CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 16,1-13
A. Hạt giống…
Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu dạy môn đệ mình cách xử dụng tiền bạc của cải vật chất. Trước tiên Ngài dùng một dụ ngôn (người quản gia), và sau đó nói về cách xử dụng tiền của.
1. Dụ ngôn người quản gia : đối với dân Do thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. BJ nói quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.
– Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy nợ ?…).
– Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của : Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.
2. Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của :
– Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”.
– Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau.
– Phải coi tiền của là đầy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ.
– Chính những người được coi là đạo đức như Biệt phái mà cũng mang tính tham lam.
B. … nảy mầm.
1. Mặc dù người quản gia trong dụ ngôn này không tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản gia làm dụ ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải xử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.
2. Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :
– Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
– Chỉ một đồng thôi.
– Còn tô lớn kia ?
– Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :
– Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói :
– Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
– Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
– Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
3. “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại”. (Lc 16, 8b)
Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.
Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý : dự phòng cho tương lai. Đời này đã có thể an tâm, còn dự phòng cho cuộc sống đời sau, hẳn hạnh phúc hơn nhiều.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)
4. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” : Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết ; a/ Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó ; b/ tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa !
5. Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó :
– Tôi vẫn còn làm chủ nó : khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…
– Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…
6. Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi :
– Ngài có định mua gì về không ?
– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng : “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng :
– Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên :
– Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước. (Góp nhặt)