SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN C
CHÚA NHẬT XV TN C
LỜI CHÚA: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:
“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
SUY NIỆM:
Câu hỏi được đặt ra trong bài Tin Mừng hôm nay là: “Nhưng ai là anh em của tôi?” để thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu: “hãy thương mến anh em như chính mình”.
Anh em ở đây không phải dựa trên huyết thống hay mối quan hệ xã hội, mà anh em là người đối xử tốt với tôi, dù họ là ai.
Đối xử tốt không chỉ là hành động, mà còn là tư tưởng và lời nói, bao gồm tất cả mọi sự mang lại lợi ích cho tôi. Nó còn là cảm giác an toàn, hạnh phúc khi được ở bên một người nào đó.
Như vậy đối xử tốt để trở thành người anh em của chúng ta là cả một quá trình tử tế của một người nào đó, bất chấp quan hệ huyết thống, tôn giáo, chính trị, xã hội,… miễn là tôi được an toàn khi ở bên cạnh họ.
Chúa Giêsu đã đối xử với mọi người như vậy, Ngài không phân biệt bất cứ một ai, nhưng mọi người đều được Ngài yêu thương, giúp đỡ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã ban cho con những người anh chị em để đối xử tốt với con; và xin cho con cũng trở nên người anh em với hết thảy mọi người để con có thể chu toàn lề luật Chúa.
THỨ HAI
LỜI CHÚA: Mt 10, 34 – 11, 1
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
SUY NIỆM:
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận ra theo Chúa là phải chấp nhận những thách đố, thách đố đó đôi khi ngay chính trong gia đình của mình vì nhiều khi có những người thân không muốn chúng ta giữ đạo, cản trở chúng ta sống đạo, làm cơ cho chúng ta lỗi đạo.
Nhưng nếu chúng ta đã chọn Chúa thì chúng ta phải mạnh dạn để vượt qua tất cả. Điều đó làm cho chúng ta càng tin tưởng hơn vì biết rằng không phải mình “bị Chúa dụ dỗ” bằng những lời lẽ ngọt ngào, nhưng là chính tình yêu thương của Chúa mời gọi để chúng ta đi trên một con đường chẳng mấy ai đi, nhưng con đường đó lại mang đến hạnh phúc đích thực cho chúng ta.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con một đức tin mạnh mẽ để con có thể dám từ khước những gì cản trở con đến với Chúa.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Mt 11, 20-24
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
“Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.
SUY NIỆM:
Hậu quả của những thành không đón nhận lời Chúa mặc dù được Chúa ưu ái thường xuyên tới lui để rao giảng.
Tại sao những thành này không chịu sám hối khi đã được nghe giảng và chứng kiến nhiều dấu lạ của Chúa? Thưa bởi vì đây là những thành khá giả hơn những thành khác, giàu hơn, văn minh hơn, hiểu biết thánh kinh thông thạo hơn… Chính vì vậy mà họ đã tự cao, tự đại mà không chịu sám hối.
Một trong những lý do khiến con không đón nhận Chúa là sự kiêu ngạo. Khi tâm hồn đã đầy ắp những thứ khác thì sẽ không có chỗ dành cho Chúa nữa. Kiêu ngạo có nghĩa là không biết sự thật nơi bản thân mình, để rồi sống với những giá trị ảo. Kiêu ngạo có nghĩa là cậy dựa vào những cái mình đang có và nghĩ rằng như thế là đủ rồi, không cần gì nữa cả. Kiêu ngạo có nghĩa là bám víu vào những giá trị bên ngoài và bằng mọi giá cho người khác thấy được điều đó… Nói tóm lại, kiêu ngạo là cậy dựa vào những thế lực khác ngoài Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con bớt dựa vào sức mình để biết dựa vào sức Chúa. Thực ra, sức con có gì đâu vì tất cả đều là Chúa. Xin cho con nhận ra quyền năng Chúa đang hành động mọi nơi, mọi lúc, mọi giây phút trong cuộc đời con.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Mt 11, 25-27
Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”.
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng này diễn ra trong bối cảnh Chúa Giêsu gặp nhiều thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho vùng đất ven biển hồ Galilêa. Vậy mà Chúa vẫn mở miệng ra để chúc ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Mt 11, 25a).
Trong cuộc sống ít khi chúng ta có được tâm tình như Đức Giêsu, vẫn tin tưởng, vẫn cậy trông dù cho gặp thất bại. Sở dĩ Chúa có được tâm tình đó là vì Chúa ý thức sứ mạng của mình đến là để thi hành thánh ý của Chúa Cha chứ không phải làm việc cho chính bản thân mình.
