.

Hiện nay, các hình thức tiếp cận Kinh Thánh tương đối phong phú: sách Kinh Thánh trọn bộ và sách Tân Ước khá dồi dào, một số đầu sách Kinh Thánh bằng hình và truyện Kinh Thánh cho thiếu nhi, nhiều websites Kinh Thánh, apps đọc, học và trò chơi Kinh Thánh… Tất cả các hình thức tiếp cận trên đều nhằm mục đích đưa Kinh Thánh, cột trụ không thể thiếu đến với các tín hữu.

2. Thực trạng cần quan tâm

a. Nhiều mối quan ngại

Đời sống đức tin của các tín hữu Việt Nam đang bị tác động bởi nhiều hình thức chủ nghĩa, trào lưu và não trạng khác nhau: chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tục hóa, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa khoa bảng…; trào lưu sống ảo (suy tôn các phương tiện truyền thông), trào lưu tôn vinh thể xác…; não trạng duy kinh tế, não trạng tương đối hóa tôn giáo… Tất cả đang tác động không nhỏ đến đời sống người Công giáo Việt Nam, đặc biệt những người trẻ. Một số dường như đang dần mất phương hướng trong đời sống đức tin hoặc đời sống đức tin của họ đang bị lung lay trước những thách đố ấy.

b. Tình trạng di dân

Di dân là một thực tế và thực trạng tại Việt Nam. Thực tế là do nhu cầu, thực trạng là do những bất cập phát sinh. Tình trạng các giáo dân đổ về các thành phố tìm việc làm và học tập đã gây ra nhiều xáo trộn nhất định về mặt điều hành và tổ chức trong các giáo xứ. Các họ đạo miền quê ngày càng nhỏ đi, các họ đạo thành phố ngày càng phình ra. Khi phải tách ra khỏi giáo xứ gốc, một số giáo dân, nhất là những người trẻ không chăm lo đủ cho đời sống đức tin của mình. Khi họ phải vật lộn với đời sống kinh tế và bị tác động bởi nhiều lối sống tiêu cực; khi chưa tìm được một giáo xứ để sinh hoạt đức tin ổn định; khi thiếu sự nâng đỡ của giáo xứ gốc, gia đình và bạn bè Công giáo, họ dễ rơi vào tình trạng lơ là với đời sống đức tin.

c. Quan tâm đến Kinh Thánh chưa đủ

Tại Đại hội Kinh Thánh Toàn quốc, qua các buổi hội thảo và đúc kết, các tham dự viên đều có nhận định chung rằng: đã có một số hình thức quan tâm đến Kinh Thánh tại Việt Nam, nhưng vẫn chỉ là số ít và chưa đủ.

Người Công giáo Việt Nam quen thực hành nhiều hình thức đạo đức khác nhau, nhưng tiếp cận với Kinh Thánh vẫn là điều khá xa lạ. Suy cho cùng, việc giáo dân xa lạ với Kinh Thánh có thể do truyền thống sinh hoạt đức tin của các tín hữu Việt Nam, nhưng cũng có thể do sự thiếu quan tâm đến việc phổ cập Kinh Thánh cho các giáo dân ở cấp độ giáo phận, giáo xứ. Nếu tại các giáo xứ có mục vụ các bí tích, mục vụ thăm viếng, mục vụ người nghèo… thì việc đem Lời Chúa đến với các tín hữu cũng là một công việc mục vụ: Mục vụ Kinh Thánh. [iv]

II. Giáo hội đề cao vai trò của Kinh Thánh

1. Cộng đoàn Giáo hội sơ khai

Sách Công vụ Tông đồ viết vắn tắt về sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu đầu tiên: “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”.[v] Thánh Luca đã phác họa cấu trúc Giáo hội, tòa nhà của Lời Chúa, dựa trên 4 cột trụ: (1) Giáo huấn của các Tông đồ, (2) tham dự lễ Bẻ Bánh, (3) kinh nguyện, (4) sự hiệp thông huynh đệ.[vi] Cả 4 cột trụ đều xuất phát từ Kinh Thánh.

(1) Việc nghe các Tông đồ giảng dạy (Didachè) giúp các tín hữu lớn lên trong đời sống đức tin. Họ lắng nghe Lời Chúa và các Tông đồ cố gắng giải thích Kinh Thánh cho các tín hữu dưới ánh sáng của biến cố Đức Kitô phục sinh.

(2) Tham dự lễ Bẻ Bánh là hành vi Giao Ước Mới được ký kết trong Máu Chúa Kitô.[vii]

(3) Kinh nguyện được dệt bằng “các ca vịnh, thánh ca và những bài ca tinh thần”.[viii]

(4) Đời sống hiệp thông huynh đệ (Koinonia) là kết quả của việc “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”.[ix]

2. Giáo hội muốn các tín hữu tiếp xúc với Kinh Thánh

Công đồng Vat. II, Hiến chế Mặc khải xác định rõ ràng: “Giáo hội luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Mình Chúa Kitô”.[x] Nói cách khác, các tín hữu quí trọng đón rước Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể thế nào, thì họ cũng phải tôn kính đón nhận Lời Chúa như vậy. Tiếp đó, Công đồng khuyến khích các tín hữu không ngừng học hỏi Kinh Thánh: “Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh”.[xi]

Trong Tông huấn Lời Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhắc lại nhiệm vụ tiếp cận lời Chúa của các tín hữu khi nói: “Giáo dân cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của các vị mục tử hợp pháp”.[xii] Ngài đòi các vị mục tử “phải giúp đỡ những người trẻ có sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như chiếc la bàn chỉ cho biết con đường phải theo”.[xiii] Với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài khẳng định: “Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa mở rộng cho mọi tín hữu”.[xiv] Vì thế, ngài kêu gọi “các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện”.[xv]

