Wednesday, January 15, 2025
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Tuần 14 |Mùa Thường niên

Lc 10,1-12.17-20

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này đã được Phụng vụ cắt bớt khúc giữa (cc 13-16), để chỉ còn lại hai phần chính : Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng (cc 1-12), và các môn đệ rao giảng xong trở về kể chuyện cho Ngài nghe (cc 17-20).

1. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng :

– Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.

– “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.

– “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.

– “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.

– “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp. 

– “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.

– “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.

– “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).

– “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18 ; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).

– “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ. (1Cr 10,27)

– “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.

– “Phủi bụi chân” : người Do thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là thuộc về họ.

– Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề còn hơn Sôđôma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin mừng là cơ hội cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.

2. Sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các môn đệ vui mừng kể lại cho Chúa Giêsu nghe những thành công của mình. Nhân dịp này Đức Giêsu nhận xét về kết quả ấy của họ : Ngài chia vui với họ vì những thành công ấy. Nhưng Ngài cho biết họ càng nên vui mừng hơn vì Thiên Chúa đã coi họ là công dân của Nước Trời. (“tên các con được ghi trên trời”)

B. … nảy mầm.

1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu Việt Nam chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.

2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.

3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là : cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất. (túi tiền, bao bị, giày dép…)

4. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.

5. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”.(Lc 10,4)

Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong…

Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con : Đã quen rồi bóng râm của tiện  nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.

Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con. (Hosanna)

6. “Các con chớ vui mừng vì các tà thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời” : sau những thành công trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo, tôi cũng rất vui. Tôi vui vì những thành công đó, tôi vui vì được người ta khen ngợi, tôi vui vì đã phục vụ… Chúa Giêsu nhắc tôi một niềm vui lớn hơn gấp bội : vui vì được kể là công dân Nước Chúa, vui vì được làm cộng sự viên của Chúa, vui vì hạnh phúc vĩnh viễn mai sau.

7. “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép”. (Lc 10,3-4)

Vị phán quan đã tuyên án tử hình cho một tốp thanh niên công giáo nhất quyết không chối bỏ đức tin. Bản án này được dành cho họ nhằm ngăm đe những người công giáo khác.

Họ đã tiến ra pháp trường, không như kẻ chiến bại nhưng với gương mặt hiền từ của những kẻ chiến thắng, chờ lãnh nhận triều thiên vinh hiển Nước Trời.

Chúa sai các môn đệ đi, như bầy chiên con đi vào giữa bầy sói mà chẳng có gì để phòng thân ngoài Thánh Thần Tình yêu và lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Chúa cũng sai con đi. Nhưng Chúa ơi, làm sao con có thể đi được một khi vai còn chất nặng đủ thứ, chân còn bị ràng buộc đủ điều. Con sợ, rất sợ phải đánh đổi những thứ ấy cho một tương lai đầy bất ổn.

Xin ban Tình yêu và sức mạnh của Người cho con. Ôi lạy Chúa. (Epphata) 

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here