Khi con người ý thức được cuộc sống và công việc của họ là để làm theo thánh ý Chúa thì điều trước hết là họ sẽ không cậy dựa vào sức mình, kế đến họ sẽ không chán nản thất vọng khi gặp khó khăn. Sau cùng họ sẽ không tự cao tự đại khi gặp thành công, vì họ biết tất cả đều bởi Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu thương của Chúa qua việc vất vả ngược xuôi loan báo Tin Mừng của Chúa cho loài người chúng con. Xin cho con biết cần đến Chúa.
THỨ NĂM
LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
SUY NIỆM:
Chúa không hứa cất bỏ những gánh nặng cho chúng ta. Thực ra Chúa có thể dùng quyền năng của Ngài để loại khỏi cuộc đời những vất vả, những gánh nặng, nhưng cách hành động của Chúa là muốn để mọi sự diễn ra theo một trật tự của nó. Hơn nữa nếu Chúa làm như vậy, con người sẽ cảm thấy mình không có giá trị, một người ăn bám, một người chỉ biết đón nhận mà không nổ lực gì hết. Chúa để mọi sự diễn ra theo trật tự là muốn sự cộng tác của con người, để họ nhận thấy mình được yêu thương chứ không phải mình được bố thí.
Tuy nhiên, đứng trước vất vả, gánh nặng của con người, Chúa không để con người đơn độc, nhưng Chúa đã cùng sống, cùng chia sẻ những vất vả, những gánh nặng đó. Hơn thế nữa, Chúa còn nói: “Tất cả những ai đang vất vả gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Điều đó cho chúng ta thấy được Chúa yêu mình đến mức nào. Chúa sẽ làm cho những vất vả của con người được vơi đi, làm cho những gánh nặng của họ được nhẹ nhàng. Vì vậy mỗi khi con người gặp những gian nan thử thách mà biết chạy đến với Chúa thì chắc chắn họ sẽ được tình yêu và quyền năng của Chúa nâng đỡ, vỗ về.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, cuộc đời của con đầy dẫy những gánh nặng nề. Xin cho con biết chạy đến với Chúa chứ đừng tìm an ủi nơi những xa hoa phù phiếm hay tình cảm của con người. Đồng thời vì Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhượng nên con cũng phải biết sống hiền lành và khiêm nhượng với anh chị em con. Có như thế con mới thể hiện được mình là một người con của Chúa.
THỨ SÁU
LỜI CHÚA: Mt 12, 1-8
Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ’, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.
SUY NIỆM:
Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta mọi việc làm phải phát xuất từ tấm lòng, từ tình yêu thương mới có giá trị. Chúa đã ban cho dân của Chúa mười điều răn, mười điều răn đó được tóm gọn lại trong hai điểm: mến Chúa- yêu người. Vì vậy, mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của con người phải là tình yêu thương dành cho chính Chúa và từ đó hướng đến tha nhân. Khi việc làm phát xuất từ tình yêu, là chúng ta đã làm với tất cả tấm lòng.
Nhìn lại đời sống đạo của mình, những thực hành đạo đức của chúng ta đôi khi phát xuất từ nhiều lý do. Có khi vì gia đình có đạo nên phải làm theo truyền thống gia đình. Có khi vì sống giữa xóm đạo nên không đi đọc kinh, xem lễ thì người ta nói không chịu nỗi. Có khi vì rảnh rang không biết làm gì nên đến nhà thờ cho vui. Cũng đôi khi vì có đạo mà không giữ đạo thì lỡ chết sẽ bị xuống hoả ngục nên cố gắng giữ vậy… Những động cơ đó hoàn toàn không phát xuất bởi tình yêu, nên dẫu cho làm những việc đó thật nhiều, cũng không đạt kết quả gì, vì Chúa nói: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt12,7).
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con một con tim đủ lớn để có thể thấy được tình yêu của Chúa. Vì có thấy được tình yêu của Chúa con mới đáp lại bằng tất cả cuộc sống con.
THỨ BẢY
LỜI CHÚA: Mt 12, 14-21
Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:
“Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.
SUY NIỆM:
Dù bị những người Pharisêu tìm cách giết, Chúa phải bỏ trốn đi nơi khác, nhưng Chúa vẫn thi thố tình yêu thương của Chúa qua việc: “Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết” (Mt12,15b).
Tình yêu không biên giới! Tình yêu không quản ngại khó khăn gian khổ! Tình yêu bất chấp mọi sự! Dù có làm nhiều việc vĩ đại, nhưng Chúa lại không muốn cho người khác biết về mình. Từ đó chúng ta nhìn đến hai thứ KHÔNG của tình yêu: Tình yêu không quản ngại và tình yêu không khoe khoang.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Xin cho con một sự can đảm để không có gì có thể ngăn cản con yêu Chúa và anh chị em con. Xin cho con một sự khiêm tốn để con không khoe khoang với Chúa và anh chị em mình.