Trong Thư mục vụ 2005 với chủ đề “Sống Lời Chúa” của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường ưu tiên vai trò của Kinh Thánh trong đời sống của người tín hữu: “Yêu mến Kinh Thánh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Kinh Thánh, mà con là siêng năng đọc Lời chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời”. Vì thế, HĐGMVN đề nghị: phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu, nghĩa là tạo phương tiện và cơ hội để các Kitô hữu tiếp xúc với Lời Chúa; tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh Thánh, vì Lời Chúa chưa có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống các Kitô hữu Việt Nam.[xvi]

III. Giáo phận Cần Thơ tổ chức các lớp Kinh Thánh tại các họ đạo

1. Cố gắng của Đức cha Stêphanô

Xác định Kinh Thánh là cột trụ căn bản cho đời sống các Kitô hữu, năm 2003, Đức Cha Stêphanô đã thành lập lớp Kinh Thánh đầu tiên tại Tòa Giám Mục cho bà con giáo dân tại thành phố Cần Thơ. Ba năm sau, thêm một lớp Kinh Thánh nữa tại hạt Đại Hải. Bước khởi đầu của Đức cha tuy khiêm tốn, nhưng bền bỉ, và là bước quan trọng, đặt nền tảng cho các lớp Kinh Thánh sau này.  

2. Thành lập Ban Kinh Thánh

Năm 2013, Ban Kinh Thánh được thành lập gồm: 1 trưởng ban cấp giáo phận và 7 trưởng ban cấp hạt. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của các cha sở và các bề trên, tính đến cuối năm 2020, giáo phận đã có 75 lớp Kinh Thánh: hạt Cần Thơ: 15 lớp; hạt Vị Thanh: 9 lớp; hạt Trà Lồng: 9 lớp; hạt Đại Hải: 14 lớp; hạt Sóc Trăng: 10 lớp; hạt Bạc Liêu: 9 lớp; hạt Cà Mau: 9 lớp.

Hiện tại, với sự trợ giúp đắc lực của cha giáo Kinh Thánh Pr. Lê Tấn Lợi, Ban Thánh Kinh đã có trọn bộ Tân Ước – Cùng học Lời Chúa; riêng bộ Cựu Ước, đã xuất bản được cuốn Cùng học Lời Chúa – Sách Sáng thế. Hy vọng cuối năm 2021, chúng ta sẽ có cuốn Cùng học Lời Chúa – Sách Xuất hành.  

Kết luận

Bên cạnh ba cột trụ căn bản nâng đỡ đời sống giáo dân Việt Nam: (1) cử hành các bí tích, (2) tổ chức các lớp giáo lý, (3) các kinh đọc, chúng ta cần thêm cột trụ thứ 4: Kinh Thánh, vì đây là cột trụ căn bản của đời sống các tín hữu.

Noi gương cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, Giáo hội luôn đề cao vai trò của Kinh Thánh trong đời sống của cộng đoàn và cá nhân các tín hữu, và sẵn sàng tạo điều kiện để mỗi người có thể tiếp xúc với Kinh Thánh, là kho tàng sự thật và sự sống.

Trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam thời mở cửa với những tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn có một số quan ngại cho đời sống đức tin của các Kitô hữu. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, người con Chúa cần được Lời Chúa soi sáng và dẫn dắt.

Cám ơn Chúa đã cho chúng ta những vị mục tử tốt lành, luôn quan tâm đến Kinh Thánh và tìm những phương cách giúp các tín hữu đến gần với Lời Chúa. Xin Chúa Thánh Thần, Bổn Mạng của Ban Kinh Thánh, soi sáng và đốt nóng tâm hồn mỗi người, để tâm hồn chúng ta luôn là thửa đất tốt, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa.


[i] Nguyễn Cao Siêu, “Giáo dân học hỏi Kinh Thánh,” Trong Đại hội Kinh Thánh toàn quốc, của Ủy ban Kinh Thánh, Nha Trang: n.p., 2019, 141.

[ii] Mt 4,4.

[iii] UBKT, Ủy ban Kinh Thánh trực thuộc HĐGMVN, 30 11 2017, http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ub-kinh-thanh-31413 (đã truy cập 3 6 2019).

[iv] ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên, “Các hoạt động mục vụ Kinh Thánh trong giáo phận,” Trong Đại hội Kinh Thánh Toàn quốc, của Ủy ban Kinh Thánh, Nha Trang: n.p., 2019, tr. 69.

[v] Cv 2,42;46.

[vi] ĐGM. Giuse Võ Đức Minh, “Lời Chúa bền vững đến muôn đời,” Trong Đại hội Kinh Thánh Toàn quốc, của Ủy ban Kinh Thánh, Nha Trang: n.p., 2019, tr.20-24.

[vii] Lc 22,20.

[viii] Cl 3,16.

[ix] Lc 8,21.

[x] MK – “Hiến chế Mặc khải,” Trong Công đồng Vat. II, TP. HCM: NXB. Tôn Giáo, 2012, s. 21.

[xi] MK 26.

[xii] VD – Tông huấn Lời Chúa, TP. HCM: NXB. Tôn Giáo, 2010, s. 84.

[xiii] VD 104.

[xiv] EG – Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, TP. HCM: NXB. Tôn Giáo, 2013, s.175.

[xv] EG 175.

[xvi] HĐGMVN, Thư mục vụ năm 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Sống Lời Chúa, Vũng Tàu: n.p., 2005.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here